Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Dịch chuyển quyền lực trong nền chính trị Việt Nam



Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “Power shifts in Vietnam’s political system”, East Asia Forum.
Biên dịch: Nguyễn Thế Phương

Trong những năm gần đây, quyền lực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gia tăng một cách đáng kể. Nếu tiếp tục, xu hướng này sẽ có nhiều tác động tới viễn cảnh chính trị của Việt Nam trong tương lai.

Sự gia tăng quyền lực của Ban Chấp hành Trung ương trở nên rõ ràng vào tháng 10 năm 2012, khi cơ quan này đảo ngược một quyết định trước đó của Bộ Chính trị nhằm kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lý do quản lý kém nền kinh tế. Sau đó, vào tháng 5 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, lần lượt là người đứng đầu Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương lại bầu cho hai ứng viên khác.
Một ví dụ khác của sự gia tăng quyền lực này chính là phiên bỏ phiếu tín nhiệm chưa từng có tiền lệ đối với 20 quan chức cấp cao nhất của Đảng vào tháng 1 năm 2015.

Cũng trong bối cảnh này, một thành viên cao cấp của Quốc hội thậm chí còn đưa ra một đề xuất được cho là táo bạo: Việt Nam nên áp dụng cơ quan lập pháp lưỡng viện, với Quốc hội hiện nay đóng vai trò Hạ viện, còn Ban chấp hành Trung ương đóng vai trò Thượng viện.

Quyền lực được nâng cao của Ban chấp hành Trung ương đánh dấu bước chuyển biến đáng chú ý trong cấu trúc quyền lực của hệ thống chính trị Việt Nam. Sau sự qua đời của Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1986, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên cá nhân lãnh đạo nhiều quyền lực (strongman), quyền lực chính trị ở cấp cao nằm trong tay Bộ Chính trị. Hiện tại, với việc Ban Chấp hành Trung ương khẳng định vai trò của mình như là thể chế có tiếng nói cao nhất trong Đảng, quyền lực chính trị quốc gia đang ngày càng bị phân tán.

Cấu trúc quyền lực của Đảng Cộng sản hiện tại đang tựa như mô hình của một kim tự tháp ngược, với Ban Chấp hành Trung ương đóng vai trò là chủ thể quyền lực nhất, tiếp đến là Bộ Chính trị và ở dưới cùng là Tổng Bí thư. Thế nhưng quá trình chuyển biến này chỉ xảy ra tại tầng cao nhất trong cấu trúc quyền lực của Đảng. Hầu hết 3,6 triệu đảng viên, cũng như người dân, vẫn đứng ngoài cuộc chơi này, và hầu như không có bất cứ ảnh hưởng nào tới lịch trình nghị sự cũng như quá trình hoạch định chính sách của Ban Chấp hành Trung ương.

Chính vì thế, xu hướng này không phải là một chỉ dấu hướng tới dân chủ hoá tại Việt Nam. Thay vì vậy, nó là một chỉ dấu cho thấy quá trình tranh giành quyền lực đang diễn ra trong nội bộ giới tinh hoa chính trị của đất nước. Thủ tướng Dũng đã áp đặt ảnh hưởng ngày càng tăng của mình lên Ban Chấp hành Trung ương, đạt được nhiều quyền lực hơn so với các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Điều này giải thích lý do tại sao Ban Chấp hành Trung ương đã đảo ngược quyết định của Bộ Chính trị nhằm kỷ luật ông Dũng, và từ chối cho ông Thanh và ông Huệ – những nhân vật hoặc là đối thủ chính trị hoặc không phải là đồng minh của ông Dũng – gia nhập Bộ Chính trị. Và điều này cũng phần nào được thể hiện thông qua thực tế rằng ông Dũng đã giành được kết quả cao hơn hẳn so với các đồng nghiệp trong phiên bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 1 năm 2015, mặc dù thành tích kinh tế gần đây của quốc gia vẫn còn nhiều điều phải cải thiện.

Vậy làm thế nào mà Thủ tướng Dũng có thể gây ảnh hưởng ngày càng lớn lên Ban Chấp hành Trung ương?

Ban Chấp hành Trung ương phần lớn là thành viên chính phủ và các lãnh đạo cấp cao từ các tỉnh, những người mà quá trình bổ nhiệm họ được quyết định hay ảnh hưởng lớn bởi ông Dũng. Vai trò quan trọng của ông Dũng trong quá trình phân bổ ngân sách quốc gia tới các chính quyền địa phương, bên cạnh các mối quan hệ tốt đẹp của ông với giới kinh doanh vốn thường giữ quan hệ gần gũi với các lãnh đạo tỉnh, cũng đã giúp ông có được nhiều sự ủng hộ chính trị. Ảnh hưởng của ông Dũng đối với Bộ Quốc phòng, và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông trước đây từng giữ chức Thứ trưởng) cũng mang lại cho ông nhiều lợi thế, bởi vì các đại diện xuất thân hoặc đến từ hai bộ này chiếm tới gần 15% số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

Sau Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ 12 vào năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương có thể sẽ tiếp tục tập trung nhiều quyền lực hơn, đặc biệt nếu các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với quan chức cấp cao của Đảng vẫn được duy trì và nếu như Thủ tướng Dũng có thể giành thêm được một nhiệm kỳ nữa trong Bộ Chính trị bất chấp giới hạn về tuổi tác.
Nếu như ông Dũng có thể tận dụng nguồn vốn chính trị hiện tại của mình để đưa những đồng minh của ông hay những người được ông đỡ đầu vào trong Ban Chấp hành Trung ương mới, ông Dũng có khả năng rất cao sẽ đạt được tham vọng của mình là trở thành Tổng bí thư tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kịch bản ấy, Việt Nam sẽ có một ban lãnh đạo mạnh hơn và thống nhất hơn, đặc biệt khi thủ tướng tiếp theo có khả năng là một trong những nhân vật được ông Dũng bảo trợ. Điều này có thể có lợi cho Việt Nam vì đất nước cần một thế hệ lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả để theo đuổi những chính sách cải cách kinh tế và ngoại giao táo bạo hơn. Thế nhưng lãnh đạo mạnh có thể dẫn tới việc các cải cách chính trị có ý nghĩa cũng như cuộc chiến chống tham nhũng sẽ bị hạn chế.

Đội hình lãnh đạo chính trị Việt Nam trong tương lai còn phụ thuộc vào quá trình cạnh tranh quyền lực xảy ra trước thềm đại hội Đảng vào năm sau. Lợi thế trong trò chơi quyền lực hiện tại dường như đang nghiêng về phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng kết quả cuối cùng sẽ chưa thể xác định được cho tới khi đại hội kết thúc vào năm sau.


Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Ông hiện tại cũng đang là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên Cứu Quốc Tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét