Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

CHUYỆN NÓNG HỔI TRONG CUNG ĐÌNH

Ngày 5/1, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhóm họp Hội nghị thứ 10, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và chốt lại nhân sự cấp cao cho bộ máy Nhà nước khóa tới.
Hội nghị này được kéo lùi so với thời điểm dự kiến ban đầu khoảng một tháng và cũng trong khoảng thời gian kéo lùi này, dư luận trên mạng xã hội “thưởng thức”những “bữa tiệc”được cho là mở màn một cuộc tranh chấp quyền lực khốc liệt chuẩn bị diễn ra ở Ba Đình, bởi những “tay súng” không chuyên.
Nổi bật nhất trong đó là blog có tên “chân dung quyền lực”, tập trung đánh vào một Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, người đang là ứng cử viên số một cho ghế Thủ tướng nhiệm kỳ tới bắt đầu từ năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, bằng một loạt bài với những tiêu đề rất giật gân, nhưng nội dung không có gì đặc biệt và cũng không có gì gây sốc, lại còn tỏ ra khá ngây ngô trong viêc lắp ráp các sự kiện, hình ảnh khiến cho chiến dịch “lột tả” chân dung quyền lực này, càng lúc càng giống như màn hài kịch, thua xa cả về đẳng cấp lẫn trí tuệ của trang “quan làm báo” từng xuất hiện vào tháng 5/2012, thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam muốn huy động tổng lực để kỷ luật ông Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng như thế cũng đủ cho giới truyền thông trong nước gần như nín lặng, với tâm lý lo sợ đó là cuộc chiến của các ông lớn giành ghế trước Đại hội 12,  dây vào không phải đầu cũng phải tai. Chính nghĩa là điều đươc họ xếp xuống ưu tiên sau cùng trong các nhiệm vụ cần thực hiện của báo chí nhà nước. Tổng biên tập của các tổng biên tập, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, ông Đinh Thế Huynh, còn đang mải hân hoan với chức vụ cao hơn, và như theo thông lệ trong cung đình cộng sản, thân ai nấy lo.
Không khó để đoán ra người đứng sau blog “chân dung quyền lực” là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhóm lợi ích của ông, đối tượng trực tiếp bị đe dọa miếng ăn một khi ông Nguyễn Xuân Phúc nắm quyền. Bởi ông Dũng chưa từng ưa vị cấp phó là người kế nhiệm mình trong tương lai. Sự lành lặn và may mắn của ông Phúc khiến ông này luôn là cái gai trong mắt thượng cấp.
Song ông Nguyễn Tấn Dũng đã đi vào những ngày cuối cùng trong cuộc đời làm chính trị của mình và có lẽ cũng không còn nhiều tâm trí cho sát phạt. Với hai quy chế mới đề ra trong Đảng từ đầu nhiệm kỳ 11, là danh sách ứng cử viên Bộ Chính trị phải do chính Bộ Chính trị đề ra cho Trung ương bỏ phiếu chứ không có chuyện “nhẩy dù” vào giữa Đại hội và Trung ương Đảng khóa cũ sẽ bỏ phiếu cho nhân sự Trung ương Đảng khóa mới, thì ông Dũng không còn cơ hội nào.
Bởi hồi Hội nghị Trung ương 6, diễn ra vào tháng 10/2012, gần như 100% Bộ Chính trị đã thống nhất kỷ luật ông Dũng vì những cáo buộc “mắc sai lầm nghiêm trọng liên quan đến bản thân và gia đình”. Theo quy tắc của Đảng, đã bị kỷ luật, thì không còn trong diện quy hoạch.
Cùng với đó, sự kiện cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, tay chém giết số một của Thủ tướng Dũng, dù đã an hưởng tuổi già, vẫn bị truy bức trả lại nhà và lăng nhục trên toàn hệ thống truyền thông nhà nước, là một tấm gương tày liếp cho những Ủy viên Trung ương đương nhiệm còn đang lưu luyến với ông Dũng.
Tất cả những điều đó cho thấy, mặc dù trong suốt thời gian qua, Thủ tướng Dũng nổ như súng liên thanh trên truyền hình Việt Nam và trong những lần tiếp khách quốc tế, ông ngồi dạng chân hết cỡ như để cố khoe một thứ rất to của mình, như khoe thứ quyền lực vô biên của ông bao trùm bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương, thì vẫn không giấu được ánh mắt đã bạc nhược và mái tóc chỉ một ngày không nhuộm cũng bạc trắng chân.
Trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng, điều tốt đẹp duy nhất mà ông Dũng làm được cho dân là lệnh bắt buộc toàn dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hồi 2007. Điều tốt đẹp cuối cùng lúc này mà ông đang cố làm, là vớt vát chút danh dự cuối cùng. Tất cả những chân rết phụng sự Thủ tưởng Dũng như Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Chí Vịnh…đều không có trong danh sách quy hoạch ủy viên Bộ Chính trị cho khóa tới.
Như vậy, có thể thấy rằng không có sự thật nào “đáng sợ” về một cuộc chiến đang diễn ra trong cung đình Việt Nam, bởi vì những kẻ cần ra đi chắc chắn đã phải ra đi. Tất cả đều đã an bài. Có một hay mười các blog như “chân dung quyền lực” thì cũng không làm nên một bất kỳ nhiễu loạn nào mà nhiều người đã vội hình dung sẽ giống như thời kỳ vỡ trận ở Đại hội 11.
Đó là thành công duy nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm được trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư của mình. Song với việc nhắm ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Hà Nội kế vị chỉ vì muốn lưu truyền yếu tố Bắc Kỳ, ông Trọng và sự trong sạch của ông, với tiếng lú mà ông không phủ nhận, sẽ bị người đàn em này sớm đổ xuống sông xuống biển.
Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đứng trước bờ vực suy thoái, ngay cả khi ĐH 12, không khó để dự báo, diễn ra suôn sẻ, thành công.
Sao Băng
29/12/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét