Chu Chi Nam
Sau khi Poutine sát nhập Crimée vào
Nga, tình hình Ukraine vẫn còn nóng bỏng, nhiều cuộc vận động chính trị,
ngoại giao, nhiều lời tuyên bố, tất nhiên nhiều bài bình luận, và nhiều
dự đoán tiên liệu là Poutine có ngừng tại đây hay tiếp tục thừa cơ lấn
chiềm cả vùng lãnh thổ phía đông Ukraine.
Từ khi bà cựu Ngọai trưởng Hoa Kỳ,
Hilary Clinton, trong một buổi họp mặt gây quỹ tại Californie đã so sánh
hành động của ông Poutine với hành động của Hitler. Từ đó, khiến người
ta liên tưởng đến Đệ Nhị Thế Chiến (1939 – 1945), tới Chiến tranh Lạnh (
1945 – 1990), tới lời tuyên bố cũng của một người cựu Ngoại trưởng Hoa
kỳ, ông Henry Kissinger trong thời gian Chiến tranh Lạnh: “Hoa kỳ không
có bạn mà chỉ có đồng minh” tới cuộc tranh hùng tư bản – cộng sản và xa
hơn nữa, tới câu của một nhà tư tưởng quân sự :
«Thượng
sách là công tâm – trung sách công lương - hạ sách mới tới công thành».
Công tâm đây là dùng chiến tranh tâm lý, chính trị, ngoại giao. Công
lương là chiến tranh kinh tế. Công thành là chiến tranh quân sự.
Xét quá khứ, qua 3 câu nói trên, chúng ta hãy suy ngẫm về chiến lược ngoại giao của Hoa kỳ hiện nay tại Ukraine.
Khác với thời Đệ Nhất (1914 – 1918) và
Đệ Nhị thế Chiến (1939 – 1945), Hoa kỳ luôn đợi cho cuộc chiến gần ngã
ngũ, rồi mới nhảy vào, lần này Hoa kỳ nhảy vào cuộc đối đầu với Nga ở
Ukraine rất sớm, chẳng hạn như hôm mồng 06/03, trong khi các nguyên thủ
Âu châu đang họp ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, chưa có quyết định, thì
Tổng thống Hoa Kỳ, trong một bài diễn văn, đã đưa ra những biện pháp
trừng phạt Nga về ngoại giao và kinh tế.
Giống như thời gian Chiến tranh Lạnh,
Hoa kỳ lần này ở Ukraine, cũng đặt ưu tiên cho giải pháp ngoại giao và
kinh tế. Ngay từ lúc đầu, qua chỉ thị của tòa Bạch ốc, đối với những cơ
quan cấp dưới, thì không có vụ bàn về giải pháp quân sự, đó là chính
thức được công bố, còn họ bàn kín thì không rõ.
Nói đến giải pháp kinh tế, nhớ đến câu
nói của Bà Hilary Clinton, ví Poutine hiện nay với Hitler, làm người ta
nhớ tới Staline và hội Nghị Yalta, ở Crimée, thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Yalta nằm ngay phía đông của Crimée,
nhìn ra Hắc hải ( Mer Noire), là nơi nghỉ hè của Nga hoàng khi xưa, sau
đó được đảng Cộng sản Liên sô dùng làm nơi nghỉ hè của cán bộ cao cấp.
Hội nghi Yalta họp từ ngày 4 đến 11
tháng hai năm 1945, gồm 3 nguyên thủ của 3 đại cường quốc lúc bất giờ:
Roosevelt của Mỹ, Churchill của Anh và Staline của Liên sô, bàn về thế
giới sau Đại Chiến, vì vào lúc đó Đức quốc xã của Hitler bị đặt vào tình
trạng chắc chắn sẽ thua.
Cũng xin nói sơ về hội nghị này, nó
chứng tỏ rất rõ ràng chính sách công tâm và công lương của Hoa Kỳ, ngược
lại chính sách công thành của Staline suốt thời gian sau này trong thời
kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ba người đến hội nghị này với những dự
tính khác nhau: Roosevelt đến hội nghị với lý tưởng xây dựng một thế
giới hòa bình trong tương lai, dựa trên sự thành lập tổ chức Liên Hiệp
quốc, với 5 quyền phủ quyết mà ông cho rằng là 5 cột trụ chính trong Hội
Đồng Bảo An của tổ chức này để duy trì hòa bình. Đồng thời ông nghĩ đến
việc xây dựng kinh tế và trao đổi thương mại trong tương lai. Chính vì
vậy mà ông đã tổ chức Hội nghị Bretton Woods và một hiệp ước được ký kết
bởi 44 quốc gia vào tháng 7 năm 1944, tại đây, sau khi ông chết vào
ngày 12 tháng 4 trước đó, chết đúng 2 tháng sau hội nghị Yalta.
Hội nghị Brettons Wood qui định về hệ
thống tiền tệ quốc tế và sự trao đổi mậu dịch với sự ra đời của Quĩ Tiền
tệ quốc tế ( FMI) và Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).
Chúng ta cũng nhớ, trước đó là tất cả
những tiền tệ thế giới đều dựa trên kim bản vị, có nghĩa là được bảo đảm
bằng vàng, nhất là đối với những cường quốc. Nhưng Hoa kỳ biết rằng,
sau Đệ Nhị Thế Chiến, các nước Âu châu kinh tế bị kiệt quệ, số vàng
trong ngân hàng quốc gia bị giảm sút, mà nhu cầu trao đổi thương mại sẽ
tăng, cần nhiều tiền tệ. Nếu giữ kim bản vị, thì không có vàng để bảo
đảm, chính vì vậy, Hoa kỳ, qua hội nghị Bretton Wood, đã đưa ra nguyên
tắc “Gold Exchange Standard”, có nghĩa là cho phép các nước Âu châu vừa
lấy kim bản vị vừa lấy Dollar bản vị. Nói một cách cụ thể dễ hiểu, lấy
trường hợp cụ thể như Ngân hàng Trung ương Đức, trong kho dự trữ có cả
vàng lẫn Dollars, thì có thể phát hành đồng Đức Mã dựa trên tương quan
giữa vàng và Đức mã theo qui định của chính phủ, và đồng thời cũng có
thể phát hành đồng Đức Mã dựa trên tương quan giữa Đô la và Đức Mã,
chẳng hạn tương quan đó là 1 Dollar ăn 3 Đức Mã, thì nếu Đức có dự trữ 1
tỷ $ trong Ngân hàng trung ương, thì Đức có thể phát hành 3 tỷ Đức Mã,
cộng với phần Đức Mã phát hành dựa trên vàng. Nhưng chúng ta nên nhớ một
điều rằng Hoa kỳ lúc nào cũng nói và giữ nguyên tắc là Đồng $ trị giá
như vàng, nhất là đối với các ngân hàng quốc gia trung ương, nếu lúc nào
muốn đổi ra vàng thì Hoa kỳ sẵn sàng đổi. Tuy nhiên số $ trên thị
trường càng ngày càng nhiều, số vàng của ngân hàng trung ương Hoa kỳ
không thể cung ứng sự đổi ra vàng được. Hiện tượng này cứ kéo dài mãi
cho tới năm 1968, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon lấy quyết định qua một
sắc luật là Dollar từ giờ phút này không còn được đổi ra vàng nữa, vì $
không phải chỉ dựa trên kim bản vị, mà dựa trên sức mạnh của kinh tế
Hoa kỳ và lòng tin của mọi người. Đây là một quyết định, theo một số nhà
kinh tế, thì có tính cách tân đế quốc và lợi dụng lòng tin của người
khác.
Tân đế quốc ở chỗ Hoa Kỳ được coi như
ông chủ xòng bạc, ông chủ xòng bạc đã là đế quốc rồi, nhưng ông chủ này
còn có thể in số lượng tiền ra bao nhiêu cũng được để chơi, không có cái
gì để bảo chứng, nên bao giờ cũng thắng.
Lợi dụng lòng tin người khác ở chỗ là
những ngân hàng trung ương của các nước khác, ngay như hiện nay, lúc nào
cũng dự trữ khoảng 70% Dollars, so với những ngoại tệ khác, và người
dân thường, các nhà buôn, lúc nào đi du lịch hay buôn bán vẫn muốn cầm
Dollar, vì dễ trao đổi. Kinh tế Hoa kỳ phát triển liên tục, tất nhiên có
một vài lần khủng hoảng, do nhiều nguyên do, nhưng một trong những
nguyên do chính là từ hệ thống tiền tệ này.
Điều này nó còn cắt nghĩa sự kiện hai
quốc gia và có thể nói ở bình diện quốc tế, dự trữ số $ nhiều nhất hiện
nay là 2 quốc gia Á châu, Trung cộng vào khoảng gần 3 000 tỷ $ và Nhật
hơn 2 000 tỷ $.
Đây là 2 quốc gia buôn bán và thặng dư nhiều nhất với Hoa Kỳ.
Lấy trường hợp Trung cộng: Trao đổi
giữa Hoa kỳ và Trung cộng một năm là vào khoảng gần 400 tỷ $, trong đó
Trung cộng bán sang Hoa Kỳ vào khoảng 300 tỷ và mua của Hoa kỳ vào
khoảng 100 tỷ, thặng dư có lợi cho Trung cộng là khoảng gần 200 tỷ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao như vậy ?
Nền kinh tế Trung cộng trong những thập
niên gần đây chủ yếu là để xuất cảng, tuy nhiên với phần lớn các nước
khác trên thế giới là thất thâu, chỉ với Hoa kỳ là bội thâu, như vừa
nói. Tuy nhiên để giúp đỡ những nhà xuất cảng Trung cộng, thì nước này
bắt buộc phải làm thế nào để giá trị đồng $ trên thị trường quốc tế và
nhất là quốc nội phải ở giá cao. Theo trường phái Kinh tế Số lượng (
Ecole quantitative), thì chúng ta lấy tổng số tiền Nhân dân tệ là M1
(Nhân dân tệ) và M2 (Tổng số Dollar), trên thị trường. Nếu chúng ta lấy
M1 chia cho M2, thì sẽ ra giá trị của Dollar so với Nhân dân tệ.
M1/M2 = Giá trị Dollar.
Giá trị này tăng hay giảm là tùy theo sự tăng giảm của M1 và M2.
Nếu M1 tăng mà M2 giữ nguyên hay M1 giữ
nguyên mà M2 giảm, thì trị giá Đollar tăng hay ngược lại. Chính vì vậy
để cho $ tăng, nhằm giúp những nhà xuất cảng của mình sang Mỷ, chính
quyền trung ương Trung Cộng, gần như lúc nào cũng phải bỏ tiền của mình
ra mua Dollar; và cũng vì vậy mà số dự trữ $ của Trung cộng rất lớn và
lúc nào cũng tăng. Tuy nhiên Trung cộng không dám tung $ ra thị trường
thế giới, làm như vậy là tự giết những nhà xuất cảng của mình đầu tiên.
Cũng lợi dụng tình trạng đó, Hoa Kỳ cứ in $ ra một cách không bảo chứng,
để dùng tiền này làm nhiều việc trong đó có việc làm tăng trưởng kinh
tế, việc chạy đua vũ trang v..v…
Một điều đáng ngạc nhiên là người ta
chỉ nghe những lời chỉ trích Trung cộng là luôn đi theo một chính sách
tiền tệ, kìm hãm đồng Nhân dân tệ rẻ hơn so vơi đồng Dollar từ 10 đến 15
% trên thị trường để giúp đỡ chính sách kinh tế nhằm vào xuất cảng,
nhất là sang bên Hoa kỳ; nhưng người ta lại không nghe những lời chỉ
trích Hoa kỳ in Dollar ra mà không có vàng bảo chứng, bảo rằng Dollar
dựa trên nền kinh tế Hoa kỳ, nhưng nhiều khi nền kinh tế này khó khăn
lại chính là lúc chính phủ cho in tiền ra để tiêu xài hay tìm cách hạ
giá lãi xuất của Ngân hàng Trung Ương (taux d’escompte), để vực dậy kinh
tế.
Trở về hội nghị Yalta, chúng ta vừa nói
đến ý định của Roosevelt, nay xin nói đến Churchill và Staline.
Churchill đến với hội nghị là để bảo vệ đế quốc Anh, làm thế nào để nó
không bị sụp đổ. Còn Staline đến với hội nghị là trên nguyên tắc đồng ý
với Roosevelt nhưng trên thực tế thì làm thế nào để bành trướng đế quốc
cộng sản, cho quân tràn sang những nước Đông Âu, rồi xúi dục những đảng
cộng sản bản xứ nổi lên cướp chính quyền. Điều này không những Staline
làm ở Đông Âu, mà còn ở Tàu, Việt Nam và Hàn quốc.
Nguyên việc hội nghị Yalta được tổ chức
tại vùng bờ biển Crimée, đối diện ra biển Hắc Hải, do Staline tổ chức
đã cho thấy ưu thế của Liên sô lúc đó. Trong hội nghị, Staline đã nịnh
bợ Roosevelt hết cỡ là mời ông làm chủ tịch luôn tất cả những buổi họp;
nhưng đây là một dụng ý thâm độc của ông, vì làm như vậy ông loại được
một địch thủ, nay chỉ còn mình ông đối đầu với Churchill. Ngay cả việc
xắp xếp chỗ ở của 3 phái đoàn, ông chọn 3 cái biệt thự nằm xiên nhau
theo hình 3 góc của 1 tam giác. Như thế là có thể kiểm soát sự đi lại
của 2 phái đoàn khác, dù sao ông biết họ vẫn là bạn lâu đời.
Từ đó, sau hội nghị Yalta cho tới ít
nhất vào giữa thời gian Chiến tranh Lạnh, nhiều sử gia cho rằng kẻ chiến
thắng lớn nhất trong hội nghị là Staline. Tuy nhiên ngày hôm nay, sau
chiến Tranh Lạnh, đế quốc Liên sô sụp đổ, tất nhiên do rất nhiều lý do,
nhưng trong đó có 2 lý do chính là công tâm và công lương, người ta mới
suy nghĩ lại, cho rằng kẻ chiến thắng sau cùng chính là Hoa kỳ.
Nói đến hội nghị Yalata, đến Chiến
tranh Lạnh, mà không nói đến hội nghị Potsdam, thì quả là một điều thiếu
xót, vì có người cho rằng chính tại hội nghị này đã bắt đầu chiến tranh
Lạnh, chứ không đợi đến bài diễn văn của Churchill vào năm 1947, tại
một đại học Hoa kỳ, cho rằng một bức màn sắt đã kéo xuống để ngăn cách 2
thế giới tư bản và cộng sản.
Potsdam là một thị trấn nhỏ ở phía tây
nam Berlin. Hội nghị kéo dài từ ngày 17/7 tới ngày 2/8/ 1945, giữa
Truman, Tổng thống Hoa Kỳ, Staline, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên sô,
và Churchill, Thủ tướng Anh, sau được thay thế bởi Atlee, vì đảng của
Churchill bị thất cử.
Trong hội nghị này, người Cố vấn của
Hội đồng An ninh quốc gia Hoa kỳ, ông Paul Nitzé, đã mang theo quyển
truyện Trại Xúc vật cuả nhà văn hào Anh, Georges Orwells, và đã lấy ý từ
quyển sách này để làm ra Chiến lược Be Bờ ( Politique d’Endiguement),
sau đó được gói ghém trong một chỉ thị được mang tên là Chỉ thị số 56
của Hội đồng An ninh quốc gia, mà những nhà ngoại giao Hoa kỳ cho là kim
chỉ nam trong suốt thời gian chiến tranh Lạnh, cho tới khi bức tường Bá
Linh sụp đổ, thì ông Paul Nitzé, lúc đó đang làm Trưởng Phái đoàn trong
Hội nghị Thương thuyết về vấn đề Tài giảm binh bị tại Genève, Thụy sĩ,
đã tuyên bố: “ Chúng ta đã chiến thắng Chiến tranh Lạnh”. (1)
Người khác đưa ra lý do thứ nhì: Đó là trong hội nghị Potsdam này, Truman đã thông báo cho Staline việc Hoa kỳ có bom nguyên tử.
Rồi sau đó 2 trái bom nguyên tử được
thả xuống Hiroshima ngày 6/8 và ngày 9/8/1945 xuống Nagashaki. Có người
người cắt nghĩa nguyên do của 2 trái bom này với 3 giả thuyết:
1) Để trả thù Nhật đã tấn công vào lực lượng hải quân Hoa kỳ ở Trân châu cảng vào ngày 7/12/1941, mà không tuyên chiến.
2) Để kết thúc chiến tranh sớm với Nhật.
3) Để cảnh cáo Liên sô không dám tiến quân thêm để tràn sang các nước Tây Âu.
Thực ra thì cả 3 nguyên do đều đúng,
nhưng nguyên do thứ 3 quan trọng nhất vì nó nằm trong kế hoặch dài hạn,
nói lên sự đối đầu Liên sô – Mỹ trong gần nửa thế kỷ. Còn hai nguyên do
đầu, thì một thuộc về quá khứ, một thuộc về ngắn hạn, vì trong chính phủ
Nhật hoàng lúc đó đã có phe đánh tiếng xin đầu hàng.
Có người ngạc nhiên rằng mặc dầu Paul
Nitzé không phải là người Á châu, nhưng Chỉ thị 56 của ông phản ảnh đúng
tư tưởng của Tôn Tử, một nhà chiến lược quân sự thời Xuân thu Chiến
quốc bên Tàu ( 722 – 256, trước Tây Lịch), theo đó: “ Phàm giữa các
chiến quốc, trong chiến tranh: Thượng sách là công tâm, trung sách là
công lương, hạ sách mới tới công thành.”
Theo Chỉ thị số 56 của Paul Nitzé,
thì “ Phải kiên nhẫn chờ đợi. Cố làm thế nào để Liên sô không dùng
những nước Tây Âu để bắt chẹt Hoa kỳ. Phải hành xử khéo léo để đưa Liên
sô trở lại con đường tôn trọng tự do dân chủ và hội nhập vào cộng đồng
thế giới. Làm thế nào để ngăn chặn cộng sản tràn xuống vùng Đông Nam Á.”
Những câu trên nói rõ sự lưu tâm, quan trọng của công tâm và công lương. (1)
Trở về vấn đề Ukraine:
Hiện nay, Poutine cho quân tràn sang
vùng Crimée và sát nhập vùng này vào Nga, Hoa kỳ cũng chỉ nói đến việc
dùng áp lực kinh tế, làm nhiều người nghĩ đến chiến tranh Lạnh lại tái
diễn là như vậy.
Tuy nhiên có rất nhiều điểm khác biệt giữa thời nay và thời sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Ukranine là một quốc gia có diện tích
gần gấp 2 lần Việt Nam, là 604 000 Km2 ; dân số bằng nửa, là 45,6 triệu
người ; sản lượng hàng năm tính theo đầu người là gấp 2, với 7 420,7 $,
trong khi Việt nam là 3625,2$ ; cũng có một lịch sử kéo dài cả ngàn năm
và cũng nhiều lần bị các đế quốc đô hộ và xâu xé.
Vào thế kỷ thứ 13, Ukraine bị đô hộ bởi
đế quốc Mông cổ, sau khi đế quốc này sụp đổ, thì bị đô hộ bởi đế quốc
Nga, rồi đế quốc cộng sản Liên sô, cho tới ngày đế quốc Liên sô sụp đổ
thì Ukraine được độc lập. Đấy là chưa nói vào thời gian Đệ Nhất thế
Chiến, Ukraine bị đô hộ bởi đế quốc Áo Hung, trong thời gian Đệ Nhị Thế
Chiến, dân Ukhraine nổi lên chống Liên sô. Hành động này họ phải trả một
giá rất đắt, đó là sau thế chiến, Staline đã cho quân lính tràn sang
đàn áp dân Ukraine, đưa đến hậu quả cả triệu người chết.
Tinh hình gần đây tại Ukraine:
Như chúng ta đã theo dõi, từ 3 tháng
nay, thủ đô nước Ukraine là nơi mà các cuộc biểu tình chống chính quyền
độc tài thân Nga, của ông Viktor Ianoukovictch, khiến cho quốc hội xứ
này truất phế ông và đồng thời chỉ định người thay thế và một chính
quyền lâm thời.
Sở dĩ có những cuộc biểu tình trên là
vì ông này đang thương thuyết một hiệp ước hội nhập vào khối Âu châu,
rồi bỗng từ bỏ, chấp nhận lời đề nghị của tổng thống Nga, ông Poutine,
theo đó Nga sẽ giúp Ukraine 15 tỷ $ và giảm 1/3 giá dầu và khí đốt cho
Ukraine.
Đó là sự tranh chấp giữa phe thân Nga và thân Âu châu.
Lỗi của khối Âu châu, là từ sau khi
Ukraine giành được độc lập, năm 1991, nhất là từ cuộc hủng hoảng kinh tế
năm 2008, tới nay, kinh tế Ukraine rất tồi tệ. Ukraine hiện mắc nợ tới
35 tỷ $. Thế giới và khối Âu châu chỉ nhắc tới và chú trọng đến tình
trạng khó khăn của Hy lạp, Tây ban nha và Bồ đào nha, gần như quên lãng
Ukraine.
Về phía Hoa kỳ cũng vậy, lại đi một
chính sách ngoại giao nước đôi với cả Ukraine và khối Âu châu. Hoa kỳ
muốn rằng Ukraine theo Hoa Kỳ vào khối OTAN, chứ không muốn nước này
theo Nga hay theo khối Âu châu. Đã từ lâu, Hoa kỳ không muốn khối Âu
châu yếu, nhưng cũng không muốn khối này đủ mạnh để có thể tranh quyền
độc tôn của Hoa kỳ.
Theo một nhà nghiên cứu về địa lý chiến
lược chính trị, ông Brezenski, cựu cố vấn an ninh vào thời tổng thống
Carter, trong quyển Bàn cờ Chiến lược thế giới, ông luôn luôn nhắc nhở
hiểm họa sự trổi dậy của đế quốc cộng sản Nga, coi Ukraine có một vị trí
địa lý chiến lược quan trọng cho cuộc tranh hùng tại Âu châu trong
tương lai.
Phải chăng lời tiên đoán của ông cựu cố
vấn đang xẩy ra? – Có một phần, nhưng ngày hôm nay, như trên đã nói,
nước Nga chỉ còn là một cường quốc bậc trung, để đi đến siêu cường,
tranh hùng, tranh bá với thế giới, còn rất nhiều yếu tố khác, và con
đường còn dài.
Tại sao Poutine lại phản ứng mạnh và bà Hilary Clinton lại ví Poutin với Hitler:
Trở lại đôi chút tình hình thế giới trước và sau Đệ Nhị Thế Chiến:
Hitler lên nắm chính quyền ở Đức năm
1933, sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 – 1930, coi thường
tất cả những hiệp ước quốc tế, tái võ trang Đức. Trước khi xẩy ra Đệ nhị
Thế chiến, Đức đã xua quân chiếm đóng nước Áo và vào tháng 9/1938, cũng
viện lý do là để bảo vệ hơn 3 triệu người Đức sống ở Tiệp Khắc, đã giàn
quân tạo áp lực sát biên giới nước này. Phản ứng thế giới lúc đó nhất
là các đại cường quốc Anh, Pháp, Hoa kỳ thì như thế nào?
Hoa kỳ lúc đầu luôn giữ vai trò trung
lập, tổng thống Hoa Kỳ Franklin Rosevelt, cho tới năm 1939, trong cuộc
vận động tranh cử, vẫn hứa với dân là không tham chiến. Mãi tới cuối năm
1941, khi Nhật tấn công Trân châu cảng, mà ngày hôm nay nhiều sử gia,
nhiều nhà bình luận cho rằng đây là một hành động dụ Nhật mắc bẫy, để có
lý do tham chiến của chính quyền Hoa kỳ lúc bấy giờ.
Anh, Pháp vì mới bị ảnh hưởng nặng nề
trận Thế chiến thứ Nhất, kinh tế bị kiệt quệ, cố nhịn nhục chấp nhận
hành động của Hitler, qua cuộc họp thượng đỉnh Munich ngày 29/9/1938, đã
ép Tiệp Khắc giao cho Đức toàn vùng Sudeten, nơi có hơn 3 triệu người
gốc Đức cư ngụ. Về sau này người ta thường nói đến “Tinh thần Munich”,
tinh thần chủ hòa quá mức, đi đến tinh thần chủ bại là vậy, như câu nói
của Churchill: “Chúng ta cố chịu nhục để có hòa bình. Nhưng kết quả
chúng ta được những gì? không những vẫn bị nhục mà chúng ta còn có chiến
tranh”.
Hành động gửi quân xâm lăng nước ngoài
giữa Hitler và Poutine ngày hôm nay về hình thức thì giống nhau, nhưng
về nội dung thì hơi khác: Hitler ngang nhiên gửi quân đội, dưới đất thì
lục quân, xe tăng, cán hàng rào ngăn cản giữa 2 nước, trên không thì máy
bay ngang nhiên xâm phạm không phận của nước Áo. Ngày hôm nay Poutine
kín đáo hơn, gửi quân qua vùng Crimée, thuộc Ukraine, qua những hiệp ước
được quốc tế công nhận trong đó có cả Nga.
Chính vì vậy mà có người cho rằng sẽ có
một cuộc thế chiến mới. Họ không phải là không có lý, vì nhìn vào tình
hình thế giới hiện nay, nhất là tại Âu châu, cũng giống tình hình Âu
châu trước Đệ Nhị thế chiến: cũng có cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
vào năm 2 008, mà Âu châu hiện nay gượng dậy rất khó khăn, cũng có những
phong trào quốc gia cực đoan, quá khích nổi dậy ở phần lớn các nước Âu
châu. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những nguyên nhân tất yếu, chưa phải là
nguyên nhân đủ, để đi đến kết luận. Người và quốc gia có thể gây ra thế
chiến là Poutine và nước Nga. Nhưng nếu so sánh giữa nước Nga hiện nay
và nước Đức trước Thế Chiến, thì có khác, nước Đức thời Hitler không
thua hai nước Anh và Pháp bất cứ trên phương diện nào. Ngày hôm nay nước
Nga chỉ còn là một cường quốc bực trung, không còn là siêu cường như
thời Liên sô.
Trở về đường lối chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ về Ukraine:
Tại sao có người lại ví chiến lược này
giống như thời Chiến tranh Lạnh, chủ yếu nhằm công tâm và công lương hơn
công thành. Đây là chiến lược mà Hoa kỳ đã dùng để đánh sụp đế quốc
cộng sản Liên sô trước đây. Ngày hôm nay mộng của Poutine, như nhiều
người đều rõ, là muốn gầy dựng lại đế quốc Liên sô trước đây, hay xa hơn
nữa là đế quốc Nga hoàng trước thời cộng sản.
Cách cai trị của Poutine là cách cai
trị độc tài, tham quyền cố vị, đã 2 nhiệm kỳ làm tổng thống, sau đó lùi
về làm thủ tướng, rồi lại ra ứng cử lại lần thứ 3. Cách cai trị này dựa
trên công an, mật vụ, đàn áp đối lập, và dựa trên một số những nhà tỷ
phú, thân chính quyền, tham nhũng, hối lộ, những ai không thân và chống
lại thì tìm cách làm khó dễ hay bỏ tù. Cách cai trị của cựu tổng thống
Ukranie, ông Ianoukovicht, cũng vậy, sao y bản chính của Poutine. Chỉ
cần nêu một thí dụ điển hình là con trai ông này chỉ có mấy năm mà đã
trở thành tỷ phú, trong khi đó thì đời sống người dân bị khủng hoảng
kinh tế càng ngày càng trở nên khó khăn.
Mộng của Poutine có khả thế thành công hay không?
Rất là mỏng manh, xin nói rõ ở một dịp
khác, vì ngày hôm nay Nga không còn là một siêu cường, mà chỉ là một
cường quốc bực trung. Tổng sản lượng hàng năm của Nga là 2014, 8 tỷ $,
tất nhiên thua Hoa Kỳ, Trung cộng, Nhật và thua luôn cả Đức, là 3399,6
tỷ, ngay cả thua Pháp và Anh là 2 612,9 và 2 435,2 tỷ. Nga không sản
xuất được mặt hàng tiêu dùng gì trên thị trường quốc tế ngoài việc xuất
cảng dầu và khí đốt, chiếm tới gần ½ tổng sản lượng quốc gia, mà theo
nhiều nguồn nghiên cứu đáng tin cậy, thì từ nay đến năm 2017, giá dầu
khí thường dùng sẽ sụt xuống một nửa, nếu không là 1/3. Vào những thập
niên 70 - 80 - 90, người ta cần đến những nước dầu hỏa, ngày hôm nay
ngược, những nước dầu hỏa lại cần đến những nước tiêu thụ, để có nguồn
thâu lợi. Nước xuất cảng dầu hỏa đứng đầu trên thế giới là Arabye
Sahoudite, đã giảm mức độ sản xuất để giữ giá trên thị trường. Một thí
dụ điển hình là nướvc Đức, nhập cảng phần lớn dầu hỏa và khí đốt của
Nga, nhưng trên thực tế ngày hôm nay, Nga cần Đức mua dầu hỏa của mình
để có tài chánh, hơn là Đức, vì nước này có lượng dầu dự trữ 6 tháng
và trong thời gian này có thể mua dầu và khí đốt từ các nước khác trên
thị trường quốc tế.
Chiến lược ngoại giao công tâm, công
lương của Hoa kỳ, nhiều người cho rằng nó đã lỗi thời ngày hôm nay khi
áp dụng với Nga, vì ảnh hưởng kinh tế và thương mại của Hoa kỳ với nước
này không lớn, thua cả khối Âu châu.
Thật vậy, chiến lược công tâm, công
lương của Hoa kỳ đối với Nga, thì công thành tức dùng giải pháp quân sự
gần như không có, nhất là với chính quyền Obama hiện nay. Công lương thì
ảnh hưởng kinh tế thương mại giữa Nga và Hoa kỳ không nhiều. Chỉ còn
lại công tâm là dùng chiến tranh tâm lý và vận động ngoại giao.
Trong 3 lãnh vực, hai lãnh vực sau, Hoa
kỳ thiếu những con bài tẩy về chiến lược ngoại giao hơn khối Âu châu.
Và phải chăng từ đó Hoa kỳ phải lên tiếng mạnh. Mới tuần vừa qua, trong
khi hội nghị thượng đỉnh khối Âu châu đang họp ở Bruxelles, chưa đi đến
quyết định, thì trong một bài diễn văn, ông Obama đã đưa ra những biện
pháp trừng phạt Nga và giúp đỡ chính quyền lâm thời Ukraine. Nhưng chúng
ta chỉ cần nhìn những lời hứa giúp đỡ kinh tế và tài chánh nước này thì
chúng ta rõ : Hoa kỳ 1 tỷ, Âu châu 11 tỷ, Ngân hàng và Quỹ tiền tệ thế
giới 3 tỷ, đúng như con số hứa của Poutine giúp chính quyền cũ 15 tỷ.
Nhưng với 11 tỷ của khối Âu châu, người ta đều rõ nước Đức đóng vai trò
quan trọng nhất, vì kinh tế Đức lớn nhất và vững chắc nhất. Bà thủ tướng
Đức Merkel mặc dầu rất ít tuyên bố về tình hình Ukraine, nhưng Đức hiện
nay có một ảnh hưởng rất lớn không những với Nga mà cả hai phe vừa thân
Nga vừa thân khối Âu châu của Ukraine.
Hiện nay chính quyền Hoa Kỳ có vẻ năng
nổ nhất trong việc giúp dân tộc Ukranie và chính quyền lâm thời. Tuy
nhiên có nguời cho rằng Hoa kỳ chỉ có đồng minh nhất thời chứ không có
bạn lâu đời, viện dẫn lời tuyên bố của ông cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ,
Henry Kissinger.
Bảo rằng đây là trò chơi độc nhất vô
nhị của Hoa kỳ thì cũng không đúng. Đây là trò chơi của tất cả những đế
quốc, cường quốc từ xưa tới giờ. Nói như vậy cũng không thể nói là các
dân tộc nhược tiểu tự đứng một mình. Không nói quá là ảnh hưởng của
những cưòng quốc là tất cả, nhưng nó cũng rất mạnh và tiềm tàng, nó ảnh
hưởng có thể nói hầu như thường nhật đối với chúng ta, như việc giá cả
nhiên liệu, thực phẩm, dầu khí, dù chúng ta không muốn, nhưng nó tăng
hay giảm, do quyết định của những nước lớn, chưa nói đến lãnh vực chính
trị đều ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.
Từ đó cho chúng ta bài học là phải biết
dựa vào lúc nào, dựa vào ai và như thế nào để vẫn giữ được độc lập và
chủ quyền. Nên hành xử trên trường bang giao quốc tế là chỉ nên có đồng
minh, chứ không nên có bạn, và làm thế nào vẫn giữ được sĩ diện quốc gia
dân tộc, chứ không như kiểu một số lãnh đạo Việt nam đã cúi gập mình
làm hai, hay đi ôm giày những cường quốc hoặc những nhà tư bản quốc tế.
Chỉ làm như vậy, mới không bị mất quốc thể, mới có thể ứng phó kịp thời
và nếu trường hợp bị các cường quốc đồng minh bỏ rơi, cũng không mang
hận.
Trông người lại ngắm tới ta, nước
Ukraine có một lịch sử tương đối giống Việt nam: nằm cạnh những đế quốc,
cường quốc, thường là nạn nhân của những nước này. Các cha ông ta thời
xưa, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, mỗi lần có tranh chấp, đánh
nhau với Tàu, nhưng sau đó đều gửi đặc sứ sang cầu hòa, vẫn giữ được chủ
quyền quốc gia, thể thống dân tộc, nhưng không mất lòng anh khổng lồ
láng giềng. Ngày xưa vấn đề bang giao quốc tế còn hạn hẹp, chỉ ở mức độ
vùng, Việt Nam chỉ bang giang với Tàu và một vài nước chung quanh. Ngày
hôm nay bang giao quốc tế ở mức độ rộng lớn, không phải chỉ có một anh
khổng lồ, mà có nhiều anh khổng lồ, thêm vào đó có nhiều tổ chức quốc tế
như Liên Hiệp Quốc, Khối Âu châu v.v.., đường lối ngoại giao hay nhất
của các nước nhược tiểu là trung lập, chơi với nhiều anh khổng lồ để
dùng anh này quân bằng với anh kia, đồng thời tham gia vào nhiều tổ chức
quốc tế, để nếu có những tranh chấp thì nhờ những tổ chức này làm trọng
tài, đứng ra can thiệp. Đừng nghĩ việc này khó làm, vì nhiều quốc gia
trên thế giới đã từng đi theo đường lối ngoại giao này, và cũng đã thành
công.
Bài học mất nước của Tiệp Khắc không
hoàn toàn là Tiệp nhỏ và yếu hơn Đức, mà lý do chính là dân Tiệp chia
rẽ, một số lãnh đạo hèn hạ qụy lụy và khúm núm trước Hitler; cũng như
Ukraine để mất Crimée là do có một chính phủ tham nhũng, một nhà nước lệ
thuộc và khiếp nhược trước Nga sô. Đất nước chúng ta hiện tại cũng đang
nằm trong tình trạng hiểm nguy không thua gì Tiệp trước Đệ nhị Thế
chiến và Ukraine hôm nay. Chưa thời nào trong giòng lịch sử dân Việt lại
bị phân hóa, kìm kẹp, ươn hèn như hiện nay dưới sự cai trị của đảng
Cộng sản Việt Nam, một đảng không cội nguồn Dân tộc, ngay từ đầu đã cam
tâm làm con chốt cho Nga Tàu, nay thì chỉ là một bọn thái thú mặc tình
cho Trung cộng sai khiến.
Con đường duy nhất cho chúng ta là phải
nhanh chóng giành lại quyền cho người dân. Vì chỉ khi nào người dân làm
chủ đất nước, khi đó chúng ta mới có sức mạnh và chính nghĩa để tự vệ,
tự chủ và đòi lại độc lập, đồng thời liên minh và đóng góp với những
quốc gia yêu chuộng Hòa bình và Dân chủ để chống lại tham vọng bá quyền
của anh láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Paris ngày 03/03/2014
Chu chi Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét