Tấn bi kịch ở châu Á và kết cuộc của Giấc mơ Mỹ
Marc Frey
Phan Ba dịch
Marc Frey, sinh năm 1963, là giáo sư về Lịch sử Quốc tế và là người giữ chức vụ Helmut Schmidt Chair of International History ở Jacobs University Bremen, Đức. Các lĩnh vực làm việc chính của ông là Lịch sử Mỹ hiện đại và Lịch sử quá trình phi thuộc địa hóa ở Đông Nam Á.
Lời nói đầu
Chiến tranh Việt Nam là xung đột quân sự dài nhất của thế kỷ 20. Cuộc chiến này đã bắt đầu như là cuộc xung đột giữa thế lực thực dân Pháp và phong trào dân tộc-cộng sản của Việt Minh trong Đệ nhị thế chiến. Mãi ba mươi năm sau đó, chiến tranh mới chấm dứt khi Hoa Kỳ rút lui ra khỏi Việt Nam, Sài Gòn thất thủ và đất nước này được thống nhất.
Cuộc chiến đã để lại những vết thương thật sâu ở Việt Nam mà cho tới nay vẫn còn chưa lành lại. Là một trong số ít các quốc gia còn bị cộng sản nắm quyền, Việt Nam đã phải chịu đựng những hậu quả lâu dài của cuộc chiến về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế. Điều này cũng đúng cho cả Lào và đặc biệt là cho Campuchia, nơi Chiến tranh Việt Nam đã khởi động một vòng xoáy của bạo lực mà các tác động của nó trước sau vẫn còn quyết định vận mệnh của đất nước này.
Đối với Hoa Kỳ, cuộc xung đột chấm dứt với chiến bại đầu tiên trong lịch sử. “Hội chứng Việt Nam” vẫn còn ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho tới ngày hôm nay. Cuộc chiến đã tác động đến quan điểm của nhiều người Mỹ về đất nước họ, và dẫn tới việc phê phán xét lại “Thuyết ngoại lệ” Mỹ – tức là niềm tin rằng quốc gia của những người di dân có thể là một gương mẫu cho các nước và dân tộc khác.
Ở nước Đức, Chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi hình ảnh nước Mỹ mà cho tới tận những năm sáu mươi vẫn còn hết sức tốt đẹp. Hơn hai mươi năm sau khi người Mỹ giải phóng nước Đức ra khỏi chế độ Quốc Xã, một tinh thần chống Mỹ đã hình thành và lan rộng, ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người Đức trẻ tuổi về nước Mỹ. Ở Đức, khi người ta thảo luận về nước Mỹ và cuộc Chiến tranh Việt Nam, bên cạnh sự phẫn nộ có phân biệt trái phải thường hay có một sự hả hê ác tâm nhất định đi cùng – một sự hài lòng kỳ lạ về việc là không chỉ có lịch sử nước Đức mới đầy những con đường đi sai lầm và đầy những phát triển tai hại. Thế nhưng từ giữa những năm tám mươi và chậm nhất là kể từ khi tái thống nhất, nhận thức của nhiều người Đức và sự quan tâm đến nước Mỹ đã biến đổi một cách cơ bản. Đặc biệt, “Tấm gương Mỹ” được tuyên truyền ở khắp nơi trong mối liên quan với “toàn cầu hóa”, cùng với cuộc khủng hoảng của nhà nước an sinh xã hội và quá trình chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang một xã hội dịch vụ và thông tin, đã tăng cường mối quan tâm chung và tích cực đến lịch sử và xã hội Hoa Kỳ.
Quyển sách dẫn nhập này xuất phát từ những cố gắng muốn đáp ứng mối quan tâm đó. Công việc soạn thảo đã cố gắng mang lại cấu trúc cho những câu hỏi chủ đạo sau: Tại sao Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam? Các nhà hoạt động chính trị có những động lực nào? Những cột mốc quyết định của Chiến tranh Việt Nam nằm ở đâu? Cuộc chiến có những tác động nào đến nước Mỹ? Và cuối cùng: Tại sao Hoa Kỳ thua cuộc chiến này? Qua đó có thể thấy rằng trọng tâm của quyển sách này nằm ở góc nhìn của nước Mỹ. Thế nhưng để đánh giá thì phải mang nó vào trong bối cảnh của lập trường Bắc và Nam Việt Nam, cũng như quốc tế.
Quyển sách này dựa trước hết vào nghiên cứu của các sử gia Mỹ, những người từ lâu đã tích cực nghiên cứu lịch sử của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Cũng mang lại nhiều gợi ý là những cuộc thảo luận với sinh viên của khoa Lịch sử Anh-Mỹ trường Đại học Köln và của Chương trình Bắc Mỹ thuộc Đại học Bonn. Các phê bình của Tiến sĩ Claus Daufenbach (Bonn), Tiến sĩ Detlef Felken (München), Giáo sư Tiến sĩ Jürgen Heideking († 2000, Köln), Tiến sĩ Wilfried Mausbach (Washington) và Sigrid Schneider (Köln) cũng đã giúp tôi rất nhiều. Xin cảm ơn những người này tại đây. Anne Frey đã tư vấn cho tôi một cách hết sức thông thạo và chuyên môn, và đã trợ giúp trên nhiều mặt để bản thảo này được hoàn thành. Trách nhiệm cho văn bản, cũng như cho những đánh giá sai lầm có thể có chỉ nằm ở bản thân tôi.
Đọc những bài khác ở trang Lịch sử Chiến tranh Việt Nam
#lsctvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét