Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Một lời khinh







Không phải lúc nào cũng có, chuyện một truyền thống tốt đẹp từ miền này lại lan được sang miền khác, nếu như truyền thống đó không thuyết phục được lòng người.

Những bình trà đá rất đỗi quen thuộc ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung từ cả thế kỷ nay, đột nhiên bỗng trở thành sự kiện lớn ở Hà Nội – cái nôi cao đẹp của văn hoá xã hội chủ nghĩa.

Sự cho đi với tha nhân, không toan tính đột nhiên bị các nhóm trật tự đô thị, dân phòng… ập đến tịch thu không có một mẩu biên lai. Họ nói những bình trà đá nhỏ nhoi đó làm mất trật tự đô thị, điều mà ai cũng phải ngạc nhiên, so với những những quán chè nước, cà phê ở trung tâm đô thị vốn đã cống nạp tiền làm ăn cho các khu vực, thì vẫn được hoạt động tràn xuống mặt đường.

Một cô bạn Hà Nội nhắn với tôi, thật ngắn gọn, về câu chuyện những bình trà đá miễn phí bị tịch thu đó: “thật khốn nạn!”.

Không phải lúc nào văn minh và nhân ái cũng được tiếp nhận. Việc tịch thu trà đá miễn phí ở Hà Nội nhắc cho người ta nhớ chuyện những vị linh mục truyền giáo tìm đến những vùng mọi rợ với ước mơ xây dựng điều tốt đẹp, đã bị giết và hò reo ăn thịt ngay tại chỗ. Không khác gì.

Một tác giả nào đó viết rằng những người cho khách qua đường uống nước miễn phí, cần phải bị phạt nặng vì gieo rắc truyền nhiễm cho mọi người, là thiếu ý thức và thiếu văn minh.

Nghe thoạt đầu có vẻ như hợp lý, nhưng soi rọi tận cùng, mới thấy đó là loại lý luận tồi tệ của kẻ chờ gió phất cờ. Loại nguỵ biện xã hội – cơ hội chủ nghĩa.

Để nói về truyền nhiễm, có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu phạt nặng mọi quán ăn vì vẫn dùng chung chén, dĩa, ly… và quy định con người theo thời chiến: đi đâu cũng mang bát, muỗng… theo tư tưởng đôi đũa bác Hồ.

Hãy nên nhớ rằng một bình nước chia sẻ, không có nghĩa là mọi người đều uống vào đấy, mà có cả những người đến để sớt vào bình của mình mang đi, hoặc uống bằng chính ly của mình. Với ý kiến của tác giả ấy (có thể mang sự lo ngại của nền giáo dục miền Bắc XHCN) thì sự vô ý thức của con người có thể dẫn đến bệnh truyền nhiễm. Nhưng ở mặt bằng văn hoá cơ bản của miền Nam từ cả thế kỷ, con người khi dùng chung, đều đã có ý thức của mình. Đó là sự khác biệt lớn mà hôm nay thì mới bị cào bằng.

Người ta không hủy diệt truyền thống với bộ dạng học đòi văn minh hay nguỵ biện. Sự tử tế cần được dắt tay vào những con đường đúng và gìn giữ nó – theo một quy định hỗ tương của cộng đồng. Nếu truyền thống tốt đẹp đó sống trong một yêu cầu, quy định đúng về vệ sinh cộng đồng, thì vẫn tốt hơn sự rầm rập cướp giật ghê tởm được nhìn thấy.

Sự ngụy biện và bao che cho bọn cường hào ác bá cướp tài sản của người khác bằng lý lẽ trật tự đô thị, chỉ vẽ ra sự hỗn mang của một xã hội không còn biết nghĩ, chỉ biết xuẩn động.

Con người cần phải tập ngước nhìn, trước khi tập bước đi vào văn minh. Để biết mình ra sao, con người cũng đơn giản cần biết tập cúi nhìn, trước khi phóng uế vào chính chân mình.

Ngày xưa, khi các phong trào đấu tranh hổn hển cùng uống chung ca nước của các bà mẹ lén lút yểm trợ thì luôn được ca ngợi. Giờ thì những ca nước ấy bị đạp bỏ, bị ghê tởm, có thể bởi các nhân vật đấu tranh ấy đã làm quen với văn minh, uống nước đóng chai. Hoặc việc ca ngợi đó chỉ là giả dối và lợi dụng sự thật thà của nhân dân.

Tôi khinh những bài lý luận trên đất nước này, lúc này, luôn có vẻ dân chủ và khoa học, luôn có vẻ chọn đứng trên mặt trận tuyến đầu, nhưng khi vacccine 3 trong 1 chích trẻ con đến chết hay buộc đóng phí xe máy như thắt cổ dân, thì các tác giả ấy luôn câm miệng.

Tôi khinh những kẻ cơ hội, luồn lách qua các khe hở dân chủ để chứng minh mình tiên phong và tiến bộ, múa may ngòi bút vào chỗ hư không nhưng khi nhìn thấy bọn cẩu quan tham nhũng hay công an đánh chết người vô tội thì tảng lờ như chuyện ở một quốc gia khác.

Một lời khinh không chỉ nhằm đến một ai, mà tôi muốn phát đi tung tẩy trên đất nước này, trúng ai thì nhục nấy chịu. Những kẻ ấy nay đang tràn lan trên đất nước tội nghiệp này.
————————————————

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét