Đoan Trang
Báo chí Việt Nam đưa tin, vào rạng sáng ngày 18/4/2014, “một nhóm đối tượng người Trung Quốc” (không nói họ là người Duy Ngô Nhĩ) đã “vượt biên trái phép vào Việt Nam” và bị bắt giữ, dẫn giải ra cửa khẩu để trả về Trung Quốc. Sự việc này dẫn tới một vụ nổ súng giữa họ với cơ quan biên phòng Việt Nam, làm chết 7 người, trong đó có 2 chiến sĩ Việt Nam.
Sau sự cố ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, trong cộng đồng mạng nảy sinh một số câu hỏi: Nên hay không nên thương xót những người Trung Quốc bị bắn chết, tự sát, hoặc bị trả về Trung Quốc? Việc họ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có cần phải bị trừng phạt bằng cách cưỡng bức hồi hương? Nếu không thì nên cư xử với họ như thế nào? Hành động của nhà chức trách Trung Quốc trong trường hợp này có vi phạm chủ quyền Việt Nam?
Bài trả lời phỏng vấn dưới đây của luật sư Vi Katerina Tran, Văn phòng Luật Vi K. Tran, San Jose, California, có thể cung cấp cho độc giả Việt Nam một số thông tin để giúp giải đáp các câu hỏi đặt ra.
* * *
1.
Báo Tiền Phong, dẫn lại Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh, cho
biết: “Vào hồi 4 giờ 20 sáng ngày 18/4/2014, một nhóm 16 người Trung
Quốc gồm 10 nam, 4 nữ và 2 trẻ em đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
qua khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh),
trên đường thâm nhập sâu vào nội địa đã bị các cơ quan chức năng của
Việt Nam phát hiện, bắt giữ và dẫn giải ra cửa khẩu để tiến hành làm các
thủ tục trao trả lại phía Trung Quốc theo quy định và thông lệ quốc tế.”
Xin luật sư cho biết quy định và thông lệ quốc tế cụ thể nào có thể được dẫn chiếu trong trường hợp này?
Tôi
nghĩ đó là Cao ủy LHQ về Người Tị Nạn (UNHCR), Công ước LHQ về Người Tị
Nạn năm 1951 và Nghị định thư năm 1967 của nó. Còn có một số công ước
và tuyên bố khác, phù hợp cho từng khu vực cụ thể. Ví dụ, có các công cụ
pháp lý về người tị nạn áp dụng cho châu Phi, châu Mỹ Latin, và EU.
Cũng có khá nhiều điều luật về nhân quyền quốc tế bổ sung thêm cho các
quyền của người tị nạn được quy định trong Công ước năm 1951. Các nhà
nước thực hiện cam kết bảo vệ quyền của người tị nạn thông qua những
nghĩa vụ của họ về nhân quyền.
2. Người tị
nạn chính trị được định nghĩa như thế nào? Nói cách khác, có những tiêu
chí nào để chúng ta xác định một cá nhân nào đó là người tị nạn chính
trị?
Không có khái niệm “người tị nạn chính
trị”, mà chỉ có khái niệm “người tị nạn” thôi bạn. Theo Cao ủy LHQ về
Người Tị Nạn, Công ước LHQ về Người Tị Nạn năm 1951 quy định rằng người
tị nạn là bất cứ ai “vì một nỗi sợ thâm sâu về khả năng bị ngược đãi, do
các lý do liên quan đến sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, tư cách thành
viên của một nhóm xã hội cụ thể, hoặc do quan điểm chính trị, mà phải ở
bên ngoài quốc gia mà người đó mang quốc tịch, và không thể, hoặc – cũng
vì nỗi sợ đó – không muốn tìm kiếm sự bảo vệ của quốc gia đó”.
3. Vậy trong vụ việc gần đây ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chúng ta có thể coi những người Duy Ngô Nhĩ đó là người tị nạn không?
Cách
hành xử đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Hoa trong những năm gần đây
đã gây ra sự quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Tôi nhớ là vào
năm 2009, quốc tế từng kêu gọi không trục xuất 9 người Duy Ngô Nhĩ khỏi
Campuchia. Mới đây, lại có những lời kêu gọi tương tự trong cộng đồng
quốc tế, yêu cầu chấm dứt việc trục xuất những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ
đang ở Thái Lan.
Tôi tin rằng căng thẳng giữa
sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và tộc Hán ở tỉnh Tân Cương đã leo thang kể từ tháng
7/2009, sau vụ đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Urumqi
[Urumqi, tiếng Hán Việt là Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương
– PV]. Từ những gì tôi đọc được, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương không
được đối xử bình đẳng với người Hán, và cũng chưa bao giờ được đối xử
bình đẳng kể từ khi Trung Hoa kiểm soát khu vực này vào khoảng năm 1949.
Họ không được phép làm một số công việc thuộc khối chính quyền. Việc
hành đạo của họ bị kiểm soát và ngăn cản. Họ bị bắt giam, bị đánh đập
nếu dám đòi quyền bình đẳng và các quyền con người cơ bản. Theo tôi, sắc
tộc Duy Ngô Nhĩ ở Trung Hoa chắc chắn phù hợp với định nghĩa về người
tị nạn của Công ước LHQ năm 1951.
Xác những người Duy Ngô Nhĩ bị chất lên ba xe bò, trả về Trung Quốc.
Hình như bức ảnh đã bị gỡ khỏi các trang báo (chính thống) của Việt Nam.
4. Theo luật quốc tế, những người đó nên được đối xử như thế nào?
Khi
một người chạy vào một quốc gia khác, gọi là “nước chủ nhà”, thì nước
chủ nhà có nghĩa vụ tiến hành tự đánh giá để xác định xem người đó có
đáp ứng định nghĩa quốc tế về người tị nạn hay không.
Một
trong các quyền căn bản của người tị nạn là được nước chủ nhà bảo vệ
khỏi nước mà họ chạy trốn, và không bị trao trả về nước mà họ chạy trốn
đó, bởi vì nếu không người tị nạn đó có thể phải đối mặt với những đe
dọa nghiêm trọng về tính mạng hoặc quyền tự do. Đây là nguyên tắc không trao trả, nằm trong Điều 33 Công ước LHQ năm 1951.
Công
ước năm 1951 này cũng quy định các quyền cụ thể của người tị nạn trên
nước chủ nhà. Ví dụ, quyền không bị trục xuất (Điều 32), quyền có chỗ ở
(Điều 21), quyền được giáo dục (Điều 22), quyền được làm việc (Điều
17-19), v.v.
Mặc dù Việt Nam không ký Công ước LHQ năm 1951, song nguyên tắc không trao trả
– cấm việc gửi trả người tị nạn về lãnh thổ nơi tính mệnh hoặc quyền tự
do của người đó bị đe dọa – được coi là một quy định thuộc tập quán
pháp quốc tế. Với đó, Nghị định thư năm 1967 quy định rằng nguyên tắc không trao trả có tính ràng buộc đối
với tất cả các nước, bất kể họ có tán thành Công ước 1951 hay Nghị định
thư 1967 hay không. Không được phép ngăn chặn một người tị nạn – vốn
đang đi tìm sự bảo vệ cho mình – nhập cư vào một quốc gia khác, nếu
không thì sẽ tạo thành hành động trao trả.
Việt
Nam ở trong số nhiều nước Đông Nam Á không có điều luật nào quy định về
quyền của những người đang xin tị nạn hoặc người tị nạn. Tuy nhiên, tôi
tin rằng UNHCR thực sự đã xây dựng các quy định về tị nạn, mặc dù thiếu
vắng một cơ chế cho tị nạn mang tính quốc gia trong khu vực. Trong
trường hợp Việt Nam, UNHCR đã làm việc với chính phủ Việt Nam về vấn đề
người vô tổ quốc (tức là không được công nhận quốc tịch, không được có
tư cách công dân của quốc gia nào – PV). Do đó, có sự hiện diện của
UNHCR ở Việt Nam chứ không phải là không.
Cá
nhân tôi muốn đề nghị Nhà nước Việt Nam cấp nơi trú ẩn tạm thời cho
người tị nạn, đồng thời tìm sự hỗ trợ và hướng dẫn từ UNHCR để giải
quyết vấn đề này, nếu Việt Nam không có điều luật nào liên quan đến
người tị nạn và người đang xin tị nạn.
Tuy
nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, rằng bất kể các quy định và luật
lệ riêng của Việt Nam về người tị nạn là như thế nào, thì Chính phủ Việt
Nam vẫn bị buộc phải thực hiện đúng nguyên tắc không trao trả,
có nghĩa là họ không được phép gửi trả những người tị nạn ở nước mình về
nước xuất phát để rồi những người đó sẽ bị ngược đãi; họ cũng không
được từ chối, không cho những người tị nạn đó vào Việt Nam, khi mà người
ta đang chạy trốn khỏi quốc gia xuất thân của người ta.
Ở
một nước có luật pháp quy định về quyền của người tị nạn và người đang
xin tị nạn, nói chung, từ phía nước đó sẽ phải có sự tiếp nhận và hỗ trợ
di chuyển, quá cảnh, với sự hỗ trợ từ UNCHR.
UNHCR
phối hợp với chính phủ các nước trên khắp thế giới để giúp họ giải
quyết các khó khăn mà họ phải đương đầu trong vấn đề người tị nạn và
người đang xin tị nạn (người đang xin tị nạn là người nhận họ là người
tị nạn, tuy nhiên, tư cách tị nạn của họ chưa được xác định rõ ràng). Ví
dụ như một chương trình 10 điểm mà UNHCR đang triển khai, chương trình
này xác lập các lĩnh vực chính cần có hành động để giải quyết vấn đề
nhập cư giữa các nước xuất phát, nước quá cảnh và nước định cư cuối
cùng.
-------
Luật sư Vi
Katerina Tran là thành viên của Đoàn Luật sư Quốc tế (International Bar
Association, IBA), và có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo
vệ nhân quyền theo luật pháp quốc tế.
Kỳ sau: Sự hiện diện của phía Trung Quốc và vấn đề chủ quyền
Đ.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét