Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

ĐÀO HIẾU – Những con chó rơm của Khổng Tử



Gần đây, dư luận bàn tán khá sôi nổi về việc chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc bỏ ra 300 tỉ để xây văn miếu thờ Khổng Tử. Hôm thứ Năm, 11/6/2015, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa học từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói với BBC:

“Tôi nghĩ rằng bản thân việc xây dựng Văn Miếu này là một chuyện rất bình thường, không có gì là lớn cả. Bởi vì chúng ta biết rằng truyền thống văn hóa của chúng ta, từ khi nhà Lý tiếp nhận Nho giáo, thì Nho giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng với nền giáo dục cũng như là tổ chức quốc gia Việt Nam.”

Nhân chuyện này, tôi muốn mời giáo sư Trần Ngọc Thêm, đọc lại một chương trong hồi ký Lạc Đường, vốn rất được nhiều người biết đến.

Những con chó rơm của Khổng Tử


Khách đi xe hơi đến. Xe và tài xế ở lại dưới chân núi. Một mình khách theo đường mòn đi lên. Cây, đá đều lẩn trong sương. Trời cũng chìm khuất trong mây. Mây thấp, la đà dưới thung lũng.

Dã Nhân nói:

-Ta không muốn tiếp nó.

-Vậy thì thầy lánh mặt đi.

Khách là bạn cũ của tôi và Dã Nhân. Trước đây hắn cũng ở trong phong trào sinh viên chống Mỹ. Tốt nghiệp đại học. Ở rừng về. Đảng viên. Tuy hắn chỉ giữ một chức quan nhỏ nhưng nhờ quen biết lớn hắn nhảy vào kinh doanh địa ốc trở thành một trong những đại gia của thành phố.

Thủ đoạn kinh doanh của hắn có thể tóm tắt như sau: thông qua các quan lớn, hắn biết được các khu quy hoạch của thành phố. Hắn tiếp xúc với các quan trong địa phương có đất quy hoạch, cùng họ lên phương án đền bù giải tỏa. Hắn họp dân lại, treo cái bản đồ quy hoạch tổ bố trên tường để dằn mặt dân, sau đó hắn ra một cái giá rẻ mạt cho mỗi mét vuông, bắt dân phải bán đất.

Trước đây tại một khu quy hoạch ở Nam Sài Gòn, người nông dân bị buộc phải bán cho hắn mười chín ngàn đồng một mét vuông đất ruộng. Về sau này, nông dân biểu tình phản đối cướp đất, hắn đi con đường mềm dẻo hơn. Hắn cho họp dân để “hiệp thương” tức là hai bên thương lượng giá. Nhưng hắn lại đưa ra một cái khung giá do nhà nước quy định. Ở thời điểm năm 2000 cái giá ấy là 300 ngàn một mét vuông. Dân không chịu thì hắn và các quan chức địa phương bèn ra lệnh: “Ai không chịu nhận tiền đền bù thì số tiền ấy cũng sẽ được gởi vào ngân hàng. Còn kế hoạch giải tỏa vẫn tiến hành theo đúng tiến độ.”

Ngay ngày hôm sau, trên mục rao vặt của các báo xuất hiện những mẩu tin rao bán đất. Các chủ đất đọc báo, thấy đất của mình được hắn ta rao bán với giá bảy triệu đồng một mét vuông (!)

Tiếp theo là cuộc hành quân quy mô lớn gồm công an, cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, xe cứu thương, đại diện cơ quan nhà đất địa phương, đại diện ban giải tỏa đền bù, đại diện dự án tái định cư…cùng một đoàn xe ủi, xe xúc, cần cẩu…rầm rộ kéo đến tiếp quản đất và san lấp mặt bằng. Xe cứu thương hụ còi, “sẵn sàng làm nhiệm vụ” nếu có xô xát đổ máu.

Đó là cảnh tượng tôi đã từng chứng kiến.

Tôi không rõ khi người ta xây dựng khu Phú Mỹ Hưng thì người ta có phải hành quân kiểu đó không, và giá tiền đền bù giải tỏa mà người nông dân nhận được có phải là 19 ngàn đồng một mét vuông như lời đồn đại không, nhưng điều tôi biết chắc là hiện nay những người nông dân ấy – với số tiền đền bù rẻ mạt – vẫn phải ở nhà tranh vách đất hoặc chui rúc trong các xóm lao động, còn Phú Mỹ Hưng văn minh hiện đại là nơi dành cho người Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đài Loan, HongKong…và một số cán bộ cao cấp, một số những nhà giàu ở quận Một quận Ba hay khách phương Bắc đến để rửa tiền.

Và bạn nghĩ gì khi người ta mua đất của nông dân với giá 19 ngàn một mét vuông và hiện nay họ bán lại với giá 60 triệu?

Lợi nhuận ấy chỉ thua các ông trùm buôn bán vũ khí Hoa Kỳ chứ không thua ai. So với hắn, tụi buôn ma túy chỉ là lũ tép riu.

*

Vậy mà hôm nay hắn đến đây.

-Thầy có nhà không?

-Đi rồi.

-Chắc thầy đang hành thiền?

-Thầy tôi không phải là một thiền sư. Ông giống một đạo sĩ hơn. Ông thường uống rượu và say xỉn.

-Có thể cho tôi gặp sư phụ được không?

-Không biết thầy đi đâu.

Khách ngó quanh quất. Rôi chợt đứng dậy, xăm xăm đi ra phía sau núi. Tôi đuổi theo thì hắn đã mất hút trong sương mù dày đặc.

-Sư phụ! Sư phụ! Hắn gọi vang cả rừng núi.

Hắn vừa gào vừa men theo con đường mòn dẫn đến hang đá. Đột nhiên hắn im bặt khi nghe tiếng nước đổ rào rào trên những tán lá ngay phía trên đầu.

Vừa ló mặt ra, hắn thấy ngay chú mọi nhỏ đang vểnh cu đái cầu vồng xuống đầu hắn. Vừa lúc có tiếng ngâm nga của Dã Nhân:

Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn: sư thái dược khứ

Chỉ tại thử sơn trung

Vân thâm bất tri xứ.

Bốn câu thơ làm hắn sững người. Vừa lúc Dã Nhân hiện ra trên một tảng đá lớn.

-Chào thầy. Bài tứ tuyệt của thầy hay quá.

-Không phải của ta. Đó là thơ Giả Đảo. Nhưng ông đến đây làm gì?

-Sắp tới rằm tháng Bảy. Tôi muốn làm lễ xá tội vong nhân.

-….

-Trước hết là cho các đồng chí của mình trước đây trong phong trào sinh viên đã hy sinh trong kháng chiến như Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Hồ Hảo Hớn, Trần Bội Cơ, Nguyễn Ngọc Phương…

-….

-Sau đó là tới các gia đình có công với Cách Mạng.

Dã Nhân hỏi:

-Ông nghĩ rằng những người đó cần phải được xá tội sao?

-Thưa thầy…ngày Vu Lan cũng là ngày xá tội vong nhân cho những linh hồn…

-Những người chết không có tội gì cả. Những người sống mới có tội. Thế sao không dùng tế lễ để xá tội cho những người sống?

-Ý của thầy là sao? Hắn hỏi.

-Ngày xưa Khổng Tử đem lễ nghĩa ra dạy đời nhưng thực chất chỉ là lời nói suông, thực chất xã hội rối loạn. Các nước chư hầu đều nhân danh nhân nghĩa mà đem quân đánh nhau gây bao nhiêu tang tóc cho muôn dân, con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, gia đình tan nát, xã hội tiêu điều, sinh linh đồ thán. Trong triều thì bọn quan lại tìm cách hãm hại nhau vì danh lợi, ngoài thảo dã thì trộm cướp nổi lên, dân chúng đói khát, không có cái ăn cái mặc. Vậy mà Khổng Tử và các môn đồ của ông ta vẫn cứ đi hết nước này đến nước khác để giảng nhân nghĩa lễ trí tín, há chẳng phải là làm cái bình phong để tiếp tay cho bọn quan lại, vua chúa đàn áp, bóc lột nhân dân sao? Há chẳng phải là giả dối, lừa mị sao? Vậy thì Khổng Tử, Mặc tử đã làm được gì cho thiên hạ? Hỡi ơi! Sao bọn họ không thấy xấu hổ, không biết nhục nhỉ!

-Nhưng thưa thầy đó là chuyện của thời xưa.

-Thời nay nào có khác gì. Bọn trộm cướp chuyên nghiệp, trộm cướp có hệ thống, lại chính là bọn kêu gọi tình người, tình đồng chí. Tù nhân đầy trong các nhà giam, hàng triệu con gái nông thôn lên thành phố làm gái điếm, trẻ bụi đời, dân nghiện ngập, thanh niên thất nghiệp đầy dẫy trong các xóm lao động tối tăm, những dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên đang sống lầm than như súc vật…thì không ai lo, lại hô hào bảo vệ bản sắc dân tộc, bảo vệ truyền thống, bảo vệ cái khăn đóng áo dài, cái nón quai thao… có phải là lừa bịp không?

-Nhưng tôi chỉ muốn tổ chức một lễ cầu siêu…

Dã Nhân đáp:

-Để ta kể cho ông nghe chuyện Khổng Tử cùng học trò là Nhan Hồi tới nước Vệ, gặp thái sư nước Lỗ tên là Kim. Nhan Hồi hỏi Kim:

-Ông nghĩ sao về thầy tôi?

-Thầy ông sẽ bị khốn cùng mất thôi!

-Sao vậy?

-Khi cúng tế người ta thường dùng một con chó rơm bọc gấm rất đẹp. Người ta đặt con chó rơm ấy lên bệ rất là trang trọng. Nhưng khi đã cúng xong rồi thì con chó rơm bị vứt đi, lăn lóc dưới đất. Người ta đi qua đi lại dẫm đạp lên. Dày xéo lên. Có người cắt cỏ nọ nhặt con chó rơm đó đem về chụm lửa. Nay thầy của ông cũng đi lượm những con chó rơm mà tiên vương đã dùng để cúng tế từ nhiều đời trước, rồi ông ta họp đệ tử lại, ngắm nghía, săm soi ra chiều đắc ý. Vì vậy mà bị nước Vệ cấm không cho vào, rồi bị vây ở biên giới nước Trần, không có gì ăn, nhịn đói suýt chết.

Hắn lại hỏi:

-Ý thầy muốn nói…?

-Rằng chuyện lễ lạt, chuyện tưởng niệm, chuyện bản sắc dân tộc, chuyện truyền thống Việt Nam, chuyện trung với nước hiếu với dân…chẳng qua chỉ để che mắt thế gian. Thực chất chỉ là những con chó rơm được bọc áo gấm cho đẹp đẽ để cúng tế trong giây lát mà thôi, dùng xong thì vứt lăn lóc dưới đất như rác rưởi.

-Thầy coi thường Lễ Nghĩa đến như vậy sao?

-Đó là những điều ta học được từ Trang Tử.

-Nhưng ở các nhà trường người ta vẫn dạy: “Tiên học Lễ, hậu học Văn” đấy thôi.

-Cái Lễ trong nhà trường là cái lễ với thầy cô, với cha mẹ. Cái lễ ấy trong sáng, dễ thương. Còn cái lễ ngoài xã hội là cái lễ giả tạo của bọn ngụy quân tử dùng để che mắt thế gian. Trang Tử coi lễ là mớ giẻ rách. Ông viết như thế này trong chương Trí Bắc Du của Nam Hoa Kinh: “mất Đức rồi mới có Nhân, mất nhân rồi mới có Nghĩa, mất nghĩa rồi mới có Lễ.”

-Câu đó phải hiểu như thế nào?

-Ông hãy tự soi lại mình thì sẽ hiểu câu đó. Có phải khi ông đã làm những chuyện thất đức tày trời rồi ông mới nghĩ tới làm việc nghĩa? Nhưng có làm được đâu, vì thực chất ông không dám trả lại tiền cho những người bị các ông cướp ruộng đất. Chính vì thế mà các ông mới nghĩ tới Lễ. Vậy thì thứ lễ ấy có khác gì miếng giẻ rách đâu!

Khách nghe đến đây thì sợ quá, co giò chạy xuống núi. Chú mọi nhỏ đứng trên tảng đá, vỗ tay cười. Tiếng cười như mảnh thủy tinh bắn vãi theo. Khách cuống cuồng sảy chân lao ra khỏi vách núi, ngã xuống vực. Tôi hốt hoảng định kêu lên nhưng Dã Nhân đã cười lớn mà rằng:

-Ngươi hãy nhìn xem!

Lạ thay, người khách khẽ rùng mình, hóa thành một con ruồi to như con diều hâu, tà tà bay xuống thung lũng.

ĐÀO HIẾU

(Trích hồi ký Lạc Đường, chương 22)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét