Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nghĩ về Joshua Wong và tuổi trẻ Việt Nam


Nguyệt Quỳnh

Trong đêm thứ sáu ngày 26/09/14 vừa qua tại Quảng trường Dân sự (Civic Square), tuổi trẻ Hồng Kông đã chứng tỏ sự dũng cảm của mình khi đứng cùng nhau, kiên định đấu tranh vì một nền dân chủ thực sự cho Hồng Kông. Lời nhắn gởi của lãnh đạo sinh viên 17 tuổi Joshua Wong khi anh bị cảnh sát lôi kéo đi đã làm rung động trái tim người Hồng Kông và thế giới. Những thanh niên sinh viên khác đã cùng hát to, hô vang những khẩu hiệu và cố giành giật để cứu anh thoát khỏi tay cảnh sát nhưng vô hiệu.

Tôi tin nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã xúc động khi đọc lời nhắn gởi của Joshua Wong:

"Tương lai của Hồng Kông tùy thuộc vào bạn, bạn và bạn".

Cảnh sát đã xịt hơi cay vào người biểu tình. Một số sinh viên bị thương, khi bị dẫn ra ngoài, họ bật khóc. Hàng trăm những sinh viên trẻ khác cùng đứng khoác tay, khóa vào nhau khi cảnh sát vây quanh họ bằng khiên chắn kim loại, một số đã hô vang "bất tuân dân sự". Những ngày sau đó, hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người dân Hồng Kông đã kéo đến cùng biểu tình để hỗ trợ các sinh viên này. Quang cảnh tràn ngập người trên các đường phố của Hồng Kông đã gợi lại nỗi khát khao về một nền dân chủ của các sinh viên Thiên An Môn 25 năm về trước. Nỗi khát khao này được ghi trong bản tuyên ngôn của sinh viên, trí thức và người lao động đã tham gia phong trào Thiên An Môn:

Dù những đôi vai của chúng ta vẫn không đủ sức mạnh, dù cái chết đối với chúng ta sẽ rất khắc nghiệt, chúng ta phải chấp nhận hy sinh cuộc sống, chúng ta không có chọn lựa nào khác khi lịch sử đòi hỏi chúng ta phải làm điều đó… Với vong linh của người đã khuất – chúng ta đấu tranh để được sống. Với sự tuyệt vọng để cứu lấy cái đất nước ích kỷ và không có nhuệ khí này – chúng ta dâng hiến bản thân mình. Nếu chúng ta không sẵn sàng để hy sinh thì còn ai sẽ làm điều đó đây?

Joshua Wong và tuổi trẻ Hồng Kông làm chúng ta nhớ đến hoàn cảnh đất nước mình, nhớ đến những người trẻ Việt Nam với một niềm hãnh diện xen lẫn một chút xót xa. Xót xa vì những người trẻ của chúng ta, những Nguyễn Đình Hà, Huỳnh Phương Ngọc, Đinh Nhật Uy, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh… vẫn còn rất đơn độc. Chúng ta chưa có được hàng ngàn những người trẻ cùng đứng khoác tay nhau trên đường phố như những người bạn của Wong. Chúng ta cũng chưa có được con số hàng ngàn người đổ ra đường để hỗ trợ các bạn trẻ này đòi dân chủ, dù nỗi khát khao dân chủ, nỗi khát khao được sống với những phẩm chất của tự do và quyền con người của chúng ta cũng cháy bỏng không thua gì người dân Hồng Kông. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có vô số điều để hãnh diện về tuổi trẻ Việt Nam. Giữa lao tù, giữa cô đơn, giữa những trấn áp hung bạo, những người trẻ Việt Nam vẫn âm thầm làm phần nhiệm vụ mà lịch sử giao phó cho họ. Dù những đôi vai ấy vẫn chưa đủ sức mạnh, nhưng các bạn đó đã cho chúng ta thấy rõ sự kiên định về điều họ đã chọn lựa. Họ nhận trách nhiệm với chính thế hệ của mình. Tôi muốn được nói đến những hành động đấu tranh bền bỉ của các thanh niên Công giáo và Tin Lành.

Ngày 3/9/14 vừa qua, chúng ta lại nhận được tin tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương đã tuyệt thực để phản đối các vi phạm của quản giáo trại giam. Theo gia đình anh Cương cho biết anh bị kỷ luật và bị cùm chân là do đã lên tiếng để bảo vệ một tù nhân cùng phòng đã bị quản giáo đánh đập. Suốt từ năm 2011 cho đến nay, từ khi các bạn trẻ này bị bắt giam, chúng ta vẫn không ngừng nghe nói về cách hành xử và những hoạt động đấu tranh của họ, xin đơn cử một vài trường hợp:

Sau nhiều năm bị bắt giam, tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu vẫn không chấp nhận mặc áo tù.

Ngày 21/6/13 anh Trần Minh Nhật tuyệt thực để phản đối cán bộ trại giam Nghi Kim liên tục xúc phạm nhân phẩm và tính mạng đối với chính anh.

Tháng 8 năm 2013, anh Trần Hữu Đức bị ban giám thị trại tù K3 Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên “vô cớ còng tay, còng chân và biệt giam suốt 9 ngày đêm”. Hay tin này, 4 tù nhân lương tâm khác gồm các anh Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật, Nguyễn Văn Thanh và Chu Mạnh Sơn đã đồng loạt tuyệt thực để phản đối. Nhờ vậy, Trần Hữu Đức mới hết bị còng và biệt giam.

Tại trại giam Nam Hà, do không cúi chào cán bộ, Paulus Lê Sơn đã bị hai quản giáo dùng dùi cui đánh đến gãy chân. Tù nhân Vi Đức Hồi đã phản đối hành vi dã man này của công an khiến ông bị kỷ luật rồi bị biệt giam. Tuy nhiên, sau đó cũng chính Lê Sơn là người đã xin cho viên quản giáo hành hung anh khỏi bị kỷ luật.

Và cách đây không lâu, hai sinh viên Trần Minh Nhật và Trần Hữu Đức đã tuyệt thực để đòi quyền được thực hành niềm tin tôn giáo của tù nhân trong trại tù.

Trong một xã hội mà sự tử tế trở nên khan hiếm, người ta chợt tìm thấy niềm an ủi và hy vọng từ những tù nhân trẻ tuổi này. Họ gồm có mười bảy người, bị bắt gần như đồng loạt, chỉ cách nhau trên dưới một tháng. Họ là những thanh niên đi cứu trợ đồng bào lũ lụt, góp nhặt ve chai gây quỹ, đi lượm nhặt các thai nhi bị vất bỏ, vận động các bà mẹ không nạo phá thai, giúp đỡ những thanh niên cai nghiện, v.v. Vậy mà những người trẻ này đã và đang phải gánh chịu những bản án bất công, có người phải chịu đến 13 năm tù như trường hợp hai anh Hồ Đức Hoà và Đặng Xuân Diệu.

Những thanh niên Công giáo và Tin Lành này là hiện thân của những giá trị mà chúng ta muốn vực dậy. Điều đáng nói ở đây là chúng ta có đang thờ ơ với những hy sinh và nỗ lực của họ hay không?

Một nhà văn đã nói: nhân cách của một con người được nhìn thấy rõ hơn khi họ bị xô ngã. Chúng ta đã bị xô ngã, tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng đã bị xô ngã đến sấp mặt, chúng ta đã làm gì để vực dậy chính mình?

Trong buổi biểu tình ngày 29/9 vừa qua ở Hồng Kông, một tài xế lái taxi 55 tuổi, ông Edward Yeung đã nói với hàng rào cảnh sát chống bạo động rằng: “Nếu tôi không đứng lên hôm nay, tôi sẽ ghê tởm bản thân mình trong tương lai. Ngay cả khi phải bị khép tội hình sự vì hành động này thì đó sẽ là một điều vinh quang”.

Joshua Wong, tức Hoàng Chi Phong, không chỉ làm rung chuyển Hồng Kông, mà có lẽ anh còn đánh thức cả thế giới, bao gồm luôn giới trẻ Việt Nam và tầng lớp thống trị. Lãnh tụ hay minh chúa đâu nhất thiết phải là người cực kỳ "tài cao hiểu rộng", không nhất thiết phải có một "thành tích lẫy lừng", ... chỉ cần có "thiện tâm và quyết tâm" trong tinh thần trách nhiệm với chính mình và lòng yêu thương lẽ phải. Có lẽ những yếu tố trên đã đem hàng vạn người Hồng Kông đến đứng sau lưng chàng sinh viên 17 tuổi này.

Trở lại với những người trẻ của chúng ta, không lâu trước khi được phóng thích, tù nhân lương tâm Đặng Ngọc Minh đã có dịp gặp anh Đặng Xuân Diệu trong trại giam. Anh Diệu lúc đó rất xanh xao vì vừa trải qua một giai đoạn tuyệt thực dài. Khi chào từ giã nhau, Đặng Xuân Diệu đã nói với bà Minh rằng anh tin đất nước anh sẽ phải thay đổi trong vòng hai năm trước mặt. Liệu niềm tin của Đặng Xuân Diệu có trở thành sự thật không?

Xin được gởi giúp những người trẻ bất khuất đầy “thiện tâm và quyết tâm” này một lời nhắn. Một niềm hy vọng thiết tha mà tôi tin rằng họ muốn nhắn gởi đến các bạn trẻ và người dân Việt Nam trên khắp đất nước: “Tương lai tổ quốc Việt Nam tùy thuộc vào chính bạn và tôi”.

N. Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét