Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Cam Ranh của Việt Nam bị “soi” kỹ từng di biến động


VietTimes -- Những hình ảnh vệ tinh mới của DigitalGlobe cho thấy khu vực neo đậu tàu đang được mở rộng một cầu cảng dài 640m và một kè chắn sóng dài 500m. Ngoài ra nhiều cơ sở mới và các tòa nhà hỗ trợ cũng được trông thấy kể từ lần cập nhật trước đó, Bellingcat cho biết.

Thục Ninh -

Hình ảnh vệ tinh về Cam Ranh của DigitalGlobe


Những hình ảnh mới nhất trên Google Earth cho thấy một số phát triển mới tại cảng nước sâu Cam Ranh của Việt Nam. Vào tháng 3/2016, một cảng quốc tế mới đã được khánh thành.

Hà Nội đang phát tín hiệu việc xây dựng cơ sở mới trên để thỉnh thoảng đón các tàu dân sự và quân sự của nước ngoài. Khi khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh, báo chí Việt Nam đã thông tin rằng cảng có thể đón các tàu sân bay với tải trọng lên tới 110.000 DWT và tàu viễn dương tải trọng lên tới 100.000 DWT. Truyền thông nước ngoài nhận định rằng thông tin này ám chỉ rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ đi xa tới đâu.

Sau đó, hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của Nhật Bản đã cập cảng Cam Ranh, trong một động thái tăng cường quan hệ quốc phòng và cụ thể hóa sự ủng hộ của Nhật đối với an ninh khu vực. Không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu với báo chí rằng Nhật Bản sẽ làm việc với Mỹ để bảo đảm hòa bình khu vực và sự ổn định trên ở Biển Đông.

Vượt qua tầm vóc khu vực, chiến hạm phương Tây đầu tiên cũng đã tiến vào Cam Ranh hồi đầu tháng này. Vào ngày 2/5, tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral (LHD) của Pháp đã ghé Cam Ranh trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Chiến hạm mới nhất và lớn nhất của Pháp cùng với các học viên hải quân xuất hiện ở Cam Ranh là chỉ báo thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác giữa quân đội và chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp, theo Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.

Bellingcat dựa vào những hình ảnh vệ tinh mới được công bố để nhận định rằng giai đoạn 2 việc xây dựng tại Cam Ranh đang diễn ra. Những hình ảnh mới chụp xác nhận thông tin báo chí về việc cảng quốc tế sẽ thực hiện các dịch vụ duy tu, sửa chữa tàu bè.
Những công trình mới ở Cam Ranh được "soi" rất kỹ


Trước đó, ngày 13/9/2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phê duyệt Dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ hàng hải và cung ứng tàu biển (giai đoạn 1) thuộc dự án đầu tư Khu dịch vụ hàng hải; sữa chữa, đóng mới tàu biển và công trình dầu khí biển tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, giao TCP Cam Ranh nhiệm vụ chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh với nhiệm vụ đón tiếp các loại tàu quân sự, tàu khách quốc tế; cung cấp dịch vụ hàng hải tại Căn cứ quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu; góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

Cảng Quốc tế Cam Ranh sau khi hoàn thành sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu với tải trọng tàu tối đa đến 110.000 DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.
Quân cảng Cam Ranh đang thu hút sự chú ý lớn của quốc tế trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng
Cảng được chia làm hai nhóm: công trình thủy công và nhóm công trình trên bờ. Trong đó, nhóm công trình thủy công gồm hệ thống các cầu cảng được bố trí theo phương án bến nhô, cập tàu hai phía để tăng cường năng lực đón tiếp tàu (bước 1, giai đoạn 1 dự án có 5 bến cập tàu dài 2.147m). Nhóm công trình trên bờ gồm hệ thống công trình dịch vụ đón tiếp và điều hành với khu nhà văn phòng, đón tiếp, nhà ăn ca 7 tầng; công trình dịch vụ hậu cần kỹ thuật gồm tổng kho phân phối hàng hóa, khu thể thao gồm nhà thi đấu thể thao 2.100m2; khu thể thao ngoài trời; hệ thống cây xanh cảnh quan có diện tích trên 20.000m2, phần đất dự phòng phát triển để xây Khu triển lãm hàng hải quốc tế.

Tin liên quan

“Át chủ bài” Cam Ranh sẽ quyết định số phận Biển Đông
Ba tiêm kích Su-27 “Tráng sĩ Nga” gặp thảm họa ở Cam Ranh thế nào
Cam Ranh và “ván cờ siêu cường” ở Biển Đông
“Át chủ bài” Cam Ranh và sự trở lại của Nga
Chiến hạm Pháp, Nhật cấp tập tới Cam Ranh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét