Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Không thể phớt lờ quyền tự ứng cử của công dân

Thụy My/ RFI


Toàn cảnh QH khóa 13 kỳ họp thứ 8, khai mạc tại Hà Nội ngày 20/10/2014.
Ngày 28/10/2014, một số tổ chức dân sự với vai trò khởi xướng trong đó có Hội Nhà báo Độc lập, đã ra Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân. Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm đang diễn ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII (20/10 đến 28/11/2014), với hai phần ba thời lượng được dành cho việc xây dựng các luật. Được biết đây là kỳ họp có số lượng luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.


RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập về vấn đề trên.

RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Anh có thể cho biết lý do vì sao bản tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân được nêu ra vào thời điểm này?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Ngay thời điểm này, Quốc hội Việt Nam đang họp kỳ cuối năm 2014 và sẽ bàn về bầu cử đại biểu Quốc hội - một vấn đề mà trong con mắt những người độc tôn đảng trị là hết sức “nhạy cảm”. Nhưng lại đang có những dấu hiệu Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn phủi tay một vấn đề rất thiết thân với quyền đương nhiên của nhân dân là quyền tự ứng cử.

Từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013 đều quy định: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Thế nhưng trong suốt 68 năm qua, quyền tự ứng cử của công dân vẫn chỉ là một vật trang trí bị rẻ rúng. Lúc cần thì mang ra bài trí cho “dân chủ cơ sở”, nhưng thực chất là bóp nghẹt ngay tức khắc những ai muốn tự mình cất lên tiếng nói.

Một minh chứng rất rõ cho tình trạng bóp nghẹt đó là hình thức ứng cử thông qua tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu luôn áp đảo so với việc ứng cử của bất kỳ cá nhân nào. Cứ gần mỗi kỳ bầu cử, các cấp từ quận huyện, tỉnh thành đến trung ương đều ra sức “vận động” và cả đe dọa những người tự ứng cử, kể cả đảng viên, để rút tên.

Chẳng hạn các điều các điều 34, 35, Luật bầu cử đại biểu lại quy định chặt chẽ việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương. Chính lối bầu cử áp đặt theo cơ chế “Đảng cử dân bầu” trên đã tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc và xúc phạm nặng nề đối với việc tự ứng cử của công dân.

Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây đã cho ra những con số quá thấp về tự ứng cử.

Chẳng hạn Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng cử, kết quả chỉ có 2 người trúng cử. Quốc Hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử; còn đến Khóa XIII thì công tác vận động “thành công” đến mức số người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử 4 người.

Còn lần này, Quốc hội sẽ bàn về luật bầu cử đại biểu, nhưng hầu như chắc chắn họ sẽ lặp lại lối mòn cũ là áp đặt cơ chế “đảng cử dân bầu”, và sẽ hạn chế đến mức tối thiểu những người tâm huyết muốn tự ứng cử để gánh vác việc nước và giương cao ngọn cờ phản biện.

RFI : Trước đây ông Hồ Chí Minh từng khẳng định: Hễ những ai muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…

Không chỉ ông Hồ Chí Minh, mà Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966, tại Điều 25 ghi rõ: Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình.

Còn Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nhấn mạnh: Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương.

Nói như vậy và vào lúc Nhà nước Việt Nam đã là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tự ứng cử đã trở thành một trong những quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của một con người cần phải tôn trọng triệt để. Cùng với quyền bầu cử, quyền ứng cử phải được thực hiện như một trong những quyền cơ bản nhất của con người mà thể chế cần bảo đảm. Bầu cử chỉ thực sự tự do và công bằng khi mọi công dân thực thi quyền tự ứng cử mà không bị cản trở trong bất kỳ trường hợp nào.

RFI : Trong Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân, các hội đoàn dân sự đã nêu những khuyến nghị trọng tâm nào?

Việc đầu tiên là phải xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, dân bầu” tồn tại từ nhiều năm qua. Thứ hai là phải minh bạch hóa trong công tác đối với người tự ứng cử. Không kỳ thị trong cách tuyên truyền bầu cử, không phân biệt trong điều kiện vận động bầu cử của các ứng viên, không có hành vi cản trở đối với những người tự ứng cử nhằm thể hiện tính công bằng, khách quan.

Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu Quốc hội bổ sung điều luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong việc thực hiện quyền tự ứng của công dân trong Luật bầu cử Quốc hội. Ủng hộ người dân tự ứng cử để thể hiện thực chất ý chí nhân dân trong bầu cử.

Chúng tôi cũng yêu cầu xóa bỏ những bất công và bất hợp lý trong Quyết định số 244-QĐ/TW về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

RFI : Anh có thể cho biết rõ hơn về những bất công trong Quyết định 244 trên đây ?

Có tới “9 không” trong quyết định này. Điều 13 của Quy chế nhấn mạnh đến 6 việc “không được” và 3 việc “không có”. Theo đó, cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Nói chung là một cơ chế cực kỳ độc đoán và áp đặt!

RFI : Được biết Chính phủ đã có văn bản đề nghị Dự luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử. Anh nghĩ gì về động thái này?

Tất nhiên chúng tôi có thể đồng thuận với bất kỳ hành động nào của Chính phủ có lợi cho dân chủ và người dân. Chỉ có điều phải xem xét một cách biện chứng xem Chính phủ có thực tâm “vì dân” hay chỉ vì quyền lực và lợi ích riêng của họ.

Thực ra, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều hứa hẹn về cải cách thể chế nhưng vẫn chưa có kết quả nào đáng chú ý.

Suốt ba năm qua, kể từ tháng 11/2011 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội đề nghị Luật biểu tình, cho đến giờ tất cả vẫn lặng câm. Những vấn đề khác như Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý và “dễ” nhất là Luật tiếp cận thông tin cho tới nay vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Vào tháng 8/2013, Chính phủ đã đưa ra tuyên bố "quyền phúc quyết thuộc về nhân dân", khiến dư luận và báo chí được một phen thấp thỏm hy vọng. Nhưng từ đó đến nay, tình trạng nhân dân vẫn bị hết nhóm lợi ích kinh tế đến nhóm lợi ích chính trị đè đầu cưỡi cổ đã cho thấy "quyền phúc quyết" thực chất là thế nào.

Lối so sánh biện chứng lịch sử không tránh khỏi như thế đang khiến người dân khó có thể hiểu khác hơn là ngay trước một kỳ họp Quốc hội, giới quan chức chính phủ muốn lặp lại kịch bản "lấy điểm" mà không phải xuất phát từ lòng thành tâm tối thiểu của họ.

RFI : Còn về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liệu họ có chấp nhận quyền tự ứng cử của công dân?

Chỉ mới cách đây hơn hai tháng, vào trung tuần tháng 8/2014, Ban soạn thảo dự án luật thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho rằng "để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử", với lý do "thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”.

Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần từ quá nhiều năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại dính vào tính thủ cựu không làm sao sửa được. Bất cần biết lý do trên có tính thực chứng hay không, cho đến nay vẫn chỉ có hai hình thức vận động "đảng cử dân bầu" là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng người dân Việt Nam lại biết quá rõ trong quá khứ các kỳ vận động bầu cử, đã chỉ có một số ít ỏi ứng viên độc lập dùng tới “lực lượng vật chất” và “lực lượng truyền thông” để tự ứng cử.

Những người này lại thuộc về thành phần doanh nghiệp chứ không phải là các trí thức túng thiếu tiền bạc nhưng luôn thừa thãi lòng tự trọng.

Phần đa còn lại là các ứng viên được “cơ cấu” theo cách không thể nào trượt. Đó là những quan chức mặt trận và chính quyền theo ba cấp phường xã, quận huyện và tỉnh thành. Chính những ứng viên này mới được trang bị đầy đủ bởi ngân sách nhà nước cùng đội hậu bị hùng hậu của báo chí quốc doanh.
Xét theo phương châm bất di bất dịch đó, quan chức nhà nước được coi là “ăn đủ”, còn những người có gan tự ra ứng cử trong quá khứ như các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân… đều rớt sạch. Không những rớt, các ông này sau đó còn đi thẳng vào nhà tù !

Tuy vậy, đó là dĩ vãng. Còn hiện thời, những thông tin sôi trào từ dư luận người dân cho thấy nếu một cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên tự do và trên hết là người có tinh thần yêu nước sẽ chiến thắng.

Có lẽ quá lo ngại tinh thần yêu nước và “chủ nghĩa tự do vô chính phủ” như thế nên Quốc hội Việt Nam và những người “cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp” vẫn âm thầm làm mọi cách để không cho phép bất kỳ nhân vật nào của Xã hội dân sự bén mảng vào chốn nghị trường.

Vì thế, tôi cho là tính thủ cựu và lợi ích nhóm chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chưa thể chuyển ngay, mà phải kéo dài một thời gian nữa.

RFI : Người dân phản ứng thế nào về tính thủ cựu và lợi ích nhóm như thế?

Nhiều dư luận trong nhân dân Việt Nam đang cho rằng Quốc hội không còn là một cơ quan “của dân, do dân và vì dân” nữa. Nói khác đi, Quốc hội đang là tổ chức của những nhóm lợi ích về kinh tế và nhóm thân hữu về chính sách. Bản Hiến pháp 2013 đầy bất công về “sở hữu đất đai toàn dân” được thông qua với tỉ lệ cực kỳ áp đảo đã cho thấy các nhóm lợi ích và bảo thủ trong Quốc hội ghê gớm như thế nào.

Với các nhóm lợi ích kinh tế, họ chiếm một phần trong Quốc hội với tư cách kiêm nhiệm, còn các nhóm thân hữu chính sách cũng thế. Cho dù đã nhiều đề nghị phải nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên 30% hoặc 50%, nhưng cho tới nay số kiêm nhiệm vẫn còn quá nhiều theo cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhưng nhiều người dân còn cho rằng không chỉ có thế, các nhóm lợi ích đang hành xử theo lối “vừa ăn cướp vừa la làng” ngay trong nghị trường, xóa lấp những tổn hại và di hại mà họ gây ra đối với dân chúng. Ví dụ điển hình nhất chính là dự án sân bay Long Thành mà các nhóm tài phiệt và chính sách “vẽ” đến hàng chục tỉ USD, chủ yếu vay mượn từ nguồn ODA, bất kể tương lai đổ nợ lên đầu con cháu như thế nào.

Đã đến lúc người dân nhận ra là Quốc hội của họ đã “gật” quá nhiều và quá dễ dãi đối với các nhóm lợi ích, khiến cho đất nước rơi vào cảnh tàn mạt về kinh tế và đạo đức xã hội như ngày hôm nay.

Ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu phản ứng với não trạng và cung cách làm việc của bộ phận đầu não trong Quốc hội.

Quốc hội không thể đi ngược với xu thế chung. Quốc hội và Bộ Chính trị đảng không thể lũng đoạn mãi quyền tự ứng cử của công dân. Chắc chắn trong vài năm tới họ sẽ phải tự thay đổi, sẽ phải để cho người dân tự ứng cử, để nhân dân tự cứu mình và cứu vãn đất nước mà không thể trông chờ vào một chế độ điều hành quá yếu kém và đầy rẫy tham nhũng. Nếu không tự thay đổi, Quốc hội sẽ trở thành con số 0 trong mắt cử tri và trước sau cũng bị giải tán theo quá nhiều kinh nghiệm lịch sử ở các nước trên thế giới.

Ít ra, họ phải còn một chút liêm sỉ tối thiểu!

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét