Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016
Tin khó tin: Vụ Formosa “rất nghiêm trọng”, 3.200 tỷ đồng chờ mối ăn và những “ông con” bất hiếu
Cuối cùng thì cũng đã có những kết luận bước đầu về vụ Formosa từ Bộ Công thương là “rất nghiêm trọng”. Nhưng hóa ra chúng ta đã để lại cho con cháu một đống nợ. Hóa ra Sài Gòn trộm cướp nhiều săn mãi không hết do mấy ông công an không hoàn thành nhiệm vụ là được điều về cho ngồi nghe điện thoại. Hóa ra…
Tin khó tin: Chúng ta không cúi đầu, quan tự xử và bằng cấp 2 cũng dỏm
Tin khó tin: Thời của lái heo và biệt thự trái phép đau bụng trong rừng phòng hộ
Tin khó tin: Thà bôi trơn 2 tỷ và cú đại lừa đông trùng hạ thảo
Tin khó tin: Mặc bikini trong siêu thị để giáo dục giới tính, lợn thối 28 ngàn một ký
1. Tiền túi con không chảy vào túi bố
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn cho biết, tại một số quốc gia, ngân sách dồi dào, Hiến pháp các nước này quy định tiền thu được từ khai thác, bán tài nguyên thì phải giữ lại tại một quỹ dành cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, khoản này tập trung vào ngân sách.
Chuyện này chẳng phải lỗi của ai cả. Lỗi là do mình đã, đang nghèo và sẽ còn nghèo thêm rất lâu nữa. Nhưng chuyện tiếp theo đây thì chắc chắn không phải do nghèo mà ra.
Chuyện là tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2016 đạt 230.500 tỷ, vượt dự toán nhưng chỉ có các địa phương rủng rỉnh, còn ngân sách trung ương lại rất khó khăn.
Xa hơn nữa là trong năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 85.770 tỷ đồng, nhưng ngân sách trung ương lại hụt thu 2.260 tỷ đồng khiến việc cân đối hết sức khó khăn mặc dù 58/63 địa phương lại “rủng rỉnh” vì vượt thu.
Nguyên nhân cơ bản là do giá dầu giảm, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp giảm, lợi nhuận gia tăng, nên ngân sách địa phương tăng thu trong khi trung ương lại giảm thu do giá dầu giảm và thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm.
Vấn đề, theo như ví von của ông Phụng là cũng như trong gia đình, ngân sách trung ương được ví như “túi bố” còn ngân sách địa phương được ví như “túi con”.
Và gia đình thì chỉ có chuyện tiền từ túi bố chảy sang túi con, khi con cái gặp khó khăn về tài chính, thu không đủ chi thì bố phải “viện trợ không hoàn lại” (năm 2015 có 5 địa phương hụt thu 1.400 tỷ đồng, ngân sách trung ương phải cấp bù).
Ngược lại, khi bố gặp khó khăn trong cân đối, thu không đủ chi trong khi hầu hết các con “rủng rỉnh” tiền bạc cũng không hỗ trợ trở lại cho bố.
Đúng là nước mắt chảy xuôi, cha ông mình đúc kết rồi!
2. Hơn 3.200 tỷ đồng nằm chờ mối ăn
Phòng giáo dục huyện Mang Yang của tỉnh Gia Lai năn nỉ xin huyện 1 tỷ đồng để mua cái phần mềm soạn giảng và hỗ trợ ra đề của một doanh nghiệp.
Nhưng đến nay đã 2 năm, phần mềm này vẫn “đắp chiếu” vì… quá hiện đại nên giáo viên không sử dụng được!
Ngôi nhà của dân tộc Chứt bị cháy trơ khung. Ảnh: internet.
Hay làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng để xây dựng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa hoàn thành nhưng đã có rất nhiều hạng mục công trình hư hại, xuống cấp...
Nhìn tổng thể, địa chỉ này chẳng khác nào một ngôi làng bị lãng quên với nhiều ụ mối đang xâm lấn các công trình.
Và khắp đất nước mình, chuyện công trình ngàn tỷ này ngàn tỷ kia nằm chờ mối ăn, nằm phơi mưa nắng, chờ bán sắt vụn… liệt kê cả ngày cũng không hết!
3. Khởi tố à, đợi đấy đã…
Tờ Tiền Phong vừa kết thúc loạt điều tra gây chấn động về những sai phạm dẫn đến thất thoát một nguồn tiền rất lớn trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk.
Và khó tin là trao đổi với Tiền Phong, tân Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không bao che nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được ai cả bởi ý chí của Chủ tịch UBND tỉnh chưa đủ để chống tham nhũng!
Bệnh viện đa khoa Tây Nguyên dù chưa xây xong nhưng đã được cho mua máy tính với giá cao gấp 3 lần giá thị trường từ năm 2010.
Khó tin hơn, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk nhiều lần trả lời báo chi rằng các dấu hiệu sai phạm, làm trái tại Sở Y tế Đắk Lắk đã rõ cơ sở để khởi tố, chỉ còn chờ củng cố thêm chứng cứ, hồ sơ.
Nhưng Thanh tra tỉnh thì cứ đề nghị cho “rút kinh nghiệm”!
Mới nhất, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết chưa khởi tố được là do công an tỉnh đang nhờ cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế giúp thẩm định giá các gói đấu thầu thuốc và TTBYT do Sở Y tế Đắk Lắk mua sắm, chờ hai - ba tháng rồi Bộ Y tế vẫn chưa trả lời nên công an tỉnh vẫn cứ... đợi!
Ơ hay, vậy là Công an tỉnh Đắk Lắk không đủ trình độ chuyên môn để thẩm định giá các gói thầu thuốc và thiết bị y tế của một bệnh viện cấp địa phương nên phải nhờ Bộ Y tế. Nhưng nếu chẳng may Bộ Y tế không giúp thì sao nhỉ?
4. Tên trộm chuyên "sưu tầm" đồ lót của giáo viên
Cái cô tên Sharh Nathan ở tận bên New Zealand vừa phải muối mặt viết thư trên mạng xin lỗi bà con lối xóm vì cô mèo yêu quý nhà mình bị phát hiện là thủ phạm lấy trộm cả tá đồ lót và 60 đôi tất nam của các gia đình chung quanh.
Tưởng chuyện bệnh hoạn kiểu này chỉ có ở mèo và cũng chỉ có ở bên xứ giãy chết nhưng không phải.
Ở thiên đường nhà mình, sau nhiều ngày mật phục, cơ quan chức năng đã tóm gọn người đàn ông chuyên trộm… đồ lót nữ ở 2 trường mầm non và tiểu học Vạn Linh (Lạng Sơn).
Người đàn ông bị bắt quả tang về hành vi trộm quần áo lót của nữ giáo viên.
Đó là một người đàn ông đã 50 tuổi, có gia đình và con cháu nội ngoại đề huề. Ông ta khai hơn năm gần đây, ông bỗng có sở thích kỳ quặc là sưu tầm quần lót nữ.
Lấy được cái nào là ông ta cho vào hòm cất cẩn thận, thi thoảng, ông ta mang ra… ngắm!
Nghe đáng thương không chịu được.
Hay kiếp trước ông này là một con mèo Tây nhỉ?
5. Không hoàn thành nhiệm vụ thì được về nghe… điện thoại
Bí thư Đinh La Thăng toàn hỏi khó người ta. Hôm trước thì ông hỏi đại ý các bộ nói là phối hợp tốt nhưng dân vẫn ăn bẩn, vậy tốt ở đâu?
Hôm qua thì ông chất vấn lãnh đạo Công an quận 3 TPHCM rằng: Để xảy ra trộm cướp trên địa bàn thì xử lý công an khu vực ra sao?
Và đây là đoạn đối đáp khó tin:
“Nếu để xảy ra 2 vụ việc trộm cướp trên địa bàn sẽ không tăng lương, còn nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho ra quân theo quy định của công an”.
“Vậy đã cho đồng chí nào bị buộc ra quân chưa?”.
“Đồng chí nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ điều chuyển công tác hay cho về trực ban ngồi nghe điện thoại”.
Mọi thứ đều tốt mà vẫn có cướp giật, trộm cắp... Vậy thì lỗi của ai? Chả lẽ lỗi của dân à?
Bí thư Thăng bảo “Về trực ban càng nhàn. Vậy cứ không hoàn thành nhiệm vụ thì được về nghe điện thoại. Vậy cứ khuyến khích trộm, xảy ra vụ án để được trực ban à?”
Bí thư Thăng hỏi tiếp: “Công tác tổ chức Đảng, cán bộ vẫn tốt, trong sạch vững mạnh, mọi thứ đều tốt mà vẫn có cướp giật, trộm cắp... Vậy thì lỗi của ai? Chả lẽ lỗi của dân à?”.
Hỏi khó vậy sao trả lời?
6. Phát ngôn trong ngày: Vụ việc tại Formosa "rất nghiêm trọng"
Trả lời báo chí tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 4.2016 diễn ra chiều qua (5.5), ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Một sự kiện như Formosa là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, cả nền kinh tế nếu không nói là kể cả chính trị của chúng ta".
Không thể không rùng mình khi nghe ông Hải xác nhận: Cả năm 2015 và tính đến thời điểm 2.5.2016, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất đã được đăng ký chấp thuận để nhập khẩu.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Thịnh
Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Formosa được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn hóa chất với 43 loại hóa chất.
Mục đích nhập khẩu được cho biết là nhằm làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, chất keo tụ để xử lý nước, hóa chất ổn định, nước làm mát để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ PH của môi trường nước...
Và từ đầu năm 2016 đến nay, công ty này đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, tồn trong kho còn 248 tấn hóa chất.
Vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là Formosa sử dụng những hóa chất độc hại này như thế nào? Có đúng mục đích hay không?
Ông Hải bảo việc Formosa đã sử dụng ra sao thì vấn đề này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ.
Vậy là dân không còn cách nào khác ngoài việc ngồi hóng tin!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét