Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

David Brown: Tướng Võ Nguyên Giáp ra đi

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất đi hơn 24 giờ trước khi sự kiện dự kiến xảy ra từ lâu này được các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận. Cho đến trước 19:00, giờ Hà Nội, ngày 5 tháng 10, một “thông báo đặc biệt” trên tờ Nhân Dân, tiếng nói của đảng cầm quyền, mới báo cho bạn đọc biết rằng ông Giáp đã qua đời và sẽ được tổ chức quốc tang vào ngày 12 và 13.
Vào thời điểm đó, tin tức về cái chết của nhân vật huyền thoại của Việt Nam từng chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ đã lan nhanh trên toàn thế giới, đầu tiên là báo mạng của những người bất đồng chính kiến và sau đó là các đại diện báo chí quốc tế tại Việt Nam. 
Như những nhà tiên tri mà Chúa Giêsu nói tới (Luke 4:24 , chẳng hạn), trong mắt của giới cầm quyền trong đất nước của mình, người anh hùng Điện Biên Phủ 102 tuổi không còn nhiều lắm vẻ của một anh hùng.  
Các cáo phó của báo chí thế giới đều nhắm vào mối liên hệ chặt chẽ của tướng Giáp với Hồ Chí Minh và vai trò của ông như là kiến trúc sư của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và của cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 mà, với cái giá đáng kinh ngạc về mạng sống binh sĩ, đã làm dư luận Hoa Kỳ quay lại quyết liệt chống “Chiến tranh Việt Nam” của Mỹ. 
Nhiều cáo phó toát lên vị mốc meo của lời văn chuẩn bị sẵn và ‘đóng hộp’ từ lâu. Thật vậy, cáo phó của Judy Stowe trên tờ Independent (Anh) (một bài khá tốt hơn trung bình) đã phải được viết ra trước khi bà chết cách đây sáu năm. 
Các cáo phó trên báo chí quốc tế đều không giải thích lý do tại sao, dù đã có nhiều năm nghĩ đến điều đó, chế độ Hà Nội vẫn không chắc liệu họ nên tổ chức quốc tang cho tướng Giáp hay không. Và cũng thế, những cáo phó ấy rất hiếm lưu ý rằng vào những năm quyết định của cuộc “chiến tranh chống Mỹ,” cả Hồ Chí Minh lẫn Tướng Giáp đều đã bị đẩy ra bên lề bởi một thế hệ những nhà cách mạng trẻ hơn và thậm chí tàn nhẫn hơn, mặc dù sự kiện đó được xác nhận do một số học giả phương Tây từng được phép lục lọi trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia trong những năm gần đây. 
Từ lâu nay, Tướng Giáp không còn được ưa chuộng với những người kế nhiệm ông trong Bộ Chính trị. Một lý do quan trọng là vì lòng yêu mến dai dẳng của ông trong quân đội khiến ông trở thành tiêu điểm hiển nhiên cho các phe nhóm hy vọng sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong chế độ. Trong chừng mực được biết, Tướng Giáp không bao giờ khuyến khích âm mưu như vậy. Tuy nhiên, về sau này từ vị trí an toàn lúc về hưu ông đã lên tiếng phê bình các xu hướng làm ông lo lắng. 
Nhà quan sát Hà Nội nổi bật GS Carl Thayer tin rằng Tướng Giáp có thể sẽ được nhớ đến nhiều nhất tại Việt Nam vì những “can thiệp của ông bằng các thư gửi đến lãnh đạo cấp cao trong những năm cuối cùng, chỉ trích gay gắt vai trò của tình báo quân đội trong việc cung cấp thông tin có thể được sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến và cũng biện luận rằng đảng cần phải cởi mở và các thủ tục trong đảng cần phải dân chủ hơn”. GS Thayer tiếp tục: “Ông sẽ được coi như một quan chức đã về hưu vẫn còn có thể đưa ra lời khuyên một cách bình thản mà không thể lấy bất cứ lợi riêng bởi vì cái chết đang đối mặt ông, và điều đó sẽ được xem như là hành động đầy trách nhiệm và đạo đức theo văn hóa Việt Nam”. 
Người tướng già này cũng góp uy tín của mình cho một làn sóng phản kháng nổ ra trong năm 2009 đối với một dự án quy mô lớn khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên. Trong một bức thư gửi cho các lãnh đạo chế độ, Tướng Giáp đã cân nhắc về những thiệt hại có thể có về môi trường và các nguy cơ về an ninh mà ông nhận ra qua việc cho phép các nhà thầu Trung Quốc gần như tự do nắm giữ việc phát triển dự án này trong một khu vực biên giới rất nhạy cảm.
Ở Việt Nam, theo quy tắc quốc tang là dành cho các quan chức đã từng là Tổng bí thư của Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Tướng Giáp chưa từng giữ bất kỳ một trong các chức danh này, vì vậy chắc hẳn cần thiết triệu tập Bộ Chính trị để tính toán việc tổ chức quốc tang một cách ngoại lệ. Nhưng, bây giờ vị tướng vĩ đại đã chết, tại sao chế độ phải gánh lấy khó khăn quyết định cho ông một lễ tiễn đưa lớn? Rất có thể đó là vì đám tang của tướng Giáp có thể không là một sự kiện hoàn toàn kiểm soát được. Ông được người dân yêu thương chân thật. Họ đau buồn việc ông qua đời hơn rất nhiều so với cái chết của bất kỳ ai trong của nhóm các lãnh đạo đương nhiệm. Dễ dự đoán thêm là những người bất đồng chính kiến sẽ lèo lái làn sóng tình cảm này, tìm cách làm cho nó thành một phương tiện chuyển tải nỗi thất vọng của họ với các chính sách hiện hành. 
David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ chuyên về Đông Nam Á và đặc biệt là về Việt Nam.
Nguồn: Asia Sentinel

1 nhận xét:

  1. Sao một người nước ngoài lại có một nhân định hay và chính xác đến như vậy về thực trạng của VM qua cái chết của vị tướng già đầy uy lực trước các nhà cầm quyền yếu kém .Ônh ta dự đoán lòng dân với vị tướng huyền thoại của mình ,Nhưng ông ta chắc còn ngạc nhiên hơn nhiều khị biết tinh yêu ấy còn mãnh liệt hơn nhiếu ,thề hiện bằng nhiều việc làm đầy thình người với Đại Tướng của mình và với nhau .Sức mạnh ấy của tình yêu và sự đoàn kết chính là sức mạnh của người VN !
    Cám ơn anh đạ mang bài viết này về !

    Trả lờiXóa