Ngô Thị Kim Cúc
Sáng chủ nhật 8 tháng 5…
Sài Gòn trung tâm giống như thiết quân luật. Từ khu vực quảng trường Quách Thị Trang đã dày đặc đồng phục các loại. Góc đường nào cũng có một toán người nhà nước đứng cạnh những rào cản sắt gắn kẽm gai, sẵn sàng để bao vây, bịt kín… Không khi căng thẳng này chứa đựng điều gì đó rất không bình thường trong một ngày lẽ ra bình thường.
Đoạn Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến nhà hát Thành Phố khá vắng. Đường Pasteur một chiều qua các ngả tư cũng tràn ngập đồng phục. Những chiếc gậy trên tay họ chỉ ra một hướng di chuyển duy nhứt. Rất đông người ngồi trên xe bốn bánh và xe hai bánh nhìn quanh quất, để chỉ thấy hai bên đường toàn những bộ đồng phục các màu, các kiểu giống nhau… Có một số người không mặc đồng phục nhưng rõ ràng họ không phải là dân.
Từ ngả tư Pasteur- Nguyễn Du tới ngả tư Nguyễn Du- Trương Định vẫn chỉ một chiều di chuyển. Sang Nguyễn Thị Minh Khai đã hai chiều nhưng không khí vẫn chẳng giống ngày thường. Từ phía đường Hai Bà Trưng nhìn vào Đường Sách thấy vắng tanh. Tất cả hàng quán trên khu vực bị phong tỏa đều không hoạt động.
Sài Gòn trung tâm thiết quân luật vào sáng chủ nhật. Thiết quân luật dành cho người biểu tình.
Công viên 30 tháng tư đã bị cắt khỏi tầm nhìn và mọi liên kết với phần còn lại của thành phố. Nghĩa là, sẽ không có nhà báo, không có đông người dân chứng kiến những gì xảy ra ở công viên 30 tháng Tư sáng nay. Không ai thấy được cả người biểu tình lẫn người nhà nước đối mặt nhau thế nào trong buổi sáng 8 tháng 5 nắng nóng nứt cả da đầu này…
NẾU KHÔNG CÓ FACEBOOK…
Nếu không có facebook thì mọi chuyện có thể sẽ xảy ra như vậy.
Nhưng từ những tường thuật bằng hình ảnh và clip tự quay của người biểu tình, sự ngăn cắt của nhà nước đã không còn tác dụng. Những người Sài Gòn ngoài công viên 30 tháng Tư vẫn nhìn thấy những gì xảy ra. Và tất cả người Việt trên khắp hành tinh đang nối kết qua mạng internet đế ngóng về Việt Nam cũng đã thấy…
Sáng 8 tháng 5, những cảnh đánh/bắt người tàn khốc hơn hẳn lần biểu tình ngày 1 tháng 5. Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt/hốt về sân vận động Hoa Lư quận I. Nhiều người đã bị đánh với thương tích nặng nề. Nhưng chạm vào trái tim người xem khiến nó đau đớn nhứt chính là hình ảnh hai mẹ con Hoàng Mỹ Uyên: người mẹ trẻ với gương mặt bầm dập đang hoảng hốt ôm chặt con gái trong đôi tay gầy, với sự che đỡ của những người biểu tình khác chung quanh.
Hoàng Mỹ Uyên sau đó đã kể lại sự việc trong một clip. Chị cho biết khi việc đàn áp xảy ra, những người biểu tình đã ngồi xuống để khẳng định thái độ bất bạo động. Thế nhưng nhân viên an ninh thường phục đã chen vào giữa đoàn biểu tình, chỉ vài người biểu tình đã có một an ninh. Chị đã bị xô đẩy về phía trước và bị ngã, bị những người mặc đồng phục xanh đạp vào đầu vào mặt, cố dứt chị ra khỏi con gái. Nhờ người biểu tình dồn đến và lập thành một vòng rào che chở nên mẹ con chị đã thoát được. Tuy nhiên, những vết thương ở mặt và tay chân cho thấy chị đã bị đánh khá đau. Hoàng Mỹ Uyên cũng cho biết con gái chị đã tự mình đọc tin tức về vụ Formosa trên điện thoại và từng hỏi mẹ, nếu ở trường (bữa ăn) có cá, mực… thì nên làm thế nào. Cô con gái nhỏ đã muốn được đi cùng với mẹ, và hẳn cả hai mẹ con đều nghĩ rằng, việc tuần hành ôn hòa với mong muốn bảo vệ môi trường chẳng có lý do gì để bị đàn áp, đánh đập thô bạo.
Một khác biệt nữa trong đàn áp biểu tình ngày 8 tháng 5: xịt hơi cay vào mắt. Nạn nhân có hình ảnh đưa lên FB là một học sinh mười sáu tuổi: Đào Nguyên Anh, cháu nội Phó Giáo sư Đào Công Tiến (người đã có các bài viết về dân chủ). Nguyên Anh đã được những người biểu tình khác chăm sóc, rửa mắt bằng những chai nước uống mang theo. Sau đó em đã bị công an bắt đi khiến gia đình phải đi tìm để bảo lãnh.
Lúc trở về nhà, cậu học trò mười sáu tuổi đã viết một statut ngắn gọn nhưng cũng đủ để nói lên tất cả những gì cậu đã suy nghĩ và gởi gắm cho mọi người:
“Chào mẹ, gia đình và bạn bè gần xa đã lo lắng cho con (mình).
Nghe tiếng mẹ khóc, con thấy mình khốn nạn quá, con cũng trách mình k ở bên mẹ nhiều hơn, k làm mẹ vui hơn, trước mẹ con yếu đuối và bé nhỏ.
Giờ con đã hiểu cảm giác đó, cảm giác của A Lầu bị bắt rồi bị đánh. Con hiểu cảm giác của anh Trương Minh Tam, của bác Điếu Cày, và những người đã sẵn sàng hy sinh, Chúa ơi, quá nhiều thứ vì mong muốn.
Ngày hôm nay, con thấy họ lôi đồng bào ra, 10 người đánh một, con thành người Việt Nam.
Ngày hôm nay, con thấy nước mắt mẹ chảy và lòng gia đình bạn bè con lo, cũng thành kẻ có tội.
Ngày hôm nay, con thấy những gương mặt đau đớn, và vẻ mặt hả hê của đầy tớ nhân dân, và tiếng xúc phạm danh dự nhân phẩm của các anh trị an, con thành người Việt Nam.
Con tự hào biết bao, và cũng đớn đau biết bao khi biết cái giá con phải trả không chỉ là mạng sống và tương lai con, mà còn là trái tim mẹ và gia đình.
Một bên con bất hiếu không chăm lo cho mẹ được hết, một bên con khao khát hòa chung với ước ao của dân tộc, lạy Chúa, là chúng con được nhìn nhau cười vui, quên đi những cú đánh căm hận đó.
Sáng danh Chúa, những lúc bần cùng, là lúc tỏ mọi sự, con, một thân phận yếu hèn hòa chung vào bản hòa ca của đời này, cho những gì đáng để tin và đáng để hy sinh, có phải đó là hy sinh?
Con đang cố gắng đánh đổi, vi một xã hội yên ấm hơn, con cũng nghĩ tới mọi người gia đình, bạn bè anh chị em, mà cũng như con đang mất tất cả.
Con đã không đổ một giọt nước mắt trước những cây gậy, trước những người vô cảm sẵn sàng làm đủ thứ, nhưng con sẽ đau khổ vì những gì con phải trả giá”.
Những người đã xịt hơi cay vào mắt cậu học trò chỉ bằng tuổi con em mình, hẳn họ đã nghĩ rằng sẽ khiến cậu phải đau đớn và khiếp sợ. Nhưng thực tế đã trả lời. Hành động độc ác phi nhân văn của họ chỉ tạo ra tác dụng ngược.
SÀI GÒN, HÒN NGỌC BỊ ĐẬP NÁT
Bí thư Đinh La Thăng từng nói rằng ông mong sẽ sống lại một Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông ở thành phố mà ông chịu trách nhiệm. Nhưng thật ra ông Thăng vẫn chỉ chú trọng đến hoạt động kinh tế, về phần trăm đóng góp cho trung ương của thành phố Sài Gòn.
Ông quên mất phần quan trọng mà nhờ đó Sài Gòn ngày trước đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông: Văn hóa.
Để có thể là một đại đô thị thứ thiệt, ngoài những công trình xây dựng lớn, những hoạt động kinh tế quy mô lớn, còn rất cần một thứ tạo nên hồn vía thật sự cho một nơi để sống của con người: Văn hóa- tinh thần. Sài Gòn ngày xưa được mặc nhiên thừa nhận là đại đô thị, bởi trong phần hồn của Sài Gòn đã sẵn có một tinh thần dung nạp rộng mở. Sài Gòn cho phép những người có tài năng sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình. Sài Gòn khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Tôi từng nghe chủ nhiệm- chủ bút tạp chí Bách Khoa, bác Lê Ngộ Châu vui vẻ kề rằng, hai nhà văn Võ Phiến và Vũ Hạnh ngược nhau như nước với lửa trong thái độ chính trị, nhưng khi bước vào tòa soạn Bách Khoa thì hai ông vẫn xử sự hòa nhã như với tất cả đồng nghiệp khác. Khi bị chủ bút buộc phải ngồi tại chỗ viết bài cho kịp lịch xếp chữ, hai ông lại mỗi người một ghế ngồi cạnh nhau trong cái tòa soạn chật cứng để hí hoáy viết những bài mà có thể nội dung hoàn toàn trái ngược nhau.
Sau tháng tư năm 1975, rất nhiều các thầy tôi ở Đại học Khoa Học Sài Gòn, những giáo sư- tiến sĩ được đào tạo ở Âu Mỹ, đã chọn việc ở lại, với hy vọng là làm khoa học tự nhiên, họ sẽ được tiếp tục dạy học và cống hiến cho đất nước- dân tộc trong hòa bình như họ từng mơ ước suốt mấy chục năm chiến tranh. Nhưng sự thật phũ phàng sau đó đã cho thấy họ không được tin cậy, không được sử dụng chuyên môn đúng như mong muốn, và cuối cùng nhiều người đã phải ra đi…
Sài Gòn cho đến nay vẫn là lựa chọn ngay cả của những người dân Hà Nội đã không còn muốn tiếp tục sống ở thủ đô. Còn với dân các tỉnh nhỏ cả nước thì, Sài Gòn đúng là miền đất hứa. Rất nhiều sinh viên tỉnh nhỏ tốt nghiệp đại học đã không về quê mà ở lại Sài Gòn, chấp nhận những công việc lương thấp không đúng với chuyên môn được học, chỉ bởi hy vọng một ngày nào đó, Sài Gòn sẽ cho mình một cơ hội.
Sài Gòn đủ rộng và đủ cả sự độ lượng cho những khác biệt về mọi mặt. có đủ chỗ cho cả người giàu hưởng thụ lẫn người nghèo nhặt nhạnh. Thành phần nghèo đói nhứt, những người buôn gánh bán bưng mỗi ngày bỏ ra 50.000 đồng cho một chỗ ngả lưng ban đêm vẫn thấy Sài Gòn đã mở rộng vòng tay với họ, cho họ một thu nhập dù tối thiểu nhưng vẫn có cái để họ gởi về quê nghèo nuôi cha mẹ, vợ/chồng con.
Nhưng Sài Gòn trong các cuộc biểu tình ngày 1 và ngày 8 tháng 5 đã thật sự bị chà đạp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Khi nhìn thấy hình ảnh cô gái trẻ Lê Vi đầu tóc dã dượi gương mặt uất ức đang khóc một cách đau đớn trong chiếc áo dài trắng lấm lem nhàu nát sau khi bị đánh, người xem FB cảm thấy nghẹt thở, như chính mình bị đánh. Càng không thể chịu đựng khi biết cô đã bị những gã đàn ông đá đạp vào bụng, cho đến khi những người biểu tình khác phải (nghĩ ra cách để) la lên là cô đang có mang thì những kẻ kia mới chịu buông tha cô.
Cũng như vậy, gương mặt thất thần kinh hoảng của Hoàng Mỹ Uyên và những vết thương cho thấy những người đàn ông mặc đồng phục đã hành hung chị bằng tất cả sự thù hận có thật. Sự thù hận đó tới từ đâu? Nếu người đàn ông đạp vào đầu vào mặt Mỹ Uyên biết chị là người đầu tiên đã cho đặt trước nhà mình thùng bánh mì miễn phí dành cho những người nghèo đỡ bữa, anh ta có đánh chị như đánh kẻ tử thù? Khi đánh một người phụ nữ với sự tàn bạo như vậy, anh ta đã nghĩ gì? Thù hận trong đầu anh ta bắt nguồn từ cái gì?
Sài Gòn sáng ngày 8 tháng 5 thật sự là một hòn ngọc bị đập nát. Sự đàn áp thô bạo dành cho người biểu tình là điều mà những con người bình thường còn đủ lương tri không bao giờ hiểu nổi, không bao giờ chấp nhận.
Vì sao người dân lại bị đối xử như vậy? Việc bày tỏ ý muốn được sống trong một môi trường trong lành với thực phẩm sạch có gì sai trái? Đó là một cái tội đáng bị trừng phạt thật sao?
BIỂN CHẾT NĂM 2016- BỐ ĐÃ LÀM GÌ?
Tôi yêu những khẩu hiệu rất phong phú mà người biểu tình đã cầm nó trên tay, chúng là những phát biểu cực kỳ sát sườn và hiểu biết. “Biển chết năm 2016- Bố đã làm gì?”. Đó là câu cật vấn mà năm, mười năm nữa, những đứa con hôm nay còn bé bỏng sẽ buộc người cha thờ ơ vô trách nhiệm của chúng phải trả lời. Nếu anh ta không có được giải đáp hợp lý, anh ta sẽ mất những đứa con. Tôi nghĩ đây là một trong những khẩu hiệu hay nhứt trong cuộc biểu tình của người Sài Gòn sáng 8 tháng 5.
“Minh bạch thông tin- Bảo vệ môi trường- Cứu dân miền Trung”. Người dân Sài Gòn đã không vô cảm trước hoạn nạn của ngư dân miền trung, mà thật ra cũng là của chính mình, của tất cả những người Việt Nam có lương tri khác. “Con tôi cần nước Sạch- Không khí Sạch- Thực phẩm Sạch- Chính quyền Sạch”. Đó là lời giải thích cho việc có mặt trong đoàn biểu tình của một trong hàng ngàn hàng triệu những người mẹ yêu con một cách có trách nhiệm…
“Stand up for our survival”. “Biển chết thì con người cũng chết”. “Stop Formosa- Stop killing nature”. “SOS, Our sea has died”. “Việt Nam khủng hoảng môi trường sống”. “Polluters are Criminals”. “Save Our Seas”.. “Vì môi trường trong sạch cho Việt Nam”. “Môi trường là lẽ sống”. “Bảo vệ biển và ngư dân”. “Biển sẽ xanh khi chúng ta sạch”. “Bảo vệ môi trường- Bảo vệ sự sống”…
Ai đã cam tâm đui điếc để tung tin người dân đi biểu tình là do được thuê tiền? Đó là một sự xúc phạm sâu sắc và vô liêm sỉ.
Ai dám nói là người dân không am hiểu điều họ đang làm, không biết vì sao họ phải ra đường để đối đầu với các hiểm nguy đang chờ chực. Họ thông thái hơn rất nhiều những “nhà khoa học” hư danh, những chức danh bằng cấp hợm hĩnh in đầy trên carte visit để tự sướng, những chức vị dài thượt bắt dân nghe đến nhàm tai những khi có các loại lễ lạc dông dài đến vô tận…
Sao có thể thẳng tay đàn áp những công dân ưu tú như vậy? Chính quyền phải tự giáo dục lại nhân viên của mình chớ không phải cứ quen miệng đòi “giáo dục nhân dân” một cách hết sức vô nghĩa và hỗn xược.
Các nhà chính trị hãy cố thực thi tài kinh bang tế thế của mình nhưng hãy để yên nhân dân sống bên nhau không bị lừa dối và đầu độc. Hãy bắt những kẻ hủy diệt môi trường phải trả giá bằng pháp luật, bằng bản án kinh tế để không chỉ một Formosa Vũng Áng mà những Formosa dự bị của tương lai, trước khi hành động phi nhân vì lòng tham, sẽ e ngại sự trừng phạt mà kịp thời ngưng lại.
Hãy để Sài Gòn và những thành phố, làng xã khác khắp cả nước không tái diễn cảnh đánh đập, xúc phạm những trái tim đầy yêu thương người dân dành cho nhau… Hãy trả lại cho Sài Gòn sức mạnh mà Hòn Ngọc Viễn Đông từng có được.
Đó là lòng tin vào điều lành, cái tốt, có được nhờ những giá trị tâm linh sâu sắc, khiến người dân luôn làm việc lành một cách bản năng chớ không phải làm việc ác một cách mù quáng như những gì đang thấy.
Đó là, tinh thần dung nạp rộng mở, để những người có tài năng được sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình, khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Đó là, để người dân được nói đúng tiếng nói của mình, được tôn trọng và tin cậy dù điều họ nghĩ và nói khác với những gì nhà cầm quyền mong muốn. Hãy biết lắng nghe dân, để tạo nên những thay đổi không chỉ tốt cho người dân mà chính là tốt hơn cho cho những người đang có trách nhiệm cầm quyền.
Chỉ như thế thì Hòn Ngọc Viễn Đông mới có hy vọng tái sinh…
+24
ThíchHiển thị thêm cảm xúcBình luậnChia sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét