Một biến cố bất thường xảy ra ở biên giới Việt – Trung vốn đã im ắng tiếng súng từ hơn 2 thập niên nay. Theo báo chí trong nước,
nhóm 16 người, gồm 10 nam giới, 4 phụ nữ và 2 trẻ em đã thâm nhập nội
địa Việt Nam, lúc 4 giờ sáng ngày 18/4. Trên đường vượt biên họ bị công
an cửa khẩu bắt và đưa ra cửa khẩu để “làm thủ tục trao trả Trung Quốc
theo quy định và thông lệ quốc tế”. Thủ tục trao trả đang được tiến hành
ở phía Việt Nam thì vụ thảm sát xảy ra.
Vẫn theo báo trong nước, những người vượt biên đã cướp súng của bộ
đội biên phòng Việt Nam và chống cự lại. Việc vổ súng khiến 7 người
chết, trong đó có 2 bộ đội biên phòng Việt Nam. 5 người vượt biên thiệt
mạng do kết quả của vụ đọ súng và nhẩy lầu tự tử.
Câu hỏi xung quanh những bức ảnh
Sau khi vụ việc xảy ra ít giờ, có những hình ảnh về nhóm người vượt
biên này không xuất hiện trên bất kỳ tờ báo chí chính thống nào, nhưng
lại được chia sẻ nhanh chóng trên một số trang mạng xã hội. Trái với tâm
lý bài Trung Quốc như thường thấy lâu nay trong dân chúng, những hình
ảnh được công bố đã nhận được sự cảm thông, xót xa của nhiều người.
Những bức ảnh cho thấy, nhóm người vượt biên, được báo chí viết
chung chung là người Trung Quốc, thực chất là sắc dân hồi giáo Duy Ngô
Nghĩ (Uyghur) thuộc khu tự trị Tân Cương.
4 người phụ nữ với khăn trùm và trang phục hồi giáo cùng 2 đứa trẻ sợ
sệt dắt díu nhau được trao trả cho một đám lính Trung Quốc với súng
ống đầy người cho thấy một viễn cảnh không lấy gì làm sáng sủa đang chờ
đợi họ phía bên kia biên giới.
Do yếu tố lịch sử và địa lý để lại, người Uyghur luôn bị coi như đứa
‘con ghẻ’ ngay trên mảnh đất của cha ông mình. Sau những xung đột với
người Hán mấy năm gần đây, người Uyghur càng bị thanh trừng và phân biệt
đối xử. Chính sách hà khắc và bất công của nhà cầm quyền khiến nhiều
người bỏ quê hương ra đi, tạo nên một luồng di dân. Không có điều gì đảm
bảo, đám đàn bà trẻ nhỏ không bị trừng phạt khi rơi vào tay công an
Trung Quốc – bộ máy cai trị vốn nằm trong tay người Hán.
2 bức hình gây sốc khác là thi thể của những người chết và có thể cả
người bị thương nằm chồng chất lên nhau trên mấy chiếc xe bò. Trong số
đó, có người bị còng tay, không rõ đã chết hay bị thương. Đành rằng,
hành động cướp súng của mấy người trong toán vượt biên và chống trả lại
lực lượng biên phòng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và gây ra cái
chết cho 2 bộ đội Việt Nam. Nhưng, ngay cả khi họ là tội nhân họ vẫn có
những quyền tối thiểu, như được băng bó hay sơ cứu vết thương, nếu đã
chết phải được che đậy mặt mũi, thân thể.
Một số bình luận trên các trang mạng xã hội bày tỏ sự lo ngại cho số
phận những người bị hồi hương cũng như lên án sự vô nhân đạo được phơi
bày trên mấy bức hình. Cũng có những câu hỏi đặt ra xung quanh hành xử
của phía Việt Nam đã đúng chuẩn mực hay chưa, điều gì đã khiến những di
dân này quẫn bách tới mức cướp súng chống trả. Và điều gì đã khiến họ
chấp nhận cái chết bằng cách nhảy lầu, thay vì bị trả về phía bên kia
biên giới?
Bên cạnh chuyện nhân đạo, không ít người đặt vấn đề chủ quyền khi
trong bức ảnh là hình những lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri qua lãnh
thổ Việt Nam để áp giải người Uyghur. Mặt khác, nếu những người vượt
biên đã phạm tội gây chết người trên lãnh thổ Việt Nam, thì họ phải bị
giam giữ, lấy cung, điều tra và xét xử theo khuôn khổ pháp luật Việt
Nam. Việc trao trả vội vã khiến người ta liên tưởng, Việt Nam chỉ là một
tỉnh lị của Trung Quốc, chứ không phải một quốc gia có chủ quyền.
Vượt biên -góc nhìn từ châu Âu
Việt Nam chưa phải là một quốc gia đủ giầu có và đủ nhân ái để trở
thành đích đến cho những người nhập cư. Nhưng do vị trí địa lý, Việt Nam
có thể trở thành điểm ‘quá cảnh’ cho một số người xuất phát từ những
dân tộc ít may mắn hơn như người Tân Cương, Tây Tạng, Bắc Hàn để họ đến
được với thế giới tự do. Một trường hợp khá nổi tiếng được ghi nhận đã
vượt biên qua ngả Việt Nam để tới Đức là nhà văn Lưu Diệc Vũ của Trung Quốc. Và may mắn, ông đã vượt thoát.
Nhà nước Việt Nam có thể chưa có những chính sách hay kinh nghiệm ứng
xử với người nhập cư nói chung và vượt biên vào lãnh thổ Việt Nam nói
riêng, nhưng trong mấy thập niên qua, Việt Nam nằm trong top đầu về vượt biên cả bằng đường biển, đường hàng không, đường bộ.
Gần triệu người đã ra đi sau chiến tranh qua làn sóng thuyền nhân,
trong đó chừng vài trăm ngàn nằm lại biển cả. Và tiếp theo là những
người vượt biên vào châu Âu vẫn lắc rắc diễn ra cho tới nay.
Chưa có ai viết cặn kẽ về những ‘rừng nhân’ và chặng đường khổ ải mà
họ phải luồn rừng lội suối kéo dài hàng tháng, thậm chí có khi cả năm để
tới được châu Âu; từ đi bộ luồn rừng, bị lèn trong các xe bít kín, bị
xếp lẫn với hàng hóa, nằm chồng chất trong cốp ô tô, bị bắt đi bắt lại.
Mỗi ngườicó thể có một kết cục khác nhau, nhưng châu Âu nói chung và Ba
Lan nói riêng có những chính sách nhất quán và khá cởi mở với người
vượt biên.
Những người vượt thoát sau vài năm sinh sống,thường làm được giấy tờ
cư trú, trở thành người hợp pháp qua những đợt ân xá của chính quyền.
Nếu sang được Đức hay các quốc gia giầu có hơn, các trại viên còn được
nhận tiền trợ cấp và được tự do đi lại, đi làm chui, rồi thỉnh thoảng
trình diện sở di trú. Tùy theo chính sách cũng như ngân sách của từng
quốc gia, những người nhập sư được hỗ trợ hội nhập bằng việc học tiếng
miễn phí, tìm hiểu pháp luật, thậm chí học nghề.
Những người vượt rừng bị bắt được đưa vào các trại dành cho người tị
nạn, được ăn uống và chăm sóc y tế đầy đủ. Rồi, tùy theo thỏa thuận của
các bên liên quan, họ được trả tự do hoặc trả lại phía bên kia biên
giới. Thông thường, những người này lại tiếp tục đợt vượt biên khác, cho
tới khi thoát được.
Nhưng cũng có trường hợp, người vượt biên chứng minh được, sẽ bị
ngược đãi khi trở về hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo mà chỉ điều kiện y tế
ở châu Âu mới có thể chữa được, thì họ sẽ được chấp nhận tị nạn.
Anh Đoàn Hoa,
một người thông thạo về vấn đề nhập cư tại Séc chia sẻ về trường hợp,
một phụ nữ Việt Nam đã tìm đường qua Séc xin tị nạn kinh tế. “Trong
các trường hợp khác thì chắc chắn đơn của chị sẽ bị bác bỏ và trong vòng
15 ngày sẽ phải rời đất Séc. Khi vào nhập trại tị nạn, như tất cả mọi
người khác, chị cũng phải qua khâu kiểm tra sức khỏe. Chính nhờ kiểm tra
mà các bác sĩ đã phát hiện được chị ta mắc bệnh ung thư. Giám đốc trại
báo cáo lên Bộ Nội Vụ. Bộ Nội Vụ trao đổi với Bộ Ngoại Giao và cuối cùng
ĐSQ Séc ở Hà Nội được giao trách nhiệm xác minh khả năng chữa ung thư ở
Việt Nam. Tất nhiên việc chữa bệnh không thể trì hoãn nên dù chưa có
kết quả nhưng chị ta vẫn được đưa vào bệnh viện. Sau khi nhận được báo
cáo từ Hà Nội về khả năng xấu nếu người phụ nữ này phải trở lại Việt Nam
thì Bộ Nội Vụ đã đồng ý cho chị đó hưởng chế độ tị nạn”. Cũng xin
lưu ý rằng, người phụ nữ này đã không phải trả một đồng nào trong suốt
quá trình khám chữa bệnh, và những năm sau bệnh viện vẫn tiếp tục kiểm
tra định kỳ miễn phí cho chị.
Từ câu chuyện trên, anh Đoàn Hoa đưa ra so sánh, nếu người
Uyghur vượt biên trái phép thì công an cửa khẩu cũng phải giữ họ lại
dưới hình thức tạm giam để lấy khẩu cung chứ không thể ngay lập tức lùa
họ trở lại Trung Quốc như lùa cừu
Cần phải thừa nhận rằng, chính sự rộng lượng và chính sách nhân đạo
của nhiều quốc gia đã góp phần hình thành nên cộng đồng người Việt hải
ngoại với hơn 4 triệu dân hiện nay. Và cộng đồng này đang làm giầu cho
đất nước bằng hàng (chục) tỉ đô la kiều hối gửi về hàng năm.
Chưa ai đòi hỏi Việt Nam phải xây trại hay chữa bệnh miễn phí cho
người tị nạn, nhưng là một quốc gia mang ơn thế giới vì họ đã cưu mang cả
triệu người vượt biên, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần có cái nhìn cởi mở
hơn và nhân ái hơn với những người ở các dân tộc khác, vì lý do gì đó
buộc phải trốn chạy khỏi quê hương mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét