Ngày hôm nay, hai cuộc biểu tình được tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn, đòi đảng Cộng Sản Việt Nam công bố các thỏa hiệp họ đã ký kết với đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Hội Nghị Thành Ðô, Tứ Xuyên, năm 1990. Cuộc biểu tình này là hoạt động công khai đầu tiên của phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết.”
Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ đàn áp; và guồng máy tuyên truyền của họ sẽ tố cáo hai cuộc biểu tình này là hành động chống Trung Quốc. Nhưng thực ra, mục đích của quý vị phát động phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” không chỉ nhắm vào Trung Cộng. Mục tiêu chính là Muốn Biết. Công dân bất cứ quốc gia nào cũng có quyền biết những người cầm đầu đã và đang dẫn đất nước đi theo con đường nào. Ngày hôm nay, dân Việt Nam đòi được biết rõ hơn về Hội Nghị Thành Ðô, liên quan đến Trung Cộng; họ có quyền đòi biết rõ hơn về số nạn nhân trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất; và chắc chắn người dân muốn biết số tiền bốn tỷ mỹ kim do công ty Vinashine vay rồi thua lỗ, tiền bạc chạy đi đâu nhanh thế? Hội Nghị Thành Ðô chỉ là một trong hàng ngàn chuyện người dân muốn biết. Lý do gây ra cuộc biểu tình ngày hôm nay không phải chỉ là Hội Nghị Thành Ðô, mà là đường lối cai trị bí mật của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Một người xướng xuất cuộc biểu tình Chúng Tôi Muốn Biết là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông giải thích: “Từ khi đảng Cộng Sản lãnh đạo đất nước... theo kiểu của họ thì nhân dân có được biết gì đâu. Chính sách, chủ trương của họ hoàn toàn bí mật. Từ những năm 64-65 lúc thì ngả về Trung Quốc, lúc thì ngả về Nga. Những hiệp ước bí mật của đảng cộng sản với Trung Quốc và Liên Xô cũng như các chính sách khác, nhân dân hoàn toàn không được biết... ngay Quốc Hội mà [cũng] không biết được nữa là nhân dân!”
“Chủ trương của họ hoàn toàn bí mật,” điều này ai cũng phải đồng ý với ông Nguyễn Xuân Nghĩa; kể cả những người làm việc trong Ban Tuyên Giáo hay làm cho đài BBC. Không những đảng Cộng Sản chủ trương bí mật, họ còn thường hãnh diện về tính chất bí mật của họ. Một khối bí mật được Việt Cộng kiên trì bảo vệ, thường huênh hoang khi đem ra khoe, là những bí mật trong đời sống của Hồ Chí Minh. Ba chục năm trước tôi đọc một tập hồi ký của nhiều đảng viên Cộng Sản cao cấp viết về những lần họ gặp Hồ Chí Minh, trước khi ông về hang Pắc Bó.
Cuốn sách tên là Về Nguồn, mà nhà xuất bản giải thích đó là nghĩa hai chữ Pắc Bó. Tôi còn nhớ tên mấy tác giả, như Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Hoan, Trịnh Ðông Hải, hình như có cả ông Giáp, ông Ðồng. Nói chung, họ thuật lại những lần họ gặp và làm việc với ông Hồ; nhưng tôi không còn nhớ ông nào kể chuyện gì. Có người đang ở Côn Minh, Vân Nam hay đâu đó, làm nhân, bỗng có một đứa bé đến đưa cho tấm giấy, trên đó viết, đại khái: “Em hẹn gặp cậu ở... (trước một quán ăn hay đầu một cây cầu trong thành phố).” Biết là đồng đảng hẹn gặp nhau, đúng ngày giờ tới nơi thì chẳng thấy ai cả. Ðợi một hồi mới có một người đi qua, ăn mặc như một phú gia Tàu, đeo kính gọng vàng, quần áo Tây phương chải chuốt, với bộ ria đen nhánh. Ði qua đi lại mấy lần, “Xì thẩu” mới dừng chân, nói nhỏ bằng tiếng Việt: “Ði với tôi.” Ði một quãng đường xa mới được cho biết, đó là Hồ Chí Minh! Mỗi tác giả đều kể chuyện “Bác” với nhiều hành tung bí ẩn như vậy. Có lúc trên đường đi từ Pắc Bó lên biên giới Việt-Trung, mọi người đều cải trang như một gia đình đi kiếm ăn phương xa. Tới một làng người dân tộc thiểu số, có gia đình đang khóc lóc vì đứa con hay bà vợ bị bệnh hiểm nghèo, “Bác” đã đóng vai một ông thầy cúng chuyên trừ tà chữa bệnh. Tác giả kể ông Hồ đã thắp nhang, thì thào khấn khứa với những thần chú không ai hiểu. Hai bàn tay ông bắt quyết, rồi ông cất giọng hát một bài văn cúng bằng thứ tiếng nói của giống dân nào không biết; hai tay cầm bó nhang múa may. Ðúng là hình ảnh một ông thầy cúng chuyên nghiệp! Sau đó, “bác cháu” được đãi một bữa xôi, gà.
Ðọc cuốn hồi ký Về Nguồn rất thích thú, không biết lúc đó nhà văn Trần Ðĩnh còn được mời viết giúp mấy tác giả đó hay không! Nhưng cuốn sách đã đạt chỉ tiêu; ai đọc cũng thấy Hồ Chí Minh không những đáng tự hào là người “giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê Nin” sớm nhất, mà còn là một nhân vật xuất quỷ nhập thần như mới từ trong Thủy Hử bước ra.
Bây giờ lại có chuyện các cán bộ Tuyên Giáo Cộng Sản Việt Nam nêu thắc mắc. Họ không tin rằng trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất ông Hồ lại bịt râu tới chứng kiến cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, như nhà văn Trần Ðĩnh kể trong cuốn Ðèn Cù. Vì Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Ðảng không thấy sự kiện đó được ghi chép ở đâu cả. Họ muốn kết luận Trần Ðĩnh bày đặt ra câu chuyện để nói xấu lãnh tụ của họ.
Khi nghe nhà báo BBC nhắc đến thắc mắc trên, tôi tưởng rằng vị cán bộ Tuyên Giáo muốn phủ nhận việc ông Hồ đi coi đấu tố. Cho nên, trong bài trước mục này đã bàn rằng chuyện ông Hồ có hay không đến xem cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm không quan trọng, mà quan trọng nhất là quyết định “giết, hay không giết” nhà tư sản nổi tiếng đã nuôi nấng, che chở cho bao nhiêu cán bộ cộng sản trong thời bí mật. Nhưng sau khi đọc bài trước, một độc giả đã viết nhắc nhở rằng quý vị cán bộ Tuyên Giáo không coi chuyện ông Hồ có hay không đến coi đấu tố là quan trọng bằng chuyện mô tả ông đã bịt râu! Bộ râu của ông Hồ đã trở thành một vật linh thiêng đối với các cháu ngoan. Ðem bịt râu ông lại là một tội lớn. Có một họa sĩ trong nhà tù “cải tạo,” muốn chứng tỏ mình đã quy thuận, bèn đi vẽ chân dung ông Hồ. Trong nhà tù đâu có bút, mực, họa sĩ lấy than củi vẽ, thay thế nét bút chì. Ông hí hửng đem nộp cán bộ, nghĩ rằng bữa sáng mai sẽ được phát thêm cho một cục cơm cháy, không ngờ lại bị chửi! Anh vẽ Bác bằng que than đun bếp, đúng là anh đã bôi nhọ Bác rồi!
Cho nên các cán bộ Tuyên Giáo hậm hực, cáu kỉnh chỉ vì Trần Ðĩnh đã bịt râu ông Hồ! Nhưng trong thời gian 1953 đó, nhiều lần ông Hồ đi thăm thú các nơi, chắc chắn ông phải cải trang. Mà quan trọng nhất là phải che kín bộ râu của ông. Ông Hồ đã có lúc đóng vai một phú gia để ria đen, đeo kính gọng vàng; có lúc ông còn làm thầy phù thủy bắt quyết chữa bệnh, thì chuyện bịt râu có ghê gớm gì đâu mà phải lo! Quý ông Tuyên Giáo hăng hái quá khích bảo vệ bộ râu ông Hồ! Ban Tuyên Giáo Bắc Hàn mà nghe ai nói lãnh tụ muôn vàn kính yêu Kim Ỉn và Kim Ủn phải che mặt chắc cũng phẫn nộ như vậy.
Chắc cũng trong tinh thần đó, mới có tài liệu mới phổ biến, nói rằng “Ban Tuyên Giáo Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã có lời giải thích với các chi bộ về Hội Nghị Thành Ðô.” Theo tài liệu kể trên, Ban Tuyên Giáo đã cải chính một mối hoài nghi trong dư luận dân Việt Nam. Họ minh xác rằng tại Hội Nghị Thành Ðô, “Trong hội đàm, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung Quốc gây sức ép với ta về nhân sự, không hề có cái gội là sự thỏa thuận rằng: “Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020...”, như thông tin trên một số trang mạng, blog đã đưa...” Tôi không biết tài liệu này có xác thực hay không, nhưng có gọi điện thoại hỏi Ban Tuyên giáo chắc cũng chẳng ích lợi gì. Vì chính họ vẫn kiên định thực hành lời của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Ðừng tin những gì Ban Tuyên Giáo nói nhé!
Ngay trong mấy dòng trên, Ban Tuyên Giáo đã tránh không nói đến một sự thật: Không phải chỉ có “một số trang mạng, blog” đã đưa tin Việt Nam biến thành khu tự trị của Trung Quốc; mà còn nhiều người đã lên tiếng trước, các blogger chỉ nhắc lại mà thôi. Một người là Thiếu Tướng Lê Duy Mật, từng chỉ huy mặt trận Hà Giang trong cuộc chiến tranh chống Trung Cộng năm 1979. Ông đã gửi thư cho các lãnh đạo đảng Cộng Sản yêu cầu phải công bố những thỏa hiệp tại Hội Nghị Thành Ðô, để biết rõ vấn đề Việt Nam biến thành khu tự trị, được coi là do các cơ quan báo chí Trung Cộng như Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo đưa ra. Ba tháng rồi, ông Tướng Lê Duy Mật không nghe ai trả lời. Tháng trước, lại có 20 sĩ quan cao cấp viết thư nêu lên cùng một thắc mắc. Ðại Tá Bùi Văn Bồng, một trong 20 cựu sĩ quan ký tên, đặt câu hỏi rằng nếu Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu đưa tin như thế thì phải đập lại ngay, nói rằng không hề có việc đó. Tại sao Trung Quốc đưa tin như thế? Ban Tuyên Giáo cũng không trả lời.
Ví thử tài liệu trên đây là không có thực, nghĩa là Ban Tuyên Giáo đảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ cải chính gì về Hội Nghị Thành Ðô cả, thì người dân còn ngạc nhiên hơn nữa. Vì trước một vấn đề sôi nổi trong dư luận dân chúng như thế, tại sao các ông lại cứ ngậm miệng làm thinh, trong khi đó lại đi nêu thắc mắc về chuyện ông Hồ bịt râu hay không bịt râu bao giờ? Cái bộ râu của ông Hồ quý, hay đất đai, rừng biển của nước Việt Nam mới quý?
Những người tổ chức cuộc biểu tình ngày hôm nay, cô Nguyễn Phương Uyên, cô Phạm Thanh Nghiên, và ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tin rằng đất nước Việt Nam mới quý. Cho nên họ đòi phải công bố những thỏa hiệp giữa Trung Cộng và Việt Cộng tại Hội Nghị Thành Ðô. Vì cũng như những người dân Việt yêu nước khác, họ biết lời ông Nguyễn Cơ Thạch, một bộ trưởng Ngoại Giao, đã nói về Hội Nghị Thành Ðô, “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.”
Ngô Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét