Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Vì sao kinh tế Venezuela bị đẩy tới miệng vực?

Cũng giống như người tiền nhiệm Chavez, Tổng thống Maduro có vẻ như không muốn thay đổi chính sách kinh tế...



Chưa đầy 1 năm sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, quốc gia Nam Mỹ Venezuela đang đối mặt với nguy cơ suy sụp kinh tế. Lạm phát tăng vọt, đồng nội tệ Bolivar mất giá chóng mặt trên thị trường “chợ đen”, và dự trữ ngoại hối lao dốc.

Theo hãng tin CNBC, ngay cả ngành dầu lửa, lĩnh vực được xem là phát triển thịnh nhất của Venezuela, cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Vì thế, ngành dầu lửa cũng không thể đủ sức tạo doanh thu đủ để trang trải các chương trình trợ giá của Chính phủ nước này.

“Đang tồn tại một sự khác biệt giữa Venezuela với phần còn lại của Mỹ Latin. Các nước khác trong khu vực hiện có nền tảng kinh tế vĩ mô rất vững chãi”, ông Juan Pablo Fuentes, chuyên gia kinh tế thuộc công ty phân tích Moody’s Analytics, phát biểu.  “Venezuela đã mắc phải nhiều sai lầm trong quản lý kinh tế vĩ mô trong 20 năm qua”.

Trong tháng 11 này, người dân Venezuela đã ồ ạt tới các cửa hàng điện tử sau khi Chính phủ yêu cầu các công ty cắt giảm giá bán hàng. Lạm phát tăng mạnh đã đẩy giá hàng điện tử và các hàng hóa khác ra khỏi tầm tay của đại bộ phận dân chúng. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận điều mà hầu hết các chuyên gia kinh tế nhất trí về việc chính sách của Chính phủ Venezuela góp phần gây ra lạm phát cao, Tổng thống Nicolas Maduro lại ra lệnh cho các nhà bán lẻ phải hạ giá bán.

Đi theo phong cách của người tiền nhiệm Chavez, Tổng thống Maduro cáo buộc khu vực kinh tế tư nhân đã gây ra khó khăn cho nền kinh tế đất nước. Tuần trước, Chính phủ Venezuela đã ký một nghị định đặt trần cho tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân và tiếp tục siết chặt hơn nữa các quy định về nhập khẩu. Các động thái này đã vấp phải sự phản đối của phe đối lập.  “Các ông không thể chống lạm phát bằng nghị định mà phải bằng những chính sách kinh tế hợp lý”, liên minh đối lập nói trong một tuyên bố.

GDP của Venezuela hiện ở mức gần 300 tỷ USD nếu được tính dựa trên tỷ giá hối đoái chính thức là 6,3 Bolivar tương đương 1 USD. Tuy nhiên, theo chuyên gia Fuentes, tỷ giá trên thị trường “chợ đen” đã lên gần 50 Bolivar đổi 1 USD, tăng mạnh so với mức 17,3 Bolivar “ăn” 1 USD hồi tháng 1.

Tỷ lệ lạm phát của Venezuela vào tháng 10 ở mức 58,5%, tăng từ mức 21,4% vào cuối năm 2012. Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Venezuela mở rộng các biện pháp kiểm soát giá cả, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, cách làm này chỉ khiến tình hình thêm phần tồi tệ.

“Venezuela có thể sẽ phải đối mặt với lạm phát 3 con số vào đầu năm tới”, chuyên gia kinh tế Fuentes của Moody’s Analytics đánh giá.

Hiện Venezuela đã hết công cụ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Dự trữ ngoại hối của nước này đang ở mức thấp nhất trong 8 năm. Theo số liệu mà chuyên gia Fuentes đưa ra, dự trữ ngoại hối của Venezuela tính đến giữa tháng 9 vừa qua chỉ còn 22 tỷ USD, giảm 26% so với thời điểm cuối năm 2012 và là mức thấp nhất trong 8 năm.

Ngoài ra, Trung Quốc, nguồn cung cấp vốn chính cho Venezuela, đã siết “hầu bao” sau khi “những khoản vay nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu lửa không mang lại kết quả”, chuyên gia Fuentes nói.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Venezuela đang tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm của nước này đã tăng 100 điểm cơ bản trong tháng 11 này, lên mức 13,23%, tính đến ngày 25/11, từ mức 12,25% vào cuối tháng 10 - theo số liệu của Thomson Reuters.

Chương trình “đổi dầu lấy ảnh hưởng” mà Venezuela khởi xướng mang tên PetroCaribe cũng không thuận lợi như trước. PetroCaribe là liên minh được lập ra dưới thời Tổng thống Chavez nhằm đoàn kết một số quốc gia trong khu vực, đều là những nước nhận dầu lửa từ Venezuela theo các điều kiện ưu đãi.

Tuy nhiên, những điều kiện đó đang thay đổi. Mới đây, Guatemala tuyên bố sẽ rút khỏi PetroCaribe sau khi Venezuela thay đổi điều khoản thanh toán đối với hóa đơn dầu lửa bán cho nước này. Các nước Mỹ Latin và Caribbean khác, bao gồm Dominica, cũng đang chịu ảnh hưởng bất lợi từ việc tăng lãi suất và các khoản trả trước ở mức cao khi mua dầu từ Venezuela.

Khi Venezuela ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ Trung Quốc, Bắc Kinh càng có thể mua dầu thô của Venezuela với những điều kiện ưu đãi hơn nhiều so với những gì mà các thành viên của PetroCaribe được hưởng. Trung Quốc chỉ phải trả tiền cho khoảng một nửa số dầu mà nước này nhận được từ Venezuela, nửa còn lại là Venezuela trả nợ. Không có một số liệu chính thức nào, nhưng nhiều nguồn tin ước tính rằng, số tiền mà Venezuela nợ của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 35-40 tỷ USD, mặc dù khoảng một nửa số này được cho là đã trả.

Sản lượng dầu lửa của tập đoàn dầu lửa quốc doanh Petróleos de Venezuela (PDVSA) đã giảm từ mức đỉnh 3,5 triệu thùng/ngày xuống còn khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Để duy trì sản lượng, các công ty dầu lửa phải liên tục đầu tư vào hệ thống vận chuyển và ống dẫn, cũng như mở rộng chuỗi phân phối. Bởi vậy, theo kinh tế trưởng gia trưởng John Felmy thuộc Viện Dầu lửa Mỹ, nếu Venezuela không chịu đầu tư, sản lượng dầu của nước này đương nhiên sẽ giảm. “Nếu Tổng thống Maduro tiếp tục chính sách của Chavez, thì đó không phải là một tín hiệu tốt cho Venezuela”, ông Felmy nói.

Mặc dù Venezuela vẫn là nước cung cấp ròng dầu lửa cho nước Mỹ, lượng dầu mà nước này nhập từ Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong thời gian từ năm 2007-2012. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu 31,11 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu sang Venezuela, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Theo các chuyên gia, doanh thu từ dầu lửa của Venezuela không đủ để trả cho các chương trình xã hội khổng lồ và nợ nước ngoài của nước này. 

Chuyên gia Felmy của API cho rằng, vấn đề mà Venezuela đối mặt hiện nay tương tự như vấn đề mà các nước Mỹ Latin khác gặp phải trước kia. Đó là, nhà nước vận hành các công ty dầu lửa, và các ưu tiên chi tiêu tập trung vào các chương trình công cộng thay vì tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Điều này đúng với PDVSA, nhà sử dụng lao động lớn nhất của Venezuela. Theo ông Pedro Palma, Giám đốc công ty tư vấn Ecoanalitica ở Caracas, năm ngoái, PDVSA đã chi hàng tỷ USD cho các chương trình xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ Venezuela cũng hào phóng trợ giá xăng dầu, vừa gây tốn kém ngân sách, vừa khuyến khích thị trường “chợ đen” phát triển. Chẳng hạn, một gallon xăng có giá 3-4 cent ở Venezuela, trong khi có giá tới  6 USD ở Columbia. “Tưởng tượng xem, chỉ cần mang xăng ở Venezuela sang Columbia bán là có lãi tới mức nào”, ông Palma nói.

Tuy nhiên, cũng giống như người tiền nhiệm Chavez, Tổng thống Maduro có vẻ như không muốn thay đổi chính sách kinh tế. “Chính phủ Venezuela đổ lỗi cho khu vực kinh tế tư nhân đã gây ra tất cả những vấn đề trong nền kinh tế. Chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu hơn nhiều”, ông Palma nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét