Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Ấn tượng trong tuần: Thanh danh quốc gia và những phát ngôn gây sốc

Tác giả: Kỳ Duyên
.Bài học “Hồ sơ Panama” rất xa và cũng rất gần. Chỉ có sự minh bạch mới chính là thanh kiếm bảo vệ sự phát triển, sự lành mạnh và thanh danh một quốc gia.
—————–
Thỉnh thoảng, trong đời sống vốn quá nhiều bất an của nhân loại, lại có những vụ việc gây chấn động toàn cầu, mang đầy kịch tính. Tuần này, kịch tính gây chấn động toàn cầu có tên “Hồ sơ Panama”
Những con lợn đất và kịch tính toàn cầu
Vụ việc đầy kịch tính nổ ra, khởi đầu ngày 03/4, khi Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ, trụ sở tại Washington- Mỹ) công bố báo cáo điều tra, được thẩm định bởi một nhóm gồm 370 nhà báo từ 70 quốc gia, lập từ kho chứng từ về thuế của hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở tại Panama), từ năm 1975-2015, hé lộ một mạng lưới công ty “ma” khổng lồ trên toàn thế giới được lập ra dường như để giúp giới nhà giàu trốn thuế, hoặc rửa tiền.
Hồ sơ Panama, quốc gia, thanh kiếm, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Hồ sơ Panama được xem là vụ phanh phui lớn nhất trong lịch sử cho tới nay. Ảnh: vneconomy
Cuộc điều tra được miêu tả là một trong những vụ phanh phui tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Báo Sueddeutsche Zeitung (trụ sở tại Munich, Đức) được cung cấp kho chứng từ, từ một nguồn ẩn danh, đã liên minh với ICIJ và hơn 100 hãng tin khác thực hiện chiến dịch điều tra trong suốt một năm (TBKTSG, ngày 04/4)
Còn ý kiến của một chuyên gia kinh tế ở Úc thì cho rằng, khái niệm chứng từ thuế chưa thật chính xác, thực chất đây là các tài liệu nội bộ của MF liên quan đến các dịch vụ công ty này cung cấp cho khách hàng.
Tờ tạp chí Vox (Mỹ) thì dùng hình ảnh những con lợn đất – thường đựng tiền tiết kiệm của trẻ em- được gửi vào một nhà không phải nhà mình, để giải thích việc che giấu tài sản của các nhân vật có quyền lợi dính líu ở “Hồ sơ Panama”.
Mặc dù, không phải tất cả những khoản tiền gửi trong các tài khoản ở nước ngoài sử dụng dịch vụ này đều là bất hợp pháp.
Nhưng khỏi phải nói, cơn chấn động về vụ việc “rửa tiền, trốn thuế” của nhiều nhân vật chính trị gia, cầu thủ, nghệ sĩ, giới mafia…, mang tính toàn cầu ra sao.
Nhất là khi tờ báo Süddeutsche Zeitung tuyên bố họ có trong tay 2,6 terabytes tài liệu, chứa đựng 11,5 triệu văn bản của 240.000 công ty “ma” được tiết lộ. Một số lượng tài liệu bị “rò rỉ” ra ngoài lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn cả kho tài liệu khổng lồ mà Wikileaks công bố vào năm 2010 và những tài liệu tình báo bí mật được Edward Snowden tiết lộ cho các nhà báo vào năm 2013, từng làm nghiêng ngửa các quốc gia.
“Hồ sơ Panama”, theo nhìn nhận của các chuyên gia, mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thống kê của Tax Justice Network (Mạng lưới công bằng thuế khóa), thì trên thế giới có khoảng 80 “thiên đường thuế” kiểu này. Theo một thống kê vào năm 2010 của Tax Justice Network, khối lượng tài sản ở các “thiên đường” này ở mức từ 21 nghìn tỉ USD – 32 nghìn tỉ USD. Tính sơ sơ, chính phủ các nước đã thất thu tầm 280 tỉ USD tiền thuế thu nhập từ khối tài sản khủng này (Thanh niên, ngày 06/4).
Nhân loại giờ đây ngày ngày hồi hộp chứng kiến các lớp lang với những nhân vật nổi tiếng- những chính khách, quan chức của các quốc gia xuất hiện khi… cánh gà của “Hồ sơ Pannama” vén lên.
Không biết có bao nhiêu vị quan chức các quốc gia giờ đây ruột gan nóng như lửa đốt, nguyện cầu…
Khi sau lớp cánh gà đó, xuất hiện 12 nguyên thủ quốc gia trong số 143 chính trị gia, gia đình và người thân tín của họ trên khắp thế giới vô tình thành cùng hội cùng thuyền sử dụng các “thiên đường thuế”. Còn những ai ai nữa?
Khi mà đường đi của khoảng 02 tỉ đô la Mỹ được cho là dẫn tới tổng thống Nga V. Putin, do một người bạn thân của ông ta có bổn phận.
Khi mà gia đình của ít nhất 08 ủy viên đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu của Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc bị phát hiện có tài sản bí mật ở nước ngoài.
Rồi lần lượt các nguyên thủ quốc gia: Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ ông; Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif; cựu TT lâm thời và Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi;  Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko; con trai của cựu Tổng thống Ai Cập Alaa Mubark; con gái cựu TT Trung Quốc Lý Bằng…v..v.. (TBKTSG, ngày 04/4)
Chưa kể, người cha quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron là Ian Cameron cũng bị phát hiện lập ‘công ty ma’ tại một vùng hải ngoại của Anh để trốn thuế.
Điều bi hài, ông TT Anh Cameron, sắp tới sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng quốc tế ở London. Không hiểu ông sẽ ăn làm sao nói làm sao bây giờ?
Chỉ biết, mới đây phủ thủ tướng Anh đã ra một tuyên bố nói rằng vợ chồng ông Cameron và các con không tham gia các quỹ đầu tư ở nước ngoài, và ông Cameron dự kiến sẽ công bố bản khai thuế sớm nhất có thể, dự kiến vào tuần tới (Dân trí,ngày 08/4).
Và kịch tính của nó cũng được các quốc gia mở nút rất khác nhau. Tùy vào thể chế chính trị và quan niệm. Nếu như ở Iceland, hàng nghìn người dân lập tức biểu tình và ông TT nước này- Sigmundur David Gunnlaugsson ăn cay nuốt đắng phải lập tức xin từ chức. Thì ở TQ, c/q nước này ăn cây nào rào cây ấy, “giới hạn” việc tìm kiếm thông tin trên mạng liên quan đến hồ sơ trốn thuế. Hơn thế, tờ Hoàn cầu, còn lập tức chỉ trích truyền thông phương Tây bới lông tìm vết sử dụng vụ “Hồ sơ Panama” để tấn công các mục tiêu chính trị tại các quốc gia phi phương Tây (Tin tức, ngày 05/4).
Tại nước Nga, theo báo chí nước ngoài, Tổng thống Nga V. Putin bác bỏ việc có “bất kỳ yếu tố tham nhũng nào” trong vụ việc “Hồ sơ Panama”, và cho rằng, các phe phái đối lập chống lại ông đang tìm cách gây bất ổn cho nước Nga.
Đủ biết, “Hồ sơ Panama” đang trở thành cơn “nhân chấn” toàn cầu ra sao. Bởi cho dù nếu có được vạ thanh danh đã … sưng.
Nhưng nút thắt khác của màn kịch tính này vẫn còn đang ở phía trước. Đó là cuộc chiến pháp lý giữa các nhân vật của vở “Hồ sơ Panama” thế kỷ với giới truyền thông sẽ ra sao? Chưa ai đoán định được.
Khán giả VN chưa thể quên bộ phim truyền hình nổi tiếng 18 bánh xe công lý, một bộ phim Mỹ sản xuất những năm trước của TK 20, kể về đặc vụ liên bang Michael Cates, một nhân chứng quan trọng trong một vụ án của giới mafia. Và để bảo vệ đặc vụ Michael Cates thoát khỏi sự săn lùng gay gắt của mafia, Chương trình bảo vệ nhân chứng buộc anh phải lái chiếc xe tải 15 tấn với 18 bánh xe lang thang khắp nơi…
Nhưng liệu John Doe (tên gọi chung dành cho những người vì lý do an toàn mà cần phải ẩn danh- theo Tuần Việt Nam, ngày 06/4) của “Hồ sơ Panama” này liệu sẽ được công lý bảo vệ ra sao? Khi mà trong đó, có không ít những nhân vật tai to mặt lớn, có không ít những kẻ buôn ma túy, giới mafia và quyền lực cũng … lớn không kém?
Quả là một sự can đảm và bản lĩnh phi thường, để lôi ra ánh sáng sự phi pháp mang tính toàn cầu.
Minh bạch và lòng tham
“Hồ sơ Panama”- cơn “nhân chấn” thế kỷ, đã khiến các quốc gia dù trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao đến đâu cũng phải giật mình, không thể chủ quan, và phải nhìn lại nền quản trị quốc gia. Thước đo văn minh nhất, công cụ quản lý hữu hiệu nhất của loài người một lần nữa được hàng loạt quốc gia nhắc tới- sự minh bạch.  
Tỷ như nước Đức sẽ có quy định mới về chống trốn thuế. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho biết, CP nước này dự định ban hành quy định mới đối với các công ty nước ngoài để tăng cường tính minh bạch của họ, trong đó có yêu cầu phải tiết lộ danh tính chủ nhân thật sự. Ông nhấn mạnh, đây là một phần trong nỗ lực chống trốn thuế và tội phạm tài chính có liên quan đến khủng bố (VOV.vn, ngày 06/4)
Còn theo báo Nghệ An, ngày 05/4, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bước đầu đã xác định xem có bằng chứng về việc tham nhũng và các vi phạm khác theo pháp luật Hoa Kỳ hay không. Các quốc gia như Úc, Áo, Thụy Điển, Hà Lan đã bắt đầu điều tra các cáo buộc dựa vào hơn 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ trong “Hồ sơ Panama”. Cơ quan thuế của Brazil cho biết sẽ xác minh thông tin về việc trốn thuế và có thể áp đặt mức tiền phạt về khối tài sản chưa được khai báo tại nước ngoài lên đến 150% giá trị tài sản đó.
Cơn “nhân chấn” này liệu có khiến cho nước Việt có thêm những kinh nghiệm quản lý gì không? Mặc dù rửa tiền, trốn thuế đều là những hiện tượng không xa lạ gì với người Việt.
Nó cho thấy lòng tham của con người vốn vô độ. Kẻ tham nhũng không chỉ có ở những nước nghèo, thu nhập thấp, những nước đang phát triển, chậm phát triển, mà kẻ tham nhũng “đông như quân Nguyên” ở ngay những nước rất giầu có, trình độ phát triển cao, bởi với lòng tham càng nhiều thì càng ít.
Hầu hết các quốc gia có trong danh sách “Hồ sơ Panama” đều là những nước có nền quản trị quốc gia văn minh. Vậy mà những kẻ rửa tiền, trốn thuế, vẫn tìm ra được những kẽ hở để làm việc phi pháp một cách có tính toán. Thì với một quốc gia nền quản trị còn duy tình như nước Việt, chống tham nhũng càng không thể chỉ dựa vào sự kê khai hình thức, dựa vào sự tự giác của con người.
Thanh kiếm bảo vệ thanh danh
Nước Việt trong những ngày này, cũng đang chứng kiến một sự kiện lớn khác.
Kỳ họp cuối của QH khóa 13 là kỳ họp có dấu ấn lịch sử đặc biệt- không chỉ chứng kiến sự ra mắt của dàn lãnh đạo cao cấp, mà còn là kỳ họp kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó. Chỉ vài tháng tới, QH khóa mới với các ĐBQH mới cũng sẽ hiện diện.
Hồ sơ Panama, quốc gia, thanh kiếm, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Từ trái qua: Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Tthij Kim Ngân.
Vì vậy, tuy là kỳ họp đặc biệt- với số ngày họp ngắn, nhưng lại khiến dư luận XH quan tâm, chú ý, bàn luận, bởi tại kỳ họp lần này, các ĐBQH đã có nhiều lời nói thẳng, nói thật, như dốc cả gan ruột, mà không sợ sự thật mất lòng.
Có rất nhiều ý kiến về các vấn đề khác nhau, đều nóng sốt, nhưng có hai mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất được dư luận XH đồng cảm. Bởi đó cũng là nguyện vọng của nhân dân.
Đó là chống “ngoại xâm” và chống “nội xâm”.
“Ngoại xâm” là những kẻ có dã tâm, thực hiện xâm hại, xâm chiếm chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia. Trong thực tế, những kẻ xâm hại đã từng bước thực hiện chiến lược này
“Nội xâm” chính là tệ nạn tham nhũng, mua chức bán quyền, mua quan bán tước, là lợi ích nhóm tàn phá khiến kinh tế nước Việt tuy vẫn giữ ở mức tăng trưởng hơn 6% nhưng nợ công tăng nhanh, khiến gánh nặng thuế khóa của người dân mỗi năm một nặng. Quan trọng hơn, niềm tin của nhân dân bị tổn thương. Đạo lý, văn hóa XH vì thế mà suy thoái, xuống cấp. Những hiện tượng đó khiến cho cả dân tộc không sao… thanh thản được.
Dàn lãnh đạo mới của CP mới sẽ phải làm gì, nếu không phải là lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng người dân? Quan trọng hơn cả lắng nghe và thấu hiểu, là phải hành động, hành động và hành động.
Không thể để những khái niệm đầy nuối tiếc giá như, nếu như… cứ tồn tại mãi trong mỗi nhiệm kỳ.
Dư luận XH thực sự chia sẻ với những phát ngôn ấn tượng của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, và Lê Văn Lai khi các ông mổ xẻ việc xác định bạn thù trong thế giới đa chiều chằng chịt lợi ích, đòi hỏi vừa tỉnh táo vừa khôn ngoan. Tỉnh táo để hiểu bạn- thù. Khôn ngoan để thêm bạn bớt thù:
Bạn là những ai ủng hộ nước VN độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức. Việc xác định không đúng bạn – thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn (Dân trí, ngày 01/4)
Nhưng nếu như xác định “ngoại xâm” đã đầy khó khăn, thì cuộc chiến chống giặc “nội xâm” còn khó khăn gấp bội. Vì “ngoại xâm” còn có thể thấy rõ hình hài, căn cứ vào hành động xâm chiếm, thì giặc “nội xâm”, tiếc thay không rõ hình hài. Rất thật mà rất …. “ma”. Vì nó sống ngay trong chính cộng đồng, cũng nói tiếng Việt, cũng máu đỏ da vàng. Chỉ khác nhau ở lòng tham và nhân cách sống- đặt lợi ích dân tộc lên trên hết hay chì vì lợi ích nhóm?
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã cho thấy, mỗi khi giặc “nội xâm” hoành hành ngang dọc, XH bất ổn, lòng người phân ly thì bao giờ “ngoại xâm” cũng xuất hiện… đục nước béo cò.
Chính vì vậy, cuộc chiến phòng ngự và chống “ngoại xâm” chỉ có thể thành công, nếu như quốc gia đồng tâm hành động diệt giặc “nội xâm”, nếu nội lực đất nước thực sự vững mạnh, trên dưới quan dân một lòng đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu.
Lấy Nội thắng Ngoại là thế.
Thì đó mới thực sự là hồng phúc của dân tộc.
Nhưng muốn diệt giặc “nội xâm”, còn cần có một vũ khí sắc bén hơn. Mà các quốc gia văn minh, dưới cơn nhân chấn dữ dội- “Hồ sơ Panama” đang phải mài giũa lại. Đó là sự minh bạch.
Chỉ có minh bạch mới có thể làm sáng tỏ loại giặc “nội xâm” đang lẩn lút trong cộng đồng, làm suy yếu nội lực thể chất và tinh thần quốc gia.
Bài học “Hồ sơ Panama”, rất xa và cũng rất gần.
Chỉ có sự minh bạch mới chính là thanh kiếm bảo vệ sự phát triển, sự lành mạnh và thanh danh một quốc gia.
————-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét