Ván đã đóng thuyền các em ạ, báo từ chối đăng nên anh đăng lên đây... buồn... bài dài lắm đọc mỏi mắt ráng chịu...anh đi chạy bộ cho quên sầu đây...
Bạn hãy nhìn vào tổng mặt bằng và phối cảnh của khu đô thị Vinhomes Golden River Bason. Đây là một quần thể phức hợp gồm thương mại, văn phòng, căn hộ và biệt thự. Tất cả đều cao cấp, tất cả đều đem lại cho những người sinh hoạt ở đấy một môi trường sống tốt nhất mà không phải ai cũng có được.
Nếu khu đô thị này được đặt ở Thủ Thiêm, hay quận 7, những nơi xung quanh và kết nối tốt với trung tâm Sài Gòn, còn nhiều quỹ đất, thì không ai phàn nàn gì. Thành phố cần những công trình như thế để phát triển. Khu Phú Mỹ Hưng sau 20 năm đã thành một khu đô thị đáng sống, là một ví dụ cụ thể về sự thành công của mô hình phát triển đô thị vệ tinh chất lượng cao.
Nhưng đây là Ba Son, một khu di tích quan trọng trong lịch sử xây dựng Sài Gòn, chứng kiến và trải qua nhiều biến cố của thành phố này. Những nhà xưởng đồ sộ và ụ tàu trong khu Ba Son không chỉ đơn thuần là những công trình phục vụ cảng tàu. Chúng là những tài sản vô giá, góp phần giữ những ký ức đô thị của Saigon, cũng như tạo nên bản sắc của thành phố.
Khu đô thị Vinhomes sẽ đập hết những nhà xưởng này, cũng như cho lấp luôn ụ tàu 122 năm tuổi, để thay vào đó là những cao ốc và biệt thự mà chúng ta có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu. Có nhất thiết, có tất yếu phải quy hoạch, phải xây dựng khu Bason như nội dung của dự án Vinhomes đang thực hiện? Chúng ta có đành lòng để Saigon mất đi di sản có một không hai, vô giá về lịch sử, tinh thần và bản sắc, để cho những khối kiến trúc hào nhoáng – vô hồn dày đặc chiếm chỗ?
1. Lịch sử và giá trị khu Ba son
Báo Tuổi Trẻ tháng 8 năm 2015 đã có một loạt bài khá chi tiết của tác giả Phạm Vũ về giá trị lịch sử kéo dài 225 năm của Ba Son. Khởi đầu là xưởng thủy của chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18, đến xưởng sửa chữa, đóng tàu của người Pháp thế kỷ 19, Ba Son “là một bức tranh sống động minh chứng cho ngành công nghiệp, nền kinh tế biển ở Việt Nam, một dấu ấn của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam cùng phong trào đấu tranh của họ...” (Thạc sĩ Phạm Lan Hương, Trường ĐH Văn hóa).
Theo cùng bài báo, trong hội thảo khoa học tổ chức nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều đồng tình với ý tưởng “phát huy sức sống cho “di tích sống” Ba Son” này.
Giá trị lịch sử của Ba Son, tuy rất cao, nhưng không mấy ai của thành phố này biết, bởi một phần nó là công trình quốc phòng, bị ngăn cách bằng những bức tường quân sự kiên cố, suốt 40 năm từ ngày thống nhất ít ai được phép ra vào.
Ngày 28/06/2013, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín ký quyết định số 3457/QĐ-UBND, thông qua và ban hành “Quy chế quản lý không gian, kiến trúc đô thị khu trung tâm hiện hữu thành phố Hồ Chí Minh 930 Ha” (Design Guidelines) do Nikken Sekkei lập. Quy chế này là tiểu chuẩn quan trọng, là công cụ để thành phố kiểm soát hoạt động phát triển đô thị trong khu vực nội đô.
Điều 41 của quy chế có ghi rõ về phương châm quy hoạch của Ba Son.
“Tổng quát Khác với các tiểu khu còn lại của Khu bờ Tây sông Sài Gòn, Khu Ba Son phải được phát triển hài hòa với những công trình kiến trúc lịch sử còn được giữ lại trong khu vực nhằm truyền tải ký ức về một xưởng tàu xưa cho thế hệ tương lai.
Các kiến trúc lịch sử này(*) sẽ được gìn giữ và tồn tại cùng những công trình mới. Việc phát triển mới phải tôn trọng ý nghĩa vị trí của xưởng tàu Ba Son lịch sử, đồng thời tạo sự hài hòa với các công trình kiến trúc được bảo tồn trong khu hải quân.
(*) Các công trình và kiến trúc cần được bảo tồn Năm công trình lịch sử sau đây phải được giữ lại trong khu vực (hình 41-1), kể cả việc tái bố trí công năng sau này. A. Depot: Công trình kết cấu bê tông chịu lực có mái 3 cột nhìn ra sông Sài Gòn. B. Xưởng nhỏ: Nằm gần depot, ngay góc phải ra sông Sài Gòn. C. Xưởng lớn: Nằm xéo ra sông Sài Gòn. D. Văn phòng 1: Cổng Tôn Đức Thắng, kế cận Văn phòng 2. E. Văn phòng 2: Cổng Tôn Đức Thắng, kế cận Văn phòng 1.”
Rõ ràng chính quyền thành phố đã có những chuẩn bị để có thể phát triển hòa hợp với kế thừa di sản ở khu Ba Son
2. Thông tin về dự án Ba Son
Chính quyền Thành phố đã thuê tư vấn uy tín của nước ngoài để làm ra quy định rõ ràng, chi tiết và có tầm nhìn như vậy, nhưng thực tế đã diễn ra khác hẳn với mong muốn đó.
Sau khi có quyết định di dời cảng Ba Son để phát triển đô thị, đã không hề có một thông tin công khai – chính thức và chi tiết về chủ đầu tư chính thức, về nội dung đồ án quy hoạch của dự án, cũng như phương hướng giữ gìn di sản này. Không hề có một công bố về tổ chức thi tuyển phương án thiết kế khu Ba Son, mà thành phố đã làm với những khu quan trọng khác, như phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay khu tứ giác trụ sở UBND Thành phố. Quy chế quản lý mà thành phố ban hành như trên có được tuân thủ hay không, cũng không ai biết. Và thông tin trên báo là những tin vắn, nếu không để ý thì sẽ rất khó nhận ra.
Xin được điểm lại các tin về dự án Ba Son theo Báo Tuổi Trẻ.
Năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM đề nghị được bổ sung ụ tàu lớn với tuổi đời hơn 120 năm vào di tích lịch sử xưởng cơ khí - địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cục Di sản văn hóa đồng ý và yêu cầu lập hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Hồ sơ đã được lập nhưng việc xếp hạng di tích thì dừng ở đó. (theo loạt bài của tác giả Phạm Vũ)
Ngày 26/2/2013, “UBND TP.HCM có văn bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son. Theo đó, TP đề nghị giữ lại ụ tàu và công nhận cụm di tích lịch sử quốc gia đối với khu vực ụ tàu và xưởng cơ khí Ba Son (đã được xếp hạng di tích quốc gia).”
24/4/2015, “Bộ Quốc Phòng đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư mua tài sản trên đất gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son hiện hữu.Thường vụ Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng thống nhất chọn Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ thương mại TP.HCM là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son”. (Bài báo không đăng chi tiết nội dung quy hoạch và phương hướng bảo tồn di sản)
23/11/2015 “Sở VH&TT TP.HCM đã có kiến nghị với cấp lãnh đạo về việc giữ lại một số công trình của di tích cảng Ba Son. Những công trình được kiến nghị giữ lại bao gồm nhà lưu niệm, xưởng cơ khí nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng làm việc, ụ tàu. Thông tin này được ông Tôn Thanh - phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM - đưa ra tại đại hội lần II Hội Di sản văn hóa TP.HCM tổ chức sáng 22-11 ở Bảo tàng Hồ Chí Minh TP.HCM.”
Tin vắn ngày 23 tháng 11 là thông tin cuối cùng người dân được biết về Ba Son, cho đến khi người ta thấy Vinhomes rao bán dự án rầm rộ vào cuối tháng 3 vừa rồi. Phải chăng người ta đã nhắm mắt làm ngơ để Ba Son không còn bị trói buộc bởi một quy luật nào khác ngoài quy luật thị trường, và có lẽ của cả những luật chơi riêng mà người dân không được biết. Chuyện gì đã xảy ra khi Quy chế quản lý của thành phố rõ ràng đã không được tôn trọng.
3. Làm gì để giữ gìn-phát triển khu Bason – một vài gợi ý
Thế giới có rất nhiều ví dụ về giữ gìn và khai thác di sản lịch sử, cho dù đó không phải là những công trình có giá trị kiến trúc cao. Phần nhiều những di sản này là công trình xây dựng phục vụ công nghiệp, cầu cảng, kho bãi, được giữ lại để ghi nhớ quá trình phát triển của đô thị ấy. Ở bài này xin kể ra hai ví dụ ở Nhật, một là Nhà kho gạch đỏ ở thành phố Yokohama, và một là khu cảng xưởng Toyosu, Tokyo.
Nhà kho gạch đỏ Yokohama là công trình kho vận trong hệ thống cảng Yokohama, được xây vào thời Minh Trj Duy Tân. Nó gồm hai kho, kho số 1 xây năm 1908, hoàn thành năm 1913, kho số 2 xây năm 1907, hoàn thành 1911. Gạch được nung hoàn toàn tại Nhật, và đương thời là công trình kho vận hiện đại nhất của Nhật, với hệ thống thang máy chở hàng, hệ thống vòi phun chữa cháy trong nhà và cửa chống lửa.
Trong suốt gần 80 năm, nhà kho gạch đỏ đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, tham gia vào suốt quá trình mở mang và hiện đại hóa nền kinh tế của Nhật Bản, vượt qua được trận động đất lớn năm 1923, là chứng nhân quan trọng trong lịch sử cận đại của Nhật. Năm 1989, nhà kho hoàn thành sứ mệnh của mình, và bị bỏ hoang phế sau đó.
Năm 1992, với ý muốn bảo tồn di tích này, thành phố Yokohama đã mua lại và lên kế hoạch bảo dưỡng rồi tái sinh cho nó. Trải qua quá trình trùng tu và nghiên cứu phương án khai thác, năm 2002, với ý tưởng biến nơi đây là “không gian sáng tạo văn hóa – nơi giao lưu của bến cảng”, Nhà kho gạch đỏ được hồi sinh và trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng của Yokohama. Đây là một tổ hợp thương mại – văn hóa, với hơn 50 cửa hàng và nhà hàng, khu hội trường và không gian triển lãm. Từ khi mở cửa nơi đây đã đón tổng cộng hơn 70 triệu lượt khách, riêng năm 2015 lượng khách là hơn 6 triệu lượt, là điểm đến được yêu mến của cả người Nhật và khách nước ngoài.
Năm 2010, nơi đây là nơi đầu tiên của Nhật Bản được nhận giải thưởng Di sản Châu Á Thái Bình Dương nhằm bảo tồn di sản văn hoá của Unesco. Có rất nhiều sự kiện văn hóa lớn nhỏ được tổ chức tại đây như lễ hội hoa mùa xuân, trượt băng chỉ có trong mùa đông, chợ Giáng sinh, lễ hội Oktoberfest, fashion show, triển lãm mỹ thuật.
Ví dụ thứ hai, là phát triển đô thị tại phần cảng xưởng trong khu Toyosu, Tokyo. Khu Toyosu là một khu công nghiệp nặng – cảng vận lớn nằm trên vịnh Tokyo, với diện tích hơn 100ha. Hình thành từ dự án lấp biển đầu thế kỷ 20, Toyosu là một trong những đầu tàu về công nghiệp nặng của vùng đô thị Tokyo. Đến đầu thế kỷ 21, cùng với xu hướng thay đổi cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp nặng không còn giữ vai trò mũi nhọn. Theo đó những nhà xưởng trong khu Toyosu bị đóng cửa hoặc di dời, nhường chỗ cho một khu đô thị mới với hàng loạt cao ốc văn phòng, căn hộ và khối thương mại. Tại phần cảng xưởng có ụ đóng tàu - được quy hoạch lại thành công trình thương mại, người ta đã giữ lại ụ tàu và biến nó thành biểu tượng của ký ức phát triển công nghiệp, làm điểm nhấn của không gian công cộng cho toàn khu vực.
4. Kết luận
Khi giữ gìn một di sản lịch sử, luôn luôn có xung đột giữa kinh tế và văn hóa, giữa những thứ rất rõ ràng có thể đong đếm bằng tiền, với những lập luận-phân tích phần nhiều là định tính, giữa những thế lực mạnh gạo bạo tiền, với giới học thuật hay tầng lớp bình dân kém sức ảnh hưởng. Nhiệm vụ của quy hoạch đô thị là cân bằng mâu thuẫn này, để không vì di sản mà hạn chế xu hướng phát triển, cũng như xóa sạch tất cả chỉ để xây lên cái mới.
Trong những cuộc tranh đấu để giữ gìn di sản đó, không một thế lực nào được quyền đứng trên lợi ích chung của đô thị - của mọi công dân sống trong đô thị ấy. Thông tin về di sản, về quy hoạch phải được công khai, phải được đưa ra cho người dân biết và bàn. Việc hạn chế thông tin đến người dân có thể coi là một tội ác, khi đặt họ vào trong thế đã rồi, và khi biết ra thì tất cả đã quá muộn.
Trong trường hợp Ba Son, người dân không có thông tin về lịch sử của di tích, không có cơ hội để nhận thức hết giá trị vì không được quyền tiếp cận. Khi di dời cảng Ba Son, người dân cũng không hề được thông tin về định hướng quy hoạch cũng như bảo tồn. Vì vậy khi có thông tin dự án, mà phần đông đều không có đủ tiền để mua, người ta cũng dễ thờ ơ, hoặc có thể còn háo hức, với sự biến đổi này.
Chúng ta có quyền đặt câu hỏi về quy trình thẩm định và phê duyệt dự án Vinhomes Golden River. Nó có hợp lý, minh bạch hay không, nó có đánh giá và đưa ra phương hướng bảo tồn những công trình hiện hữu hay không, và ý kiến phản biện có được tham khảo hay không? Chính quyền thành phố đã làm gì không áp dụng được công cụ quản lý do chính mình tạo ra. Phải chăng chính quyền đã hơi coi thường người dân thành phố khi “đóng cửa bảo nhau”, và đặt mọi người trong thế đã rồi.
Nếu để Ba Son được xây như dự án Vinhomes đang rao bán, thì chỉ một nhúm nhỏ những nhà đầu tư, những người rất giàu hưởng lợi, cả về giá trị kinh tế lẫn môi trường sống hạng nhất, nhưng Sài Gòn và gần 10 triệu dân của nó sẽ mất đi một tài sản vô giá về lịch sử-văn hóa và bản sắc, cái mà không thể có trong ngày một ngày hai, không thể mua bằng tiền, và nếu mất đi thì không bao giờ lấy lại được.
Ba Son, với vị thế trung tâm của nó, cần được phát triển, nhưng không phải bằng mọi giá, xóa sạch quá khứ. Ba Son cần thêm thời gian để có phương án phát triển hài hòa với di sản, để người dân góp ý với phương án đó. Chúng ta – những công dân của Sài Gòn, có quyền thừa hưởng những không gian, những ký ức mà tiền nhân để lại, cũng như nghĩa vụ trân trọng, giữ gìn, trau chuốt những di sản đó để truyền lại cho những thế hệ sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét