Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A



Lạm phát hiện nay là do Nhà nước gây ra!



Đau đáu nhiều năm về con đường đi của dân tộc Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát hiện ra rằng có quá nhiều điều phải bàn về cái mà chúng ta đang theo đuổi. Vâng! Câu chuyện về lạm phát dưới đây chỉ là cái cớ để tôi lại gợi chuyện ông…


PV: Thực trạng lạm phát hiện nay ở nước ta như thế nào, theo ông?

TS Nguyễn Quang A: Tháng 8 vừa qua, lạm phát so với cùng kỳ năm trước là trên 23%, quá cao. Cho đến nay, những ai cho rằng làm phát đã giảm là sai. Thực chất giảm là giảm tốc độ tăng lạm phát. Tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 2,2% so với tháng 4, tháng 6 và tháng 7 CPI tăng hơn 1% so với tháng trước. Tháng 8 tăng 0,93% so với tháng 7. Chừng nào mà CPI còn dương thì lạm phát còn tăng. Cho nên từ chỗ đặt kề hoạch lạm phát là 7% , rồi tăng lên 15% cho năm 2011 ngay khi đó, tôi dự đoán lạm phát phải ở vào khoảng 18%. Nếu mà giữ được nó ở mức dưới 20% là phúc! Và, với tốc độ lạm phát như hiện nay thì đây là một chuyện rất nguy hiểm.

PV: Theo ông, nguyên nhân chính của vấn đề này là gì?

TS Nguyễn Quang A: Lạm phát là do Nhà nước gây ra chứ không phải như người ta thường hay đổ cho nào là do giá quốc tế gia tăng, thí dụ giá giá xăng, dầu tăng, rồi thì do các thứ này khác nữa. Đúng là giá quốc tế tăng có ảnh hưởng đến lạm phát nhưng đó chỉ chiếm khoảng mười mấy phần trăm của nguyên nhân lạm phát thôi. Người ta luôn thổi lên, cho rằng dó là nguyên nhân chính. So với lạm phát ở các nước khu vực là thấy ngay không phải vậy!

Gốc rễ của lạm phát luôn luôn là hiện tượng tiền tệ, luôn luôn là mặt bằng giá tăng lên. Nếu lượng tiền trong lưu thông tăng quá mức so với sự phát triển kinh tế thì mức giá chung tăng lên. Nếu mà GDP tăng, lượng tiền tăng tương ứng hoặc cao hơn một chút thì lành mạnh. Còn lượng tiền mà tăng quá thì lúc đó lạm phát xảy ra. Với cùng một lượng tiền, giá cũng tăng nếu hàng hóa ít đi. Có người nhấn mạnh điểm này và cho rằng phải hạ lãi suất, phải thế này thế kia…, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp sản xuất tăng lượng hàng hóa lên. Tăng lượng hàng hóa lên thì giá xuống. Xin lỗi, thực trạng hiện nay không phải thế! Hàng tồn kho đang tăng lên, và nếu làm vậy thì hàng tồn kho còn tăng thêm nữa. Sức mua kém. Cho nên nguyên nhân của lạm phát hiện nay không phải là thiếu hàng.

Lạm phát là một thuế trá hình của chính phủ đánh vào toàn bộ nền kinh tế, nặng nhất là đánh vào những người nghèo. Người khá giả dù giá có tăng thì họ bị ảnh hưởng không đáng kể, có đụng đến một chút cuộc sống của họ nhưng chưa động đến cái ăn, cái mặc của họ. Nhưng mà người nghèo, xin lỗi, đấy là đụng đến cái hàng ngày của người ta. Lạm phát là thứ đụng đến xã hội rất lớn. Chỉ có những chính phủ hết sức vô trách nhiệm thì mới coi nhẹ vấn đề lạm phát.

Thậm chí còn có những ông chuyên gia được gọi là cố vấn lại khuyến khích dùng lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng. Cái chuyện đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát - đấy là sự nguỵ biện, hết sức là sai lầm. Tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, đấy mới là tăng trưởng bền vững, ổn định lâu dài. Còn tăng trưởng mà lạm phát cao và bất ổn vĩ mô như thế này là cực kỳ nguy hiểm.

Một số nước như Singapor, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… - lạm phát của họ mới lên khoảng 4-5% là chính phủ họ lo ngay ngáy, dân bức xúc ghê gớm. Trong khi đó ở ta lạm phát vênh so với các nước này 12-13% chứng tỏ lạm phát ở ta không phải do nguyên nhân bên ngoài. Đây hoàn toàn là sai lầm về chính sách kinh tế của Chính phủ.

PV: Ông có thể nói rõ về sai lầm này?

TS Nguyễn Quang A: Trước tiên, phải nói đến hiệu quả nền kinh tế thấp. Là do đường lối của Đảng và Nhà nước cứ coi khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Kinh tế nhà nước mà chủ yếu là những tập đoàn quốc doanh, chúng tiêu sài nguồn lực của quốc gia rất lớn, nhưng đem lại hiệu quả kém. Cái đó vô cùng nguy hiểm!

Cái hay của nền kinh tế thị trường là nó phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả: những người làm ăn có hiệu quả cao được phân bổ nhiều nguồn lực. Ngược lại, anh mà làm ăn kém, anh “toi”, vốn nó sẽ không đổ về anh nữa. Nước ta, “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, thì không phải vậy, nhà nước phân bổ nhiều nguồn lực cho khu vực kém hiệu quả và việc đó chèn ép khu vực tư nhân hiệu quả hơn.

Tại sao lại cứ phải bảo lãnh cho các doanh nghiệp Nhà nước làm xi măng để rồi chúng không trả nợ được Nhà nước lại phải oằn lưng ra mà trả thay cho họ. Thế rồi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 120 ki-lô-mét, công ty gì ở Quảng Đông, Trung Quốc vừa trúng thầu 180 triệu đô la làm một đoạn khoảng 15 ki-lô-mét, tính ra là hơn 11 triệu đô la/km. Bây giờ ông phải so với Trung Quốc họ làm ở nước họ bao nhiêu tiền một ki-lô-mét. Thái Lan - bao nhiêu, Đông Âu - bao nhiêu,.. Tôi không có những số liệu đó bây giờ nhưng nếu tôi lần ra thì đảm bảo với ông, chắc giá này của Việt Nam cao hơn các nước từ 1,5-2 lần. Tức là hiệu quả của đấu tư công rất kém. Đầu tư đến 42% của GDP để tạo ra được tăng trưởng hơn 6 phần trăm thì đấy là đầu tư phi hiệu quả vô cùng!

Thế thì Nhà nước lấy tiền đâu để đấu tư? Phải đi vay. Tức là chính cái sự hoạt động kém hiệu quả của khu vực Nhà nước này là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề lạm phát. Kém hiệu quả thì phải tiêu nhiều vốn, nhiều tiền, nhiều tín dụng cho nó, tức là lượng tiền tăng lên. Lượng tiền tăng lên thì đấy là nguyên nhân cốt lõi của làm phát. Lỗi của thực trạng này là của ai? Là của Chính Phủ! Hãy xem tại sao ta lại luôn luôn thâm hụt ngân sách. Hơn hai mươi năm qua Luật ngân sách Nhà nước tuyệt nhiên không nói gì về bội thu ngân sách. Quốc hội cũng chỉ ra chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, và Chính phủ luôn luôn đạt hay vượt chỉ tiêu đó. Luật Ngân sách là một luật rất quan trọng thì Quốc hội không làm đúng vai trò của mình, để cho Chính phủ muốn chi tiêu kiểu gì thì chi tiêu. Thâm hụt ngân sách những năm trước luôn luôn có chỉ tiêu là 5% thì Chính phủ báo cáo thực hiện 4,99% hay 4,98% chẳng hạn. Thâm hụt ngân sách triền miên tức là luôn phải đi vay để bù vào và việc này làm tăng lượng tiền lên, góp phần gây ra lạm phát. Thế cho nên muốn chống lạm phát ngoài các biện pháp tiền tệ, xin lỗi, phải cắt bớt chi tiêu của ông đi, không chi tiêu một cách bừa bãi như vừa rồi.

PV: Báo chí đưa tin: Không cắt giảm được bao nhiêu đầu tư công trong thời gian qua. Theo ông tại sao?

TS Nguyễn Quang A: Không giảm vì nó không muốn giảm. Thế thôi! Vì nó có một cái động lực là phải chi thì họ mới có quyền, mới có phần trăm. Chứ còn Chính phủ mà có trách nhiệm với đất nước thì, xin lỗi, cắt là cắt! Làm cái gì là tập trung vào cái đấy, không làm dàn trải, tràn lan. Và, xin lỗi, kỷ luật phải rất là nghiêm túc. Tôi xem Luật Ngân sách của Mỹ, của Hungari nó ra hàng năm và rất chi tiết và rõ ràng: Năm nay, cái nhà hát này của thành phố được ngân sách hỗ trợ ngần này, hết! Làm một con đường trong vòng mấy năm, ngân sách có rất rõ từng năm một, stop! Ông chỉ được làm từng đấy. Còn ở ta, Quốc hội mình “Đười ươi lắm ống”. Quốc hội của các nước nó chi đến từng đồng cụ thể, thậm chí đến từng trường học, từng nhà hát, từng đội bóng nếu những hạng mục này cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Còn, xin lỗi các ông phải tự lo. Không có cái chuyện: Dự án cứ khởi động, rồi lúc đấy đâm lao thì phải theo lao.

PV: Thưa ông! Quốc hội ta còn có những cơ quan giám sát như Kiểm toán Nhà nước cơ mà…?

TS Nguyễn Quang A: Mình nghĩ rằng, chừng nào mà không có sự minh bạch thật, chừng nào không có sự cạnh tranh thật thì cái kiểm toán ấy chỉ góp phần được tí tẹo mà thôi. Chừng nào cái kiểm toán Nhà nước ấy còn làm việc theo sự chỉ đạo của mấy ông trong Bộ chính trị này thì, quên đi. Chừng nào mà những đại biểu quốc hội mà không phải là của dân thật, không có dân chủ thực sự, không có cạnh tranh chính trị thì Quốc hội vẫn là bù nhìn. Quốc hội bù nhìn bổ nhiệm ra cái ông kiểm toán cũng vẫn là bù nhìn. Tình hình có thể khá hơn so với khi không có nó, nhưng nó vẫn không có hiệu quả. Cái gọi là trách nhiệm giải trình của Chính phủ chỉ có khi nào người dân bảo là, “Xin lỗi, ông không làm được ông… cút!”, bằng lá phiếu.

PV: Theo ông thì có bao nhiêu người trong xã hội ta biết về những điều này?

TS Nguyễn Quang A: Mình nghĩ là không phải ít. Trong giới chuyên gia có khoảng vài trăm người hiểu rất là tường tận.

PV: Thế còn trong bộ máy cao nhất của Đảng và Nhà nước ta?

TS Nguyễn Quang A: Có thể có một vài người hiểu. Thực ra là họ không cần phải hiểu mà chỉ cần lắng nghe, cân nhắc và quyết định. Chính trị gia không cần là chuyên gia, họ phải biết lắng nghe, biết cân nhắc và dám quyết vì đất nước.

PV: Như vậy, xin hỏi tại sao người ta vẫn duy trì tình trạng như thế này?

TS Nguyễn Quang A: Những người hiểu như thế nhiều khi họ chỉ nói với nhau thôi vì hầu hết họ là những học giả cận thần, phò chính quyền, họ giữ cái ghế của họ mà không dám nói hết và không dám đưa ra những giải pháp để thuyết phục những người lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng có một số ít người dám nói thẳng. Nhưng mình nghĩ toàn bộ nước Việt Nam đã bị những nhóm lợi ích “bắt” làm con tin. Tức là chính sách thực ra là để phục vụ các nhóm lợi ích. Đó là các đại gia nhà nước và tư nhân… Công an là một nhóm lợi ích. Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,…cũng là những nhóm lợi ích. Và, cái nhóm lợi ích kinh khủng nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

PV: Sao ông lại nói: “…Làm con tin…”?

TS Nguyễn Quang A: Tức là toàn bộ hành động của các quan chức Nhà nước bị những cái này nó chi phối, nó điều khiển. Thế không bị làm con tin thì làm gì nữa? Các đại gia lũng đoạn chính sách sao cho có lợi cho họ. Tiền nó nhiều “Như quân Nguyên”.

PV: Buồn quá! Tất cả những chuyện này vẫn tồn tại và còn tồn tại…?

TS Nguyễn Quang A: Chỉ có thể can thiệp được vào tình hình này khi có dân chủ thực sự, có tự do ngôn luận thực sự, khi luật quy định rõ quan chức và cơ quan chỉ được làm những việc cụ thể; tức là khi luật chủ yếu để hạn chế quyền lực của cơ quan và quan chức nhà nước; còn người dân được làm tất cả những gì mà luật không cấm. Và việc thực thi luật phải nghiêm, có các thể chế đảm bảo cho việc đó, người dân ý thức được quyền của mình và tìm mọi cách ép các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước làm đúng luật

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!



Trần Ngọc Kha thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét