Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Trương Huy San - Ai bảo kê ông Trầm Bê



Trương Huy San (Osin Huy Đức)
Theo FB Trương Huy San


Quốc hội sẽ để Thống đốc Nguyễn Văn Bình yên với cam kết ngân sách không ảnh hưởng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng? Quốc hội cũng để ông Bình liều mình "cứu chúa" bằng cách để NHNN đứng ra "nhận ủy quyền" phần vốn âm nhiều chục nghìn tỷ đồng của gia đình ông Trầm Bê sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank?

Southern Bank là một ngân hàng vi phạm gần như tất cả các quy định mang tính nguyên tắc mà Luật ràng buộc đối với một tổ chức tín dụng.

Hai cổ đông lớn nhất đều sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ (ông Trầm Bê sở hữu 8,36%; con gái, Trầm Thuyết Kiều, sở hữu 7,36%). Nhóm cổ đông trong gia đình ông Trầm Bê và người có liên quan sở hữu tới 26,26% vốn điều lệ trong khi Luật cho phép tối đa chỉ 20%.

Đặc biệt, 71,28% tổng dư nợ được tập trung cho các nhóm khách hàng với mức cho vay mỗi nhóm vượt nhiều lần quy định so với vốn tự có của Southern Bank.

Cũng như Nguyễn Văn Mười Hai sử dụng "Nước Hoa Thanh Hương", ông Trầm Bê đã sử dụng Southern Bank như một công cụ huy động vốn. Thường, những khoản "vốn" này được dùng để kinh doanh địa ốc.

"Khách hàng" Thạch Thị Thúy An - nhân viên tín dụng của Southern Bank - được vay 280 tỷ VND mà không cần tài sản thế chấp gì để một thời gian sau thì đưa về 25 "sổ đỏ". "Khách hàng" Thạch Thị Qui - nhân viên phòng đầu tư - vay 280 tỷ cũng không thế chấp gì và khi bổ sung tài sản đảm bảo thì lại là 28 "sổ đỏ".

Việc rút hàng trăm tỷ đồng rồi sau đó mang "sổ đỏ" về còn được lặp lại với hàng loạt "khách hàng": Phạm Thị Ngọc Điệp, 280 tỷ VND; Lưu Thị Lợi, 280 tỷ VND; Châu Khương, 457 tỷ VND; Diệp Thị Linh, 384 tỷ VND; Ngô Thị Bích Duyên, 380 tỷ VND; Trương Cẩm Linh, 390 tỷ VND...

Hàng chục công ty "khách hàng" của Phương Nam được lập ra để "vay" hàng trăm, hàng nghìn tỷ từ Phương Nam mà các cổ đông có khi là con dâu, con rể ông Trầm Bê hoặc "cháu ông Trầm Bê", "cháu vợ ông Trầm Bê và có khi chỉ là một "nhân viên tập sự" của chính ngân hàng này (Ngày 2-2-2012 bà Trương Cẩm Linh được "nhận thử việc" tại Công ty quản lý nợ của Phương Nam; Ngày 10-2-2012, bà Linh được "cho vay" 390 tỷ).

Nếu không phải là con cháu trong nhà thì "khách hàng" của Phương Nam cũng là những người nằm trong "nhóm lợi ích" như Bầu Kiên; như nhóm của "Bầu" Thắng Đồng Tâm (có số dư nợ tới 6-2012 là 4.440 tỷ VND); như nhóm công ty của Trần Minh Chí - em vợ Thủ tướng đương nhiệm (có số dư nợ tới 6-2012 là 1.245 tỷ VND)...

Rất nhiều "hợp đồng tín dụng" chỉ như để rút tiền ra khỏi ngân hàng. Hàng trăm tỷ được rút ngay một lần và không ai biết rõ những số tiền khổng lồ đó được đưa đi đâu vì con số thực chi cho các "dự án" so với quy mô thế chấp vay tiền là vô cùng nhỏ.

"Khu dân cư Trần Thái" - của ông Trần Minh Chí, em vợ Thủ tướng - được định giá 603 tỷ VND, đã vay và dư nợ tới 6-2012 là 249 tỷ VND, nhưng cùng thời, các chi phí tư vấn, giám sát, đền bù cho người dân và các chi phí quản lý công trình cho công trình này mới được ghi nhận là 12,58 tỷ đồng. Tương tự, 110.158 m2 đất tại xã Phong Phú huyện Bình Chánh được định giá 551 tỷ đồng, trong khi trên thực tế Phong Phú chỉ mới chi đền bù 24 tỷ đồng chứ chưa làm gì cả.

Làm thế nào để năm 2012, khi Phương Nam đã lỗ lũy kế 15.756 tỷ VND, ông Trầm Bê lại còn có thể thu gom cổ phiếu của Sacombank.

Không phải ngẫu nhiên khi rất nhiều khoản "vay" của các "khách hàng" có liên quan tới ông Trầm Bê cho những dự án mà chúng ta thấy là chi tiêu rất nhỏ so với các khoản tiền đã giải ngân. Những lần "tăng vốn" cho chính Southern Bank, lần theo các khoản vay và góp vốn, thấy rất rõ sự liên quan giữa việc gia đình ông Trầm Bê đã "rút" tiền gửi của khách hàng với việc "góp vốn" vào ngân hàng.

Trong lần tăng vốn đợt 2, từ 3,2 nghìn lên 4 nghìn tỷ, (tháng 6-2012), gia đình Trầm Bê "góp" 289,4 tỷ VND. Trong các khoản vay cùng thời điểm, ta thấy: Ngày 4-6-2012, "khách hàng" Nguyễn Thị Hồng, con dâu ông Trầm Bê, vay 140 tỷ, "khách hàng" Nguyễn Thị Thu Hà vay 150 tỷ từ Southern Bank

Cùng ngày 4-6-2012, Southern Bank "giải ngân" 280 tỷ, ngày hôm sau "giải ngân" tiếp 10 tỷ, tất cả đều được chuyển vào tài khoản của "Công ty Thành Long", nơi con rể Trầm Bê là Lê Trọng Trí làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 4-6-2012, Lê Trọng Trí rút hết 280 tỷ đồng ra khỏi tài khoản Thành Long.

Ngay trong ngày 4-6-2012, người ta thấy "22 cổ đông" nhà Trầm Bê mua cổ phần với số tiền 280 tỷ 243 triệu. Ngày 5-5-2012, Lê Trọng Trí rút 9 tỷ đồng; cùng ngày, con trai ông Trầm Bê - Trầm Trọng Ngân - mua cổ phần với số tiền 9 tỷ 217 triệu.
Những sai phạm này có thể chưa cần phải "hình sự hóa" nếu nó không gây hậu quả to lớn như những gì ông Trầm Bê gây ra ở Southern Bank.

Tính tới 30-6-2012, dư nợ cho vay của Phương Nam là 51.300 tỷ VND; vốn chủ sở hữu đã thực âm 11.653 tỷ VND trong khi những khoản vay lên đến hàng chục nghìn tỷ khác của Phương Nam lại ở trong tình trạng "một đi không trở lại". Chỉ tính trong số 42.829 tỷ VND dư nợ được thanh tra, đã có 9.531 tỷ VND có khả năng mất vốn; 8.529 tỷ VND khó có khả năng thu hồi khi xử lý tài sản.

Ông Trầm Bê, với tư cách Chủ tịch hội đồng tín dụng đã cho vay tới 6.343 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo và đứng trước nguy cơ mất vốn; 3.236 tỷ VND khác được cho vay với tài sản đảm bảo không đủ điều kiện thế chấp, được đánh giá là có khả năng mất vốn; 8.521 tỷ khác cho vay với tài sản chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, khó có khả năng thu hồi nợ.

Phải chăng sau Vinashin, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vẫn có thể được Quốc hội và NHNN coi là "chuyện nhỏ".

Ở thời điểm đầu năm 2012, Southern Bank đã hội đủ bệnh tật để bị kiểm soát đặc biệt. Ai đã đưa ra kịch bản thâu tóm Sacombank hòng "đánh bùn sang ao". Vì sao NHNN đã im lặng để "nhái ốm" Southern Bank "nuốt" xong "con rắn hổ mang" Sacombank rồi mới "nhận ủy quyền" món nợ từ ông Trầm Bê đã trở nên chồng chất.

Theo tính toán của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, chi phí minh bạch mua một cổ phiếu Sacombank của ông Trầm Bê lên đến hơn 30 nghìn VND/ cổ phiếu trong khi ông chỉ có thể thu lợi khoảng 25 nghìn VND/ cổ phiếu (gộp cả cổ tức tính từ khi mua). Sáp nhập vào Sacombank rõ ràng là một cuộc đào thoát chứ không phải là một thương vụ.

Vào thời điểm Trầm Bê thâu tóm cổ phiếu Sacombank, đầu năm 2012, Southern Bank đang lỗ 15.756 tỷ VND, nợ xấu đang ở mức 45,6%. Vào thời điểm Trầm Bê và các thân hữu của ông "thôn tính" Sacombank, nợ xấu của Southern Bank lên tới 55,31%. Con số tuyệt đối thì mới kinh hoàng.

Quốc hội nên dành cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình một ngày trên hội trường, để các đại biểu và, đặc biệt, các thành viên Ủy ban Tài chánh & Ngân sách chất vấn ông Nguyễn Văn Bình.

Chỉ cần bạch hóa hồ sơ về những gì ông Trầm Bê đã làm ở Southern Bank, các vị sẽ biết rõ cái gọi là tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu là gì. Chỉ cần xem xét vài hồ sơ "đảo nợ" ở Southern Bank, các vị sẽ rõ các món nợ đã được "làm đẹp sổ sách" như thế nào, sẽ hiểu vì sao GDP vẫn tăng mà nền kinh tế thì càng èo uột, ngân sách thì trống không mà quan chức và các con nợ thì vẫn chi xài như đại gia.

Nếu không dùng ngân sách thì ông Bình sẽ dùng phép thần thông nào để chi trả nhiều chục nghìn tỷ đồng thâm thủng ở Southern Bank và các ngân hàng "0 đồng" khác.

Cách "tái cấu trúc" ngân hàng của Thống đốc Nguyễn Văn Bình có thể sẽ nuôi được các con bệnh ngân hàng qua mùa Đại hội nhưng khi những món nợ nhiều chục nghìn tỷ đồng của ông Trầm Bê và của các "ngân hàng 0 đồng" liên tục đáo hạn ông Bình sẽ chi trả cho dân bằng gì.

Các sai phạm của ông Trầm Bê thì khác gì với ông Thắm Đại Dương, với ông Danh ngân hàng Xây Dựng. Từ 2012 tới nay, ai đang bảo kê cho ông Trầm Bê.

- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151117/truong-huy-san-ai-bao-ke-ong-tram-be#sthash.agvpO8Rq.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét