Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Nhận diện Chân dung quyền lực & Nhân sự Hội nghị 10


Các nội dung mà Chân dung quyền lực đã đăng tuy thuộc diện ‘’bom tấn’’ nhưng chỉ là màn dạo đầu mang tính cảnh cáo, chưa phải là loại nội dung có tính ‘’dứt điểm’’ nhằm đánh gục các nhân vật bị Chân dung quyền lực phanh phui.

Ai đứng sau Chân dung quyền lực?

Cuối cùng, Hội nghị TW 10 đã kết thúc… trong im lặng, khi mọi thông tin liên quan kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo Đảng và Bộ chính trị (BCT) cùng danh sách nhân sự nguồn của nhiệm kỳ tới chỉ được truyền thông nhắc đến bằng cái tiêu đề mà không có nội dung kèm theo. Trái ngược hẳn với thông điệp ‘’sẽ công khai’’ của TBT Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu trước khi tiến hành hội nghị.


Hội nghị TW 10 kết thúc như vậy, khiến cho dư luận hình thành suy đoán có liên quan tới hệ quả với hai lần trì hoãn trong năm 2014. Khi mà cuộc họp TW 9 đã kết thúc bằng việc thay tên cán bộ bằng một mật danh mà ai cũng biết trong kết luận ‘’không kỷ luật đồng chí X’’. Tuy nhiên, tại hội nghị này, cái dư âm câm nín bỗng bị xới tung bởi một màn hỏa mù đầy ngột ngạt từ trang blog là có tên ‘’Chân dung quyền lực’’.

Bất chấp mọi giới hạn trong muôn vàn những quy định, quy chế... được ban hành hòng ngăn chặn những thông tin có hại cho Đảng trên mạng xã hội, chandungquyenluc.blogspot.com đăng tải những bài viết mang nội dung gây sốc chưa từng có cùng với những tài liệu có vẻ thuyết phục làm bằng chứng, công khai kết tội và đe nẹt hàng loạt các quan chức hàng đầu của cả Đảng lẫn Chính phủ. Mặc dù được nhấn mạnh và dứt khoát trong thông điệp của mình, chandungquyenluc.blogspot rõ ràng chỉ tập trung vào danh sách các lãnh đạo có tên trong BCT. Nhưng nếu tinh ý có thể thấy các gương mặt bị Chân dung quyền lực ‘’chỉ tay day mặt’’ từ khi xuất hiện tới nay hiện đều nằm trong nhóm các nhân sự có khả năng được đánh giá là ứng viên vào 4 vị trí trọng yếu mà người ta thường gọi là ‘’tứ trụ triều đình’’ của Việt Nam.

Câu hỏi: Ai đứng sau Chân dung quyền lực khi nó có trong tay những tài liệu và thông tin chi tiết toàn thuộc dạng tối mật như vậy? Đã được không ít người đặt ra và cũng có không ít những câu trả lời được hình thành từ đồn đoán, suy diễn. Tất nhiên, những câu trả lời cũng không có gì chắc chắn lắm khi chưa có ai đưa ra được danh tính cụ thể kèm bằng chứng thuyết phục. Dẫn đến quá nhiều kết quả trong khi bản thân Chân dung quyền lực cuối cùng vẫn chỉ là một nick name trên mạng.

Trong khi tìm kiếm cơ sở cho câu trả lời cuối cùng, hãy thử lý giải và rút bớt danh sách được đồn đoán để có một vài phác họa rõ nét hơn về chủ nhân trang blog này.


Suy đoán

Nếu tin vào thông điệp được loan tải, căn cứ các nội dung đã tiết lộ qua các bài viết, bất cứ ai cũng có thể khẳng định: Các nội dung của chandungquyenluc.blogspot.com được bí mật thu thập từ lâu. Đầu mối thu thập tin chắc chắn có quan hệ chặt chẽ trong bộ máy quyền lực và được thiết kế, cài cắm rất bài bản. Trình độ thu thập thông tin có thể nói không thua kém bất cứ tổ chức tình báo hay cơ quan điều tra nào!

Để ý hơn một chút, cũng không khó để đoán ra Chân dung quyền lực vẫn còn giấu trong tay nhiều thông tin có tính chi tiết hơn rất nhiều các nội dung đã đăng tải. Nói cách khác: Các nội dung đã đăng chỉ là màn dạo đầu, tuy đã thuộc diện ‘’bom tấn’’ nhưng vẫn mang tính cảnh cáo, chưa phải là loại nội dung có tính ‘’dứt điểm’’ nhằm đánh gục các nhân vật bị Chân dung quyền lực phanh phui. Điều này có thể lý giải được khi chú ý đến hầu hết các thông tin mới chỉ tập trung hé lộ khía cạnh ‘’tham nhũng’’ – loại tội danh mà trong cuộc chiến chống tham nhũng do ĐCSVN phát động. Khi đưa ra xử lý, hệ thống hành pháp VN vẫn bị buộc dừng lại ở trước ngưỡng cửa BCT.

Vài chi tiết cần chú ý: Trong trường hợp ‘’tố’’ ông Nguyễn Xuân Phúc (một ứng viên chức Thủ tướng nhiệm kỳ tới), mở đầu là so sánh tài sản của ông Phúc với nguyên Tổng thanh tra Trần Văn Truyền như một bước vô đề. Song song với những liệt kê các tài sản khiến người đọc phải choáng ngợp, nghi án đầu độc đương kim Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh được tung ra với những lý luận tuy không có cơ sở rõ ràng nhưng thể hiện mức độ buộc tội hết sức quyết liệt. Không hề ngần ngại đề cập yếu tố Trung Quốc – một chủ đề luôn bị Đảng coi là nhạy cảm, kiêng tránh gần như tuyệt đối, cho thấy thông điệp chẹn đường ông Nguyễn Xuân Phúc một cách dứt khoát. Thái độ này cũng thấy rất rõ ở nội dung liên quan ông Phùng Quang Thanh - một ứng viên nặng ký cho vị trí TBT mà khá nhiều nhà bình luận trước đây đều nhắc đến. Nó khác hẳn với các nội dung đề cập liên quan các ông Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị là 2 ứng viên chức TBT khác nhưng so sánh mức ảnh hưởng quyền lực rõ ràng thua sút tương đối đáng kể so với đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Cách thức chọn lọc thông tin đăng tải của Chân dung quyền lực cũng rất khôn khéo, tạo ra nhận định rất rõ là ‘’đòn’’ trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực nội bộ TW Đảng. Nhưng trình tự tin bài khiến mọi suy đoán dẫn đến kết luận ai đứng sau đều ít nhiều thiếu cơ sở thuyết phục. Trong bảng danh sách các quan chức gồm 20 người ‘’đặt sẵn chỗ’’ không có tên ông Hoàng Trung Hải, một nhân vật cũng trong BCT vốn bị truyền thông lề trái ‘’soi’’ khá nhiều là một dấu hỏi ẩn hiện không nhỏ, chắc chắn không phải là một vô tình.

Cũng từ nội dung các tài liệu được Chân dung quyền lực đăng tải, bao gồm cả bí mật thuộc loại quốc gia tới hoạt động kinh tế, sinh hoạt gia đình (trường hợp liên quan Bộ trưởng Phùng Quang Thanh) cho thấy mức độ đồ sộ của mạng lưới thu thập thông tin. Ít nhất nó phải là kết quả của một hệ thống điều tra do một cơ quan quyền lực, được ‘’ông chủ’’ quyền lực trong bộ máy chính quyền cao nhất đỡ đầu. Hoặc phải là một tổ chức tình báo trong nước hay nước ngoài nhúng tay vào mới có thể làm được.

Phải chăng: Sự xuất hiện của Chân dung quyền lực là một phần nguyên nhân khiến vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh rơi vào ‘’tuyệt mật’’ từ nghi án đầu độc? Thông điệp bắn hạ một ứng viên vị trí TBT và một ứng viên cho vị trí Thủ tướng phải chăng cũng chính là tác nhân ảnh hưởng tới quyết định khiến các thông tin liên quan danh sách nhân sự BCT và kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đột ngột bí mật, khi mà các ứng cử viên còn lại đều dễ nhìn thấy tầm ảnh hưởng kém hơn và còn 2 vị trí khác là Chủ tịch nước và Chủ tịch QH để ‘’cân đối’’ các yếu tố khác mà cơ cấu quyền lực của VN cần phải có?

Bí mật những điều mà lẽ ra hoàn toàn chẳng có lý do gì để nhất thiết phải giữ bí mật đến độ cụt lủn chỉ có cái tựa trên truyền thông, nếu không có một ‘’trở ngại’’ bất ngờ mà Chân dung quyền lực chính là lý do được nhắc tới ở đây.

Như vậy: Người đứng sau Chân dung quyền lực ít nhất phải là thế lực hậu thuẫn cho mục đích của nhân vật – tất nhiên bao gồm cả phe cánh - sẽ nắm giữ một trong những vị trí quyền lực cao nhất trong nhiệm kỳ tới hoặc là chính nhân vật quyền lực đang đương nhiệm nhắm vào vị trí TBT và Thủ tướng Chính phủ.

Sức mạnh mềm hay cứng?

Nhìn trên cục diện cơ cấu BCT và nhân sự của các cơ quan quyền lực cao nhất VN hiện nay, sau các thông tin bên lề liên quan việc giao quyền nắm quân đội cho Chủ tịch nước không thành ở kỳ họp trước, cho thấy vấn đề tranh giành quyền lực nếu có sẽ tập trung ở vị trí TW Đảng và Chính phủ.

Về phía Chính phủ, hiện trạng với 5 vị trí Phó Thủ tướng thì chiếc ghế Thủ tướng nhiệm kỳ tới chắc chắn gần như 100% chỉ ở 5 nhân sự này để trở về cơ cấu 4 phó như trước đây.

Nhưng nhìn qua vị trí Tổng bí thư của TW Đảng thì gặp vấn đề khi cả 4 nhân vật quyền lực được dự đoán sẽ có một người trong đó thay vào thì đều cùng một tuổi (cùng sinh năm 1949, tuổi Sửu nên dân gian vỉa hè Hà Nội ví von là “Bốn Trâu húc nhau”). Một dàn xếp hoán đổi vị trí để cùng trụ lại hay cùng rút lui đều là bài toán nan giải.

Nếu gắn Chân dung quyền lực ra đời liên quan mục tiêu ‘’khó xử’’ này thì có thể thấy ngay: Một ứng viên trong số 4 ứng viên nặng ký đã thành mục tiêu tấn công quyết liệt, còn lại 3 cho 4 vị trí. Vị trí còn trống có thể là chủ ý giành cho lá bài mặc cả để ‘’ổn định đại cục’’. Tương tự như vậy ở cơ cấu vị trí thủ tướng tương lai khi trong 5 phó cũng có một người trở thành “bia đỡ đạn”, dọn đường cơ hội cho một gương mặt mới tham gia để đủ cơ cấu.

Dù với kết quả nào cho cái tên người đứng sau Chân dung quyền lực thì sự xuất hiện của nó đều đặt chế độ vào một số vấn đề không dễ chịu chút nào.

Thứ nhất: Những nhân vật đã bị lật ra trên chandungquyenluc.blogspot.com không những khó có cơ hội đặt chân nhăm nhe vị trí ‘’tứ trụ’’ bất kể kết quả tín nhiệm thế nào, mặt khác đẩy cả bộ máy chế độ vào thế không thể làm ngơ khi vừa không thể xử lý - kể cả với người bị tố lẫn tác giả đứng sau Chân dung quyền lực- vừa lâm vào thế bị động hoàn toàn vì không thể biết mục tiêu nào là điểm dừng khi đã đạt được ý đồ mong muốn.

Thứ hai: Bế tắc trong việc xử lý thông tin liên quan Chân dung quyền lực sẽ buộc chế độ phải mở đường phần nào cho tự do ngôn luận - điều mà Đảng CSVN hoàn toàn không mong muốn chút nào.

Hãy đặt một giả thiết: Các nội dung mà Chân dung quyền lực được một cộng đồng lớn kêu gọi chính quyền phải xem xét như một khía cạnh tố cáo thì sao? Chắc chắn là không thể làm ngơ khi nó được đặt ra một cách nghiêm túc bởi những người có thật, công khai hiện diện đặt nó lên bàn các cơ quan công quyền. Rõ ràng dư âm và mức độ ảnh hưởng của Chân dung quyền lực lúc này sẽ trở thành một tiền lệ, đủ để phá vỡ quan điểm kiềm chế truyền thông chặt chẽ như hiện nay. Đây có thể cũng chính là thông điệp mà chủ nhân Chân dung quyền lực muốn bắn tin cho giới hoạt động xã hội dân sự như một tín hiệu thiện chí nhằm tranh thủ sự ủng hộ.

Thứ ba: Đối mặt với việc thừa nhận ‘’sức mạnh mềm’’ từ truyền thông, thứ vũ khí từng giúp chính ĐCSVN thành công để giành được quyền lực và củng cố quyền lực suốt gần một thế kỷ qua, hiện tượng Chân dung quyền lực sẽ trở thành con dao hai lưỡi nếu như vị chủ nhân sau khi giành được quyền lực không thực hiện chính sách cởi mở hơn một cách nghiêm túc.

Chân dung ông chủ của Chân dung quyền lực đến đây đã được phác họa khá rõ khi chỉ còn vài người hội đủ các yếu tố kiến tạo nên trang mạng đình đám này.

Câu trả lời cuối cùng chắc chắn sẽ không bao giờ có. Trang chandungquyenluc.blogspot.com chắc chắn đã chuẩn bị sẵn kịch bản rút lui ‘’trong hòa bình’’ khi cuộc bầu nhân sự nhiệm kỳ mới năm 2016 hoàn tất.


Thiên Điểu


(Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét