Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Trung Quốc triển khai giàn khoan nước sâu thứ hai ở Biển Đông




Giàn khoan dầu Nam Hải 9 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.

Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo giàn khoan nửa nổi nửa chìm Nam Hải 9 vừa hoàn thành lần khoan thăm dò nước sâu đầu tiên trên Biển Đông.

China Daily dẫn thông báo từ Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 5/11 cho biết giếng vừa thăm dò có tên Lingshui 25-1-1 (Lăng Thủy 25-1-1) nằm ở bồn trũng mà Trung Quốc gọi là Qiongdongnan, có độ sâu 3.930 m. Công ty này nói sẽ tiếp tục xác thực nguồn tài nguyên tại đây.

Nam Hải 9 (Nanhai Jiu Hao) là giàn khoan nước sâu thứ hai của Trung Quốc đưa vào sử dụng, sau Hải Dương 981, cho thấy Trung Quốc đã có thiết bị và công nghệ để thực hiện những đợt thăm dò dầu khí quy mô lớn ở những khu vực nước sâu, thông báo cho biết thêm.

Huang Benhui, người làm việc trên Nam Hải 9, mô tả Biển Đông là khu vực có điều kiện làm việc khó khăn nhưng giàn khoan này có nhiều tính năng giúp đối phó với thời tiết xấu. Nam Hải 9 đã khoan thăm dò 6 giếng dầu trên Biển Đông, Huang nói.

Công ty Dịch vụ Dầu mỏ Trung Quốc (COSL), thuộc sở hữu của CNOOC, là đơn vị vận hành Nam Hải 9. Yuan Xiaosong, phó tổng giám đốc phân đoạn khoan của COSL, cho biết công ty quản lý 43 giàn khoan, trong đó hơn 20 giàn khoan hoạt động ở Trung Quốc, số còn lại đang tham gia vào các dự án nước ngoài.

“Nam Hải 9 sẽ giúp tăng cường khả năng thăm dò dầu khí ngoài khơi Trung Quốc bằng cách phối hợp với giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động ở những vùng biển khác nhau trong cùng một thời điểm, từ đó cải thiện khả năng khai thác dầu khí cho Trung Quốc”, Yuan nói.

Hải Dương 981 là giàn khoan nước sâu đầu tiên và lớn nhất của Trung Quốc, có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 3.000 m nhưng thường được sử dụng ở độ sâu từ 800 đến 1.500m. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã đưa trái phép Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trước khi cho rút về Hải Nam vào trung tuần tháng 7.

Theo Yuan, lựa chọn tốt nhất cho những dự án có độ sâu lớn hơn là Nam Hải 9 bởi chi phí hoạt động của nó ít hơn Hải Dương 981.

Độ sâu hoạt động tối đa của Nam Hải 9 là 1.524 m. Theo CNOOC, giàn khoan này đã được sử dụng ở Na Uy và phía tây châu Phi. Nó có chiều dài 99 m, rộng 88m và cao 116m.

Theo VnExpress


Giàn khoan Nam Hải 09: Trung Quốc khả năng ảo,dã tâm thật

Trung Quốc cho rằng Nam Hải 09 có khả năng chỉ sau Hải Dương 981 và đang lên kế hoạch triển khai ở Biển Đông.

Tờ China Daily dẫn thông báo từ Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 5/11cho biết giàn khoan Nam Hải 09 vừa hoàn thành khai thác một giếng dầu ở Lăng Thủy, Hải Nam với khoảng nước sâu là 975m, khoan sâu tới 3.930m.

Với tuyên bố này, giàn khoan Nam Hải 09 trở thành giàn khoan thứ hai của Trung Quốc có khả năng hoạt động ở độ sâu 1.000m, chỉ sau giàn khoan nửa chìm Hải Dương 981.

CNOOC tuyên bố với giàn khoan Nam Hải 09, Trung Quốc hoàn toàn làm chủ khả năng thăm dò, khai thác các giếng dầu khí nước sâu trên khu vực Biển Đông.

Theo thông tin từ Tân Hoa Xã và China Daily, Nam Hải 09 là giàn khoan nửa chìm thế hệ thứ 4 của Trung Quốc, có thể khai thác ở độ nước sâu khoảng 1.500m, khoan sâu tới 7.600m.

Truyền thông Trung Quốc đã hồ hởi tung hô về khả năng khai thác dầu khí của quốc gia này. Đồng thời, họ cũng gửi đi những thông điệp về việc Hải Dương 981 và Nam Hải 09 sẽ là cặp tiên phong trong việc khai thác ở những vùng có độ nước sâu trên Biển Đông để tìm kiếm dầu khí.




Giàn khoan Nam Hải 09 của Trung Quốc

Sau khi báo chí Trung Quốc đưa những thông tin rất đáng lo ngại này, phóng viên báo Đất Việt đã liên hệ với chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình – người thường xuyên nghiên cứu về kỹ thuật giàn khoan thế giới và quan tâm đến những thông tin liên quan tới Biển Đông.

Ông Đỗ Thái Bình chia sẻ về giàn khoan Nam Hải 09 như sau: “Trước hết phải khẳng định ngay, Nam Hải 09 (Nan Hai Jiu Hao) là một giàn khoan chỉ có khả năng khai thác, không có khả năng thăm dò. Tức là muốn hoạt động ở vùng nước sâu, Trung Quốc chỉ có duy nhất Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) để thăm dò, nếu xác định được ở đó có dầu khí mới đến phần việc của Nam Hải 09. Thông tin mà CNOOC đưa ra về việc Nam Hải 09 khoan thăm dò là vô lý.”

Ông Đỗ Thái Bình phân tích thêm: “Yếu tố thứ hai là Nam Hải 09 được Trung Quốc mua của công ty TransOcean, được kéo từ Malaysia về Thâm Quyến vào tháng 8/2013, được hoán cải ở xưởng Hữu Liên. Giàn khoan này được đóng mới từ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo quy ước của quốc tế, đây là giàn khoan thuộc thế hệ nửa chìm thứ 2, không hiểu vì sao Trung Quốc có thể nâng đời lên nửa chìm thứ 4? Thực tế thì Nam Hải 09 chỉ như giàn khoan Đại Hùng của ta mà thôi.”

Tuy nhiên, chuyên gia Đỗ Thái Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc không chỉ chuẩn bị một cái giàn khoan Nam Hải 09 cho việc khai thác dầu khỉ ở Biển Đông mà còn mua thêm một cái giàn tương tự tên Pride South Seas thuộc Công ty Pride International.

Phải nói rằng họ đang đi từng bước rất bài bản, chế tạo một chiếc Hải Dương 981 để khoan thăm dò, và mua hai cái để khai thác. Và hiện tại, CNOOC của Trung Quốc đang đóng thêm một chiếc Hải Dương 982 và mua thêm (hoặc đóng mới nhiều giàn khoan khai thác khác).”

Ông Bình nhận định: ”Có thể thấy được dã tâm của Trung Quốc là không hề nhỏ. Nó cũng thể hiện cơn khát về năng lượng của quốc gia này cũng lên tới đỉnh điểm. Trung Quốc đang lợi dụng tính chất thương mại của giàn khoan để biện bạch cho mưu đồ bành trướng chủ quyền nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.”

Từ trước tới nay, Trung Quốc thường có chiêu bài tung hô sức mạnh của mình, đặc biệt qua những thiết bị quân sự được phục chế, nhái lại của nước ngoài, hoặc đánh cắp thiết kế. Việc tự tung hô này có thể thấy như là truyền thống của Bắc Kinh, nhưng dã tâm của họ là vô cùng nguy hiểm và cần phải đề phòng để Việt Nam tránh rơi vào trường hợp bị động như giàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng 5 vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét