Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Kịch bản nào cho Việt Nam trong Đại hội Đảng Cộng Sản lần 12

Trên con đường đến Đại Hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam chúng ta thấy xuất hiện nhiều sự kiện rất đáng chú ý. Muốn đoán Việt Nam sẽ ở trong kịch bản nào, thiết nghĩ chúng ta cần xem nhân vật nào là thiết kế viên và ai là diễn viên, cùng những thế lực tác động vào kịch bản. Sau đây chúng tôi xin lược trình một số diễn biến nổi bật trong sân khấu chánh trị VN hiện tại để từ đó nhìn ra kịch bản trong tương lai.


Tôi chỉ xin nêu lên những sự kiện nổi bật trong thời gian gần đây. Mốc thời gian xin lấy từ sự kiện bỏ phiếu tín nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng đến thời gian nầy.


Chỉ còn vỏn vẹn sáu tháng nữa là đại hội đảng cộng sản bắt đầu. Trong khoảng thời gian chạy nước rút đó, có thể sẽ xảy ra những cảnh tượng bi phẫn để đưa đến kịch bản mới cho Việt Nam và quyết định vận mạng chính trị, kinh tế cả nước trong năm năm sắp tới.


A- Thiết kế viên của kịch bản


Thiết kế viên thứ nhất, không ai khác hơn là Trung Cộng, họ muốn Việt Nam mãi mãi chịu dưới áp lực kinh tế, chánh trị, cả mặt quân sự để phục vụ Giấc Mơ Trung Hoa và có thể trở thành nước chư hầu phương Nam của họ. Họ không coi Việt Nam là đồng minh, họ chỉ muốn VN là chư hầu; họ không cần cam kết quan hệ bền vững, mà họ chỉ muốn có sự qui phục lâu dài (Mạnh Kim). (Kịch bản Bắc Kinh).


Thiết kế viên thứ hai là Mỹ, họ muốn Việt Nam trở thành đối tác toàn diện với họ và có thể sẽ ký kết hiệp ước quân sự giữa hai bên với mục đích sử dụng Việt Nam là một quân bài trong chuổi bao vây sự bành trướng của Trung Cộng. Họ dùng lợi ích kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ làm động lực và họ sẽ làm nhiều cách để Việt Nam thấy rõ được hưởng lợi khi là đồng minh trong chiến lược Xoay Trục sang Thái Bình Dương của họ. (Kịch bản Tây phương)


Trong chính trường Việt Nam hiện có hai nhóm được coi là đại diện cho hai kịch bản đó. Nhóm ông Nguyễn Phú Trọng tiêu biểu cho kịch bản Bắc Kinh và nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng được coi như “thụ ủy” cho kịch bản Tây phương mà Mỹ là đại biểu. Ở đây cũng cần lưu ý là người Mỹ rất thực tế, ông Trọng hay ông Dũng đều như nhau, ai chấp nhận và thực hiện chiến lược Chuyển Trục sang Thái Bình Dương là được.


B- Nhân vật chính của các kịch bản.


Nguyễn Phú Trọng: đại diện cho kịch bản Bắc Kinh, nhưng tôi xin được nói đến nhân vật Nguyễn Bá Thanh trước.


Nguyễn Bá Thanh


Ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành phố Đà Nẵng, được chuyển về Hà Nội nắm chức vụ trưởng ban Nội Chính Trung Ương và được ông Trọng đề cử vào Bộ Chánh Trị (nhưng thất bại). Nhưng thình lình có tin ông nhiễm phóng xạ và tin tức loan ra nhanh chóng nhưng bị phe báo lề phải phủ nhận. Cuối cùng thông tin từ Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương: Ông Nguyễn Bá Thanh đã bị đầu độc!


Ngày 16/8/2014, ông Nguyễn Bá Thanh đã được đưa sang Mỹ, ngay sau khi nhập viện, ông đã được chẩn đoán “Ngộ độc phóng xạ - ARS” và lập tức được chuyển đến bệnh viện Johns Hopkins Medicine (Baltimore, Mỹ), đây là cơ quan chuyên nghiên cứu và điều trị nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ về các bệnh do nhiễm xạ gây ra.


Tháng sau ông được chuyển về Việt Nam điều trị và qua đời ít lâu sau đó. Người tín cẩn bị đầu độc chết, đó là sự thất bại, sự suy thoái quyền lực đau đớn của ông Trọng.


Phạm Quang Nghị


Người cùng phe với ông Trọng, được cử đi Mỹ thay ông Phạm Bình Minh, được ngoại trưởng Mỹ John Kerry chính thức mời. Ông là Ủy Viên Bộ Chính Trị kiêm Bí Thư Thành Ủy Hà Nội. Ông được xem là người có nhiều khả năng được kế vị chức tổng bí thư sau khi ông Trọng nghỉ vào đầu năm 2016. Ông Nghị không có tên trong thành phần phái đoàn đi Mỹ với ông Trọng. Ộng cũng là nhân vật "diện kiến" giới chính khách Mỹ vào tháng Bảy năm ngoái. Nhưng từ sau chuyến đi, dường như vai trò của ông bị lu mờ. Có phải chăng phe thân Bắc Kinh đã yếu thế?


Phùng Quang Thanh


Sự vắng mặt của ông trong hai hội nghị quan trọng của đảng cộng sản Việt Nam gây ra rất nhiều đồn đoán, nhất là tin ông Thanh đang chữa bệnh tại Pháp. Ngày 2 tháng 7/ 2015 trả lời cho BBC, Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương, đưa ra trong cuộc phỏng vấn tuyên bố: “Các kết quả xét nghiệm tại Việt Nam cho thấy Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh chưa có dấu hiệu bị ung thư”. Giáo sư Khải cho biết ông Thanh được chuyển sang Pháp từ ngày 24/6.


Xét nghiệm không thấy có triệu chứng bệnh ung thư, tại sao lại đưa sang Pháp điều trị? Lý giải thế nào để phản biện lại những đồn đoán về việc loại trừ phe thân Trung Cộng trong đại hội 12. Với điều kiện sức khoẻ như vậy, ông Phùng Quang Thanh sẽ không hội đủ điều kiện để đảm nhận chức vụ Chủ Tịch Nước, như dư luận đồn đoán sau khi bỏ phiếu tín nhiệm kỳ rồi. Ông đã không tham dự Đại Hội Thi Đua Quyết Thắng Toàn Quân Lần Thứ IX năm 2015 khai mạc sáng thứ Tư 1 tháng 7 tại Hà Nội, sự kiện do Quân Ủy Trung Ương và Bộ Quốc Phòng tổ chức. Ông Thanh cũng vắng mặt trong cuộc họp Chính Phủ Thường Kỳ tháng 6 hôm 29 tháng 6 vừa qua.


Ông Thanh là Bộ Trưởng Quốc Phòng, nhiệm vụ là bảo vệ đảng, nhưng sa vào hoàn cảnh bi đát nầy, phe Bắc Kinh yếu thế rõ rệt.


Nguyễn Phú Trọng: đại diện cho kịch bản Bắc Kinh


Ông Trọng phải diện kiến Tập Cận Bình từ 7 đến 10 tháng 4 năm 2015 trước khi đi Mỹ hội kiến với Tổng Thống Obama Hoa Kỳ ngày 7 tháng7 năm 2015. Chuyến viếng thăm TC của ông Trọng có thể để củng cố quyền lực cho phe đảng, cũng có thể có những hứa hẹn những điều làm Trung cộng yên lòng và họ sẽ không làm cản trở chuyến đi Mỹ của ông.


Chuyến đi cũng hàm ý được Mỹ thừa nhận sự lãnh đạo của đảng cộng sản, tạo tư thế cho đảng cộng sản VN tiếp tục lãnh đạo đất nước trong ít nhất 5 năm nữa, cũng là liều thuốc an thần cho giới lãnh đạo Bắc Kinh về mối bang giao VN-Mỹ không đi quá xa như Bắc Kinh lo sợ. Gần đây có những động thái chứng tỏ ông Trọng đưa ra những cố gắng sau cùng để lấy thanh thế cho đảng trước khi ông hết nhiệm vụ năm 2016. Vài vụ sau đây:


1- Ngăn chận thành công chuyến đi Mỹ của Phạm Bình Minh theo lời mời của ngoại trưởng Mỹ Kerry.


2- Cử Phạm Quang Nghị, người cùng phe, đi Mỹ thay ông Phạm Bình Minh.


3- Ông Trọng đề cử 2 người vào Bộ Chánh Trị là Nguyễn Bá Thanh và Vương Ðình Huệ nhưng Ban Chấp Hành Trung Ương đã lại bác bỏ.


4- Sau khi đi Trung Cộng về, ông đi Mỹ và được Tổng Thống Obama hứa tiếp theo nghi thức quốc trưởng. Theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc cuộc thảo luận giữa ông Obama và ông Trọng ngày 7/7 sắp tới sẽ bao gồm ba trọng điểm: (1) Tăng cường hợp tác kinh tế sâu rộng, đặc biệt với việc sớm kết thúc đàm phán TPP; (2) mở rộng khuôn khổ sự tiếp cận cảng Cam Ranh của Hải Quân Mỹ; và (3) năng cấp hợp tác quốc phòng thông qua việc tiến tới hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.


5- Phái đoàn đi Mỹ của ông Trọng không có Phạm Quang Nghị cũng không có bộ trưởng công an Trần Đại Quang và Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đinh Thế Huynh - hai nhân vật còn tuổi để ứng cử vào Bộ chính trị khóa tới.(theo Việt Nam Thời Báo).


Sự đuối thế của ông Trọng quá rõ cho dù ông đã hết sức gắng gượng. Đó chứng tỏ xu hướng thân Bắc Kinh có thể sẽ bị loại trừ nhanh chóng, hoặc bằng chánh trị, có thể bằng con đường không êm thấm. Trang mạng Boxum của Trung Cộng nói phái thân Hoa thất thế.


Nguyễn Tấn Dũng: được coi là “thụ ủy” của kịch bản Tây phương


Ông Dũng bị tố cáo tội tham nhũng, thất bại trong việc điều hành kinh tế ở Việt Nam. Dưới trướng ông là nhóm lợi ích. Họ ra sức vơ vét của cải từ tài nguyên quốc gia đến đất đai, ruộng vườn của người dân đem bán rồi chia nhau. Đến nổi bà Đoan phải thốt lên: “ăn hết không chừa thứ gì”. Nhưng họ là nhóm có thế lực tài chánh thực sự ở Việt Nam hiện nay, điều nầy tạo thêm sức mạnh cho ông Dũng.


Sau đây là một vài sinh hoạt tạo đà cho ông trong cuộc chạy đua vào đại hội 12 năm 2016:


1- Ông thất bại trong việc điều hành kinh tế, nên vào tháng 10 năm 2012, khi Bộ Chính Trị định kỷ luật, nhưng Ban Chấp Hành Trung Ương đã bác bỏ. Ông thắng một bàn ngoạn mục làm ngơ ngác phe Bắc Kinh và khiến ông Trọng bật khóc.


2- Ông thành công trong việc cử ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chánh Trị, nối thêm vây cánh cho phe ông.


3- Nguyễn Bá Thanh, người được coi thân cận ông Trọng chết với đầy nghi vấn, là một lợi thế cho ông Dũng.


4- Quốc hội chấp nhận đề nghị nới rộng quyền chánh phủ, trước đó ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch quốc hội, phản bác, và gần đây chính ông chấp nhận đề nghị nầy. Đó là hành động đầu hàng ông Dũng.


5- Việc ông Phùng Quang Thanh đi chữa bệnh ở Pháp, gián tiếp loại trừ quyền lực ông, người thuộc phe ông Trọng. Lý do sức khoẻ của ông Thanh không đáp ứng yêu cầu cho chức vụ Chủ Tịch Nước. Thêm một thắng lợi cho phe Tây phương.


6- Thượng Tướng Đỗ Bá Tỵ, phe ông Dũng, được đề cử thay thế nhiệm vụ Phùng Quang Thanh và liền sau đó Tư Lệnh và Chánh Ủy Bộ Tư Lệnh bảo vệ thủ đô Hà Nội bị thay thế. Một lợi thế rất lớn cho ông Dũng, vì vậy ông mới dám mạnh dạn kêu gọi quân đội trung thành với tổ quốc mà không đề cập phải trung thành với đảng như từ khi thành lập đảng đến bây giờ.


Những dấu hiệu trên đây chứng minh gần như rõ ràng là phe Tây phương đang thắng thế.


C- Những thế lực gây áp lực chánh trị


Trong chiến lược Xoay Trục của Mỹ sang Châu Á, Việt Nam chắc chắn được Mỹ lưu tâm vì vị trí địa chánh trị. Vì vậy Mỹ áp dụng nhiều biện pháp để giúp VN phát triển kinh tế cũng như vai trò của mình trong khu vực Đông Nam Á, và trên hết là vấn đề bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Do đó họ đã liên tục gởi những nhân vật cao cấp trong chánh phủ sang để hội đàm với cấp lãnh đạo VN. Sau đây là những chuyến đi gần đây nhất.


Trợ lý Ngoại Trưởng Phụ Trách Kiểm Soát và Thanh Sát Vũ Khí của Hoa Kỳ, ông Frank A. Rose, có chuyến công du đến Việt Nam và các nước châu Á từ 5 đến 16 tháng 7. Ngày 13 đến 14 tháng 7 ông sẽ có mặt tại Hà Nội, Việt Nam để làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại Giao và Trung Tâm Vệ Tinh Quốc Gia về các vấn đề liên quan an ninh không gian và kiểm soát vũ khí đa phương. Tháng Ba năm ngoái, ông Rose đã có chuyến thăm và làm việc với Trung Tâm Vệ Tinh Quốc Gia (VNSC) thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.


Hồi tháng Hai năm nay, Thứ Trưởng Ngoại Giao Phụ Trách Vấn Đề Kiểm Soát Vũ Khí và An Ninh Quốc Tế của Hoa Kỳ, bà Rose Gottemoeller, cũng đã có chuyến thăm Việt Nam để thảo luận về an ninh khu vực, hợp tác an ninh và an ninh hàng hải.


Sau khi Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam ngày 1 tháng 6 năm 2015, trong đó ông Carter và người đồng nhiệm Phùng Quang Thanh ký một văn bản về thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Thời Báo Hoàn Cầu lại có bài xã luận kêu gọi Việt Nam giữ cái đầu lạnh trước 'lời đường mật' của Hoa Kỳ. “Người Việt Nam thừa biết Washington đang dùng Hà Nội để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông”.


Trước đó, trợ lý Ngoại Trưởng đặc trách các vấn đề về chính trị và quân sự Hoa Kỳ Puneet Talwar cũng đã có chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng Giêng. Trong một phát biểu tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, ông Talwar nói việc "mở rộng và củng cố quan hệ với Việt Nam" là "yếu tố mang tính quyết định" cho nỗ lực xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ.


Bà Bộ Trưởng bộ Nội Vụ Hoa Kỳ cũng có mặt tại Hà Nội vào cuối tháng 6 năm 2015.


Bao nhiêu chuyến đi, tiếp xúc của những giới chức cao cấp hai bên để làm gì nếu không phải để thuyết phục Việt Nam theo quỹ đạo của phe Tây phương.


Áp lực chính trị từ những tổ chức xã hội dân sự, những nhà tranh đấu cùng những đảng viên cộng sản phản tỉnh.


Theo thiển ý, những áp lực chính trị từ những thành phần nầy chưa đủ mạnh để tạo sự thay đổi chính trị trong nước, nhưng họ đang từng bước vững mạnh và tiếng nói của họ có được sự chú ý nghiêm chỉnh từ nhà cầm quyền. Vụ ngừng chặt cây xanh ở Hà Nội là một bằng chứng.


Phần nữa, đại đa số dân chúng ít khi biểu lộ thái độ chính trị, nhưng không có nghĩa là họ phó mặc, không quan tâm. Họ có thái độ chính trị rõ rệt.


Theo sự thăm dò của cơ quan PEW, cơ quan được đa số những nhà nghiên cứu tín nhiệm kết quả thăm dò. Pew đưa ra bản kết quả thăm dò như sau:


- “78 phần trăm người Việt Nam được khảo sát cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước Mỹ”.


- Họ “nói ‘không’ với Trung Quốc”.


- “Trung Quốc nhìn chung nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế, tuy nhiên Nhật Bản và Việt Nam là hai nước nổi bật trong cuộc khảo sát vì có quan điểm rất tiêu cực về Trung Quốc với tỉ lệ lần lượt là 89 và 74 phần trăm. 19 phần trăm người Việt Nam có quan điểm tích cực về Trung Quốc, cao hơn năm ngoái 3 điểm phần trăm”.


- Về quân sự, đồ biểu dưới đây cho biết sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á được 71% người Việt Nam cho là tốt và 13% cho là xấu.


Những con số đã chứng tỏ quan điểm chánh trị của người Việt Nam. Tự nó là một áp lực mà nhà cầm quyền Hà Nội đã, đang thấy và đặc biệt quan tâm.


Cùng với áp lực chánh trị từ những tổ chức xã hội dân sự, những nhà tranh đấu, những đảng viên cộng sản phản tỉnh, tất cả những tiếng nói nầy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi trong tương lai.








Tóm lại, những vận động ngoại giao của Mỹ và những đòi hỏi của đồng bào trong nước có một số điểm gần giống với chánh sách của ông Nguyễn Tấn Dũng hơn là chánh sách của phe đảng quyền, trừ phi họ xoay chiều nhanh chóng để phù hợp và tồn tại.


Kịch bản có thể thấy trong và sau đại hội đảng cộng sản lần thứ 12


Tôi xin đưa ra dự đoán, chỉ là dự đoán mà thôi, dựa trên những phân tích trên.


1- Ông Trọng sẽ hưu trí và phe Đảng chỉ chiếm những vị trí kém quan trọng, đảng cộng sản VN tiếp tục suy yếu kể từ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng cho đến khi bị đào thải.


2- Ông Dũng có thể sẽ là Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước như trường hợp Tập Cận Bình với quyền hạn tuyệt đối và vẫn giữ đảng cộng sản như là bình phong để áp dụng chánh sách độc đảng, độc đoán.


3- Có thể có một số thay đổi để biến Việt Nam thành nước “tự do, dân chủ” chỉ trên danh nghĩa, nhưng trên thực tế là chế độ độc tài, sắt máu kiểu Putin cai trị Nga Sô.


4- Vì nhu cầu khẩn cấp để cải thiện kinh tế, ông Dũng sẽ xích gần với Mỹ nhanh hơn, tham dự chặt chẽ hơn trong hệ thống kinh tế tư bản.


5- Vì nhu cầu kiềm chế Trung Cộng ở biển Đông, Mỹ có thể nhượng bộ một số yêu cầu để Việt Nam trở thành quân bài trong thế Xoay Trục của Mỹ, tạo cơ hội cho kinh tế VN được tăng trưởng. Mỹ có thể bải bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí mà Thượng Nghị Sĩ John McCain vừa kêu gọi hôm 5 tháng 7 năm 2015 và ông đề nghị chánh phủ Hoa Kỳ bán cho Việt Nam những vũ khí cần thiết để tự bảo vệ.


Việt Nam không có nhiều thì giờ để chần chờ, Mỹ không còn đủ kiên nhẫn để đợi. Chúng ta hãy chờ xem những diễn biến có tánh cách “định hình” trong quan hệ Mỹ- Việt-Trung trong thời gian gần đây khi Tổng Thống Obama, và Tổng Bí Thư Tập Cận Bình sẽ cùng đến Việt Nam trong cuối năm nay.


04.08.2015



Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét