Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Nguyễn Thế Thảo “có công” làm cho Hà Nội xuống cấp





Mời quý vị xem Bàn tròn thứ Năm thảo luận sự kiện Hà Nội bầu tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Nhân dịp này, các khách mời cùng nhìn lại điểm nổi bật nhất của Hà Nội dưới nhiệm kỳ của ông Nguyễn Thế Thảo, người mới đây đã xin từ nhiệm ngay trước cuộc bầu cử lãnh đạo mới của chính quyền thành phố.

----------


BBC


Một số câu hỏi đã đang được dư luận và các giới quan tâm đặt ra và chờ câu hỏi như liệu việc Hà Nội chỉ có một 'ứng viên duy nhất' được đưa ra để bầu chọn, theo giới thiệu của Thành ủy và chính quyền Hà Nội, là một cách làm đã mới hay chưa?
Liệu Hà Nội và các cử tri, nhân dân có bị đặt vào 'thế đã rồi' hay không trong cách bầu cử này? Liệu có sự may rủi hay không, nếu như vị ứng viên duy nhất được bầu chọn thay vì có năng lực, phẩm chất phù hợp như tài, đức, và làm việc hiệu quả, lại không được như vậy? Khi đó Hà Nội sẽ xử lý thế nào?



Với nhiệm kỳ vừa kết thúc của ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố từ 2007-2015, Hà Nội đạt được điều gì quan trọng nhất và còn vấn đề gì được cho là nghiêm trọng và đáng lo ngại nhất?
Nếu có một điều gì đó được coi như một di sản đáng kể để lại cho Hà Nội như một dấu ấn, thì ông cựu Chủ tịch Thế Thảo có để lại di sản gì đáng kể không? Hay ông không để lại dấu ấn gì?
Điều đáng quan tâm nhất?
Có điều gì mà tới đây người thay thế ông Thảo, bất luận là ai, có thể sẽ phải và nên lưu ý, quan tâm nhất khi điều hành Hà Nội?





Đặc biệt, đâu là kỳ vọng quan trọng nhất của người dân hiện nay với thành phố là thủ đô của Việt Nam trong thời điểm Việt Nam đã đang trong các bước đi và chặng đường hội nhập mạnh hơn vào môi trường quốc tế, mà một trong các sự kiện mới nhất là Việt Nam vừa ký kết xong Hiệp định Thương mại Tự do với EU, cũng như đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật để gia nhập TPP trong năm 2015.
Bàn tròn Thứ Năm của BBC được phát trực tuyến vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam trên kênh Youtube của chúng tôi, mời quý vị vào đường dẫn sau đây để theo dõi:
http://bit.ly/1lv6zcI
Tham gia Bàn tròn hôm 03/12, sẽ có các vị khách đến từ các thành phố, địa phương khác nhau trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng.
Các vị khách mời cũng được mời tham gia đánh giá và cho điểm một số thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh (TP), Huế và Nha Trang với thang điểm từ thấp tới cao (1-10).
Chủ tịch vừa từ nhiệm của Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, dường như không để lại một 'di sản, dấu ấn nào' đáng kể, theo một số khách mời của BBC.
Trao đổi với cuộc Tọa đàm hôm 03/12/2015 của BBC, nhà báo tự do, bloggerTrương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói: "Vừa rồi, tôi mới ở Hà Nội về, di sản lớn nhất mà kiến trúc sư Thảo để lại đó là một con rắn khổng lồ nó đang án ngữ trên tầng trung tâm của Thủ đô. Đó là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mà tôi nhìn tôi sợ quá, tôi không hiểu tại sao ở một Thủ đô mà lại cho một con rắn khổng lồ nó lượn trên bầu trời, trông nó kinh hoàng, nó có một cái gì về mặt tâm linh, rồi về mặt phong thủy, nó thế nào đó. Tôi cho rằng cái đó rất lạ, mà dấu ấn anh Thảo để lại, thì nó là cái đấy, cái con rắn Cát Linh - Hà Đông đó," blogger Trương Duy Nhất nói với Bàn tròn Thứ Năm.
Xuống cấp văn hóa
Họa sỹ Vũ Huy, người đang làm việc tại Hãng Phim Truyện Việt Nam, chia sẻ với Bàn tròn: "Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và trong suốt quá trình dài đến thời biết nhận thức, từ thời bắt đầu biết nhận thức, tôi nghĩ đó là thời mà nhận thức bằng cách của người lớn, thì đó là thời (nhiệm kỳ) cuối của ông Trần Duy Hưng.
"Thì ông Trần Duy Hưng ta phải nói đó là một vị Chủ tịch của Thành phố mà dù muốn dù không thì đấy là một người văn hóa cao, hiểu văn hóa...
"Không dài dòng, tôi xin nói là tôi đồng ý với ý kiến của các anh là ông Nguyễn Thế Thảo đúng là ông không để lại một di sản gì..."
Và họa sỹ thiết kế của Hãng phim Việt Nam nói thêm: "Nếu mà nói về ông Thảo, theo tôi nói một cách văn minh là quy trách nhiệm cho người đứng đầu, chúng ta tạm nói đó là trách nhiệm của ông Thảo, thì tôi thấy xuống cấp nhất đấy là cái văn hóa chung, không phải của riêng Hà Nội, mà của người Việt Nam.
"Đấy là cái tôi rất xấu hổ, vì chúng tôi làm phim, thì tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài đến đây.
"Họ thất vọng rất nhiều, vì họ còn rất nhiều những cái ảnh, những tư liệu mà thậm chí mới cách từ 7 năm trước đây, cái thời mà những năm 1995, nó đã không đến mức như bây giờ," họa sỹ nói với Chương trình.
Nhiệm kỳ 'tồi tệ'
Blogger, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện từ Viện Nghiên cứu Hán - Nôm ở Hà Nội nói với Tọa đàm: "Ông Nguyễn Thế Thảo đã để lại một nhiệm kỳ tồi tệ và không có một di sản gì đáng kể có ích lợi cho nhân dân Hà Nội nói chung và của Thế giới nhìn vào Hà Nội nói riêng.
"Khi ông Nguyễn Thế Thảo được cử về làm Chủ tịch của Thành phố Hà Nội, thì tôi là một người có nhiều hy vọng, ngay từ 2008 tôi đã viết những bài về chuyện đó. Và tôi đã đề ra 7 điều cần có, phẩm chất cần có của một người gọi là đứng đầu của Thành phố Hà Nội.
"Thế và lúc bấy giờ tôi hy vọng là Nguyễn Thế Thảo là một kiến trúc sư và là một Tiến sỹ, và thực ra khi mà ông Thảo, khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy của Bắc Ninh, thì quả thực đã dựng nên một thành phố Bắc Ninh rất là thẳng thớm, đẹp đẽ và văn minh đấy.
"Nhưng khi ông về Hà Nội thì không phát huy được mảy may vai trò của một kiến trúc sư và Hà Nội vẫn xây dựng một cách ngổn ngang, lộn xộn, cùng với kéo theo bao nhiêu hệ lụy về nước ngầm, nước ngập, rồi thì về cơi nới nhà cửa, những công trình.
"Rồi ngay cả những công trình mới đây được xây dựng lên để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và Đại lễ Thăng Long, thì với vai trò một người kiến trúc sư, nhưng mà ông Nguyễn Thế Thảo đã không sát sao vào những cái đó, như là Công viên Hòa Bình, như là Bảo tàng Hà Nội hoặc là như các công trình khác.
"Để lại một di sản ngổn ngang, giống như là một Thành phố Hà Nội xập xệ, nói chung là nhếch nhác như hiện nay và tôi không nhìn thấy một điểm nào của ông Nguyễn Thế Thảo để lại, đáng để cho chúng tôi nhớ như là một kỷ niệm tốt đẹp mà ông ấy lưu lại Hà Nội hết. Và dự án chặt 6.700 cây xanh, đấy là một vết hoen ố rất lớn ở trong gương mặt.
"Thế rồi việc ngày 8/8/2011, ông ấy ban hành ra thông báo không số, không chữ ký, chỉ có con dấu treo, về việc cấm biểu tình, vi phạm ngay Hiến pháp, mà trong buổi gặp riêng chúng tôi ở ngay Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội ngày 27/9/2011, thì ông ấy nói, nhận là ông ấy là người ban cái đó ra, một người lãnh đạo lớn nhất là Thị trưởng của một thành phố Thủ đô mà còn vi phạm Hiến pháp đến như thế, thì thật là không còn điều gì để nói.
"Và nói tóm lại đấy là một nhiệm kỳ tồi tệ và tôi thấy thật là may mắn là ông ấy đã nghỉ," Tiến sỹ Xuân Diện nêu quan điểm.
Thách thức với tân chủ tịch
Nhìn vào nhiệm kỳ của vị tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội thời gian tới đây, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật, Việt Nam (Vusta), nói với BBC: "Tôi cho rằng giai đoạn vừa rồi, khi mà Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ở vị trí lãnh đạo, không có một di sản nào mà tôi cho rằng gọi là tích cực đọng lại trong tôi.
"Thế còn về mặt trong tương lai, thách thức thế nào với vị Chủ tịch mới, tôi cho rằng là thách thức hết sức lớn, bởi vì là sự toàn cầu hóa, sự gia nhập hiện nay, và đặc biệt sự cởi mở thông tin, sự phát triển của các tư vấn, phản biện, các nhà khoa học và kể cả các tổ chức xã hội, nó sẽ là một thách thức rất mạnh mẽ đối với vị Chủ tịch mới.
"Nếu như chúng ta tiếp tục cách thức làm trước đây, thì tôi cho rằng tình hình sẽ xấu đi rất nhanh, thế nhưng mà tôi nghĩ rằng với kinh nghiệm của một người chuyên về an ninh, tôi cho rằng họ cũng phải có suy nghĩ tại làm sao để đặt vấn đề ổn định được.
"Nhưng phải trong cái sự gọi là đạt được lòng dân, cho nên tôi chưa biết rằng là thời gian tới đây sẽ ra sao, chỉ đặt lại một dấu hỏi là chúng ta phải chờ đợi mà thôi," Tiến sỹ Trần Tuấn nói với Bàn tròn Thứ Năm.
Hôm thứ Năm, một số các vị khách của Chương trình Tọa đàm đã cho điểm một số thành phố theo thang điểm từ thấp đến cao (1-10), với một số tiêu chí tổng hợp trong đó gồm các lĩnh vực như môi trường sống, văn hóa, y tế, giáo dục, kinh doanh, sinh thái, giao thông, xây dựng, an ninh, trật tự, dân chủ, nhân quyền.
Kết quả đánh giá của các khách mời cho thứ tự của các thành phố như sau: xếp thứ nhất - Đà Nẵng, thứ nhì Nha Trang, thứ ba Huế, thứ tư TP. Hồ Chí Minh, thứ năm Hải Phòng, thứ sáu Cần Thơ và thứ bảy - Hà Nội.(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét