Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Hồng Kông dẫn Việt Nam đi về đâu?


Trong suốt thời gian cuộc biểu tình ở Hồng Kông bùng nổ bắt đầu trong tháng 9.2014 cho đến nay, câu hỏi “Cuộc biểu tình sẽ đi về đâu” không chỉ là nỗi băn khoăn cho hàng triệu người Trung quốc đang đấu tranh cho dân chủ mà còn trở thành câu hỏi cho Việt Nam, một xã hội mà nhu cầu dân chủ hóa trở nên thúc bách nhưng vẫn đang đứng ở ngưỡng cửa do dự ngập ngừng.

Do dự với câu hỏi “Cuộc biểu tình sẽ dẫn đến đâu?”

Ngập ngừng với câu hỏi: “Làm thế nào để cuộc biểu tình như ở Hồng Kông xảy ra tại Việt Nam?”




Cuộc biểu tình sẽ đi về đâu? Hay biểu tình sẽ đem kết quả như thế nào?

Câu hỏi “Cuộc biểu tình ở Hồng Kông sẽ dẫn đến đâu?” là câu hỏi hàng đầu của nhiều người Việt Nam đang dõi theo cuộc biểu tình, vì nó không chỉ quyết định cho nền dân chủ sẽ còn hay bị bóp chết bởi sức mạnh chuyên chế khủng khiếp từ Trung Hoa lục địa. Cuộc biểu tình Hồng Kông còn như lối thoát mới cho Việt Nam trên con đường đòi hỏi dân chủ.

Việt Nam một đất nước “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, dù cố thoát sự lệ thuộc vẫn có nhiều điểm phát triển xã hội, văn hóa khá giống với Trung Quốc trước hết là cùng có chế độ độc đảng dưới tên gọi “Đảng Cộng Sản”.

Do từ lâu, một số người cầm quyền tại Việt Nam được coi là “Học trò ngoan của Trung Quốc” nên người ta có thể hiểu phản ứng nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ là “hướng chỉ đạo” cho nhà cầm quyền VN đối với những cuộc biểu tình ở Việt Nam trong tương lai.


Với câu trả lời theo hướng nhìn thẳng vấn đề: “Liệu nhà cầm quyền Trung quốc sẽ đàn áp sinh viên biểu tình ở Hồng Kông như đã đàn áp sinh viên biểu tình tại cuộc biểu tình Tiananmen (Thiên An Môn) 1989?”, chúng ta có hai điểm cần chú ý :

- Một phần trong số những người dân đang ở Hồng Kông ủng hộ Sinh Viên biểu tình ngày nay là những người từng trực tiếp sống với những ngày biểu tình của Sinh Viên Tiananmen 1989.

Rất nhiều người Trung Hoa yêu dân chủ đã chạy trốn nền cai trị sắt máu của Trung Hoa lục địa để đến Hồng Kông sinh sống trong những năm vừa qua. Và họ như không còn biết run sợ trước bạo quyền, vì như đã bị dồn đến đường cùng để đấu tranh.

- “Cuộc cách mạng những cây dù” xảy ra tại Hồng Kông đòi hỏi dân chủ cho địa phương (Hồng Kông) không ảnh hưởng nhiều đến nền chuyên chế đang ngự trị nơi Trung hoa lục địa.

Từ hai điểm này, có thể dự đoán nhà cầm quyền Trung quốc sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để tìm cách trấn an dân chúng thay vì đàn áp để thổi bùng ngọn lửa đấu tranh lan rộng đến lục địa.

Với chiến lược kéo dài thời gian , tránh thương lượng trực tiếp, tránh những câu hỏi trực diện sẽ là cách nhà cầm quyền đối phó với mong muốn những người biểu tình mỏi mệt mà từ từ tự giải tán.

Từ đó cuộc biểu tình sẽ thành cuộc đấu tranh dân chủ lâu dài .

Để kết luận phần “Cuộc biểu tình sẽ đi về đâu?”, chúng ta đã có câu trả lời của cậu thanh niên chỉ 17 tuổi, nhưng xứng đáng làm thủ lỉnh dẫn dắt hàng trăm ngàn người, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong):

“Chúng ta tranh đấu cho mục tiêu (dân chủ) mà không cần phân tích khả năng thành công, bởi vì nếu nghĩ quá nhiều đến điều đó, bạn sẽ không dám dấn thân làm gì cả”.

Phải, ngay khi ta đứng lên đấu tranh đòi hỏi dân chủ , chính ta đã tạo nên hình thức hoạt động dân chủ mà không ai cấm cản được .

Cho dù có bị đàn áp, dập tắt, hành động đấu tranh dân chủ không chỉ đặt nền móng xây dựng nền dân chủ tương lai, mà bắt đầu ngay chính lúc người ta đứng lên đấu tranh cho dân chủ.

Câu hỏi “Cuộc biểu tình sẽ dẫn về đâu?” không là câu hỏi giành cho những người không hề xem dân chủ là sự ban cho của bất cứ thế lực nào.

Dân chủ chính thực là quyền của mình phải được có, do chính mình định đoạt, qua hành động của chính ta.

Làm thế nào để có được cuộc biểu tình như ở Hồng Kông tại Việt Nam?



Cô gái người Việt Nancy Nguyen từ California đến ủng hộ Hongkong


Muốn có cuộc biểu tình như ở Hồng Kông, xã hội Việt Nam cần phải tương tự với Hồng Kông ít nhất ở vài điểm cần có :

* Số lượng người đông sẵn sàng đi biểu tình như sinh viên ở Hồng Kông.

* Tình hình chính trị, xã hội tương tự Hồng Kông.

1) Số lượng người đông sẵn sàng đi biểu tình như sinh viên ở Hồng Kông?

Muốn tập trung số người cùng đi biểu tình với tính đoàn kết, có tổ chức cao đầu tiên cần phải có nhiều nhóm hội tổ chức với thành viên đông đảo tham gia.

Cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã có hai nhóm chính tổ chức :

* "Occupy Central", một phong trào biểu tình chiếm giữ bất bạo động nhằm đấu tranh cho bầu cử với hình thức phổ thông đầu phiếu và quyền đề cử người lãnh đạo của người dân ở Hồng Kông. Phong trào này được Đới Diệu Đình (Benny Tai), phó giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông khởi xướng vào tháng giêng năm 2013. Ông đã dự đoán rằng ít nhất 10.000 người dân sẽ tham gia cuộc biểu tình ở Trung Hoàn trong tháng 7 năm 2014 nếu hình thức phổ thông đầu phiếu cho cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hồng Kông 2017 và cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp 2020 không được thực hiện theo "tiêu chuẩn quốc tế" (theo Wikipia).

* Scholarism, tạm dịch: Phong trào tư tưởng của những người học thức, là nhóm những người hoạt động Hồng Kông được thành lập vào ngày 29 tháng 5 năm 2011 bởi các học sinh trung học. Lãnh đạo của nhóm là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong). Từ lúc thành lập đến nay, Scholarism liên tiếp tổ chức nhiều cuộc biểu tình khác nhau, nổi bật trước tháng 09 - 2014 là cuộc biểu tình chiếm giữ trụ sở chính quyền Hồng Kông nhằm buộc chính quyền rút lại kế hoạch đưa chương trình Giáo dục đạo đức (theo những giáo điều của Đảng CSTQ) bắt buộc vào giữa tháng 8 và tháng 9 năm 2012. 50 thành viên của nhóm đã đóng chiếm công viên công cộng bên dưới văn phòng chính phủ, 3 người trong số đó bắt đầu tuyệt thực. Nhóm này cùng với các tổ chức của phụ huynh học sinh, Liên đoàn giáo viên chuyên nghiệp, đã huy động được hàng chục ngàn người ủng hộ xuống đường, cắm trại 10 ngày biểu tình tại công trường bên ngoài Văn phòng Chính quyền Trung ương Trung Quốc. Cuối cùng đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh phải rút lại môn học này.

Ngoài hai nhóm chính, trong môi trường sinh viên học sinh còn có Liên hội sinh viên, nhiều tổ chức thanh thiếu niên qua các hoạt động xã hội dân sự khác nhau, cùng các Đảng phái đòi hỏi dân chủ, các hiệp hội thương mại, văn phòng luật sư trợ giúp cuộc biểu tình vv…

Qua đó cho thấy, số lượng đông người tham gia đã từ các cơ sở tổ chức khác nhau, có quá trình hoạt động lâu dài, không phải bỗng chốc hợp rồi bỗng chốc tan như một phong trào tự phát.

Điều kiện trên Việt Nam chưa có.

Trong suốt bao năm dưới chế độ độc đảng, tất cả các tổ chức khác như bị bóp nghẹt ngay từ trứng nước. Không thể trách tuổi trẻ Việt Nam hôm nay vô cảm, thụ động thờ ơ chính trị, vì đây chính là kết quả ”trăm năm trồng người” của Đảng CSVN.


2) Tình hình chính trị, xã hội Việt Nam có tương tự như Hồng Kông?

Câu trả lời có nhanh hơn, vì ai cũng thấy rõ điều kiện chính trị và xã hội Việt Nam hoàn toàn khác hẳn với Hồng Kông.

Như thế có mơ mộng quá chăng, khi chúng ta mong muốn cuộc biểu tình như ở Hồng Kông sẽ xảy ra ở Việt nam ?

Đầu tiên “giấc mơ Hồng Kông” đã thổi bùng lên tia hy vọng đổi mới tại Việt nam, và thực sự đem lại “làn gió mới” trên con đường đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

Nhưng tình hình xã hội Việt Nam không giống Hồng Kông, có chăng là giống tình hình của một tỉnh nhỏ tại Trung hoa lục địa.

Như thế sẽ không có, hay rất khó xảy ra một cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ với sự tham gia của đông đảo nhiều người như Hồng Kông.

Do người ta chỉ đấu tranh đòi hỏi những gì người ta đã có và bị mất, người ta khó đấu tranh cho một thứ trừu tượng hay những thứ người ta chưa hề biết là gì?

Thực tế nhìn thấy, bao năm qua trong khi các sinh viên, “những trí thức tương lai” “ngoan ngoãn như bầy cừu” trong giảng đường, lo giữ lý lịch “vừa hồng vừa chuyên” để tiến thân trong một xã hội có quá nhiều khó khăn, bên ngoài xã hội đã có nhiều cuộc xuống đường, nổi dậy của những dân oan và cuộc phản kháng của những tín đồ các tôn giáo khác nhau.

Câu “Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh” của Karl Marx luôn là câu cần có đầu tiên cho một cuộc xuống đường đòi cải cách.

Theo dõi cuộc đấu tranh của những dân oan, những người không nhiều tiền bạc không có quyền lực phải chống chọi với lực lượng “tư bản đỏ” giàu tiền của và quyền lực, hay cuộc đấu tranh của những tín đồ tôn giáo lấy từ bi, bác ái là điểm tựa chống lại cùng thế lực bạo tàn, sắt máu, chúng ta thấy đấy là những cuộc chiến ngay từ đầu không cân sức.

Nghĩ đến những cuộc chiến đấu cân sức hơn , tôi nhớ đến bài viết của báo Spielgel mà tôi đã dịch từ năm 2011về tình hình Trung Quốc:

http://tiengquehuong.wordpress.com/2011/12/08/kinh-te-trung-quoc/

Bài viết cho thấy lực lượng phản kháng mới trong xã hội độc quyền đang phát triển theo hướng điều khiển của “đồng tiền” (tư bản) là những thành phần mới giàu và bị mất quyền lợi qua các cuộc tranh chấp giữa các “tập đoàn tư bản đỏ”.

Như thế, nguyên nhân và phương cách đổi mới trong tình trạng xã hội với đặc điểm của xã hội độc tài sẽ khác hẳn hoàn toàn với cuộc đổi mới trong xã hội hoạt động theo phương thức dân chủ xã hội.

Trước khi viết câu kết luận mà tôi không hề muốn viết: “Việt Nam sẽ không có xảy ra cuộc cách mạng đòi hỏi dân chủ như ở Hồng Kông” khi nhớ đến những gương mặt đã xuống đường biểu tình tại Hà Nội, Sài gòn, cùng với ánh mắt quả quyết , sẳn sàng, bất chấp hiểm nguy, bất chấp đàn áp, trong những năm vừa qua.

Từ sau 1975, gần 40 năm đã trôi qua, trên mái đầu nhiều người sinh sau năm 1975 đã bắt đầu xuất hiện những sợi tóc bạc.

Và dù còn rất trẻ, nét ưu tư đặc biệt luôn hiện hữu ở những gương mặt tham gia đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt nam.

Vẫn còn đó những tấm lòng vẫn còn thao thức cùng thời cuộc, dù tư tưởng đổi mới đôi lúc tưởng chừng như không có lối ra hay bị dập tắt ngay từ phút đầu.

Những sáng kiến tổ chức các phong trào dân sự xã hội vừa qua cho thấy tuổi trẻ Việt Nam không ngủ yên với chính sách ru ngủ của nhà cầm quyền. Các phong trào “Chúng tôi muốn biết”, “Không bán nước”, “Thanh niên làm sạch đường phố”, “Bóng đá No U”, “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân v.v… đang đặt nền móng để các tổ chức xã hội dân sự phát triển và sẽ lôi cuốn dần dần sự tham gia của nhiều người khác.

Những thành viên các nhóm xã hội dân sự sẽ là những chất xúc tác để lôi cuốn nhiều người dân khác tham gia tiếp sức.

Với khẩu hiệu như trong bài viết của tác giả Đoàn Thanh Liêm đã viết về cách tổ chức hoạt động dân sự trước 1975: (http://tiengquehuong.wordpress.com/2014/10/12/phat-trien-xa-hoi-dan-su/)

“Giúp dân, để người dân tự giúp lấy mình”(Help people to help themselves), dần dần người dân không chỉ được giúp đỡ thoát cơn hiểm nghèo (bão lụt, bị chiếm đất, nghèo khổ, bệnh tật…) mà sẽ cùng nhau hợp sức xây những cầu, trường học do dân lập v.v… để từ từ có thể tiến tới xây dựng cả bộ máy chính quyền, do chính người dân chọn lấy, qua quyền tự do bầu cử.

Từ đó, dân chủ không thực hiện bằng khẩu hiệu mà bằng hành động trực tiếp tham gia xây dựng xã hội đang sống.

Hiện trạng vô cảm, thờ ơ sẽ mờ dần trong tương lai, sẽ được thay thế bằng nhận thức hiểu rõ dân chủ có tác động đến đời sống thực tế hằng ngày và giúp đất nước Việt Nam phát triển như thế nào.

Như thế, một cuộc đổi mới xã hội từ thanh niên, những người chủ tương lai của đất nước vẫn sẽ có, không chỉ trong hy vọng, mà từ nổ lực xây dựng các tổ chức hoạt động xã hội dân sự hôm nay.
Dương Hoàng Dung, Munich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét