Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

QUÊ MÌNH HÀ NỘI

Văn ngắn Nguyễn Nguyên Bảy

Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò, căn nhà ngói nhỏ dốc Thọ Lão, vượt lên chừng hai mươi thước dốc là phố Lò Đúc thuộc bàng Cò, ngược lên là chợ Hôm, phố Huế, Vân Hồ…xuôi xuống là cửa ô Đông Mác, làng Thanh Nhàn, trường Lương Yên, xa nữa là Lò Lợn, là đê, là sông Cái…Tôi đã sống và lớn lên quanh quẩn vùng đất với những tên ký ức vừa nhắc thức, tính đến ngày rời Hà Nội, 1976, là gần ba mươi lăm năm. Cuộc ly hương trên chính quê hương mình nào ngờ dài quá, lâu quá, sau 30 năm, nửa đời người, tôi mới trở lại thăm quê lần nhất. Loạt bài viết dưới đây, chép lại cảm nhận tôi sau những lần trở về quê, như một chuộc lỗi vội vã, khi thấy tuổi tác đã đến hối thúc chân chậm chạp bước về nguồn cội đời người. Loạt bài này đã đăng từ 2010, năm nay, 2013, lại về quê ăn Tết, đăng lại thay lời chào quê, chào thân yêu ruột thịt, chào anh em bầu bạn. Mời đọc để cùng nhau yêu quê mình, Hà Nội.

2. Thời Cổ Tích

Cầu cho mọi người ly hương ai cũng được như tôi, khi chân mang hồn bước về quê mình là cổ tích ào ào thức dậy. Nào có khác múi giờ, nào có khác chi mưa ngày gió đêm, nào có hao gầy chi sông đầy, trăng cạn, vậy mà, tôi như kẻ mộng du, đêm ngày trắng toát, không thể ngủ, không thể tĩnh, mà thức cồn cào, mà động nôn nao, mà thăng hoa hưng phấn toàn những cổ tích là cổ tích, xanh xanh đỏ đỏ muôn sắc ngàn mầu. Vợ cấu vào da thịt hỏi: “Anh vẫn là anh đấy chứ? Về lại là mình đi anh, quê mình đây mà, Hà Nội”.
Tôi bắt xe ôm, bao nguyên ba ngày kể cả ăn uống, hình bóng cùng tôi, chở hồn tôi đi tung tăng Kinh Thành Cổ Tích. Chữ Kinh Thành Cổ Tích này tôi đã đăng ký tập thơ dự thi Hội Văn Nghệ Hà Nội từ năm 1971, thời ấy người nhận tác phẩm dự thi là anh trai Trần Quốc Hải (đang nổi tiếng) và anh trai Hoài Anh (vừa về mây trắng làm thơ), dài suốt mấy chục năm không thấy ai tranh cãi bản quyền, năm rồi 2010, Kinh Thành Cổ Tích đã in thành sách, thế là cái tên yêu ấy đã in dấu ấn riêng tôi, như bông hoa nhỏ dâng tặng quê mình Hà Nội.

“Dốc Thọ Lão”. Tôi nói với bác tài ôm. Rồi vui chuyện. Đấy là con dốc tôi đã sinh ra và lớn lên ở đấy suốt 30 năm. Nhà tôi số 16. Ba gian nhà ngói nhỏ xinh. Cha tôi trồng trước nhà hai cây dừa Sấu Giá quả sai mọng ngực. Tam đại đồng đường chúng tôi đã ở đấy, nhưng giờ tứ tán cả rồi. Chỉ còn những người bạn thuở ấy. Cái thuở chiều chiều quần cụt, ngực trần nan quạt, rủ nhau chạy ào sang nhà 18, nơi người ta đun sắt gang phế thải, tìm bới trong bụi mù than xỉ những giọt chì nóng chảy, vừa khô xoắn, đem bán cho bà đồng nát kiếm vài xu hay hào gì đó, đổi lấy vài ba cái kẹo bột kẹo vừng ăn sướng tuổi thơ. Bây giờ bạt ngàn thứ loại kẹo, nhưng chẳng có thứ kẹo nào ngon bằng bột vừng thuở ấy, ngon tê đầu lưỡi đến tận lúc này, hỏi vì sao ngon thế? Đáp, đó là những viên kẹo cổ tích thời tôi.
“Ra đê”. Bác tài thoáng thở dài: “Muốn thấy sông thì phải xuống bãi, bây giờ nhà hai bên đê đã thành phố thị”. Tôi hỏi: “Đứng trên đê có nhìn thấy sông?”. “Thấy, nhưng xa lắm, sông giờ không như hồi trước, hình như mỗi năm mỗi gầy”. Tôi đứng thững trên đê, tuổi thơ của tôi là mặt đê này, nước sông ngay dưới chân thoai thoai gần lắm, gần như thể mở tay ra là nắm được tay sông, vớt những cây cành củi rều bám đầy bọt đỏ, xếp thành từng bó nhỏ trên mặt đê, rồi lõng thõng đùa vui cùng nhau cõng củi về nhà, phơi khô đôi ba nắng, rồi đun khói cho cơm gạo hẩm thêm mùi rều thơm, canh rau bờ rào thêm hương cá sông thỏ núi.
“Chờ nhé”. Tôi nói với bác tài rồi một mình đi ào xuống bãi, ra sông. Bảo rằng, mỗi tuổi thơ đểu có hình bóng một dòng sông, tuổi thơ tôi có bóng hình sông Cái, dòng sông Mẹ, lớn đẹp nhất nước Nam. Chưa dám bảo là chân đã dẫm lên nhiều bờ bãi những dòng sông trên quả cam trái đất, nhưng kể cũng đã là nhiều, nhiều chục dòng sông chân đã men theo bờ nước mà lan man. Đã đứng trước nhiều dòng sông hùng vĩ, quả là có thấy sóng trào lên mà thành dương một vệt liền không đứt và sóng đổ xuống gãy từng đoạn đứt khúc thành âm. Đã đứng trước những dòng sông êm mềm như lưng cô gái, mà lòng chỉ muốn vuốt ve trong lặng ngắm thanh bình. Nhưng chưa một dòng sông nào chỉ cần nhắc đến tên, chỉ cần nhìn ngắm thấy, và nếu được vục tay ôm nước, tức thì ùa dậy khắp xác hồn tôi những thanh âm sắc mầu của xứ xở thần tiên tuổi thơ tôi như lúc này đây tay tôi đang vục nước sông Hồng phủ lên chan hòa mặt trong rét đầu xuân. Mút mắt dọc bờ sông san sát từng đàn cỏ mật. Mỗi lá cỏ mật ấy là một con thuyền, nhiều lắm lắm. Và trên mỗi lá thuyền đều có bóng một người đàn ông đang đứng dựng mái chèo. Và tôi lại gặp cha tôi. Âm dương gần nhau gang tấc mà xa ngàn trùng. Hai thế giới hai ngôn ngữ khác nhau. Cha tôi chừng như đang vội lắm, thuyền của người đã chất nặng phù sa và đang cùng đoàn thuyền cỏ tách bến. Tôi thấy thế vì trước khi rời dương gian cha tôi bảo thế: “Hồn cha nhập vào dòng sông Cái, sẽ hiện hình trong phiến thuyền cỏ mật để sống muôn đời với bến sông quê”. Lúc ấy tôi đã ngây thơ kinh cầu cho cha được về Tây Phương Cực Lạc. Cha nhím cười và nói với tôi lời mà tôi ngẫm mãi suốt đời cho đến tận bây giờ mới hiểu. “ Cha không về Tây Phương Cực Lạc, dù miền đó có Phật, bởi, Phật dạy người phàm chúng ta thường hay chấp là chúng ta có gia đình, nhà cửa, con cái, tài sản v v.... nhưng nếu chúng ta tự quán xét kỹ mình là ai? thì sẽ thấy không có cái gì là ngã (bản ngã) cả - và nếu không kiếm được cái gì là mình - thì ai là người có cái tài sản, vợ con, gia đình, và ngay có tài sản gia đình con cái, cuộc sống cũng vẫn vô thường, một lúc nào đó ngay thân mạng cũng mất, tất cả thứ khác cũng mất đi. Nếu ai tuyên bố là tôi có gia đình, có con cái, có kẻ thù v v...thì người đó sẽ không bao giờ được an lạc trong luân hồi. Nếu như mình cứ giử mãi thù hận trong lòng , cứ thù dai thì tâm mình sẽ sân hận và mình sẽ không an lạc được. Còn nếu tâm mình xả bỏ nhẹ nhàng không sân hận, không giữ ở trong lòng, thì ai là kẻ thù của mình - như vậy tâm chúng ta sẽ an lạc(*). Cha không ham muốn miền Tây Phương Cực Lạc ấy, cha chỉ thèm được sống mãi trong cõi cực lạc làm người, với cha, không cực lạc nào cực lạc hơn miền cực lạc làm người, con cháu của cha, hãy ghi nhớ điều đó mà yêu quí từng phút giây cuộc sống hôm nay”. Tôi nhìn tiễn theo đoàn thuyền cỏ mật của cha, thuyền trôi từ từ qua cầu Gió, qua sân Mây, qua hoa Nắng về bể Trời…
“Lên Nùng”. Bác tài nổ máy, không nói một lời, vì hình như gương mặt tôi đang nhễ mưa phùn. Tôi tự thấy mình không nên như thế. Tôi mở vòng tay ôm lưng bác tài, nói giọng cố vui. “Tôi vừa gặp lại cha tôi. Cha tôi đang theo đoàn thuyền xuôi về biển”. “Thật sao?”. Tôi không đáp mà vẫn lan man theo suy tưởng của mình. “Bác có biết vì sao nước sông ngọt, nước biển mặn? Cha mẹ chúng ta để lại tất cả những gì ngọt ngào cuộc sống cho chúng ta uống hưởng, còn tất cả những gì cay đắng mặn chát thì trôi vào biển, biển đón nhận tất cả mặn chát rác rến, rồi lắng đục trong, rồi bay về trời rồi thành mưa ngọt, để lại tuần hoàn nhuần tưới đời ta”. Tôi đột ngột khựng lại mơ mộng, ôm cứng bác tài ôm và hỏi: “Bác chạy xe thế này đủ sống”. ”Dạ, nhờ trời cũng nuôi được vợ con, thực lòng, còn tươm hơn khối người bác ạ”.
Tôi tản bộ lên núi Nùng. Cũng chẳng biết vì sao thấp tè hơn đồi mà Nùng từ nhiều đời nay vẫn được gọi là núi. Tôi ngả mình nằm trên cỏ, trăng xanh trong veo, tôi nhắm nghiền mắt, cố thức hết trí tưởng dịch biến trăng xanh thành mây trắng, nắng vàng để tìm hình bóng mẹ tôi hôm nay có bán hoa chợ trời phiên vãn. Bỗng tâm tưởng nghe một tiếng thầm thì. “Hôm nay mẹ không ra chợ, có lẽ gió đông về mẹ lạnh nghỉ một phiên”. Thầm Thì nằm xuống bên tôi, mỏng dài một lát trăng. Tôi bật dậy, nhìn Thầm Thì từ gót son lên tóc. “Em!”. Tôi mím chặt môi không để tim bật tiếng. Năm ấy, tôi mới 15 tuổi, chạng vạng một chiều thu, tôi ra đê sông Hồng xem nước lên. Nước năm ấy to quá, ngập mép mặt đê, đưa tay là đùa được nước. Tôi đang đùa với nước, bỗng như thấy từ dưới sông, rẽ nước đi lên một làn sóng trắng. Đang bàng hoàng, đã thấy đứng bên một cô gái tuổi trăng non. “ Nước to thế này mà anh không lo sao? Em thì lo lắm”. Đáp: “ Lo cũng chẳng ích gì, Thủy Tinh chẳng bao giờ thắng được Sơn Tinh”. “ Em biết, nhưng trước thắng có thua thì sao? Khúc thua đó rơi vào phận số mình thì cũng kể như mình thua”. “ Nhưng kết cục vẫn là chiến thắng”. “Ôi, chàng trai trinh trắng của em. Nào đi cùng em, non Tản xa, núi Nùng gần, ta lên đó nhé”. “Để làm gì?”. “Để yêu nhau, bởi ngộ nhỡ đêm nay đê vỡ, đôi ta sẽ uổng phí một đời”. “ Em nói vậy là sao, là sao?”. Chưa hết âm vang hai tiếng là sao, chúng tôi đã bay lên sườn cỏ núi Nùng. Em nằm xuống bên tôi, trắng suốt mầu trăng, còn tôi cứng lạnh như đá núi. “ Nghe đây chàng trai, nếu đêm nay đê vỡ, cả hai chúng ta cùng chết, chết trinh tội lắm sẽ không thể luân hồi thành người, yêu em đi, cả hai chúng ta phải quấn thơm mùi tình ái, chết mới tìm được hương đường mà hoài thai”. Tôi vẫn cứng đơ xác, dù hồn đã ngập tràn run rẩy trong chỉ một tiếng không ẩn tàng sợ hãi. “Ôi tội nghiệp tình yêu đôi ta”. Thầm thì như rót giận dỗi vào tâm khảm tôi, tôi nghe thoang một cái hôn đậu xuống môi, vâng, chỉ một cái hôn thoang, gấp vội, hai mắt tôi nhắm chặt đón hưởng trong ngây ngất, cho đến khi bật thức, đã không thấy Thầm Thì, bốn bề trời đất chỉ còn bát ngát trăng xanh, ran ran tan tan chuỗi cười. Sau cuộc kỳ ngộ lạ lùng ấy, chiều nào, lúc choạng vạng tối, tôi cũng ra đê sông Cái xem nước lên, cố ý tìm gặp Thầm Thì. Nhưng nước lên rồi rút, năm sau nước lại lên, rồi lại rút, năm sau nữa nước cũng lên rồi rút…cố tìm của tôi cũng rút chìm vào vô vọng. Tôi chỉ còn biết an ủi mình, Thầm Thì là con vua Thủy tề, em đã trở lại với vương quốc nước của em, không thèm dù chỉ một lần nhắc nhớ đến kẻ bạc tình tôi. Vậy mà, giờ đây, lúc này, sau hơn năm chục năm, em lại hiện về nằm sóng sánh bên tôi.
“Khuya rôi bác tài ơi, về đi, tôi muốn ngồi một mình dưới gốc liễu này. Sớm mai, đến Hỏe Nhai đưa tôi về sấu Giá”. Khi chỉ còn một mình, trên đầu là trăng, trước mặt là hồ Tây mênh mông trong đêm không nhìn thấy bờ, cây liễu năm xưa xõa hết tóc như ngàn muôn tay ôm quấn lấy tôi. Đại hợp xướng vũ trụ u âm vang lên câu chuyện cổ tích tôi viết cách nay đã ngoài bốn chục năm:
Em đứng bên hồ
Phong phanh liễu
Mưa phùn chuốt liễu mưa xanh
Từng nhành tóc xõa
Mẹ giắt em đi chôn cha
Liễu bồng em đi chôn mẹ
Bơ vơ em muốn quên mình
Liễu gọi tên em
Tóc quấn tay em
Tây Hồ nhiều gió thế
Tây Hồ nhiếu sóng thế
Mảnh mai ôm tình liễu khóc
Buông khóc liễu dục chân em
Nhanh nhanh về sống làm người
Buồn thương không là cớ chết
Khổ đau không là cớ chết
Biết chăng
Xưa liễu là người
Giận tình trẫm mình thành liễu
Mưa phùn gió bấc căm căm
Kiếp nao được lại thành người
Em cúi đầu tạ liễu
Thân côi hồi sinh làm Tấm
Phúc đời gặp vận thăng hoa
Thăng hoa Tấm kề vai liễu
Hài Bụt hẹn hò tình
Đẹp buồn riêng liễu
Tây Hồ trăng nghiêng 


Tôi về tới Hòe Nhai, nhà người em gái, hình như đã khuya lắm. Vợ tôi vẫn thức đợi với câu hỏi thấu lòng “ Anh vừa gặp Liễu?”. Tôi gật cười. Vợ choàng tay ôm chồng, chặt hơn môi Thầm Thì và còn chặt hơn cả ngàn tay Liễu mộng. Em là người con gái tôi đã bế từ gốc liễu đầu đường Cổ Ngư về nhà và sống đời chồng vợ tính đến nay con trai lớn đã ngoài bốn chục và cháu đích tôn cũng sắp mười lăm. Sống ngoài bốn chục năm vợ chồng, thời tôi, kể cũng là một cổ tích gia đình.
Tôi ngồi trong tối, ban công Hòe Nhai, tung tăng hồn vườn hoa Hàng Đậu, trò truyện với anh bạn Tượng, một tay cầm súng trường, một tay trái lựu đạn mở kíp, dáng tạc thân lao về phía quân thù. “ Chào anh Vệ Quốc Đoàn”. “ Chào cụ”. “Đã bảo đừng xưng hô với tôi như thế. Anh là đồng chí của cha tôi”. “ Tôi là bạn của cha cụ, nhưng tôi đã sang thế giới khác lúc đôi mươi, và sẽ mãi mãi hai mươi, cụ đã từng là con cháu tôi, rồi là đồng chí của tôi, rồi là anh tôi, rồi là cha tôi và bây giờ cụ đã là ông tôi. Theo lẽ luân hồi, xưng hô vậy không phạm vào giới luật”. “ Nhưng các anh là những người bất tử”. “ Không, chúng tôi đã chết và chúng tôi hằng mong được luân hồi trở lại làm người, chúng tôi không muốn bất tử, bất tử tức là chết mãi mãi”. “ Nhưng chúng tôi muốn tôn vinh, muốn tri ân”. “Đó là việc của người sống, người chết rồi đâu biết gì là vinh, đâu biết gì là ân, người chết chỉ khao khát được sống lại làm người, và dù chưa được luân hồi thành người, người chết cũng chỉ cầu mong những luận hồi con cháu không phải cầm súng, không phải ôm bom lao vào bất tử mà không được làm người”. Giọng Anh Vệ Quốc Đoàn bỗng nhiên gay gắt, nóng giận vốn xưa nay chưa thế. Tôi hiểu là mình chẳng nên tranh cãi gì thêm. Anh Vệ Quốc Đoàn hơi nguôi mắt lửa nhìn tôi đượm cảm tình, nhưng miệng anh vẫn ào ra lời thơ tôi viết như một nhắc nhở, một trách hờn:
Xin người sống nhớ cho
Chết là điều duy nhất tiếc
Đừng để chúng tôi tiếc mình chết phí
Máu nhuộm cờ phải mãi thiêng liêng
Tôi ngồi thừ lúc lâu trên ban công. Vào phòng. Muốn đánh thức vợ dậy. Hình như đã xuất hiện bất đồng quan điểm gì đó giữa người sống và người chết. Và tôi muốn trao đổi những bất đồng ấy với vợ. Nhưng nhìn vợ ngủ ngon quá, đẹp quá, đành thôi. Tôi lén nhẹ nằm xuống, choàng mềm bàn tay lên vai vợ và cố ru vỗ giấc ngủ mình, nhưng không thể, trong tâm tưởng tôi vẫn tròn vành rõ chữ tiếng đọc thơ của đồng chí Tượng uyềnh oàng dưới vườn đêm:
… Em bước ra từ tranh tố nữ Làng Hồ
Tôi hân hoan đón kỳ ngộ bây giờ
Nhật Nguyệt yêu mưa phùn gió bấc
Áo tình một chiếc phong phanh
Trao nhau tấm chân thành
Nụ hôn người Hà Nội
Nụ hôn tự biết thăng hoa…
Nắng mới lên non mỏng như thế chỉ cần đụng tay vào là tan ra ánh sáng, ông bạn xe ôm đã gọi chờ. Chúng tôi phi thằng về Sấu Giá. Chính xác là làng Sấu Giá, trước thuộc tỉnh Hà Đông, bây giờ đã thuộc về Hà Nội. Đấy là quê mẹ tôi, cũng là nơi tôi sinh ra và khôn lớn tuổi thơ. Làng quê tôi là làng nghề nuôi tằm dệt cửi. Khắp làng rộn ràng một thanh âm cung bực đều đều của nhịp dệt, thoi đưa trong êm ả thanh bình như câu lục buông nâng câu bát chuốt của thi ca quê mùa. Trong không gian yên lành ấy, cổ tích nở như tằm ăn dâu các mẹ các chị kể cho nhau nghe ngày nối qua đêm cổ tích vẫn đầy như giếng nước, ao làng. Nhưng tiếc thay, gió chiến tranh đã thổi qua làng tôi và cuốn đi tất cả. Sấu Giá đã thành làng kháng chiến, trai làng ra trận, làng bỏ trồng dâu nuôi tằm, khung cửi gác lên nóc bếp, ông già, bà cả, gái xuân đổ cả ra đồng trồng lúa trồng ngô, trước là ăn buộc bụng, sau là chi viện lương thực cho chiến trường. Rồi chiến thắng. Rồi hòa bình. Rồi sống. Chỉ vài chục năm chiến tranh mà người Sấu Giá đã như quên hẳn nghề trồng dâu nuôi tằm canh cửi. Tơ lụa của Sấu Giá quê tôi lặng lẽ bước vào cổ tích…
Tôi đi ngẩn ngơ theo những nhánh đường làng đã bê tông hóa, nhá bát úp đôi bên đường, không thấy mái gianh chỉ toàn mầu ngói đỏ, tường vôi vàng thổ mầu quê. Rừng dừa Sấu Giá gần như đã chặt hết để san sát thêm nhà, để nhô cao vài đôi ba nhà tầng cửa son ô kính. Tôi đã không tìm thấy gì của Sấu Giá thời tôi. Sấu Giá bây giờ đã là một Sấu Giá khác, của thời khác. Lòng tôi lóe lên ngọn lửa tiếc, nhưng bị thổi tắt ngay, bởi những câu chào ríu rít của đám trẻ lên ba, lên năm, như tuổi tôi thời ấy, Chúng cháu chào ông, chào ông, chào ông…Tôi bồng tuổi thơ tôi lên tay và theo đoàn cháu con rồng rắn vào nhà Bà ngoại, bây giờ đã thành nhà thờ tổ của họ tộc tôi.
Thực lòng trong lúc tâm trạng ngổn ngang âm dương hư không thế này, tôi chỉ muốn thắp nén nhang trên bàn thờ như một phép tắc lễ nghi, chứ thực không dám mời gia tiên từ cõi Phúc hiện về. Nhưng ba nén nhang tôi cắm xuống, vừa nhòa khói, đã thấy hiện lên những bóng hình ruột thịt tôi, hầu như không gương mặt nào hiện rõ, chỉ ảo mờ mỏng mảnh như khói thơm. Tôi cố tìm hình bóng Bà tôi, chỉ thấy Bà bỏm bẻm nhai trầu cười, nhưng gương cười ấy cũng mơ hồ lắm, tôi tìm hình bóng Mẹ, không thấy, lại hiện ra hình bóng Dì tôi, rõ hơn Bà tôi, đôi môi mấp máy, định nói gì đó nhưng không bật được ra thanh, thế rồi Dì òa khóc, tôi lặng người muốn được khóc với Dì, nhưng cố cắn môi nuốt khóc. Chợt tôi thấy làn khói Âm nhân rẽ mở một con đường, và Mẹ tôi chầm chậm bước vào trên vai nặng một gánh hoa. Mẹ đặt gánh hoa trước bàn thờ Tổ, Mẹ cẩn thận lấy từ rổ hoa một chục Huệ Âm cắm vào chiếc lọ sành trên bàn thờ, Mẹ cúi đầu chắp tay ba lạy. Rồi Mẹ ngẩng đầu, chỉ thoáng nhìn tôi, tôi đang chờ nghe lời Mẹ nói, nhưng Mẹ chẳng nói gi, Mẹ xốc gánh hoa lên vai và bước đi rất nhanh. Tôi quýnh quáng thả hồn đuổi theo thất thanh gọi Mẹ. Mẹ vẫn đi nhanh, không ngoái lại, tôi chỉ nghe trong gió thoang thoang tiếng Mẹ, câu được câu mất. “ Thời của Mẹ xong rồi, con còn nghĩ nhớ về Mẹ như thế là đủ. Thời của con cũng sắp xong rồi. Còn việc gì chưa làm xong thì cố mà làm cho xong. Đừng bỏ dở, sau này hối hận chẳng ích gì. Thời của các con con cũng đã nửa đời người. Chúng phải tự cố lên thôi. Thời của các cháu con cũng đã bắt đầu rồi đấy. Mẹ không thể làm thay thời con. Con cũng không thể làm thay thời con cháu con. Thời nào có cổ tích của thời ấy. Thôi, đừng đi theo Mẹ nữa. Công việc bán hoa trên trời của mẹ không dễ dàng, sung sướng gì đâu, nhưng đó là hạnh phúc của Mẹ, Mẹ không muốn lụy tình riêng mà bỏ buổi chợ sáng nay…” Mẹ tôi đã thăng rất nhanh, hồn tôi cố đuổi theo cũng chỉ thấy bóng Mẹ đã hòa vào mây trắng, nơi Mẹ bảo là chợ, mẹ nhận lãnh công việc bán hoa nắng, hoa mưa.
Tôi bừng tỉnh, và tỉnh hẳn, khi ôm trong lòng một đứa cháu gái luôn xoắn xuýt gọi ông, mà tôi chưa kịp biết là con của người cháu họ nào của tôi. Tôi bồng cháu lên tay, ngồi giữa con cháu chặt một nhà, tôi cười ướt mắt khi nghe cháu lên ba kể cổ tích cháu lên ba cháu đi mẫu giáo/ cô thương cháu vì cháu không khóc nhè, rồi cổ tích thả diều của đứa cháu lên tám, rồi cổ tích của người cháu đang là thầy giáo làng, đến cổ tích của cô cháu gái sắp lấy chồng, hầu như không có cổ tích nào giống cổ tích thời tôi…Cảm ơn Mẹ, dù đã về trời, Mẹ vẫn hiện linh về dậy con thấu hiểu ba chữ Thời Cổ Tích, con xin vâng theo và chép lại lời Mẹ dậy để con cháu của con suy ngẫm lời Bà. Tôi trôi bồng bềnh với những suy tưởng ấy cùng anh bạn xe ôm xuôi vào Kinh Thành Cổ Tích.

(Còn tiếp)


Nguồn Blog Nhà văn Lê Xuân Quang
 http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://lexuanquang.org/index.php

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét