Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Việt Nam Vỡ Nợ… Ai Sẽ Gánh?


Gần đây mọi người xôn xao chuyện hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu không còn khả năng tài chính để chi trả lương công nhân viên chức. Nhiều người hỏi: “vậy nếu việc này tạo thành hiệu ứng domino lan khắp cả nước, thì chuyện gì sẽ xảy ra, có phải Việt Nam sẽ vỡ nợ, vậy người dân Việt Nam sẽ ra sao?’’


Tôi chỉ biết thở dài với họ: “…….Dân Việt đã thờ ơ và né tránh chuyện chính trị, giao phó cuộc sống của mình cho đảng và nhà nước nên hậu quả từ cuộc khủng hoảng này người dân phải tự gánh thôi.”

Nợ công của Việt Nam đã tăng hơn 4 lần trong một thập niên, hiện nay theo Bộ Kế Hoạch Đầu Tư nợ công của chính phủ là 66.4% GDP của đất nước, còn bộ tài chính thì báo cáo chỉ có 59.6% tính đến hết năm 2014. Phải chăng nợ công của Việt Nam đã rơi vào tình trạng nguy hiểm vượt trần cho phép 65% và khả năng trả nợ rất khó khăn?


Nguy cơ việt nam vỡ nợ?

Với một bộ máy, cồng kềnh như của Việt Nam mà ngay đại biểu Quốc hội cũng nói là, rất nhiều tổ chức cùng song hành như tổ chức Đảng, tổ chức Chính quyền, tổ chức các đoàn thể và tất cả đều ăn lương nhà nước, trong khi đó năng suất lao động thì thấp, đây là sự nguy hiểm. Ở Quảng Ninh đã thí điểm nhất thể hóa giữa cơ quan Đảng với cơ quan Chính quyền.

Người ta thấy vấn đề đó nhưng họ không triển khai, không thực hiện và với một bộ máy cồng kềnh lớn như hiện nay thì không có một nguồn ngân sách nào có thể kham nổi, đủ nuôi nổi bộ máy như vậy. Chắc chắn với việc đầu tư, trong khi phải nuôi bộ máy quá lớn như vậy thì tiền phát triển cho đầu tư, mà chính nguồn này mới là để trả nợ, không được coi trọng, không đúng thì mức nợ tăng cao và nguồn thu để trả mức nợ đó lại không có, hạn hẹp. Chưa kể sự tham nhũng, đồng tiền công bị dùng cho lợi ích riêng, nên nợ ngày càng tăng nhưng không có khả năng chi trả. Cuối cùng có dẫn tới vỡ nợ thì cũng là chuyện bình thường.


Khi Quốc Gia Vỡ Nợ Giải Quyết Như Thế Nào
Khi một quốc gia vỡ nợ, họ thường làm 1 hoặc tất cả trong 4 việc như sau:
1. In tiền trả nợ
2. Tăng các loại thuế phí
3. Cắt giảm ngân sách nhà nước
4. Vay thêm (trái phiếu: ở trong hoặc ngoài nước bằng nội hoặc ngoại tệ)

1. In tiền
Thường đây sẽ là phương pháp cuối cùng vì việc này sẽ gây ra hiện tượng lạm phát. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng kéo dài và thất nghiệp cao trong thị trường lao động. Vì lạm phát cho phép tiền lương thực tế giảm ngay cả khi tiền lương danh nghĩa được giữ không đổi. Có nghĩa là 1 ngày bạn có thể mua được 5kg gạo, nhưng nay chỉ có thể mua 3kg mà thôi.

2. Tăng các loại thuế phí
Khi tăng các loại thuế phí, thì người chịu ảnh hưởng đầu tiên sẽ là tầng lớp lao động nghèo, sau đó đến các doanh nghiệp, khi thuế phí tăng cao dẫn đến không đủ khả năng chi trả cho nhân viên, v.v… đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

3. Cắt giảm ngân sách
Ngân sách dùng cho Giáo dục, y tế, đèn đường trường trạm sẽ được giảm xuống, chất lượng cũng vì đó giảm theo. Hệ quả của nó là gì thì ai cũng biết rồi.

4. Vay thêm ( trái phiếu – vay trực tiếp nước ngoài)

Việc chính phủ tăng cường phát hành thêm trái phiếu trên thị trường nội địa và quốc tế là một việc bình thường. Nó không có vấn đề gì nếu uy tín tín dụng của người vay nợ được thị trường đánh giá cao. Nhưng uy tín tín dụng của Việt Nam thuộc loại thấp. Moody xếp uy tín Việt Nam trong lớp B1, có nguy cơ vỡ nợ cao, và nhà đầu tư chỉ nên bỏ tiền như một thương vụ đầu cơ.

Để bù đắp cho uy tín xấu, khi vay, chính phủ Việt Nam phải trả lãi suất cao hơn mức bình thường để bù đắp cho mức rủi ro mà các nhà đầu tư phải gánh chịu. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải trả thêm tiền để được vay so với những nước khác. Vậy Việt Nam có thể duy trì được bao lâu? Các nhà đầu tư thế giới có kiên nhẫn và tin tưởng Việt Nam để tiếp tục cho họ vay vô tội vạ? Sẽ đến một lúc nào đó thị trường tài chính thế giới sẽ từ chối trái phiếu Việt Nam. Với uy tín tín dụng gần áp chót thì đây là điều hiển nhiên và dễ hiểu.

Còn xét một mặt dài hạn thì đây là một cách mang nhiều rủi ro bởi lẽ khi lãi suất tăng quá cao. Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ. Vậy khi chính phủ khó có khả năng chi trả nợ, doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào trái phiếu đó?

Trầm trọng hơn, các doanh nghiệp và cá nhân cũng khó vay vốn trên thị trường quốc tế. Khi một nền kinh tế vỡ nợ, tức là họ đã đóng cửa và phải dựa vào bản thân. Nếu hệ thống tài chính quá phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, đất nước đó sẽ gặp rắc rối. Vì khi hệ thống đó bất chợt hết tiền, cả nền kinh tế sẽ lao đao theo.

Lời kết

“Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là đến một lúc nào đó, nó sẽ tiêu hết tiền của người khác.” Chưa bao giờ câu nói này của bà Margaret Thatcher lại đúng đến vậy. Việt Nam hay bất cứ một quốc gia nào khác, không thể nào tiếp tục dùng tiền vay một cách vô tội vạ mà không vỡ nợ. Cũng như một người đi vay tiền để tiêu xài, đến một lúc nào đó ngân hàng sẽ đến đồi nợ và họ sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tiêu tiền vô trách nhiệm của mình. Sẽ đến một lúc nào đó các nhà đầu tư thế giới sẽ từ chối cho Việt Nam vay. Lúc đó người phải gánh hậu quả của việc tiêu tiền hoang phí đó là người dân Việt Nam.

Bạn có thể không quan tâm đến chính trị, không quan tâm đến tình hình đất nước, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không chịu những hậu quả của việc đó.

--------
Tác giả: Châu Nguyễn
Biên tập & bổ sung: Ku Búa

Clip: Khủng Hoảng Nợ Công Châu Âu
Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AmQogtK_Pao

2 nhận xét:

  1. Còn một số việc quan trọng khác cần làm ngay để có tiền chi tiêu cho dân cho nước.1. Đó là kiểm kê tài sản của tât cả quan chức trong bộ máy công quyền từ Đảng đến chính quyền, đoàn thể v.v.,xác định những người giàu có bất thường, không chứng minh được nguồn gốc tài sản ,sau đó tiến hành tịch biên,tịch thu, đem bán đầu giá,sung vào công quĩ.( miễn không phải đấu tố ).2.Giảm ngay lâp tức 60% biên chế tại các cơ quan đơn vị "hành dân là chính", các đơn vị nghiên cứu lý luận suông, không có sản phẩm cụ thể,chuyển họ sang các DN tư nhân hoặc cổ phần tự làm tự sống...Nếu không làm quyết liệt,lần này gay go to đấy

    Trả lờiXóa
  2. ĐB viết rất đúng, nhưng ai làm?

    Trả lờiXóa