Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014
Vấn đề Chấn hưng dân trí
Dân trí: Cách nào đo? Cách nào nâng?
Nguyễn Ngọc Lanh
Mấy lời phi lộ “Chấn hưng dân trí”
Vũ Cao Đàm
Các anh Nguyễn Trung và Nguyễn Huệ Chi khởi xướng lập chuyên mục “Chấn hưng dân trí” trên trang Bauxite Việt Nam và giao tôi góp mấy lời phi lộ.
Tôi vui vẻ nhận lời, vì thấy việc Bauxite Việt Nam cho ra chuyên mục này thực sự thêm một lần khẳng định ý thức xây dựng của trang báo đại diện tiếng nói của cộng đồng trí thức Việt Nam, quốc nội và hải ngoại, đang ngày ngày nóng lòng vì sự phục hưng Tổ quốc.
Tôi nói phục hưng Tổ quốc của chúng ta với tất cả sự đắn đo, thận trọng và mang đầy tinh thần trách nhiệm. Chúng ta có thể vào mạng bất cứ lúc nào, gõ những từ “nhạy cảm”, như lưu manh, trộm cắp, cướp của, con giết cha, ông hiếp cháu, trò chém thầy, công chức thuê côn đồ đâm chém đồng liêu, ... Trời ơi, những sự kiện đau lòng ấy hiện ra nhan nhản, khiến tim ta đau nhói.
Chúng ta chưa nói đến, những sự kiện bận lòng khác, đáng ra Chính quyền là nơi dân chúng nương tựa, thì nay bị dân chúng quay lưng lại, vì dân chúng không coi họ là của Dân và vì Dân nữa, mà vì quyền lực những “nhóm lợi ích” nào đấy, một cách gọi tế nhị thay cho những thứ đáng ra phải được gọi bằng những tên gọi đúng của nó, là “băng đảng”, là “ma-phia” đang bán rẻ đất, rừng, biển, tài nguyên... và những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, đang phá nát mọi gia phong của các dòng họ, và tệ hơn, là đang lát những con đường vàng rước quân xâm lăng giày xéo mồ mả cha ông.
Nói ra những sự thật ấy mà lòng ta vô hạn xót xa.
Không, dân tộc này không thể chết. Dân tộc này chắc chắn phải trường tồn.
Dân tộc này không thể chết, phải trường tồn, vì nó đã từng bị bức tử suốt mấy ngàn năm bởi một kẻ thù truyền kiếp. Nó đã quật cường, và đang trỗi dậy và đang chứng minh sức sống bất diệt của mình.
Viết đến đây, tôi sực nhớ đến người chí sỹ Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng thời Việt Nam cận đại. Mang nặng trong lòng tinh thần "Tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng với các nhà cách mạng khác, như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp Quảng Nam và các vùng lân cận để vận động công cuộc duy tân đất nước. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” với tinh thần đấu tranh bất bạo động trước mọi thế lực cường quyền.
Hơn lúc nào hết, giờ đây chúng ta ôn lại và cổ xúy tư tưởng bất hủ này của Phan Châu Trinh là một việc làm vô cùng có ý nghĩa trước một nền văn hóa đang tụt dốc, nếu không muốn nói quá một chút, là nó đang tiến dần tới bờ vực của sự suy tàn.
Nói về “Chấn hưng dân trí”, chúng ta đang sưởi lại hơi ấm những tư tưởng sáng ngời của người chí sỹ Phan Châu Trinh.
Chấn hưng dân trí, trước hết để dân trí mở mang, để Trí của Dân ý thức được Dân là Ai, và Dân được quyền Trí cái gì.
Đơn giản chỉ có Trí của Dân, nhưng là một sự nghiệp đầy gian nan. Nhà Chí sỹ Phan Châu Trinh đã dành cả cuộc đời, nhưng đã không thành tựu, và ông đã gửi gắm lại nơi chúng ta, lớp con cháu hậu duệ của ông.
Tôi viết những dòng này, như để nhắn nhủ mình, hãy tiếp nối con đường mà Phan Châu Trinh đã bắt đầu phát quang, để hé lộ một tia le lói, như một đốm lửa đang làm bừng lên những ánh đuốc soi tỏ con đường chúng ta di.
Và xin mở đầu mục “Chấn hưng dân trí” trên BVN bằng bài viết tâm huyết của GS Nguyễn Ngọc Lanh đi vào vấn đề có thể nói là nòng cốt của chuyên mục: lý giải cách hiểu thước đo dân trí, và từ đó gợi ý những biện pháp nâng cao dân trí thế nào cho thực chất.
Hà Nội, Tháng Mười 2014.
Bước sang thế kỷ XXI, dân trí Việt Nam cao hay thấp?
Câu trả lời còn tùy hoàn cảnh. Khi cần nêu thành tựụ (ví dụ, trong Chiến Lược GD 2011-2020) thì dân trí ta rất cao. Nhưng khi cần giải thích về "những hạn chế quyền dân" thì dân trí còn thấp - chưa thể ban phát dân chủ rộng rãi.
Một bài viết trên tạp chí của Mặt trận Tổ quốc (nhan đề Vấn đề Dân trí và Dân chủ) tác giả mở đầu bằng câu: Chúng ta thường nói "dân trí đến đâu dân chủ đến đấy". Tuy chủ ngữ của câu là "chúng ta", nhưng nội dung bài cho thấy tác giả không nằm trong đó. Thật đáng kính nể.
Truy tìm, dường như danh ngôn trên được phát ra lần đầu tiên (2008) – với cả nước, cả thế giới – là từ cụ Lê Doãn Hợp – với tư cách UVTƯ đảng, Bộ trưởng TTTT – khi cụ trả lời trực tuyến trong một lần giao lưu với dân (2008). Lẽ ra, cụ chẳng cần nói "dân trí đến đâu, dân chủ đến đấy", vì nó rất ít hoặc chẳng liên quan gì tới nội dung buổi giao lưu. Hơn nữa, đây là câu quá lộ liễu, về: a) não trạng khinh dân; b) lạm quyền ban phát dân chủ. Cụ Lê Doãn Hợp còn kiêm cả đại biểu Quốc hội (đại diện dân). Chẳng lẽ, một mình cụ đóng vai cả 3 chủ thể vận hành bộ máy chính trị nước ta (đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ)? Kiểu này, tất nhiên tam quyền không phân lập.
Dân làm chủ... 70 năm lận đận
Kể từ năm 1945, từ dân chủ đã là thành tố trong quốc hiệu nước ta. Cụ Hồ đã cắt nghĩa: Dân chủ nghĩa là "dân là chủ"; vậy thì chính phủ là đầy tớ. Khi chính phủ làm hại dân, dân có quyên đuổi chính phủ. Nếu (chỉ là giả sử) có cơ chế thực thi để quyền "đuổi đầy tớ" trở thành thực quyền, lập tức dân trí sẽ tăng, dân chủ sẽ càng thực chất. Chúng sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Khi đất nước thống nhất, cụ Lê Duẩn sáng tạo lý luận mới và ban cho dân quyền "làm chủ tập thể", gồm làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân... nhưng, nghe ra nó cứ mơ hồ thế nào ấy. Cụ Trường Chinh đã cụ thể hóa thành: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trên thực tế, chúng chỉ là những hư quyền, tuy quá đẹp. Thậm chí, ngay những vị kế tục chức vụ cụ Trường Chinh cũng không thèm nhắc lại ý cụ.
Trong dịp du học, tôi rơi vào hoàn cảnh phải dịch cái từ "làm chủ tập thể" (mà chính tôi không hiểu nội hàm) sang tiếng Pháp, Anh... khi mấy thằng tây tò mò tìm hiểu. Quả thật, "bố thằng tây" nào hiểu nổi être maitre collectif và to be collectif boss là cái quái gì.
Năm 2014, nhiều bài viết vĩ mô, ít nhiều vẫn đề cập cần cụ thể hóa cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ. Nghĩa là nó vẫn khó "vận dụng". Chỉ xin đơn cử những bài ở vài tờ báo nặng cân nhất. Mời các quí bạn tham khảo:
- Báo điện tử đảng CSVN, ngày 11/10/2014
- Tạp Chí Cộng Sản, ngày 18/6/2014
- Báo QĐND, ngày 26/02/2014
- Tạp chí Tuyên giáo, ngày 29/10/2014
Thật khó hình dung, ông chủ cứ tha hồ "làm chủ", nhưng làm chủ dưới sự lãnh đạo và dưới sự quản lý. Thật thảm hại. Ông chủ nào cũng có đầy tớ. Tai họa là ở VN, đầy tớ lại "quản lý" ông chủ. Hễ cái gì chúng không quản nổi, chúng có quyền... cấm (!).
Chả lẽ đổi thành: Ông chủ lo kiếm sống cho cả nhà, nên giao cho đảng nhiệm vụ tham mưu và giao cho đầy tớ nhiệm vụ quản gia?... Quả thật, khó ai đủ hào hứng bàn tiếp những chuyện viển vông.
Dân trí đo bằng gì?
Nói đơn giản, dân trí là trình độ hiểu biết chung của một cộng đồng. Nhưng đo bằng gì, lại không đơn giản.
- Liệu có thể dựa vào số bằng cấp? Ví dụ, chỉ riêng bằng TS đã có tới 24 ngàn. Khốn, chưa nói về chất lượng, mà tỷ lệ quá cao (2/3) TS thời nay không làm nghiên cứu khoa học, nhiều người còn có mục đích làm quan (như TS thời Nho giáo) đã đủ thấy "hỏng".
- Hay là soạn ra bộ câu hỏi khảo sát sự hiểu biết phổ cập về khoa học, văn nghệ, pháp luật, thể thao, tôn giáo…. Tuy nhiên – tùy hoàn cảnh cá nhân – có người trả lời dễ dàng các câu về internet, luật kinh doanh, nhưng lại lúng túng về nông nghiệp, dân ca...
- Vậy, cần hỏi những gì mà bất cứ ai cũng từng được dạy trước khi trưởng thành – để làm Người và làm Công Dân. Đó là:
1) quyền con người;
2) quyền và nghĩa vụ công dân; và
3) sự vận dụng (đúng và sai) trong các hoàn cảnh.
Nếu một tỷ lệ áp đảo (2/3 hoặc 3/4) những người trong diện khảo sát (18-23 tuổi – nghĩa là đã một lần đi bầu Quốc hội) – mà trả lời được mình có quyền gì, nghĩa vụ gì... đó là dân trí cao. Thành tích giáo dục là rất lớn. Dân sẽ biết ơn đảng và tín nhiệm nhà nước. Ngược lại, là dân trí chưa cao. Dân trí sẽ bị coi là cực thấp, nếu một vị cử nhân không phân biệt nổi quyền con người với quyền công dân. Đây là nói chuyện năm 2014, chứ năm 1992 thì ngay Hiến pháp (trí tuệ) nước ta cũng chưa phân biệt nổi 2 quyền này.
Điều 50 (Hiến pháp 1992):
Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.
Ðiều 51:
Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước...
Nâng dân trí lên bằng gì?
Bằng giác ngộ mọi người về quyền mà họ phải được hưởng. Đừng đợi dân đấu tranh mới "nhả ra" các quyền đó, mà nên chủ động thực thi chúng.
- Thời nay, các thế lực thù địch không dễ sử dụng bạo lực để xâm chiếm nước ta. Một biện pháp hàng đầu của chúng là thực hiện ngu dân. Trước đây, tôi tin vào những mỹ từ hữu nghị; nay, tôi nghi ngờ thế lực thù địch đã tác động vào nhiều chính sách của ta (ví dụ Luật Chống Tham Nhũng đã coi đưa hối lộ và nhận hối lộ đều có tội ngang nhau – nghĩa là đánh đồng thủ phạm với nạn nhân). Bởi vậy, nâng cao dân trí phải được đặt lên hàng đầu.
- Cứ nhấn mạnh (cả trong Hiến pháp) "quyền đi đôi với nghĩa vụ" là cách nói hạ sách, thể hiện tâm thức không tin dân, và nói lên sự lo lắng nào đó. Điều 51 có một mệnh đề, đọc lên cứ như hai bên ký giao kèo với nhau; trong đó Chủ - Tớ cứ lộn tùng phèo. Ngược lại, nếu quan niệm rằng một chế độ thật tâm muốn người dân có mọi quyền (ông chủ), người dân sẽ hết lòng vun đắp và bảo vệ chế độ đó – nó sẽ vững như bàn thạch – vì đây là chế độ thật sự tiên tiến, vì dân, phù hợp với thời đại.
- Người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, nhà nước sẽ khỏi mất công "cải cách hành chính", "cải cách tư pháp"... đang rối như mớ bòng bong. Tham nhũng sẽ giảm đến tối thiểu. Quốc hội sẽ "ra quốc hội", Chính phủ cũng "ra chính phủ"... Quá trình 40 năm Việt Nam chống đỡ với áp lực quốc tế về nhân quyền cũng sẽ chấm dứt tức khắc. Hòa giải nội bộ dân tộc sẽ xong cái "rụp"... Nước mắt mừng rỡ sẽ tuôn gấp ngàn lần nước mắt đau khổ ngày xưa...
N.N.L
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét