Có lẽ trong lịch sử đào tạo Đại học ở Việt Nam, chưa có một luận văn thạc sĩ nào làm hao tổn giấy mực bằng luận văn thạc sĩ của giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội Đỗ Thị Thoan, nhất là kể từ cô bị thu hồi bằng Thạc sĩ. Vụ này đặt ra vấn đề về tự do học thuật ở Việt Nam, khiến nhiều trí thức trong và ngoài nước đã phải lên tiếng phản đối, trong đó có giáo sư Phạm Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS.
RFI : Thưa Giáo sư Phạm Xuân Yêm, với tư cách là một cựu giám đốc nghiên cứu CNRS, ông đánh giá thế nào về vụ thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thi Thoan?
GS Phạm Xuân Yêm :
Dù là khoa học nhân văn, xã hội, kinh tế hay tự nhiên, ngành khoa học
nào cũng vậy, nếu có sự thu hồi văn bằng đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) theo
tôi, phải tuân thủ những quy tắc phổ quát về đạo đức và những tiêu
chuẩn thuần túy khoa học. Thực ra trong môi trường đại học và nghiên cứu
nói chung, ở nhiều nước đã từng xảy ra sự rút lại công trình nghiên cứu
đã được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành khi người ta phát
hiện có sự đạo văn nghiêm trọng, các dữ liệu được ngụy tạo, hoặc có gian
dối.
Sự thu hồi, sau bốn
năm cấp phát, bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan (nhà văn Nhã Thuyên) đã
phạm phải ba sai lầm nghiêm trọng: (1) vi phạm qui định của Bộ Giáo dục
và Đào tạo về việc thu hồi bằng cấp đã phát; (2) vi phạm những nguyên
tắc căn bản và đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải công bằng và minh bạch;
(3) vi phạm quyền tự do học thuật ở Đại học, nhất là Đại học Sư phạm là
nơi đào tạo giáo chức thì lại càng phải tôn trọng mẫu mực tự do nghiên
cứu và giảng dạy. Đại học Sư phạm không thể phản sư phạm được.
Luận
văn thạc sĩ của nhà văn Nhã Thuyên đã được hội đồng giám khảo cho điểm
tối đa, được các chuyên gia và những người có chuyên môn trong lĩnh vực
văn học như GS TS Trần Đình Sử, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên,
nhà văn hóa Nguyên Ngọc, nhà báo và bình luận gia Nguyễn Vạn Phú và
nhiều người nữa đánh giá cao. Thế mà sau 4 năm, đùng một cái, ai đó
trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lén lút thiết lập một Hội đồng
tái thẩm định việc cấp bằng thạc sĩ cho Nhã Thuyên và quyết định thu hồi
văn bằng này một cách độc đoán, phi lý và phi pháp mà không cho đương
sự, giáo sư hướng dẫn luận văn (bà Nguyễn Thị Bình) và hội đồng Đánh giá
luận văn được biết để phản biện, đặt mọi người vào sự đã rồi, thực là
xúc phạm họ.
Luận án của Nhã Thuyên không có
chuyện đạo văn, gian lận dữ liệu, nhờ người viết giùm, không vi phạm bất
cứ điều gì trong Qui chế cấp bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tước
bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên chỉ vì bà đã chọn đề tài nghiên cứu là nhóm
Mở Miệng. Ông Phan Trọng Thưởng, một thành viên trong hội đồng Thẩm
định lại luận văn của Nhã Thuyên, cho rằng nhóm Mở miệng là một ‘’hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động." Ông còn viết thêm : ‘’Luận văn lại được viết bằng một văn phong trôi chảy, có sự mở rộng trên cả hai lĩnh vực văn chương và chính trị, vì vậy, đây là luận văn nguy hiểm, cần được chỉ ra các sai sót để hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội và văn học.’’( http://vanvn.net/news/14/4614-pgsts-phan-trong-thuong--de-hieu-ro-hon-thuc-chat-cua-mot-luan-van.html )
RFI: Báo chí chính thức ở Việt Nam, như tờ Nhân Dân, cho là Đỗ Thị Thoan đã sai lầm khi chọn đối tượng nghiên cứu là nhóm Mở Miệng, một nhóm bị coi là "phản văn hóa", "có ý đồ chính trị đen tối". Giáo sư nghĩ sao về lập luận này?
GS Phạm Xuân Yêm:
Dĩ nhiên ai cũng có quyền phê bình đề tài nghiên cứu của luận án (hiện
tượng Mở miệng), nhưng giá trị tự tại và tố chất của luận án là do sự
bình phẩm, đánh giá nghiêm túc của giới văn học và chuyên gia trong
ngành mà trước hết của hội đồng giám khảo luận án. Đề tài luận án là một
chuyện, còn nghiên cứu về đề tài đó - theo những phuơng pháp luận thuần
túy khoa học - lại là chuyện khác. Dùng quan điểm chính trị giáo điều
mang nặng tư duy của thời chiến tranh lạnh để quy chụp và vu khống Nhã
Thuyên trong việc chọn chủ đề nghiên cứu là vi phạm nghiêm trọng tinh
thần tự do học thuật. Tự do học thuật được hiểu là "sự tự do của người
dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu
mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay
áp lực công cộng."
Đó là một nguyên tắc không
nên được rút gọn bởi những toan tính chính trị. Như nhà bình luận Nguyễn
Vạn Phú viết : hận cá (Mở miệng) mà chém thớt (Nhã Thuyên và gián tiếp
bà Nguyễn Thị Bình) ! Thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ
lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, đi phê bình một luận văn thạc
sĩ của một trường đại học, mà không nói gì đến phương pháp luận, tính
khoa học, cách thể hiện của luận văn, mà chỉ tìm những câu trích phục vụ
cho việc phê phán nói trên. Một giấu ngoặc : Nhà xuất bản Giấy vụn của
nhóm Mở miệng đã ấn hành chui 40 tác phẩm chất lượng, trong đó có cuốn
‘’Mekong, dòng sông nghẽn mạch’’ của tác giả Ngô Thế Vinh.
Vì
vậy tôi cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng tinh thần tự do học
thuật, sự vụ đã bị chính trị hóa theo quan điểm của nhà cầm quyền. Chính
vì vậy chúng tôi đã soạn thảo lá Thư Ngỏ để ủng hộ các đồng nghiệp
trong cộng đồng giáo dục và nghiên cứu sinh hoạt ở trong nước, chia sẻ
những bức xúc với các đồng nghiệp trong và ngoài nước, phản đối sự vi
phạm nghiêm trọng tinh thần tự do học thuật, phản đối sự chính trị hóa
công việc giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường.
Chúng
ta nói nhiều, bàn nhiều về đổi mới và cải cách toàn diện nền giáo dục
nước nhà, nhưng điều này chỉ có thể nếu những nhà chức trách nhận thức
rõ tầm quan trọng của tự do học thuật, và tôn trọng các nguyên lý của
chúng.
RFI : Tại Pháp, theo ông biết, trong những trường hợp nào có thể rút bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ?
Giáo sư Phạm Xuân Yêm : Nói
chung, việc thu hồi bằng cấp đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tôi chưa hề
biết một trường hợp nào đã xảy ra, ít nhất là trong môi trường đại học
và nghiên cứu ở Pháp. Việc thu hồi văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ theo tôi
hiểu chỉ có thể nếu phát hiện rõ rằng trong luận án có sự đạo văn nghiêm
trọng, hoặc các dữ liệu trong luận văn được ngụy tạo, có sự gian dối
của tác giả luận án. Việc xem xét để rút bằng phải tuân thủ các qui
trình công khai, minh bạch, công bằng và tất cả những người liên quan
đến văn bằng được phản biện.
RFI : Mục đích của bức thư ngỏ phải chăng là để đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do học thuật, tự do nghiên cứu nói riêng và tự do tư tưởng nói chung?
GS Phạm Xuân Yêm : Như
đã nói ở trên, mục đích chính của Thư Ngỏ là để chia sẻ những bức xúc
của các đồng nghiệp trong nước, tán thành ủng hộ họ, đồng thời phản đối
sự vi phạm nghiêm trọng nguyên lý tự do học thuật, phản đối chính trị
hóa mọi công việc nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường.
Theo
tôi, rõ ràng có sự can thiệp với động cơ chính trị từ cấp cao mà trường
Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ là đơn vị thừa hành. Hành động phi học
thuật, phản khoa học, phản dân chủ này có mục đích ngăn cấm tự do nghiên
cứu và tự do tư tưởng, răn đe những người làm luận văn thạc sĩ hay tiến
sĩ trong tương lai không được chạm vào những đề tài ‘’nhạy cảm’’. Đây
là một bước thụt lùi lớn trong tiến trình hội nhập thế giới văn minh,
nhất là khi các nhà lãnh đạo luôn luôn nhắc nhở giáo dục đại học phải nỗ
lực đạt "đẳng cấp quốc tế’’.
Để kết thúc, xin
kể một câu chuyện có thực, nhà vật lý học Albert Einstein vinh tặng nhà
toán học Kurt Goedel huy chương Einstein đợt đầu tiên với một câu đại
khái như sau: bạn đâu cần gì huy chương này, nhưng nó lại rất cần uy tín
của bạn cho những đợt sau.
Theo tôi, Nhã Thuyên
đâu cần bằng thạc sĩ của Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng nếu trả lại văn
bằng cho Nhã Thuyên thì danh tiếng của trường tăng lên gấp bội trong
lòng dân tộc vì đã dám phá rào.
RFI : Xin cám ơn Giáo sư Phạm Xuân Yêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét