Theo Sắc lệnh số 58/SL ngày 6/6/1947 của
Chủ tịch nước Việt Nam DCCH: Huân chương Sao Vàng là huân chương cao
quý nhất của Việt Nam, để tặng những người có công đức vĩ đại với dân
tộc. Ít ai biết rằng, huân chương cao quý của nước Việt Nam đã được vác
đi tặng Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên), đặc biệt trong bối cảnh sau khi
nhà độc tài này công khai ủng hộ chế độ diệt chủng Polpot – Iengsary
tấn công ta ở biên giới Tây Nam gây ra nhiều vụ thảm sát lớn, công khai
ủng hộ bành trướng bá quyền Trung Quốc xâm lược Việt Nam, giết hại nhiều
đồng bào ta. Nguy hiểm hơn, họ Kim còn đăng xã luận trên báo Rodong
Sinmun (cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên) vu cáo Việt Nam
xâm lược Lào và Campuchia để thành lập Liên bang Đông Dương, gọi ban
lãnh đạo Việt Nam lúc đó là ngu xuẩn … và để rồi ngày 9/9/1988, tại Bình
Nhưỡng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã long trọng trao tặng
Huân chương Sao Vàng cho họ Kim nhân sang dự Quốc khánh 40 CH Dân chủ
Nhân dân Triều Tiên.
Ngay sau ngày 30/4/1975, Polpot nhận lệnh từ ông anh Bắc Kinh
đã tung ngay lực lượng mạnh chiếm đảo Thổ Chu và Phú Quốc, giết hại trên
500 dân thường của ta. Để làm quà cho chuyến thăm chính thức Bắc Kinh
và Bình Nhưỡng, rạng sáng ngày 25/9/1977 Polpot mở cuộc tấn công lớn cấp
sư đoàn lần đầu tiên (có pháo lớn yểm trợ), chúng tiến sâu trên 30 km
vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số xã của các huyện Tân Biên, Bến Cầu,
Châu Thành (tỉnh Tây Ninh – chỉ cách TPHCM hơn 100km), tàn sát hàng
nghìn dân thường (số liệu cụ thể ta không dám công khai do một số “nhạy
cảm chính trị”). Chỉ chưa đầy 3 ngày sau khi vấy máu đồng bào ta, ngày
28/9/1977, Polpot được đón tiếp trọng thể tại Bắc Kinh và sau đó là Bình
Nhưỡng. Bàn tay vấy máu của y được Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, Kim
Nhật Thành nồng nhiệt ôm chặt. Đây là chuyến thăm nước ngoài chính thức
đầu tiên của Polpot.
Tại Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, Polpot cùng
tập đoàn đồ tể (Iengsary, Nuonchea, Son Sen … ) báo cáo với Đặng, Hoa
cùng Kim rằng đang thành công lớn xây dựng đất nước không có giai cấp và
khoe khoang vừa giáng cho Việt Nam một đòn chí tử. Hoa Quốc Phong thì
ngợi khen đây là chiến lược đúng đắn của nhà lãnh đạo thiên tài còn Kim
Nhật Thành thì động viên nhà “đại cách mạng” Polpot và hứa đưa thêm vật
tư, hậu cần cùng cố vấn quân sự sang giúp y. Ngoài ra, cả Bắc Kinh và
Bình Nhưỡng đều động viên Polpot là sẽ ủng hộ tên đồ tể này trên các
diễn đàn quốc tế và khu vực. Hứng chí, Kim Nhật Thành còn cho phép nhân
viên sứ quán của Khme đỏ tại Bình Nhưỡng được tự do đi lại mà không cần
xin phép Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ngày 8/10/1977, Kim Nhật Thành ra tận
chân cầu thang ôm hôn Polpot, tiễn y về nước.
Được sự khích lệ và hà hơi tiếp sức của
Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, từ cuối tháng 10/1977, Polpot càng được thể gia
tăng các hoạt động giết hại dân thường ta trên tuyến biên giới Tây Nam.
Ngày 31/10/1977, Polpot tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Việt Nam.
Khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật
đổ chế độ diệt chủng Polpot thì những kẻ to tiếng phản đối Việt Nam nhất
lại là Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Tờ Lao động của Triều Tiên công khai
gọi Việt Nam là kẻ xâm lược đồng thời cáo buộc Việt Nam đe dọa hòa bình,
làm mất ổn định khu vực và quốc tế. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc tung 60
vạn quân đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta thì ngay lập tức
báo Lao Động của Triều Tiên đăng bài xã luận của Kim Nhật Thành, dùng từ
“ngu xuẩn” để chỉ các nhà lãnh đạo Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ
của Triều Tiên với cuộc “chiến tranh tự vệ” của Trung Quốc chống Việt
Nam. Mức độ hằn học, tức tối và cay cú của Kim Nhật Thành lúc đó đối với
Việt Nam cũng chẳng kém giọng điệu của Đặng Tiểu Bình trên Nhân Dân
Nhật báo chút nào.
Giai đoạn 1979 – 1992, Bình Nhưỡng là
nơi chứa chấp nhiều đầu sỏ Khme đỏ. Lắm tên còn được Kim Nhật Thành
xuống tận cơ sở nghỉ dưỡng, chữa bệnh để động viên “tinh thần rèn luyện
và chiến đấu”.
Sau khi Việt Nam rút quân khỏi
Campuchia, Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ rất lạnh nhạt với Việt Nam. Chỉ
sau khi họ Kim chết đi (1994) và Triều Tiên bị cả thế giới cô lập, cấm
vận do phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên mới lại có động thái xích
gần với Việt Nam. Song lúc này, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã phát
triển và giữ mức độ ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam,
đồng thời Việt Nam bị nhiều mối quan hệ đối ngoại khác ràng buộc. Khi
Việt Nam giao cho Hàn Quốc số công dân Triều Tiên bị Việt Nam bắt tại Hà
Nội thì Triều Tiên lại phản ứng dữ dội và triệu hồi đại sứ của họ tại
Hà Nội. Đây là phản ứng ngoại giao dữ dội nhất của một nước cộng sản đối
với Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam “treo” chức đại sứ của mình tại Bình
Nhưỡng trong gần hai năm và sau đó chỉ cử 1 cán bộ cấp rất thấp (không
tương đương lãnh đạo cấp vụ) và không thuộc cơ quan đối ngoại sang Bình
Nhưỡng làm đại sứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét