Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam


Sau nhiều tháng trì hoãn, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua đề cử ông Ted Osius làm tân đại sứ của nước này ở Việt Nam.

Ông Ted Osius là nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp

Ông Osius vừa được thông qua cùng ba vị tân đại sứ khác sau một phiên bỏ phiếu bằng miệng vào tối thứ Hai 17/11 giờ địa phương.

Ông đã được Tổng thống Barack Obama đề cử từ hồi tháng Năm, nhưng mãi cho tới nay mới được Quốc hội phê chuẩn.

Điều này có nghĩa ông có thể bắt đầu chuẩn bị đi nhận nhiệm kỳ mới ở Hà Nội, thay cho ông David Shear, người đã rời vị trí từ mùa hè.

Ted Osius là một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm từng làm việc ở Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Gần đây nhất, ông giảng dạy tại Học viện Quân sự Quốc gia (National War College).

Trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tháng Sáu, ông trình bày quan điểm của mình rằng về nhân quyền, những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay vẫn còn ‘khiêm tốn’.

Nhưng ông cũng nói rằng ‘bây giờ là lúc’ Washington gây sức ép để Việt Nam tiếp tục cải thiện hơn nữa về nhân quyền và quản trị quốc gia bởi vì Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vì ‘tình hình chiến lược’ mà nước này đang đối diện với Trung Cộng.

“Thật sự không có lúc nào tốt hơn lúc này do Việt Nam rất muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với Mỹ.”

Ông Ted Osius trước đó cũng kêu gọi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Kinh nghiệm Á châu

Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với 25 năm hoạt động ở Á châu, ông cũng có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam.

Năm 1996 ông Osius có mặt trong đoàn quan chức Hoa Kỳ đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi quan hệ song phương được bình thường hóa và ông đã có một năm ở Hà Nội để chuẩn bị cho sự có mặt của đại sứ Mỹ đầu tiên kể từ sau năm 1975.

Năm 1997, ông trở thành Tùy viên Chính trị đầu tiên tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố HCM từ sau năm 1975 và làm việc ở đây trong một năm.

Từ năm 1998, ông Osius có ba năm cố vấn cho Phó Tổng thống Al Gore về châu Á tới năm 2001, ba năm phụ trách khoa học công nghệ môi trường tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Thái Lan tới năm 2004, hai năm phục vụ tại Vụ Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với chức Vụ phó.

Trong thời gian 2006-2009 ông làm Tham tán Công sứ phụ trách chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi, Ấn Độ.

Từ giữa năm 2009 tới năm 2012 ông Osius giữ chức Phó đại sứ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Jakarta, Indonesia.

Ông là người đồng tính, có chồng và một con !!!

Ngoài ông Ted Osius và ba vị khác vừa được phê chuẩn, được biết còn tới 60 nhân viên ngoại giao Mỹ đang chờ được chuẩn thuận để đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài.

Lời bình: Người gửi cho tô tin này có lời bình rawbf: Mỹ hết trò chơi. Theo tôi nếu quả thật ông Siius như lời bình luận của ban tôi thì tôi cho là đối với Vn cũng rất thích hợp vì VN ta cũng là đồng tính mà. Cộng sản chả ra cộng sản , tư sản chả tư sản

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

QUÊ MÌNH HÀ NỘI

Văn ngắn Nguyễn Nguyên Bảy

Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò, căn nhà ngói nhỏ dốc Thọ Lão, vượt lên chừng hai mươi thước dốc là phố Lò Đúc thuộc bàng Cò, ngược lên là chợ Hôm, phố Huế, Vân Hồ…xuôi xuống là cửa ô Đông Mác, làng Thanh Nhàn, trường Lương Yên, xa nữa là Lò Lợn, là đê, là sông Cái…Tôi đã sống và lớn lên quanh quẩn vùng đất với những tên ký ức vừa nhắc thức, tính đến ngày rời Hà Nội, 1976, là gần ba mươi lăm năm. Cuộc ly hương trên chính quê hương mình nào ngờ dài quá, lâu quá, sau 30 năm, nửa đời người, tôi mới trở lại thăm quê lần nhất. Loạt bài viết dưới đây, chép lại cảm nhận tôi sau những lần trở về quê, như một chuộc lỗi vội vã, khi thấy tuổi tác đã đến hối thúc chân chậm chạp bước về nguồn cội đời người. Loạt bài này đã đăng từ 2010, năm nay, 2013, lại về quê ăn Tết, đăng lại thay lời chào quê, chào thân yêu ruột thịt, chào anh em bầu bạn. Mời đọc để cùng nhau yêu quê mình, Hà Nội.

2. Thời Cổ Tích

Cầu cho mọi người ly hương ai cũng được như tôi, khi chân mang hồn bước về quê mình là cổ tích ào ào thức dậy. Nào có khác múi giờ, nào có khác chi mưa ngày gió đêm, nào có hao gầy chi sông đầy, trăng cạn, vậy mà, tôi như kẻ mộng du, đêm ngày trắng toát, không thể ngủ, không thể tĩnh, mà thức cồn cào, mà động nôn nao, mà thăng hoa hưng phấn toàn những cổ tích là cổ tích, xanh xanh đỏ đỏ muôn sắc ngàn mầu. Vợ cấu vào da thịt hỏi: “Anh vẫn là anh đấy chứ? Về lại là mình đi anh, quê mình đây mà, Hà Nội”.
Tôi bắt xe ôm, bao nguyên ba ngày kể cả ăn uống, hình bóng cùng tôi, chở hồn tôi đi tung tăng Kinh Thành Cổ Tích. Chữ Kinh Thành Cổ Tích này tôi đã đăng ký tập thơ dự thi Hội Văn Nghệ Hà Nội từ năm 1971, thời ấy người nhận tác phẩm dự thi là anh trai Trần Quốc Hải (đang nổi tiếng) và anh trai Hoài Anh (vừa về mây trắng làm thơ), dài suốt mấy chục năm không thấy ai tranh cãi bản quyền, năm rồi 2010, Kinh Thành Cổ Tích đã in thành sách, thế là cái tên yêu ấy đã in dấu ấn riêng tôi, như bông hoa nhỏ dâng tặng quê mình Hà Nội.

“Dốc Thọ Lão”. Tôi nói với bác tài ôm. Rồi vui chuyện. Đấy là con dốc tôi đã sinh ra và lớn lên ở đấy suốt 30 năm. Nhà tôi số 16. Ba gian nhà ngói nhỏ xinh. Cha tôi trồng trước nhà hai cây dừa Sấu Giá quả sai mọng ngực. Tam đại đồng đường chúng tôi đã ở đấy, nhưng giờ tứ tán cả rồi. Chỉ còn những người bạn thuở ấy. Cái thuở chiều chiều quần cụt, ngực trần nan quạt, rủ nhau chạy ào sang nhà 18, nơi người ta đun sắt gang phế thải, tìm bới trong bụi mù than xỉ những giọt chì nóng chảy, vừa khô xoắn, đem bán cho bà đồng nát kiếm vài xu hay hào gì đó, đổi lấy vài ba cái kẹo bột kẹo vừng ăn sướng tuổi thơ. Bây giờ bạt ngàn thứ loại kẹo, nhưng chẳng có thứ kẹo nào ngon bằng bột vừng thuở ấy, ngon tê đầu lưỡi đến tận lúc này, hỏi vì sao ngon thế? Đáp, đó là những viên kẹo cổ tích thời tôi.
“Ra đê”. Bác tài thoáng thở dài: “Muốn thấy sông thì phải xuống bãi, bây giờ nhà hai bên đê đã thành phố thị”. Tôi hỏi: “Đứng trên đê có nhìn thấy sông?”. “Thấy, nhưng xa lắm, sông giờ không như hồi trước, hình như mỗi năm mỗi gầy”. Tôi đứng thững trên đê, tuổi thơ của tôi là mặt đê này, nước sông ngay dưới chân thoai thoai gần lắm, gần như thể mở tay ra là nắm được tay sông, vớt những cây cành củi rều bám đầy bọt đỏ, xếp thành từng bó nhỏ trên mặt đê, rồi lõng thõng đùa vui cùng nhau cõng củi về nhà, phơi khô đôi ba nắng, rồi đun khói cho cơm gạo hẩm thêm mùi rều thơm, canh rau bờ rào thêm hương cá sông thỏ núi.
“Chờ nhé”. Tôi nói với bác tài rồi một mình đi ào xuống bãi, ra sông. Bảo rằng, mỗi tuổi thơ đểu có hình bóng một dòng sông, tuổi thơ tôi có bóng hình sông Cái, dòng sông Mẹ, lớn đẹp nhất nước Nam. Chưa dám bảo là chân đã dẫm lên nhiều bờ bãi những dòng sông trên quả cam trái đất, nhưng kể cũng đã là nhiều, nhiều chục dòng sông chân đã men theo bờ nước mà lan man. Đã đứng trước nhiều dòng sông hùng vĩ, quả là có thấy sóng trào lên mà thành dương một vệt liền không đứt và sóng đổ xuống gãy từng đoạn đứt khúc thành âm. Đã đứng trước những dòng sông êm mềm như lưng cô gái, mà lòng chỉ muốn vuốt ve trong lặng ngắm thanh bình. Nhưng chưa một dòng sông nào chỉ cần nhắc đến tên, chỉ cần nhìn ngắm thấy, và nếu được vục tay ôm nước, tức thì ùa dậy khắp xác hồn tôi những thanh âm sắc mầu của xứ xở thần tiên tuổi thơ tôi như lúc này đây tay tôi đang vục nước sông Hồng phủ lên chan hòa mặt trong rét đầu xuân. Mút mắt dọc bờ sông san sát từng đàn cỏ mật. Mỗi lá cỏ mật ấy là một con thuyền, nhiều lắm lắm. Và trên mỗi lá thuyền đều có bóng một người đàn ông đang đứng dựng mái chèo. Và tôi lại gặp cha tôi. Âm dương gần nhau gang tấc mà xa ngàn trùng. Hai thế giới hai ngôn ngữ khác nhau. Cha tôi chừng như đang vội lắm, thuyền của người đã chất nặng phù sa và đang cùng đoàn thuyền cỏ tách bến. Tôi thấy thế vì trước khi rời dương gian cha tôi bảo thế: “Hồn cha nhập vào dòng sông Cái, sẽ hiện hình trong phiến thuyền cỏ mật để sống muôn đời với bến sông quê”. Lúc ấy tôi đã ngây thơ kinh cầu cho cha được về Tây Phương Cực Lạc. Cha nhím cười và nói với tôi lời mà tôi ngẫm mãi suốt đời cho đến tận bây giờ mới hiểu. “ Cha không về Tây Phương Cực Lạc, dù miền đó có Phật, bởi, Phật dạy người phàm chúng ta thường hay chấp là chúng ta có gia đình, nhà cửa, con cái, tài sản v v.... nhưng nếu chúng ta tự quán xét kỹ mình là ai? thì sẽ thấy không có cái gì là ngã (bản ngã) cả - và nếu không kiếm được cái gì là mình - thì ai là người có cái tài sản, vợ con, gia đình, và ngay có tài sản gia đình con cái, cuộc sống cũng vẫn vô thường, một lúc nào đó ngay thân mạng cũng mất, tất cả thứ khác cũng mất đi. Nếu ai tuyên bố là tôi có gia đình, có con cái, có kẻ thù v v...thì người đó sẽ không bao giờ được an lạc trong luân hồi. Nếu như mình cứ giử mãi thù hận trong lòng , cứ thù dai thì tâm mình sẽ sân hận và mình sẽ không an lạc được. Còn nếu tâm mình xả bỏ nhẹ nhàng không sân hận, không giữ ở trong lòng, thì ai là kẻ thù của mình - như vậy tâm chúng ta sẽ an lạc(*). Cha không ham muốn miền Tây Phương Cực Lạc ấy, cha chỉ thèm được sống mãi trong cõi cực lạc làm người, với cha, không cực lạc nào cực lạc hơn miền cực lạc làm người, con cháu của cha, hãy ghi nhớ điều đó mà yêu quí từng phút giây cuộc sống hôm nay”. Tôi nhìn tiễn theo đoàn thuyền cỏ mật của cha, thuyền trôi từ từ qua cầu Gió, qua sân Mây, qua hoa Nắng về bể Trời…
“Lên Nùng”. Bác tài nổ máy, không nói một lời, vì hình như gương mặt tôi đang nhễ mưa phùn. Tôi tự thấy mình không nên như thế. Tôi mở vòng tay ôm lưng bác tài, nói giọng cố vui. “Tôi vừa gặp lại cha tôi. Cha tôi đang theo đoàn thuyền xuôi về biển”. “Thật sao?”. Tôi không đáp mà vẫn lan man theo suy tưởng của mình. “Bác có biết vì sao nước sông ngọt, nước biển mặn? Cha mẹ chúng ta để lại tất cả những gì ngọt ngào cuộc sống cho chúng ta uống hưởng, còn tất cả những gì cay đắng mặn chát thì trôi vào biển, biển đón nhận tất cả mặn chát rác rến, rồi lắng đục trong, rồi bay về trời rồi thành mưa ngọt, để lại tuần hoàn nhuần tưới đời ta”. Tôi đột ngột khựng lại mơ mộng, ôm cứng bác tài ôm và hỏi: “Bác chạy xe thế này đủ sống”. ”Dạ, nhờ trời cũng nuôi được vợ con, thực lòng, còn tươm hơn khối người bác ạ”.
Tôi tản bộ lên núi Nùng. Cũng chẳng biết vì sao thấp tè hơn đồi mà Nùng từ nhiều đời nay vẫn được gọi là núi. Tôi ngả mình nằm trên cỏ, trăng xanh trong veo, tôi nhắm nghiền mắt, cố thức hết trí tưởng dịch biến trăng xanh thành mây trắng, nắng vàng để tìm hình bóng mẹ tôi hôm nay có bán hoa chợ trời phiên vãn. Bỗng tâm tưởng nghe một tiếng thầm thì. “Hôm nay mẹ không ra chợ, có lẽ gió đông về mẹ lạnh nghỉ một phiên”. Thầm Thì nằm xuống bên tôi, mỏng dài một lát trăng. Tôi bật dậy, nhìn Thầm Thì từ gót son lên tóc. “Em!”. Tôi mím chặt môi không để tim bật tiếng. Năm ấy, tôi mới 15 tuổi, chạng vạng một chiều thu, tôi ra đê sông Hồng xem nước lên. Nước năm ấy to quá, ngập mép mặt đê, đưa tay là đùa được nước. Tôi đang đùa với nước, bỗng như thấy từ dưới sông, rẽ nước đi lên một làn sóng trắng. Đang bàng hoàng, đã thấy đứng bên một cô gái tuổi trăng non. “ Nước to thế này mà anh không lo sao? Em thì lo lắm”. Đáp: “ Lo cũng chẳng ích gì, Thủy Tinh chẳng bao giờ thắng được Sơn Tinh”. “ Em biết, nhưng trước thắng có thua thì sao? Khúc thua đó rơi vào phận số mình thì cũng kể như mình thua”. “ Nhưng kết cục vẫn là chiến thắng”. “Ôi, chàng trai trinh trắng của em. Nào đi cùng em, non Tản xa, núi Nùng gần, ta lên đó nhé”. “Để làm gì?”. “Để yêu nhau, bởi ngộ nhỡ đêm nay đê vỡ, đôi ta sẽ uổng phí một đời”. “ Em nói vậy là sao, là sao?”. Chưa hết âm vang hai tiếng là sao, chúng tôi đã bay lên sườn cỏ núi Nùng. Em nằm xuống bên tôi, trắng suốt mầu trăng, còn tôi cứng lạnh như đá núi. “ Nghe đây chàng trai, nếu đêm nay đê vỡ, cả hai chúng ta cùng chết, chết trinh tội lắm sẽ không thể luân hồi thành người, yêu em đi, cả hai chúng ta phải quấn thơm mùi tình ái, chết mới tìm được hương đường mà hoài thai”. Tôi vẫn cứng đơ xác, dù hồn đã ngập tràn run rẩy trong chỉ một tiếng không ẩn tàng sợ hãi. “Ôi tội nghiệp tình yêu đôi ta”. Thầm thì như rót giận dỗi vào tâm khảm tôi, tôi nghe thoang một cái hôn đậu xuống môi, vâng, chỉ một cái hôn thoang, gấp vội, hai mắt tôi nhắm chặt đón hưởng trong ngây ngất, cho đến khi bật thức, đã không thấy Thầm Thì, bốn bề trời đất chỉ còn bát ngát trăng xanh, ran ran tan tan chuỗi cười. Sau cuộc kỳ ngộ lạ lùng ấy, chiều nào, lúc choạng vạng tối, tôi cũng ra đê sông Cái xem nước lên, cố ý tìm gặp Thầm Thì. Nhưng nước lên rồi rút, năm sau nước lại lên, rồi lại rút, năm sau nữa nước cũng lên rồi rút…cố tìm của tôi cũng rút chìm vào vô vọng. Tôi chỉ còn biết an ủi mình, Thầm Thì là con vua Thủy tề, em đã trở lại với vương quốc nước của em, không thèm dù chỉ một lần nhắc nhớ đến kẻ bạc tình tôi. Vậy mà, giờ đây, lúc này, sau hơn năm chục năm, em lại hiện về nằm sóng sánh bên tôi.
“Khuya rôi bác tài ơi, về đi, tôi muốn ngồi một mình dưới gốc liễu này. Sớm mai, đến Hỏe Nhai đưa tôi về sấu Giá”. Khi chỉ còn một mình, trên đầu là trăng, trước mặt là hồ Tây mênh mông trong đêm không nhìn thấy bờ, cây liễu năm xưa xõa hết tóc như ngàn muôn tay ôm quấn lấy tôi. Đại hợp xướng vũ trụ u âm vang lên câu chuyện cổ tích tôi viết cách nay đã ngoài bốn chục năm:
Em đứng bên hồ
Phong phanh liễu
Mưa phùn chuốt liễu mưa xanh
Từng nhành tóc xõa
Mẹ giắt em đi chôn cha
Liễu bồng em đi chôn mẹ
Bơ vơ em muốn quên mình
Liễu gọi tên em
Tóc quấn tay em
Tây Hồ nhiều gió thế
Tây Hồ nhiếu sóng thế
Mảnh mai ôm tình liễu khóc
Buông khóc liễu dục chân em
Nhanh nhanh về sống làm người
Buồn thương không là cớ chết
Khổ đau không là cớ chết
Biết chăng
Xưa liễu là người
Giận tình trẫm mình thành liễu
Mưa phùn gió bấc căm căm
Kiếp nao được lại thành người
Em cúi đầu tạ liễu
Thân côi hồi sinh làm Tấm
Phúc đời gặp vận thăng hoa
Thăng hoa Tấm kề vai liễu
Hài Bụt hẹn hò tình
Đẹp buồn riêng liễu
Tây Hồ trăng nghiêng 


Tôi về tới Hòe Nhai, nhà người em gái, hình như đã khuya lắm. Vợ tôi vẫn thức đợi với câu hỏi thấu lòng “ Anh vừa gặp Liễu?”. Tôi gật cười. Vợ choàng tay ôm chồng, chặt hơn môi Thầm Thì và còn chặt hơn cả ngàn tay Liễu mộng. Em là người con gái tôi đã bế từ gốc liễu đầu đường Cổ Ngư về nhà và sống đời chồng vợ tính đến nay con trai lớn đã ngoài bốn chục và cháu đích tôn cũng sắp mười lăm. Sống ngoài bốn chục năm vợ chồng, thời tôi, kể cũng là một cổ tích gia đình.
Tôi ngồi trong tối, ban công Hòe Nhai, tung tăng hồn vườn hoa Hàng Đậu, trò truyện với anh bạn Tượng, một tay cầm súng trường, một tay trái lựu đạn mở kíp, dáng tạc thân lao về phía quân thù. “ Chào anh Vệ Quốc Đoàn”. “ Chào cụ”. “Đã bảo đừng xưng hô với tôi như thế. Anh là đồng chí của cha tôi”. “ Tôi là bạn của cha cụ, nhưng tôi đã sang thế giới khác lúc đôi mươi, và sẽ mãi mãi hai mươi, cụ đã từng là con cháu tôi, rồi là đồng chí của tôi, rồi là anh tôi, rồi là cha tôi và bây giờ cụ đã là ông tôi. Theo lẽ luân hồi, xưng hô vậy không phạm vào giới luật”. “ Nhưng các anh là những người bất tử”. “ Không, chúng tôi đã chết và chúng tôi hằng mong được luân hồi trở lại làm người, chúng tôi không muốn bất tử, bất tử tức là chết mãi mãi”. “ Nhưng chúng tôi muốn tôn vinh, muốn tri ân”. “Đó là việc của người sống, người chết rồi đâu biết gì là vinh, đâu biết gì là ân, người chết chỉ khao khát được sống lại làm người, và dù chưa được luân hồi thành người, người chết cũng chỉ cầu mong những luận hồi con cháu không phải cầm súng, không phải ôm bom lao vào bất tử mà không được làm người”. Giọng Anh Vệ Quốc Đoàn bỗng nhiên gay gắt, nóng giận vốn xưa nay chưa thế. Tôi hiểu là mình chẳng nên tranh cãi gì thêm. Anh Vệ Quốc Đoàn hơi nguôi mắt lửa nhìn tôi đượm cảm tình, nhưng miệng anh vẫn ào ra lời thơ tôi viết như một nhắc nhở, một trách hờn:
Xin người sống nhớ cho
Chết là điều duy nhất tiếc
Đừng để chúng tôi tiếc mình chết phí
Máu nhuộm cờ phải mãi thiêng liêng
Tôi ngồi thừ lúc lâu trên ban công. Vào phòng. Muốn đánh thức vợ dậy. Hình như đã xuất hiện bất đồng quan điểm gì đó giữa người sống và người chết. Và tôi muốn trao đổi những bất đồng ấy với vợ. Nhưng nhìn vợ ngủ ngon quá, đẹp quá, đành thôi. Tôi lén nhẹ nằm xuống, choàng mềm bàn tay lên vai vợ và cố ru vỗ giấc ngủ mình, nhưng không thể, trong tâm tưởng tôi vẫn tròn vành rõ chữ tiếng đọc thơ của đồng chí Tượng uyềnh oàng dưới vườn đêm:
… Em bước ra từ tranh tố nữ Làng Hồ
Tôi hân hoan đón kỳ ngộ bây giờ
Nhật Nguyệt yêu mưa phùn gió bấc
Áo tình một chiếc phong phanh
Trao nhau tấm chân thành
Nụ hôn người Hà Nội
Nụ hôn tự biết thăng hoa…
Nắng mới lên non mỏng như thế chỉ cần đụng tay vào là tan ra ánh sáng, ông bạn xe ôm đã gọi chờ. Chúng tôi phi thằng về Sấu Giá. Chính xác là làng Sấu Giá, trước thuộc tỉnh Hà Đông, bây giờ đã thuộc về Hà Nội. Đấy là quê mẹ tôi, cũng là nơi tôi sinh ra và khôn lớn tuổi thơ. Làng quê tôi là làng nghề nuôi tằm dệt cửi. Khắp làng rộn ràng một thanh âm cung bực đều đều của nhịp dệt, thoi đưa trong êm ả thanh bình như câu lục buông nâng câu bát chuốt của thi ca quê mùa. Trong không gian yên lành ấy, cổ tích nở như tằm ăn dâu các mẹ các chị kể cho nhau nghe ngày nối qua đêm cổ tích vẫn đầy như giếng nước, ao làng. Nhưng tiếc thay, gió chiến tranh đã thổi qua làng tôi và cuốn đi tất cả. Sấu Giá đã thành làng kháng chiến, trai làng ra trận, làng bỏ trồng dâu nuôi tằm, khung cửi gác lên nóc bếp, ông già, bà cả, gái xuân đổ cả ra đồng trồng lúa trồng ngô, trước là ăn buộc bụng, sau là chi viện lương thực cho chiến trường. Rồi chiến thắng. Rồi hòa bình. Rồi sống. Chỉ vài chục năm chiến tranh mà người Sấu Giá đã như quên hẳn nghề trồng dâu nuôi tằm canh cửi. Tơ lụa của Sấu Giá quê tôi lặng lẽ bước vào cổ tích…
Tôi đi ngẩn ngơ theo những nhánh đường làng đã bê tông hóa, nhá bát úp đôi bên đường, không thấy mái gianh chỉ toàn mầu ngói đỏ, tường vôi vàng thổ mầu quê. Rừng dừa Sấu Giá gần như đã chặt hết để san sát thêm nhà, để nhô cao vài đôi ba nhà tầng cửa son ô kính. Tôi đã không tìm thấy gì của Sấu Giá thời tôi. Sấu Giá bây giờ đã là một Sấu Giá khác, của thời khác. Lòng tôi lóe lên ngọn lửa tiếc, nhưng bị thổi tắt ngay, bởi những câu chào ríu rít của đám trẻ lên ba, lên năm, như tuổi tôi thời ấy, Chúng cháu chào ông, chào ông, chào ông…Tôi bồng tuổi thơ tôi lên tay và theo đoàn cháu con rồng rắn vào nhà Bà ngoại, bây giờ đã thành nhà thờ tổ của họ tộc tôi.
Thực lòng trong lúc tâm trạng ngổn ngang âm dương hư không thế này, tôi chỉ muốn thắp nén nhang trên bàn thờ như một phép tắc lễ nghi, chứ thực không dám mời gia tiên từ cõi Phúc hiện về. Nhưng ba nén nhang tôi cắm xuống, vừa nhòa khói, đã thấy hiện lên những bóng hình ruột thịt tôi, hầu như không gương mặt nào hiện rõ, chỉ ảo mờ mỏng mảnh như khói thơm. Tôi cố tìm hình bóng Bà tôi, chỉ thấy Bà bỏm bẻm nhai trầu cười, nhưng gương cười ấy cũng mơ hồ lắm, tôi tìm hình bóng Mẹ, không thấy, lại hiện ra hình bóng Dì tôi, rõ hơn Bà tôi, đôi môi mấp máy, định nói gì đó nhưng không bật được ra thanh, thế rồi Dì òa khóc, tôi lặng người muốn được khóc với Dì, nhưng cố cắn môi nuốt khóc. Chợt tôi thấy làn khói Âm nhân rẽ mở một con đường, và Mẹ tôi chầm chậm bước vào trên vai nặng một gánh hoa. Mẹ đặt gánh hoa trước bàn thờ Tổ, Mẹ cẩn thận lấy từ rổ hoa một chục Huệ Âm cắm vào chiếc lọ sành trên bàn thờ, Mẹ cúi đầu chắp tay ba lạy. Rồi Mẹ ngẩng đầu, chỉ thoáng nhìn tôi, tôi đang chờ nghe lời Mẹ nói, nhưng Mẹ chẳng nói gi, Mẹ xốc gánh hoa lên vai và bước đi rất nhanh. Tôi quýnh quáng thả hồn đuổi theo thất thanh gọi Mẹ. Mẹ vẫn đi nhanh, không ngoái lại, tôi chỉ nghe trong gió thoang thoang tiếng Mẹ, câu được câu mất. “ Thời của Mẹ xong rồi, con còn nghĩ nhớ về Mẹ như thế là đủ. Thời của con cũng sắp xong rồi. Còn việc gì chưa làm xong thì cố mà làm cho xong. Đừng bỏ dở, sau này hối hận chẳng ích gì. Thời của các con con cũng đã nửa đời người. Chúng phải tự cố lên thôi. Thời của các cháu con cũng đã bắt đầu rồi đấy. Mẹ không thể làm thay thời con. Con cũng không thể làm thay thời con cháu con. Thời nào có cổ tích của thời ấy. Thôi, đừng đi theo Mẹ nữa. Công việc bán hoa trên trời của mẹ không dễ dàng, sung sướng gì đâu, nhưng đó là hạnh phúc của Mẹ, Mẹ không muốn lụy tình riêng mà bỏ buổi chợ sáng nay…” Mẹ tôi đã thăng rất nhanh, hồn tôi cố đuổi theo cũng chỉ thấy bóng Mẹ đã hòa vào mây trắng, nơi Mẹ bảo là chợ, mẹ nhận lãnh công việc bán hoa nắng, hoa mưa.
Tôi bừng tỉnh, và tỉnh hẳn, khi ôm trong lòng một đứa cháu gái luôn xoắn xuýt gọi ông, mà tôi chưa kịp biết là con của người cháu họ nào của tôi. Tôi bồng cháu lên tay, ngồi giữa con cháu chặt một nhà, tôi cười ướt mắt khi nghe cháu lên ba kể cổ tích cháu lên ba cháu đi mẫu giáo/ cô thương cháu vì cháu không khóc nhè, rồi cổ tích thả diều của đứa cháu lên tám, rồi cổ tích của người cháu đang là thầy giáo làng, đến cổ tích của cô cháu gái sắp lấy chồng, hầu như không có cổ tích nào giống cổ tích thời tôi…Cảm ơn Mẹ, dù đã về trời, Mẹ vẫn hiện linh về dậy con thấu hiểu ba chữ Thời Cổ Tích, con xin vâng theo và chép lại lời Mẹ dậy để con cháu của con suy ngẫm lời Bà. Tôi trôi bồng bềnh với những suy tưởng ấy cùng anh bạn xe ôm xuôi vào Kinh Thành Cổ Tích.

(Còn tiếp)


Nguồn Blog Nhà văn Lê Xuân Quang
 http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://lexuanquang.org/index.php

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Mỹ: VN muốn được quyền lợi không đơn giản chỉ thả tù nhân lương tâm




Trà Mi phỏng vấn Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski.
Trà Mi-VOA

12.11.2014

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vừa hoàn tất chuyến công du Việt Nam tuyên bố Hà Nội không thể gặt hái các quyền lợi quan trọng từ mối quan hệ với Washington đơn giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm.

Chuyến thăm của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski vào hạ tuần tháng 10 diễn ra ngay sau khi Hà Nội trục xuất tù nhân bất đồng chính kiến Điếu Cày sang Mỹ giữa lúc Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam và đôi bên đang nỗ lực hoàn tất Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ khi về lại Hoa Kỳ, ông Malinowski khẳng định dù Hoa Kỳ sẽ tiếp tục yêu cầu Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm, nhưng kế sách của Hà Nội thả vài người đổi chác quyền lợi khi cần thiết rồi lại bắt thêm nhiều người khác sẽ không lấy điểm được với Washington cũng như không mang lại TPP cho Việt Nam. Ông Malinowski nhấn mạnh mức độ phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ hoàn toàn tùy thuộc vào tốc độ cải cách nhân quyền, cải tổ luật lệ của Việt Nam.

VOA: Xin ông vui lòng tóm tắt thành quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi ở Việt Nam trong 5 ngày, gặp gỡ nhiều quan chức trong Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Công an, các giới chức trong Đảng cộng sản, và đại diện các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động, và những tù nhân lương tâm vừa được phóng thích. Thành quả chính của chuyến đi là tôi đã chuyển tải tới nhà nước Việt Nam thông điệp rất rõ ràng của chính phủ Mỹ rằng chúng tôi muốn bang giao Việt-Mỹ tốt đẹp hơn, một mối quan hệ sâu rộng-vững chắc như những mối quan hệ mà Hoa Kỳ đang có với các nước bạn thân thiết nhất trên khắp thế giới. Tuy nhiên, để được như vậy, Việt Nam nhất thiết phải có tiến bộ về nhân quyền. Tôi đã có dịp trao đổi với quan chức Việt Nam về những điều chúng tôi mong nhìn thấy họ thực hiện trong thời gian sắp tới.

VOA: Phản hồi của phía Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi tốt đẹp. Phía Việt Nam cũng muốn biết quan điểm và trông đợi của phía Mỹ. Chính phủ Việt Nam hết sức mong muốn xây dựng một mối quan hệ an ninh-kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng mong như vậy, nhưng chúng tôi không muốn tiến tới quá nhanh để rồi bị ngã lui. Để có được mối quan hệ bền vững với thời gian, hơn là một mối quan hệ đổi chác, cần đảm bảo rằng đôi bên có một nền tảng những giá trị chung, cùng tin tưởng, hướng tới một điều chung chứ không phải là đối nghịch với nhau trong cùng một điều.

VOA: Còn những quan tâm cụ thể nào khác mà ông đã nêu ra với chính phủ Việt Nam và Hà Nội hồi đáp thế nào?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi đã nêu một số vấn đề cụ thể. Chúng tôi đề cập đến vấn đề tù nhân chính trị. Chúng tôi bày tỏ mong muốn được thấy Việt Nam trả tự do cho những người bị cầm tù vì thể hiện quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo một cách ôn hòa. Tuy nhiên, quan trọng hơn, tôi đã nhấn mạnh với Hà Nội rằng hành động phóng thích thôi là chưa đủ nếu như họ vẫn tiếp tục bắt giam công dân như vậy. Cho nên, điều quan trọng nhất mà Hoa Kỳ muốn nhìn thấy là tiến bộ trong việc cải cách luật lệ, đặc biệt là các điều luật về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự được Việt Nam dùng để sách nhiễu, bắt giam, và cầm tù công dân chỉ vì những hoạt động ôn hòa. Chính phủ Hà Nội nói họ thật sự muốn làm cho khung pháp lý của Việt Nam, kể cả Bộ luật Hình sự, phù hợp với chính bản Hiến pháp vừa thông qua năm 2013 và tương xứng với các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi đã thảo luận về việc này và đang chờ xem mọi chuyện sắp tới sẽ như thế nào.

VOA: Hà Nội có cho biết lịch trình cụ thể của kế hoạch đó như thế nào không, thưa ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ nói họ dự kiến các cải cách sửa đổi về Bộ luật Hình sự sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào đầu năm tới và rằng việc này không thể diễn ra nhanh chóng. Tôi nói với họ rằng dĩ nhiên phải đề ra đường hướng cho các cải cách này theo lịch trình và tiến độ, nhưng triển vọng thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ tùy thuộc vào thành công trong nỗ lực đó. Tốc độ cải cách của Việt Nam nhanh tới mức nào thì quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến nhanh tới mức đó.

VOA: Ông nói Mỹ không muốn một mối quan hệ đổi chác với Việt Nam. Theo ông, Hoa Kỳ cần phải làm gì để chấm dứt những gì không mong muốn, mở ra một mối quan hệ như mong muốn?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi đã làm một số bước. Chúng tôi đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam để cung cấp một số lượng giới hạn các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ duyên hải. Điều này chứng tỏ với nhà nước Việt Nam rằng Mỹ sẵn sàng thực hiện các bước tiến tới nghiêm túc, nhưng cùng lúc, chúng tôi tỏ rõ với họ rằng việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm này tùy thuộc vào các tiến bộ hơn nữa về nhân quyền của Việt Nam. Chúng tôi cũng thảo luận về khả năng Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP, vốn cũng là bước quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ chặt chẽ hơn, nhưng Hà Nội có vào được TPP hay không tùy thuộc mức độ họ gia tăng tôn trọng quyền của người lao động, cụ thể là cải cách để cho phép công nhân được quyền tự do lập hội, mở công đoàn độc lập. Tóm lại, có nhiều khả năng để hai nước Việt-Mỹ xích lại gần nhau hơn, nhưng cũng có nhiều trông đợi đối với những điều Việt Nam cần phải thực hiện để mở ra các cơ hội ấy.

VOA: Như ông nói, để Việt-Mỹ tiến xa hơn mối quan hệ đổi chác, Hà Nội phải thực hiện một số cải cách pháp lý. Có ý kiến cho rằng muốn điều đó xảy ra, Mỹ thay vì đòi hỏi Việt Nam phóng thích các trường hợp tù nhân lương tâm cụ thể, hãy yêu cầu Việt Nam cải cách luật lệ để được quyền lợi. Nếu không, dường như Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp tục chiến thuật ‘đổi tù nhân lương tâm lấy quyền lợi.’ Ý kiến của ông ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi sẽ không ngừng yêu cầu phóng thích những người bị bắt giam một cách bất công. Tôi vui mừng mỗi khi có một người được tự do vì đáng lý ra họ không phải bị tù tội. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như thế. Nhưng chúng tôi cũng chỉ rõ rằng việc này không tương đương với cải cách. Để hiện thực hóa quá trình cải cách ở Việt Nam, chúng tôi cần phải nhìn thấy những sửa đổi trong cấu trúc luật pháp. Và đó cũng là điều mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với chính nhân dân của họ. Cho nên, đây không phải là một yêu cầu của Mỹ, không phải một đòi hỏi đến từ bên ngoài mà là điều mà người dân Việt Nam cần chính phủ của họ thực hiện như đã hứa. Chúng tôi chỉ biết chờ xem và theo dõi quá trình đó. Nếu quá trình đó diễn ra, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội.

VOA: Phát biểu ở Hà Nội, ông nói nếu Việt Nam nghĩ rằng họ có thể dùng tù nhân chính trị như những con bài mặc cả với Mỹ thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy chiến thuật này có kết quả, nếu không, đã không có những cuộc phóng thích không bao lâu, trước hoặc sau khi, Việt Nam gia nhập WTO, TPP, hay được Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí. Ông có suy nghĩ thế nào?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Có thể họ cho rằng các cuộc phóng thích này mang lại những kết quả đó, nhưng xin nhớ là những gì Việt Nam chung cuộc muốn gặt hái trong mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không thể có được đơn giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm, nhất là trong khi họ vẫn tiếp tục bắt giữ những người khác. Đó là điểm chúng tôi nhấn mạnh. Chẳng hạn như, dĩ nhiên chúng tôi vui mừng khi thấy một blogger như Điếu Cày được thả, nhưng cùng lúc đó lại thấy xuất hiện các cáo buộc đối với blogger Anh Ba Sàm. Đây cũng là một trường hợp mà tôi đã nêu ra trong chuyến công du Việt Nam vừa rồi. Nếu việc này cứ tiếp diễn, Hà Nội cứ thả vài người rồi bắt thêm vài người khác, họ sẽ không lấy điểm được với Hoa Kỳ và việc này dĩ nhiên sẽ không mang lại cho họ TPP. TPP là các cuộc thương lượng mà qua đó Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi rất quan trọng nhưng cũng bắt buộc phải thực hiện những bước đáng kể như cải cách pháp lý về quyền tự do lập hội. Và Việt Nam hiểu rất rõ điều này.

VOA: Ngoài những lời tuyên bố của Hà Nội, có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ bỏ chính sách hình sự hóa các hoạt động ôn hòa của công dân trong tương lai gần hay chăng? Ông có nhìn thấy tiến bộ nào trong các nỗ lực tiến tới việc này không?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Cho tới nay chưa đủ tiến bộ. Chúng tôi nghe những cam kết từ chính phủ. Chúng tôi thấy trong năm nay số người bị bắt vì các điều luật về an ninh quốc gia có lẽ ít hơn, nhưng chưa xuống tới mức 0. Vẫn còn xảy ra các vụ sách nhiễu những người chỉ thực hành các quyền căn bản của công dân được quốc tế công nhận. Mọi việc còn chưa đủ, nhưng tôi nghĩ vẫn còn cơ hội. Tôi cảm nhận người dân Việt Nam và cả chính phủ đều muốn một tương lai khác hơn cũng như một mối quan hệ đối tác tốt hơn với Mỹ. Họ muốn hòa vào cộng đồng quốc tế và họ hiểu có một số việc họ phải làm để biến mong muốn đó thành hiện thực, bền vững.

VOA: Mỹ có kế hoạch cụ thể thế nào giúp chấm dứt chiến thuật gọi là “dùng tù nhân lương tâm đổi chác quyền lợi” hay không?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó không phải là điều chúng tôi đã, đang, và sẽ làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi phóng thích tù nhân lương tâm, nhưng các quyền lợi quan trọng mà Việt Nam muốn có được từ mối quan hệ với Hoa Kỳ đòi hỏi phía Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là thực hiện những cam kết chính họ đã đưa ra.
VOA: Có thể trông đợi điều gì sau chuyến công du của ông tới Việt Nam với trọng tâm về nhân quyền, nhất là sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Thông điệp chúng tôi đã gửi đi là chúng tôi sẵn lòng rằng có cơ hội cải thiện mối quan hệ an ninh song phương. Dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí cho Việt Nam là một hành động chân thành. Chúng tôi đáng ra đã dỡ bỏ hẳn toàn bộ lệnh cấm này nếu như không có quan ngại về nhân quyền Việt Nam. Và điều đó đã đánh đi một tín hiệu rất rõ ràng cho Việt Nam. Chúng ta cần phải đợi xem mọi việc như thế nào, tôi sẽ không đưa ra dự đoán về những gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ có thể nói rằng Mỹ muốn một quan hệ tốt hơn với Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước rất quan trọng vì lợi ích của cả đôi bên. Chúng tôi không yêu cầu cái gì bất khả dĩ với chính phủ Việt Nam cả, chỉ yêu cầu họ đi đúng con đường họ đã hứa sẽ thực hiện, con đường cải cách pháp lý, làm cho việc thực thi luật hàng ngày tại Việt Nam phù hợp với Hiến pháp.

VOA: Liệu sẽ có thêm những vụ phóng thích sau chuyến thăm của ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi hy vọng tiếp tục sẽ nhìn thấy có thêm người được phóng thích và không ai bị bắt nữa.

VOA: Qua chuyến đi, ông nhận thấy có tín hiệu tích cực hay tiêu cực về vấn đề nhân quyền Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi vừa mới về nên không dự kiến sẽ thấy bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào. Một điều chúng tôi trông đợi có thể sớm xảy ra là Quốc hội Việt Nam thông qua Công ước Liên hiệp quốc Chống tra tấn. Đây là một trong những quan ngại lâu nay của chúng tôi về nhân quyền Việt Nam. Tôi cảm nhận chính phủ Hà Nội khá nghiêm túc trong vấn đề này, họ hiểu rằng việc thông qua Công ước chỉ là bước đầu, và sau khi thông qua, Quốc hội Việt Nam cần phải làm nhiều thứ để đảm bảo các luật lệ quy định hành vi của công an được tuân thủ đầy đủ với Công ước mà Việt Nam vừa tham gia.
VOA: Thang điểm của ông về nhân quyền Việt Nam trong chuyến đi lần này so với chuyến đi lần trước lên hay xuống?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi sẽ không cho điểm. Tôi đặt mong mỏi và kỳ vọng rất cao. Tôi không đong đếm thành tích nhân quyền từng ngày hay từng tháng. Tôi tiếp tục nỗ lực cùng với các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Obama để đạt được tiến bộ theo từng năm.

VOA: Trong chuyến thăm Việt Nam, ông có được tiếp xúc với tất cả những người mà ông muốn gặp?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi có thể tiếp xúc hầu như mọi người mà chúng tôi muốn gặp. Có một số người muốn gặp chúng tôi bị công an sách nhiễu. Chúng tôi cũng liệu trước việc này vì đã từng xảy ra trong quá khứ. Đó là điều không thể chấp nhận và chúng tôi đã bày tỏ thất vọng với chính phủ Việt Nam về các hành động đó.

VOA: Ông được phép vào thăm một nhà tù tại Việt Nam nhưng không gặp tù nhân lương tâm nào. Phải chăng vì ông không yêu cầu cụ thể hay vì nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ bảo các tù nhân lương tâm chúng tôi muốn gặp ở một trại giam khác, nhưng làm sao biết được thực hư thế nào. Họ cho phép chúng tôi thăm nhà tù là điều tích cực. Trong các dịp khác, nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã vào thăm một số tù nhân lương tâm bị giam cầm. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu được tiếp cận như vậy. Chúng tôi cảm kích việc này vì nó giúp xây dựng lòng tin. Dĩ nhiên ở Mỹ thì bất kỳ ai cũng được vào thăm bất kỳ tù nhân nào, điều này chứng tỏ là quốc gia và chính phủ không có gì phải che dấu.

VOA: Ông ghi nhận gì từ các cuộc gặp với đại diện xã hội dân sự, giới bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động tại Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Thật thú vị. Tôi thấy nhiều người trong số họ chia sẻ cùng quan điểm với chúng tôi. Họ dĩ nhiên rất quan tâm về tình hình tại Việt Nam. Một số họ đã qua thời gian tù đày vì các hoạt động cổ xúy cải cách. Họ phản ánh với chúng tôi một bức tranh rõ ràng, chân thật, nhưng đầy khó khăn về thực trạng nhân quyền Việt Nam. Đa số họ cho rằng một mối quan hệ Việt-Mỹ xích lại gần hơn chính là cơ hội, nếu chúng ta tiếp tục vận dụng mối quan hệ đó để cổ võ cho nhân quyền được tôn trọng hơn. Nếu có một điều mà các thành viên trong chính phủ Việt Nam và các thành viên trong xã hội dân sự Việt Nam cùng tán đồng đó chính là tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

VOA: Họ cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Hoa Kỳ ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Dĩ nhiên, họ mong muốn Hoa Kỳ lên tiếng vận động chính phủ Việt Nam thực hiện những gì đã cam kết. Song song đó, họ cũng muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ về mặt kinh tế. Nhiều người cũng muốn Mỹ có quan hệ an ninh với Việt Nam trước những quan ngại về nước láng giềng phương Bắc. Tôi ghi nhận những thao thức rất mạnh mẽ muốn có sự hiện diện của Mỹ và mong Mỹ dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy chính phủ Việt Nam theo hướng như vậy.

VOA: Xin cho biết hồi đáp của chính phủ Mỹ trước những lời kêu gọi đó?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó chính là những gì mà chúng tôi cam kết thực hiện.

VOA: Ông có được báo cáo về xu hướng gia tăng bạo lực đối với các nhà hoạt động trong nước? Hoa Kỳ có kế hoạch nào thêm nữa giúp bảo vệ quyền tự do ngôn luận không bị đàn áp và sách nhiễu tại Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ có trình bày với chúng tôi là tình trạng sách nhiễu vẫn tiếp diễn, nhưng gia tăng hay giảm bớt thì tôi không rõ. Họ cho tôi biết đã xảy ra các trường hợp sách nhiễu trầm trọng và thường xuyên bởi công an, và tôi đã nêu vấn đề khi gặp giới chức chính phủ, kể cả trong cuộc họp 2 giờ đồng hồ với Thứ trưởng Bộ Công an ngay ngày đầu của chuyến thăm. Chúng tôi chưa đạt được những gì mong đợi trong vấn đề này trong lúc mở ra cơ hội tìm cách giải quyết.

VOA: Về trường hợp phóng thích mới đây đối với blogger Điếu Cày, Việt Nam viện dẫn lý do nhân đạo. Ông có bình luận ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi mừng thấy ông ấy ra khỏi tù. Tôi mừng khi thấy người ta được phóng thích vì bất cứ lý do gì. Dù vậy, suy cho cùng, việc phóng thích này không phản ánh tiến bộ đáng kể về nhân quyền trừ phi các nhà bất đồng chính kiến có thể tái lập cuộc sống ngay trên quê nhà với quyền tự do viết lách, tự do phát biểu ý kiến, và tự do lập hội.

VOA: Điếu Cày đi Mỹ là sự lựa chọn của cá nhân ông ấy hay là một thỏa thuận giữa hai nước Việt-Mỹ liên quan đến việc phóng thích?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó không phải là một thỏa thuận giữa Hà Nội và Washington. Có những trường hợp chính phủ Hà Nội nhất quyết rằng các nhà bất đồng chính kiến bị tù phải rời khỏi nước như là một điều kiện để được phóng thích. Có những trường hợp tù nhân lương tâm được trả tự do và được phép lưu lại đất nước. Chúng tôi rất mong là họ được phép tái lập cuộc sống tại Việt Nam sau khi được phóng thích, và chúng tôi đã nêu rõ điều này với chính phủ Việt Nam. Nếu những tù nhân lương tâm được chỉ thị phải ra đi mà họ đồng ý thì dĩ nhiên chúng tôi hoan nghênh họ tới Mỹ mặc dù rõ ràng đây không phải là thành quả khã dĩ tốt nhất.

VOA: Quay sang vấn đề thương thảo TPP, với thực trạng nhân quyền hiện nay của Việt Nam và với một Quốc hội mới trúng cử ở Hoa Kỳ, tính tới thời điểm này ông thấy cơ hội Việt Nam trở thành thành viên TPP ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội trở thành một thành viên của TPP nếu các cuộc thương lượng thành công và nếu như họ đáp ứng đề nghị mà đại diện đàm phán thương mại của chúng tôi đã đưa ra để nỗ lực nghiêm túc trong lĩnh vực quyền tự do lập hội. Nếu đạt được điều đó thì có cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận TPP. Tôi không nghĩ kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ tạo ra khác biệt về khả năng vào TPP của Việt Nam vì các thành viên trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Quốc hội Mỹ đều có chung các quan ngại về nhân quyền Việt Nam. Trong Quốc hội Hoa Kỳ có rất nhiều quan ngại về việc có nên để cho Việt Nam gia nhập TPP hay không mà lý do là vì thành tích nhân quyền của Hà Nội. Chúng tôi đang trông đợi các cuộc đàm phán TPP đưa ra được những dấu hiệu tích cực từ Hà Nội để chúng tôi có thể nói với bên lập pháp Hoa Kỳ rằng Việt Nam thật sự quyết tâm đạt tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền.

VOA: Những cải thiện cụ thể nào là điều kiện để Việt Nam gia nhập TPP?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Có những cải thiện rất cụ thể đang được thảo luận trong các cuộc thương thuyết TPP.

VOA: Ông có thể đơn cử vài điểm?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi không thể tiết lộ cụ thể vì còn phụ thuộc vào tiến trình thương lượng. Tôi chỉ có thể nói rằng vấn đề đang trên bàn thảo luận là quyền của người lao động, một phần của thỏa thuận TPP, nhất là quyền tự do lập hội.

VOA: Ông có thể chia sẻ đôi chút về cuộc đối thoại nhân quyền kế tiếp giữa hai nước Việt-Mỹ?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Bất kỳ cuộc gặp nào giữa đôi bên mà vấn đề nhân quyền được nêu ra đều là cuộc họp nhân quyền. Tôi dự trù là bất cứ khi nào Ngoại trưởng John Kerry, Tổng thống Barack Obama, hay Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman gặp gỡ các đối tác Việt Nam thì vấn đề nhân quyền cũng sẽ được nêu lên. Chúng tôi hy vọng sắp xếp cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam vào một thời điểm nào đó trong năm tới. Cuộc đối thoại nhân quyền năm nay ở Washington, tôi hy vọng cuộc đối thoại lần tới sẽ diễn ra tại Việt Nam.

VOA: Thời điểm cụ thể ra sao, thưa ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi chưa thống nhất ngày giờ cụ thể nhưng chắc chắn sẽ tổ chức sự kiện này.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này sau khi hoàn tất chuyến công du Việt Nam

T.M Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/my-vietnam-muon-duoc-quyen-loi-khong-don-gian-chi-tha

Từ "con tự do" cho tới "con ốc vít"...

Thu, 10/09/2014 - 22:28 — canhco

Người Cộng sản rất giỏi nói lời khuất tất. Họ giỏi vì lâu ngày không ai vạch ra điều mà họ cố tình giấu diếm một phần do hệ thống công an trị quá bạo liệt khiến ai có chút can đảm muốn phơi bày đều phải tự xét trước khi buông lời chỉ trích.

Đó là trước đây hơn hai mươi năm, khi những cơn gió từ thế giới hiu hiu thổi vào nền kinh tế bao cấp mang theo hơi hướm thông tin nhỏ giọt từ bên ngoài. Còn bây giờ, thông tin đã thành bão, giấc mơ bịt miệng nhân dân của lãnh đạo đã tan vỡ, những mảnh vỡ ấy đâm thấu tim gan xã hội và làm cho tiếng ta thán của cộng đồng ngày một lớn hơn.

Bất kể sự tràn ngập thông tin trong quần chúng. Bất kể sự thật là ngày nay mở miệng rất dễ mắc quai, các phát ngôn của lãnh đạo không hề sợ người dân phản ứng vì họ cùng mang chung một hội chứng rất khó trị: phơi nhiễm điếc.

Phơi nhiễm vì họ sinh hoạt chung với nhau trong một môi trường chỉ biết nói mà không cần nghe lâu ngày thành căn bệnh điếc khó phát hiện. Tác nhân gây điếc lại không có hình thù cụ thể nào và hơn nữa không ai buồn nghiên cứu nên sự lây lan âm thầm và rộng khắp. Tập thể điếc ấy tự sướng bằng các loại ngoa ngôn, cốt nói cho đã miệng.

Nói không cần ai nghe và do đó trách nhiệm của lời nói là một khái niệm hết sức cộng sản.

Trên thế giới không có một nước nào mà cán bộ các loại từ thấp đến cao lại vô tư phát ngôn những câu chữ không giống ai như nước Việt Nam, Việt Nam cộng sản. Từ một ông công an phường sáng tạo cụm từ rất ấn tượng: "con tự do" cho đến một ông bộ trưởng tuyên bố lẫy lừng về sự hình thành của một "con ốc vít". Hai "con" ấy nếu đặt dưới kính lúp để tìm hiểu không khéo lại cho thấy lắm điều hữu dụng.

Trước, "con tự do" nói lên điều gì?

Khi công an đàn áp người bất đồng chính kiến do bị hỏi: các ông có biết chúng tôi cũng có quyền tự do hội họp, tự do đi lại hay không? Một ông trưởng công an quay lại cho ra ngay một câu trả lời rất chợ búa: "tự do cái con ..c". Vậy là tự điển đương đại của Việt Nam có thêm từ mới.

"Con tự do" dù sao cũng chỉ là một tiếng chửi thề nhưng trong ngữ cảnh ấy nó nói lên được một sự thật: Cộng sản không chấp nhận hai tiếng tự do. Hai chữ tự do chỉ có giá trị tương đương với một bộ phận dùng để đi tiểu, chỉ đi tiểu thôi nhé, vì xét tới chức năng thứ hai nó có thể phản lại câu chửi thề hết sức thâm thúy này. Cái chức năng thứ hai ấy loài người đã biết rất lâu trước khi có khái niệm tự do.

"Con tự do" trở thành chiếc chìa khóa canh giữ ước vọng dân chủ của người dân vì khi nói tới dân chủ thì không thể nào thiếu vắng tự do. Khi tự do trở thành một "con" thì bản thân nó đã bị gô vào chiếc còng số 8.

Tính ưu việt của phát ngôn này nằm ở chỗ đó. Việc coi thường mọi giá trị nhân văn của người cộng sản đã để lại vết cháy xém trên cơ chế không thể nào tẩy rửa. Khi tự do đã thành "con" thì mọi ngoa ngôn sau này về hai chữ tự do sẽ là tấm gương soi cho hậu thế.

Và vì vậy, người ta vẫn kiên trì đòi tự do trở lại với khuôn mặt thật của nó bằng cách cố gắng giật phăng những phù điêu giả treo trước ngôi đền cách mạng.

Trong cái hội chứng điếc tập thể ấy người dân không hy vọng gì lãnh đạo của họ có cơ hội nói thật, nói vào đúng tâm điểm mà họ muốn biết, dù chỉ một lần.

Từ việc mất niềm tin của dân ấy lãnh đạo càng cao thì xem ra sự nói thật của họ trở thành mối nghi ngờ của người dân. Chẳng hạn ông Hà Nội vừa thành thật tự thú "nếu chim hòa bình không bay lên được vào ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô thì cũng mong đồng bào thông cảm".
Hiền lành và "ngốc" như ông vẫn không thuyết phục được người dân Trường An, chẳng qua tập thể điếc đã được người Hà Nội thừa nhận như một sự thật hiển nhiên.

Một người khác nữa đang cố gắng nói thật nhưng vừa nói ra sự thật ấy ông ta lại càng chứng tỏ rằng chưa bước ra khỏi phạm vi của tập thể điếc, tính phơi nhiễm vẫn còn rất cao và lại không thể chích ngừa.

Ông điếc vì chưa bao giờ chịu nghe sự thật của nền công nghiệp nước nhà. Ông điếc vì những hợp đồng dịch vụ béo bở ngày ngày xuất hiện khắp đất nước Việt Nam qua những điều mà báo chí cảnh báo gọi là làm thuê cho nước ngoài. Ông điếc vì không bao giờ nghe tiếng máy chạy xình xịch hàng ngày chỉ để sản xuất ra một loạt con người như ông, chuyên chăm chăm vào tài nguyên thô và mồ hôi của người lao động.

Do điếc lâu, điếc lâm sàng nên khi ông thành thật nói ra điều ông nghĩ là hay là đúng thì người ta lại vỗ tay...mời ông xuống!

Ông nói: Việt Nam đã sản xuất ra được con ốc vít cho Samsung.

Câu nói xuất hiện vào năm 2014, sau hơn ba phần tư thế kỷ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần 40 năm sau khi Sài gòn hoàn toàn giải phóng.

"Con ốc vít" ấy là một sự thật não nề xứng đáng đứng bên cạnh "con tự do" cũng ê chề không kém.

Cái mà cả hệ thống từng rêu rao là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nay đã trần truồng nằm phơi trên các trang báo đảng lẫn báo dân. "Con ốc vít" trở thành best seller trên một thị trường được xem là phát triển ngoạn mục nhất nhì Đông Nam á. "Con ốc vít" hiền lành, vô hại nay bỗng dưng bị lật lên lật xuống xem xét từng chi tiết. Mà lạ lắm, không thấy chi tiết nào đáng chú ý cả vì nó cũng như hàng tỷ con ốc trong guồng máy kinh tế này, nhưng khi một con trong cái đám hàng tỷ con ấy mang quốc tịch Việt Nam thì sự tự sướng lên tới mức ngất ngây như khuôn mặt ửng hồng của ông bộ trưởng.

Một con ốc vít không phải là tất cả nhưng cũng cho thấy cố gắng không ngừng của nhà nước, rất chú ý tới nền công nghiệp nước nhà.

Chỉ có điều, người dân lại tưởng ông Bộ trưởng đánh lừa họ vì không lẽ sau bao nhiêu năm mà chế độ chỉ làm được một con ốc vít?


Nguồn  http://lexuanquang.org/post/8102/#entrymore

Đại tướng quân hai lúa Việt được Campuchia cấp xe hơi, biệt thự hoành tráng





Đại tướng quân hai lúa Việt..
Thủ tướng Hun Sen trao tặng Huân chương Đại tướng quân cho ông Trần Quốc Hải. Không chỉ vậy, ông sẽ được sở hữu tất cả cộng với vườn xoài rộng 18ha nếu chấp nhận sang Campuchia làm khoa học
“Nước bạn kêu tôi sang làm khoa học. Họ cấp nhà đất, xe cộ bảo đảm kinh tế, mình chỉ cần chuyên tâm sáng tạo”-ông Trần Quốc Hải nói.

Chuyện làm tướng của ông hai lúa
Lúc được trao Huân chương Đại tướng quân, ông cũng không ngờ mình và gia đình được đối đãi tử tế như thế. Huân chương do Quốc vương Norodom Sihamoni ký lệnh và Thủ tướng Hun Sen trao tặng.
“Lúc nhận huân chương tôi cũng run lắm. Cả đời mình chưa bao giờ dự một nghi lễ long trọng như vậy”. Ông kể, buổi lễ có rất đông người, rất nhiều lãnh đạo cao cấp và tướng lĩnh. Sau này ông mới biết, đó là nghi thức cấp quốc gia.
Ông Hải thật thà cho biết, số tiền đi kèm huân chương chỉ có vài ngàn USD. Tuy nhiên, sau khi phong tướng, cả gia đình ông được biệt đãi rất trịnh trọng. Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình ông hưởng đúng tiêu chuẩn cấp tướng.
Gia đình ông được cấp một ngôi biệt thự ở ngay Phnom Penh, cách nơi ông làm việc 3km. Ông cho biết đó là một ngôi biệt thự rất rộng và bề thế.
Riêng ông Đại tướng quân hai lúa được cấp riêng một chiếc xe hơi 4 chỗ hiệu Hyunhdai Sonatta mới cứng để tùy nghi sử dụng.
“Mọi việc ăn uống, sinh hoạt của gia đình tôi đều có người phục vụ, đúng theo tiêu chuẩn cấp tướng”-ông Hải hồ hởi kể.
Ngoài ông và con trai, nước bạn còn mời vợ và con gái ông sang biệt thự ở chung một thời gian ngắn. Khi hoàn tất công việc, một quan chức dẫn gia đình ông thăm quan vườn xoài 18ha cùng với thông điệp: Gia đình ông sẽ sở hữu tất cả, biệt thự, xe hơi và vườn xoài nếu sang Campuchia định cư làm khoa học. Họ để dành sẵn chờ ông trả lời.
“Ở bên đó cấp tướng vinh dự lắm, được người ta nể trọng”-ông nói. Quan niệm của nước bạn, đại tướng là thần, chỉ xếp sau vua nên có nhiều đặc ân. Chính phủ bạn còn cho biết, Huân chương Đại tướng quân cho phép ông nhập quốc tịch Campuchia bất cứ lúc nào.




Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia trao Huân chương cho anh Trần Quốc Thanh (con trai ông Hải)
“Sướng nhất là làm khoa học”!


“Họ làm tất cả vì muốn gia đình tôi sang hẳn. Nhưng tôi chưa nghĩ đến việc sang đó. Nói thật tôi đi nhiều nước rồi. Mong muốn lớn nhất là phục vụ dân mình, nước mình”-ông Hải trải lòng.

Ông còn mẹ già ngoài 90 tuổi ở quê nhà Tây Ninh, còn nhiều công trình dang dở phải theo đuổi. Trở về sau chuyến đi Campuchia, ông Đại tướng lại cởi bỏ quân phục, làm anh nông dân chuyên sáng chế.
“Tiền bạc lời lãi mình không đặt nặng nhưng được tin tưởng, khuyến khích thì mình phấn khích lắm”- ông Hải phấn khởi nói.

Nhìn vẻ ngoài rất bình dị và khiêm tốn, ít ai ngờ ông là người quả quyết, dám nghĩ dám làm và thành công. Ông nói thật với chúng tôi, tiền bạc quyền lợi không quan trọng. Cái “sướng” nhất của người làm khoa học là được thỏa mãn đam mê.

“Không định cư nhưng tôi sẽ thường xuyên sang nước bạn. Ở đó làm khoa học sướng lắm”-ông Hải nói tiếp. Tất cả những sáng kiến của ông đưa ra đều được tiếp thu và ủng hộ tức thì. Kinh phí vừa yêu cầu xong, lập tức đến tay.

Mỗi chiếc xe bọc thép sửa chữa, ông được khoán trắng 25.000 USD cả phụ tùng lẫn công cán. Chế tạo xe bọc thép mới, ông được cấp ngay kinh phí trọn gói 200.000 USD/chiếc.

“Tiền bạc lời lãi mình không đặt nặng nhưng được tin tưởng, khuyến khích thì mình phấn khích lắm”-ông phân tích. Cộng với việc được phục vụ như một ông tướng, ông chuyên tâm làm, hào hứng làm và đã thành công.

Sắp tới, Đại tướng quân hai lúa Trần Quốc Hải sẽ tiếp tục sang Campuchia thực hiện các đề án khoa học. Tuy nhiên, ông lần nữa khẳng định với chúng tôi, ông vẫn chưa gật đầu với chiếc xe hơi, tòa biệt thự, 18 ha xoài và chế độ biệt đãi dành cho một vị tướng.


Hai cha con người Việt sửa xe bọc thép Campuchia nhận huân chương cấp Đại tướng
Hai cha con nông dân Việt Nam vinh dự được nhà nước Campuchia trao tặng huân chương Vương quốc Campuchia cấp Đại tướng quân. Ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay...


Đại tướng quân hai lúa Trần Quốc Hải kể chuyện chế tạo xe bọc thép
Ông Trần Quốc Hải, nông dân ở huyện Tân Châu, Tây Ninh vừa được Quốc vương Campuchia trao tặng Huân chương Đại tướng quân vì thành công trong việc chế tạo xe bọc thép tại nước bạn....


Ngắm xe bọc thép nông dân Việt chế tạo cho quân đội Campuchia
...


Đại tướng quân hai lúa sang Campuchia làm máy bay
Chế tạo thành công xe bọc thép ở Campuchia, cha con Đại tướng quân hai lúa Trần Quốc Hải được đối đãi như những người hùng. Ông phân tích, thành công của việc chế tạo xe bọc thép không chỉ là...


(Theo Một Thế Giới)

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Học giả TQ: Việt Nam, Phi, Mỹ, Nhật đều bị bất ngờ vụ đảo hóa Gạc Ma?!


Hồng Thủy 12/09/14 15:29
 
(GDVN) - Nói theo thuật ngữ cờ vây, với thủ đoạn biến đá thành đảo không chỉ giúp Trung Quốc chiếm được đất (biển - đảo) mà còn chiếm được thế.
Philippines truy quét nhập cư trái phép, một nửa bị bắt là người TQ Ngôn từ hiếu chiến, xấc xược, xuyên tạc trắng trợn của báo Trung Quốc Báo TQ: Gạc Ma sẽ thành "tàu sân bay không chìm Bắc Kinh" ở Biển Đông



Thạch Tề Bình, một trong những "hỏa lực mồm" của truyền thông Trung Quốc.


Đài Phượng Hoàng tại Hồng Kông ngày 12/9 dẫn lời Thạch Tề Bình, một nhà phân tích Trung Quốc bình luận, biến đá thành đảo  ở Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc tạo ra mối uy hiếp chiến lược về mặt quân sự đối với các nước ven Biển Đông. Nói theo thuật ngữ cờ vây, với thủ đoạn biến đá thành đảo không chỉ giúp Trung Quốc chiếm được đất (biển - đảo) mà còn chiếm được thế.

Lâm Vĩ Tiệp, một học giả Trung Quốc khác tham gia diễn đàn trực tuyến cùng Thạch Tề Bình cho biết, trong số gần 10 đảo, đá, rặng san hô mà Trung Quốc, Đài Loan chiếm đóng ở Đài Loan, Trung Quốc đã biến 6 bãi đá thành đảo nhân tạo chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây.

Thạch Tề Bình xác nhận, việc biến đá thành đảo ở Trường Sa đã được phía Trung Quốc hoàn thành trong tháng 7 vừa rồi. Ông Bình cho rằng đây là một nước cờ "quá đẹp" của Bắc Kinh, giúp Trung Quốc từ chỗ thế yếu trong cục diện bàn cờ Trường Sa thành thế thượng phong.

Cái gọi là "thế thượng phong" mà Thạch Tề Bình đề cập bao gồm 2 góc độ. Thứ nhất từ góc độ pháp lý hàng hải quốc tế, Trung Quốc mưu đồ đòi hỏi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế bằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Với tham vọng này, Thạch Tề Bình cho rằng Trung Quốc đã giành được thực lực rất lớn.

Thứ hai, Thạch Tề Bình cho rằng quần đảo Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, một khi xây được căn cứ quân sự  ở Gạc Ma, Chữ Thập và đưa radar ra khu vực này thì bán kính tác chiến của quân đội Trung Quốc ở khu vực Biển Đông chỉ khoảng 700, 800 km nên hình thành mối uy hiếp chiến lược về mặt quân sự đối với các nước xung quanh Biển Đông. Nói theo thuật ngữ cờ vây, Trung Quốc vừa chiếm được đất vừa chiếm được thế.

Xung quanh vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Thạch Tề Bình cho rằng thế kỷ trước Trung Quốc và Việt Nam đã từng giao chiến ở đây, ngày nay quần đảo này nằm trong phạm vi kiểm soát của Trung Quốc nên "đương nhiên có thể biến đá thành đảo, biến đảo nhỏ thành đỏa lớn và Trung Quốc đã làm như vậy với đảo Phú Lâm".

Thạch Tề Bình cho rằng, kể cả ở Hoàng Sa hay Trường Sa, thủ đoạn biến đá thành đảo của Trung Quốc chỉ 1 năm trước đây cả Việt Nam lẫn Philippines, thậm chí là Mỹ và Nhật Bản không ai lường trước được.

Ông Bình cho rằng chỉ Trung Quốc mới có đủ tiền và sức mạnh quân sự biến đá thành đảo ở Trường Sa, còn dù Việt Nam và Philippines hiện đang nắm giữ một phần các đảo, bãi đá và rặng san hô ở Trường Sa nhưng không đủ tiền để làm, không đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ. Còn Mỹ và Nhật Bản dù có rất muốn, nhưng 2 nước này không có "danh phận" để làm việc đó ở Biển Đông.

Về những gì Trung Quốc sẽ làm tiếp theo, Thạch Tề Bình cho rằng có 2 điều: Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây đảo nhân tạo ở bãi James mà họ gọi là "Tăng Mẫu" nằm ở cực Nam quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km.

Thứ hai, một khi Eo đất Kra nối bán đảo Malay với lục địa châu Á được đả thông, toàn bàn cờ (Biển Đông) sẽ nằm trong tay Trung Quốc. Thạch Tề Bình cho rằng, lúc đó Trung Quốc sẽ "toàn thắng". Đến lúc đó thì bản đồ khổ dọc Trung Quốc mới phát hành thay cho bản đồ khổ ngang, trong đó đưa trọn vẹn Biển Đông vào chủ quyền lãnh thổ mới thực sự "có ý nghĩa"!?

Ông Trần Quốc Hải: “Họ coi trọng mình thì mình đến phục vụ cho họ”


GS Nguyễn Văn Tuấn

11-11-2014

Đó là câu nói chí lí của ông Trần Quốc Hải, người mới được phong tướng quân bên Kampuchea. Đọc tin về hai cha con làm xe bọc thép cho Kampuchea (KPC) và được phong tướng quân (1), tôi nghĩ bất cứ ai cũng thấy ngậm ngùi cho thân phận của những người đam mê sáng chế ở VN. Họ trở thành những người “tị nạn”, vì ý tưởng và công trình của họ không được chào đón, thậm chí bị cấm, ngay trên quê hương, để rồi họ phải đi tìm đất khách để thực hiện ước nguyện của mình.

Hoá ra, hai cha con ông chính là người đã xây dựng chiếc trực thăng mà báo chí nhắc đến trước đây. Số phận chiếc trực thăng đó thoạt đầu không được may mắn vì bị quân đội “bắt giam”, nhưng cuối cùng thì cũng có cái may đến từ … Mĩ. Ông Trần Quốc Hải (người chế chiếc trực thăng) cho biết một viện bảo tàng bên New York mua chiếc trực thăng về Mĩ để triển lãm. Phóng viên RFA hỏi ông giá bao nhiêu, ông chỉ lịch sự nói là giá “ưu đãi” và ông “có một số vốn kha khá để tiếp tục công trỉnh của tôi”. Nhưng ông không chỉ chế trực thăng, vì sau đó, ông còn chế hàng loạt máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy rải phân, v.v. Ông thực sự là một inventor – nhà sáng chế đúng nghĩa, chứ không phải làng nhàng.

Nhưng công trình của ông không được chào đón ở VN. Ông nói với phóng viên đài BBC rằng ông gặp rắc rối với chính quyền địa phương và trung ương, vì chiếc trực thăng. Ông nói: “Khi làm trực thăng thì họ nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn tranh luận ra ngô ra khoai” (2). Ông cho biết thêm “Tôi nói ở châu Âu người ta làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là người Việt Nam chứ. Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn bản. Họ nói: “Anh chế rất là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”. Thế thì đã rõ: người ta không muốn ông sáng chế. Có lẽ VN là nước duy nhất trên hành tinh này khuyên công dân mình đừng sáng chế.

VN không chào đón và cấm ông sáng chế thì ông phải tìm đất lành. Và, cái đất lành đó hoá ra là nơi rất gần VN: Kampuchea. Theo như báo chí mô tả và chính ông thừa nhận thì KPC rất trọng vọng tài năng của ông, nhất là trong việc phục hồi mấy chiếc xe bọc thép do Nga chế tạo. Ông kể rằng thoạt đầu, ông chỉ kí hợp đồng chế tạo máy nông nghiệp cho KPC, nhưng khi thấy xe bọc thép bị hư hỏng, ông đề nghị cho phép ông sửa chữa. (Cần nói thêm rằng mấy xe này từng được các chuyên gia VN sang sửa, nhưng quân đội KPC không hài lòng vì họ sửa mà vẫn còn hư hỏng, và họ không quan tâm đến “khách hàng”). Từ việc sửa xe bọc thép, ông phát hiện rằng mấy xe này không thích hợp với vùng đầm lầy và nhiệt đới Đông Nam Á, nên ông đề nghị quân đội KPC cho ông cải tiến xe bọc thép. Từ cải tiến xe bọc thép, ông tiến lên một bước quan trọng hơn là làm ra xe bọc thép luôn! Như vậy, ông có công khá lớn với KPC, và không ngạc nhiên khi Hoàng gia KPC phong cho ông chức danh “tướng quân”.

Câu chuyện hai cha con ông Trần Quốc Hải làm cho chúng ta phải suy nghĩ về môi trường khoa học kĩ thuật ở VN. Bây giờ thì ai cũng biết VN có 24 ngàn tiến sĩ và hơn 10 ngàn giáo sư, phó giáo sư. Đó là một con số “khủng” trong vùng. Nhưng cái độ ngũ đó làm được gì cho VN? Hình như chẳng làm được gì nhiều. Số bài báo khoa học thì quá thấp. Còn số bằng sáng chế càng kém hơn nữa. So sánh với các nước trong vùng như Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, VN là một nước có ít bằng sáng chế nhất. Số bằng sáng chế được đăng kí ở USPTO chỉ đếm đầu ngón tay. Có năm chẳng có bằng sáng chế nào được cấp. Mới đây, chúng ta còn biết rằng VN thực ra chưa sản xuất được ốc vít! Do đó, công chúng VN chế nhạo giáo sư, tiến sĩ suốt ngày này sang năm khác cũng có lí do. Một đất nước có quá nhiều “sư sĩ” mà làm không được cái đơn giản nhất thì quả là đáng xấu hổ.

Ấy thế mà khi người khác làm được việc thì họ không để yên, thậm chí mỉa mai, khinh thường. Ông Trần Quốc Hải chua chát nhận xét: “Ở Việt Nam các nhà khoa học không làm được công trình nào cả, còn người làm thì bị gán cho tên ‘Hai Lúa’ như tôi.” Có một số chuyên gia nói rằng ông Hải không biết gì về cơ học, điện học, nên không thể nào sáng chế được. Họ mỉa mai rằng chiếc trực thăng do Hai Lúa sáng chế chỉ hơn đồ chơi một chút thôi. Tôi không biết nhận xét như vậy có chính xác không, vì không có dịp nhìn tận mắt ra sao, nhưng qua những sáng chế máy nông nghiệp của ông thì không thể nào nói là “đồ chơi” được. Báo chí nói rằng lần đầu thì trực thăng do ông sáng chế ra cất cánh không tốt, nhưng sau đó qua cải tiến, thì trực thăng cất cánh “ngọt xớt” (chữ của hai ông Hai Lúa). Ôi, tôi thích cách nói đậm chất Hai Lúa và đặc “mùi Nam Bộ” đó quá đi thôi! Như vậy, khó mà nói đó là đồ chơi được. Vả lại, rất nhiều thiết bị quân đội không bắt đầu từ đồ chơi là gì. Đừng xem thường người ta như thế trong khi bản thân mình chưa làm được gì dù với bằng cấp đầy mình. Thật ra, nói theo cách nói của Tây là nếu anh chưa sáng chế được gì thì anh chưa đủ tư cách để đánh giá sáng chế của người khác.

Nhưng tôi có thể nói rằng việc làm của ông Trần Quốc Hải chẳng khác gì việc làm của ông Soichiro Honda ở bên Nhật lúc mới lập nghiệp. Ông Honda kể lại rằng thời đó (sau thế chiến thứ II), ông là một thợ máy, và ông cũng rất đam mê chế tạo xe. Ông chỉ đơn giản mua xe về, nghiền ngẫm, và cải tiến xe đạp thành xe gắn máy. Hãng của ông chính là căn nhà nhỏ của gia đình. Sau đó thì chúng ta biết cái xe Honda của ông trở thành một danh từ chung của thế giới! Ngay cả sau này khi có chút tiền, ông lập “Honda Technical Research Institute” (Viện Nghiên cứu kĩ thuật Honda), nghe thì rất “hoành tráng”, nhưng thực chất chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ. Nhưng từ những bước đầu nhỏ và đơn giản như thế mà ông có thể xây dựng được một “đế chế” Honda sau này. So với ông Honda, ông Trần Quốc Hải có vẻ hoàn thiện hơn nhiều. Do đó, đừng xem thường những cái sáng chế ban đầu, và cũng đừng mỉa mai người ta là chỉ “hơn đồ chơi” một chút. Nói như thế là kiểu nói rất yếm thế.

Nhưng nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy hình như có khá nhiều người Việt có tài toàn đi đầu quân bất đắc dĩ ở nước khác. Trước đây, vào thế kỉ 15, Hồ Nguyên Trừng từng bị giặc Tàu bắt, và sau này ông có công sáng chế súng cho Tàu. Một người sống vào thế kỉ 15 khác là ông Nguyễn An cũng bị Tàu bắt làm tù binh, và sau này ông trở thành tổng công trình sư thiết kế và xây dựng Tử Cấm Thành cho Tàu. Bọn Tàu dấu nhẹm chi tiết này, mãi đến khi một kí giả Đức phát hiện thì chúng ta mới biết về công trạng của ông. Một người thuộc dòng dõi hoàng tộc là Lý Long Tường, suýt tí nữa bị Trần Thủ Độ thủ tiêu, phải chạy tuốt sang Cao Ly tị nạn, và sau này thành tướng của Đại Hàn. Có thể nói Hoàng tử Lý Long Tường là người tị nạn vượt biển đầu tiên trong lịch sử VN. Sau này thì kỉ lục vượt biển thuộc về người dân miền Nam Việt Nam. Bây giờ chúng ta biết có hàng ngàn, có thể hàng vạn, chuyên gia gốc Việt đang “đầu quân” cho nước ngoài. Trước đây, tôi đọc tin nói rằng người sáng chế ra máy tính IBM là người Việt Nam tên là Trương Trọng Thi (Việt kiều Pháp). Xem ra, các chuyên gia, nhà sáng chế người Việt có duyên với nước ngoài hơn là với Việt Nam.

Đáng lẽ, theo logic thông thường, một dân tộc như thế thì VN phải giàu có chứ đâu phải nghèo hèn như hiện nay. Quả vậy, ông Lý Quang Diệu từng nhận xét rằng VN đáng lẽ phải là một người khổng lồ, ở vị trí số 1 ở châu Á. Ông nhận xét như thế là vì ông đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo và sự nhạy bén của người Việt, ông hết lời khen sinh viên VN, ông dành những từ ngữ đẹp nhất cho cộng đồng người Việt ở Mĩ. Nhưng ông chê rằng chính quyền VN không biết trọng dụng người tài, và hệ quả là người tài ở Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Phải nói thêm là một số người tài của VN đang đầu quân cho Singapore đấy. Không hiểu khi đọc bản tin về cha con ông Trần Quốc Hải và nhận xét của ông Lý Quang Diệu, các nhà chức trách VN nghĩ gì. Có lẽ họ chỉ nhún vai nói: đã làm đúng qui trình.

=====
(1) http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/vn-invent-awar-by-cambo-11112014060628.html

(2) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/11/141111_tranquochai_inv

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Vị trí của dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân trọng yếu như thế nào?



Infonet

Hải Châu

10-11-2014

Theo Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân nắm ở vị trí “yết hầu” có thể chia cắt đất nước, khống chế toàn bộ vịnh Đà Nẵng!

Sau khi báo điện tử Infonet đưa tin Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế (TT-H) chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khu nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) trên núi Hải Vân do nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa hai địa phương và có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, đông đảo bạn đọc đã bày tỏ sự hoan nghênh.

 

Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Để bạn đọc hiểu rõ thêm tính chất trọng yếu về an ninh quốc phòng của vị trí mà phía Trung Quốc được cấp phép xây dựng dự án, PV Infonet đã trao đổi với Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (QN-ĐN), Chỉ huy phó BCH Quân sự TP Đà Nẵng (sau khi chia tách tỉnh năm 1997) và một số người khác.

Đại tá Thái Thanh Hùng: “Nắm vị trí đó là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng!”

Toàn bộ vùng rừng núi và đèo Hải Vân là khu vực phòng thủ của TP Đà Nẵng. Thực tế trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh TT-H không đưa quân vô trấn giữ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 và mà cụ thể là lực lượng vũ trang tỉnh QN-ĐN phải bảo đảm giữ vững khu vực phòng thủ đó. Sau ngày giải phóng, Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh QN-ĐN, sau đó là BCH Quân sự TP Đà Nẵng tiếp tục xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ Hải Vân.

Nếu để cho đối tác nước ngoài, chưa nói là Trung Quốc, vào xây dựng, chiếm lĩnh vị trí trọng yếu đó sẽ không bảo đảm được khu vực phòng thủ cho cả nước nói chung, đặc biệt là đối với TP Đà Nẵng. Đây là vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm. Ở miền Trung thì khu vực đèo Hải Vân mọi người đều biết cả rồi. Nếu xảy ra chiến tranh, nơi này bị chiếm thì đất nước bị chia cắt liền. Do nó đặc biệt quan trọng như vậy nên theo tôi là không nên cho nước ngoài đầu tư vào khu vực đó.

Hơn nữa, vị trí tỉnh TT-H cấp phép cho phía Trung Quốc xây khu du lịch lại nằm ngay mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) và coi như bao trùm cả hòn Sơn Trà con cách đó không xa. Khu vực này chính là “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng với núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà tạo thành hình cánh cung trấn giữ phía Bắc và phía Đông Bắc. Mà vịnh Đà Nẵng là một trong những khu vực cực kỳ trọng yếu trên dọc tuyến biển Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Lê Tự Gia Thạnh chỉ vị trí dự án Trung Quốc được cấp phép xây dựng trên núi Hải Vân (Ảnh: HC)

Tàu bè vô ra cảng Đà Nẵng đều phải qua đó. Nếu phía nước ngoài nắm được vị trí này thì tất cả tàu quân sự ra vô khu vực cảng Vùng 3 Hải quân họ đều biết hết. Và đây là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường năng lực phòng thủ trên biển để sẵn sàng ứng phó với tình hình trên biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ai nắm được vị trí này sẽ làm chủ cả cửa biển Đà Nẵng. Nếu phía nước ngoài khống chế vị trí này thì tàu bè sẽ không vô cảng Đà Nẵng được.

Trước đây, Tiểu đoàn 72 của lực lượng vũ trang QN-ĐN đóng quân tại hòn Sơn Trà con. Sau cơn bão số 2 năm 1988, do nhà cửa bị sập đổ nên BCH Quân sự tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho tạm thời rút vào khu vực núi Hải Vân. Khi Tiểu đoàn 2 chưa trở lại kịp thì phía TT-H đưa lực lượng ra giữ hòn Sơn Trà con (mà TT-H gọi là hòn Sơn Chà).

Đà Nẵng hay TT-H trấn giữ chỗ đó cũng được, nhưng cho nước ngoài đầu tư làm ăn trên địa bàn đó là hết sức phức tạp. Ở vị trí mà sau lưng là đỉnh Hải Vân, trước mặt hướng ra biển Đông, chỉ cần thiết lập trạm ra-da dã chiến ở đó thì coi như nắm giữ cả không phận rộng lớn trên vùng núi, vùng biển của một TP mà cả Pháp, Mỹ đều chọn nơi đây làm nơi đầu tiên để đổ quân vào xâm chiếm hoặc chia cắt đất nước Việt Nam.

Chúng tôi đã định ở kỳ họp sắp tới của HĐND TP Đà Nẵng sẽ lên tiếng không đồng tình với việc tỉnh TT-H cho phép phía Trung Quốc đầu tư vào khu vực này. Điều đáng quan tâm nhất ở đây là ảnh hưởng vị trí quốc phòng an ninh, chứ chưa nói là đất của ai. Đất của TT-H hay của Đà Nẵng thì cũng đều là đất Việt Nam. Vấn đề là không nên để cho nước ngoài đầu tư vào một vị trí chiến lược như vậy.

 

Nằm ở vị trí vòng đỏ, dự án của Trung Quốc sẽ nắm rõ tình hình tàu bè ra vào cảng Đà Nẵng và cảng Vùng 3 Hải quân ở vị trí vòng vàng (Ảnh: HC)

Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng, HĐND TP đã ra Nghị quyết phản đối. Bây giờ tỉnh TT-H lại cấp phép cho họ vào vị trí vô cùng trọng yếu trên núi Hải Vân. Đây không còn là chuyện giữa hai địa phương mà đã trở thành vấn đề quốc gia. Chúng tôi định đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến báo cáo Thủ tướng. Nay Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản trình Thủ tướng thì Hội Cựu chiến binh TP rất đồng tình. Và chúng tôi tin Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý rốt ráo vấn đề này.

Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng: “Bè cá ngoài đảo Sơn Trà và khu du lịch trên núi Hải Vân chỉ là một!”

Dự án này nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và TT-H. Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo hai địa phương giữ nguyên trạng mọi thứ, không được làm phức tạp thêm tình hình. Trong thời gian qua, TP Đà Nẵng đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên hiện nay tỉnh TT-H lại cấp phép cho phía Trung Quốc xây dựng dự án tại đây.

Ai cũng biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngoài làm kinh tế thì còn có những động cơ khác nữa. Không hà cớ chi họ đi mua móng chân trâu, móng chân bò. Đặc biệt là họ tìm những khu vực trọng điểm để làm kinh tế nhưng thực chất là nắm tình hình diễn biến của ta. Không bỗng dưng họ đi nuôi cá ngay trong khu vực cảng Cam Ranh. Ở Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Từng có người Trung Quốc nuôi cá bè ngoài bán đảo Sơn Trà, và những người đó cũng cùng “group” với Công ty CP Thế Diệu này chứ không phải ai khác cả, cũng một chủ thôi nhưng “chẻ” ra nhiều nhánh. Hiện nay đã dẹp rồi.

Bè cá ngoài đảo Sơn Trà với khu du lịch trên núi Hải Vân đều nằm ở vị trị “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng, nhắm ngay vào khu vực cảng Vùng 3 Hải quân, và đều chung “tập đoàn” chứ không ai khác. Nên không phải chuyện đơn giản như một số người nghĩ. Tại sao ở một chỗ heo hút như vậy mà họ vẫn tính đổ hàng trăm triệu USD vào đó? Tại vì chỗ đó bao trùm cả vịnh Đà Nẵng. Qua hai cuộc Pháp, Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam đã cho thấy rõ, ai nắm giữ chỗ đó sẽ nắm giữ cả vùng biển này, từ chỗ đó vô cửa Hàn thâm nhập sâu vào trung tâm Đà Nẵng chỉ vài cây số. Chiều dài lịch sử cũng đã phản ảnh rất rõ rồi.

 

Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Người dân bình thường cũng thấy điều đó, cần chi tới tôi là người làm công tác xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính. Đây là chuyện mang tính chất quốc gia, ở tầm chiến lược. Hiện chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo TP làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đề nghị họ sớm lên tiếng về vấn đề này để Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan quyết định chính thức trong thời gian sớm nhất, chứ không để xảy ra chuyện đã rồi ở một khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng như vậy. Hiện cử tri và người dân rất quan tâm đến việc này.

Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa: “Đây là câu chuyện chủ quyền!”

Nếu chỉ là chuyện chưa thống nhất về phân định ranh giới giữa hai địa phương thì chỉ là chuyện trong nhà, không phải là chuyện lớn. Ai giữ chỗ đó cũng được hết. Nhưng câu chuyện ở đây là câu chuyện chủ quyền, câu chuyện an ninh, quốc phòng của quốc gia có nguy cơ bị đe dọa. Nếu cho rằng đây chỉ là chuyện tranh chấp giữa hai địa phương sẽ không giải quyết được vấn đề chi mà còn khiến nhiều người có cái nhìn sai lệch.

Việc để cho doanh nghiệp nước ngoài vào những vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng như vậy là hết sức thiếu cẩn trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực phòng vệ trên biển để sẵn sàng ứng phó với diễn biến tình hình trên biển Đông ngày càng phức tạp, nhất là trong lúc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng đe dọa, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nước ta!

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng: “Không phải không khai thác, nhưng…”

Về mặt quy hoạch, tôi cho rằng khu vực đó hai bên nên thống nhất với nhau giữ nguyên trạng một khu vực tự nhiên. Không phải là không khai thác. Vẫn có thể khai thác nhưng với hình thức tham quan, ngắm cảnh có kiểm soát chứ đừng ở lại là hay nhất. Có chăng thì làm một vài điểm khai thác du lịch nhưng không được lưu trú. Du khách có thể ra đó khám phá rồi quay về đất liền chứ không nên xây dựng những công trình phục vụ lưu trú có thể dẫn đến những “biến tấu” khó lường!

Quanh chuyện bố con ông Trần Quốc Hải ở Tây Ninh chế tạo xe bọc thép cho Căm Pu Chia



Ông Trần Quốc Hải và gia đình với những xe thiết giáp do cha con ông làm ra

Nghĩ đến chuyện bố con ông Trần Quốc Hải ở Tây Ninh chế tạo hàng loạt xe bọc thép cho Căm Pu Chia được quốc vương nước này tặng huân chương Đại tướng quân, mình không khỏi băn khoăn, sao ông này tính quẩn thế. Không chế tạo cho nước mình mà lại đi chế tạo cho thằng Căm Pu Chia, nhỡ nó dùng chính xe bọc thép do người Việt chế tạo đánh nước mình như dạo 1978-1979 thì sao. Dại tướng quân chứ đại gì.

Nhưng nghĩ lại, cha con ông Hải chẳng qua cũng phải làm một việc cực chẳng đã, chứ ông đâu có ham danh hiệu Đại tướng quân như ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thơ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ham danh hiệu anh hùng lực lượng võ trang.

Cùng đam mê sáng chế như ông có ông Bùi Hiển 60 tuổi ở Bình Dương làm máy bay trực thăng. Ông được gọi là “cha đẻ của máy bay trực thăng” (tất nhiên là ở Việt Nam chứ không phải toàn cầu). Làm đến chiếc thứ hai rồi nhưng vẫn canh cánh lo nó không được thi thố với đời. Nghe nói ông có mời cả mời cả chuyên gia hàng không hạ cố đến để thẩm định sản phẩm của mình. Ông tâm sự, điều ông mong mỏi nhất là các nhà sáng chế nông dân như ông được nhà nước quan tâm đến, để cống hiến tài sức cho dân tộc. Chỉ cần được “bật đèn xanh”, ông Hiển có thể chế tạo cho Việt Nam chiếc trực thăng không chỉ bay được mà còn bay cao, bay xa, đạt tiêu chuẩn của thế giới. Nhưng điều khó khăn nhất đối với nhà sáng chế chính là việc được cấp phép thử nghiệm. Ông Hiển cho biết đã làm đơn, làm kế hoạch một cách bài bản để gửi đi nhiều cơ quan quản lý, nhưng câu trả lời vẫn là… chờ đợi.



Trực thăng của ông Bùi Hiển đang chờ cấp phép thử nghiệm

Nhắc đến ông Bùi Hiển, mình lại nhớ đến anh chàng thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng ở Long Biên chế tạo máy bay trực thăng nhưng bị cấm, bắt viết cam kết từ nay không được chế tạo máy bay nữa. Rồi bên quân đội thì bắt anh cam kết không được tiếp tục nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, phải giữ nguyên hiện trạng chiếc máy bay. Bộ đội thì bắt để nguyên trạng, nhưng công an lại bắt tháo máy, tháo cánh ra nên anh chẳng biết nghe ai. Hai trăm triệu anh bỏ ra có nguy cơ biến thành dúm sắt vụn.



Anh Thắng ngao ngán với chiếc máy bay của mình, vừa phải để nguyên trạng, vừa phải tháo ra

Nói về niềm đam mê sáng chế, có thể kể thêm ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình). Ông tự chế chiếc tàu ngầm mini, với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. Ông Hòa đã bỏ ra 1 tỷ đồng để chế tạo nó nhưng chưa thành công. Cầu mong cho công trình của ông thắng lợi để mang ra Hoàng Sa, Trường Sa, thách thức Hải quân Trung Cộng, chứ còn trông chờ ở tàu chiến của ông Phùng Quang Thanh thì… e rằng bị 16 chữ vàng khống chế.



Tàu ngầm mini mang tên Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa.

Kể vài ví dụ về việc dân thường sáng chế để nói rằng, người Việt Nam mình cũng tài lắm chứ, đâu có kém thông minh hơn thiên hạ. Chỉ có điều, sức sáng tạo của họ thường vấp phải thế lực vô hình cản trở, đó là thằng “cơ chế”. Thằng này bao giờ cũng kìm hãm sự phát triển nhưng nó lại có quyền. Ai nghĩ ra cái gì mà trình độ của nó không kiểm soát được thì y như rằng khổ với nó. Điều trớ trêu là những nhà sáng chế trên, cấm ai có nổi cái bằng tiến sĩ, trong khi tiến sĩ nước ta có tới hàng vạn (theo Vietnamnet, con số này là 24000).

Trở lại chuyện của ông Trần Quốc Hải. Ông đã từng chế tạo máy bay trực thăng. Ông cùng ông Lê Văn Danh đã sản xuất đến chiếc máy bay thứ hai. Nhưng hai chiếc máy bay trực thăng “made in Việt Nam” do các ông chế tạo đã được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Hình như hai chiếc này chế tạo chưa thành công cho nên mới bán để đưa vào Viện Bảo tàng. Nhưng tại sao các ông không bán (hay không bán được) ở Việt Nam để cho người Việt Nam đến tham quan, học hỏi?




Có lần, máy bay của hai ông đang trong giai đoạn "thăng" thử (tức là nhấc bụng lên khỏi mặt đất) thì bị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh bắt về "giam" ở trụ sở huyện đội huyện Tân Châu, nằm chờ cấp trên xác minh, kết luận.

Ấy vậy mà cuối cùng, cha con ông Trần Quốc Hải đã tìm ra lối thoát. Đó là cống hiến tài năng, tâm huyết cho nước khác và được trọng dụng ngay. Tưởng nước khác là Mỹ hay Tây Âu thì nó thoáng đã đành, ai ngờ lại là anh Căm Pu Chia - cái quốc gia mà mỗi khi nhận ra thua kém thiên hạ, người ta lại lôi nó ra để tự an ủi rằng Việt Nam chưa đến nỗi bét thế giới.

Quốc vương nước này còn cấp giấy chứng nhận cho cha con ông Hải - công dân Việt là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB để ghi nhận những đóng góp của 2 người cho nền kỹ thuật của đất nước, mà “đất nước” ở đây lại không phải Việt Nam, thế mới đau chứ.


11/11/2014


NGUYỄN TƯỜNG THỤY



'Đam mê của tôi không được

khuyến khích ở VN'

BBC cập nhật 9 giờ trước   

Xe bọc thép mà cha con ông Trần Quốc Hải đóng mới cho quân đội Campuchia

Một nhà sáng chế ở tỉnh Tây Ninh vừa được Campuchia phong tặng Huy chương Đại tướng quân vì đã giúp sửa chữa xe bọc thép cho quân đội nước này.

Ông Trần Quốc Hải, ở tỉnh Tây Ninh, và con trai là Trần Quốc Thanh đã được Nhà nước Campuchia vinh danh.

Ông Hải cũng là người từng chế tạo máy bay trực thăng và nhiều máy móc công nghiệp mà báo chí Việt Nam từng phản ánh. Tuy nhiên ông nói ở Việt Nam, đam mê của ông không được khuyến khích.

Ông Trần Quốc Hải: Xe bọc thép ở các nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thì đại đa số là dùng xe của Liên Xô cũ, nhiều xe đã trong tình trạng hỏng hóc.

Những xe này cũng không phù hợp với địa hình và điều kiện địa phương nên các tướng lĩnh Campuchia họ muốn có một loại xe phù hợp hơn.

Người Campuchia họ biết là tôi có năng lực, chế tạo máy bay rồi máy móc công nghiệp nên họ mời tôi sang, Trước hết là sửa máy nông nghiệp, sau đó thấy xe bọc thép Liên Xô chế tạo hỏng rất nhiều họ yêu cầu mình khắc phục.

Khắc phục được 11 chiếc thì họ biết mình có năng lực rồi nên họ bàn làm sao chế tạo xe bọc thép mới để không phụ thuộc vào nước ngoài.

Tới nay thì tôi cũng mới chỉ bắt đầu chế tạo hoàn toàn một chiếc xe bọc thép phù hợp với điều kiện Đông Dương.

Campuchia họ đang muốn xây dựng nhà máy để chế tạo 100 chiếc, thay thế cho loại xe của Liên Xô đã không còn phù hợp nữa.

Hiện tôi mới chỉ chế loại xe sáu bánh, họ yêu cầu chế xe tám bánh.

BBC: Thế ở Việt Nam, giới chức quân đội họ có tiếp cận ông và đề nghị ông làm việc cho họ không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chưa nghe thấy ai đề nghị gì cả.

BBC: Trước kia ông đã từng chế tạo cả trực thăng, rồi máy móc, báo chí cũng đã viết nhiều về ông. Vậy mà chính quyền tỉnh và trung ương không tiếp cận ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Cũng có tiếp cận, rồi thưởng bằng khen. Thế nhưng cơ chế của Việt Nam nó rất là ngộ.

Họ [giới chức Việt Nam] nói: “Anh chế (tạo) rất giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”Ông Trần Quốc Hải

Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học.

Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận.

Khi làm trực thăng thì họ nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn tranh luận ra ngô ra khoai.

Tôi nói ở châu Âu người ta làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là người Việt Nam chứ.

Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn bản. Họ nói: “Anh chế rất là là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”.

BBC: Như vậy, ông không có dự án gì ở Việt Nam ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Các dự án lớn thì cần quy hoạch của chính phủ. Không có kế hoạch của chính phủ, một mình mình thì không làm gì được.

BBC: Vừa rồi, ông được Campuchia vinh danh phải không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Họ tặng tôi huy chương Đại tướng quân, do Quốc vương Sihamoni ký lệnh và Thủ tướng Hun Sen trao tặng. Họ cũng đối xử với tôi như cấp tướng. Sống, sinh hoạt bên Campuchia họ cho tôi hưởng tiêu chuẩn cấp tướng.

BBC: Ông có ý định sống và làm việc bên Campuchia không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chuyển sang sống hẳn bên đó thì tôi chưa có ý định, nhưng người Campuchia rất thân thiện và tạo điều kiện cho tôi thực hiện những đam mê của tôi nên tới đây chắc tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ.

Khoa học không có biên giới, nơi nào họ cần mình, họ coi trọng mình thì mình đến phục vụ cho họ. Đơn giản thế thôi.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Bắc Kinh gởi ông Nguyễn Phú Trọng đi Hàn Quốc

California, USA – Bắc Kinh nói chung và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng đã thực sự tức điên người với Kim Chính Ân – lãnh tụ tối cao của Bắc Hàn. Hàng loạt những hành động được xem là từ chặt rễ đến bạt tai Bắc Kinh thẳng thừng đã được guồng máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên xì ra khắp thế giới:

- Khởi đi bằng việc xử tử người dượng kiêm cố vấn tối cao Trương Thành Trạch, một người được xem là gạch nối chính giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng từ thời Kim Chính Nhật – bố của Kim Chính Ân.

- Tiếp sau đó là màn xử tử mấy chục người thân cận và dưới quyền ông Trạch để chặt mọi gốc rễ mà Kim Chính Ân cho là mạng lưới của Bắc Kinh ở thượng tầng Bắc Hàn.

- Tướng Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên, người được xem rất thân với Bắc Kinh, bị thanh trừng kế tiếp.

- Trong 40 ngày “nghỉ dưỡng bệnh” vừa qua, ông Kim Chính Ân diệt thêm ít là 12 cán bộ cao cấp khác thuộc phe thân Tàu mà báo đài Bắc Hàn gọi là “như Trương Thành Trạch”.

- Ông Kim Chính Ân, vào tháng 4.2014, còn dám lôi cái học thuyết mang tính quốc sách tối cao của ông Tập Cận Bình – có tên là “Giấc mơ Trung Quốc” và được xếp ngang hàng với thuyết “Ba Đại Diện” của Giang Trạch Dân và thuyết “Xã Hội Hài Hòa” của Hồ Cẩm Đào – ra diễu cợt. Trong một sắc lệnh chỉ thị mọi cấp phải từ bỏ “Giấc mơ Trung Quốc”, ông Ân viết: “Trước đây, Trung Quốc là một người bạn cách mạng của Triều Tiên… Nhưng ngày nay, Trung Quốc đã trở nên ích kỷ, theo đuổi cải cách và mở cửa, bởi thế đặt các giá trị vật chất lên trên ý thức hệ”.

Tuy mất mặt với tập thể đảng viên CSTQ, ông Tập Cận Bình không còn nhiều vũ khí để trả đũa Bắc Hàn vì các khoản viện trợ đã cắt gần hết trong những năm qua khi bảo Bình Nhưỡng không nghe, và nay hệ thống thái thú đã cài đặt cũng bật rễ gần hết và phần còn lại phải chui sâu trốn kỹ. Cách trả thù duy nhất còn sót lại là: ông Tập Cận Bình từ khi lên ngôi chưa hề đến Bắc Hàn nhưng lại đi thăm chính thức Nam Hàn, kẻ thù không đội trời chung của Bình Nhưỡng, vào tháng 7.2014.

Liền sau chuyến đi đó, ông Kim Chính Ân chính thức cho mọi cấp cán bộ, quan chức học tập: “Nhật Bản chỉ là kẻ thù trăm năm, Trung Quốc mới là kẻ thù nghìn năm” của nhân dân Triều Tiên.

Thấy đòn này đủ để làm Kim Chính Ân tức giận, ông Tập Cận Bình nhấn tiếp để cho Bình Nhưỡng thấy rằng cả các “nước XHCN anh em” – những đồng minh cuối cùng của Bình Nhưỡng – cũng sẽ xa lánh họ theo lệnh của Bắc Kinh. Và đó là lý do TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Nam Hàn vào đầu tháng 10.2014 với những lời phê phán Bình Nhưỡng thậm tệ.




Dĩ nhiên, đối với Nam Hàn, mọi kẻ thù của kẻ thù đều là bạn. Hơn thế nữa Nam Hàn hiện không có các tranh chấp trên biển với Trung Quốc như Nhật Bản; Nam Hàn đang làm ăn buôn bán suông sẻ với Bắc Kinh; và trên hết, Nam Hàn muốn Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thù nhau càng nhiều càng tốt và họ hiểu ông Trọng là người đi nói thông điệp cho Bắc Kinh. Thế là Hán Thành đón rước ông Nguyễn Phú Trọng rất trọng thể tuy hoàn toàn sai với nghi thức lễ tân. Ông Trọng đại diện một đảng chính trị, dù là đảng cầm quyền, nhưng không có vai trò đại diện quốc gia. Vai trò đại diện đó phải là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Xem ra hiện nay đối với Bắc Kinh, ông Trọng là công cụ đáng tin cậy hơn cả.

Nhưng dù tin cậy như thế, Bắc Kinh vẫn cẩn thận gởi tướng Nguyễn Chí Vịnh đi kèm theo. Tướng Vịnh là người từ lâu được xem là sứ thần của Bắc Kinh. Ông luôn xuất hiện vào những lúc dầu sôi lửa bỏng để lên tiếng bào chữa cho Trung Quốc, hoặc tuyên bố quan điểm của Việt Nam quyết không đối đầu với Trung Quốc, hoặc thề hứa “giải quyết triệt để” những hành động phản đối của dân chúng Việt Nam.

Nhìn các văn kiện hợp tác đầu tư mà ông Trọng ký kết với Nam Hàn, người ta không chỉ thấy trật khớp mà còn phải đặt câu hỏi liệu chữ ký của ông Trọng có giá trị gì không vì ông hoàn toàn không có thẩm quyền để ký. Tuy nhiên, có người cho rằng các văn kiện đó chỉ thuộc loại hứa hẹn nếu làm được thì quí, không thì thôi. Do đó, chúng chỉ cung cấp lý cớ cho chuyến đi mà thôi.

Các văn kiện mà tướng Nguyễn Chí Vịnh ký cũng thuộc loại vớ vẩn, chẳng hạn như bản giác thư, tức biên bản ghi nhớ, giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Quản lý Chương trình mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc về đảm bảo chất lượng nhà nước đối với sản phẩm và dịch vụ quốc phòng.

Rõ ràng sứ mạng của ông Trọng (và ông Vịnh) trong cả chuyến đi chẳng dính dáng gì đến Việt Nam cả. Công việc chính của ông Trọng, sau bao năm ca ngợi chế độ Bắc Hàn và tình hữu nghị anh em XHCN Hàn-Việt, là nói cho được câu phát biểu nẩy lửa: Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không thể dung thứ.

Ngay cả Nam Hàn cũng không nói mạnh được tới mức độ của TBT Trọng. Trong bản thông báo chung họ chỉ viết: “Hàn Quốc thể hiện lo ngại sâu sắc về sự đe dọa tiến hành vụ thử hạt nhân mới và các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của CHDCND Triều Tiên…”.

Nhưng nếu nói cho công bằng, chuyến đi này không chỉ là ý muốn của Bắc Kinh mà còn phù hợp với nhu cầu của ông Trọng hiện nay. Cuộc chạy đua ráo riết vào chiếc ghế Tổng Bí Thư Đại Hội XII đã bắt đầu. Tuy vào đầu năm 2011, khi lên nắm chức Tổng bí thư, công luận nói chung đều nghĩ rằng ông Trọng chỉ nắm giữ ghế này tối đa 1 nhiệm kỳ vì phải đến tuổi nghỉ hưu. Có người còn cho rằng chỉ đến giữa nhiệm kỳ là hết. Nhưng, nhiều chỉ dấu cho thấy ông Trọng rất muốn giữ vai trò TBT thêm 5 năm nữa và cũng đã khởi động nỗ lực vận động của riêng ông trong thời gian qua, đặc biệt là những hứa hẹn không điều tra tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ đảng viên (không đập chuột để giữ bình quí).

Trong quá khứ, đã từng có tiền lệ trong một số Đại Hội đảng CSVN: miễn luật giới hạn tuổi tác cho các “vị trí đặc biệt”.

Bắc Kinh, nhiều phần, cũng muốn như vậy.

Ngô Quảng @S: – DienDanCTM

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Trương Nhân Tuấn - Nói về nhân quyền và vũ khí sát thuơng

Hoa Kỳ vừa gỡ đi một phần luật « cấm bán vũ khí sát thuơng » cho VN. Luật này do quốc hội Mỹ đặt ra từ 75.

(Sau 1975, hai bên có những vận động để thiết lập ngoại giao nhưng đều thất bại. Mỹ ngõ ý muốn bình thường hóa với VN nhưng VN đặt điều kiện bồi thường chiến tranh thì mới bang giao. Đến năm 1977, khi VN đồng ý bang giao « vô điều kiện » thì đã quá trễ : Hoa Kỳ đã đi tắt với Bắc Kinh để lập liên minh chống Liên Xô. Từ đó VN ngã vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô, cùng với Liên Xô thực hiện mưu đồ thôn tính vùng Nam Á : từ Afghanistan qua Iran, Ấn Độ, nhằm khống chế eo biển Malacca. Cuối thập niên 70, khi Liên Xô mở mặt trận Afghanistan thì Việt Nam mở cuộc chiến Kampuchia. Các nước trong vùng, kể cả Mỹ và Trung Quốc, lo ngại thuyết Domino được chứng nghiệm : chính quyền các nước Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Nam Dương… cho đến Ấn Độ, Iran… lần lượt sụp đổ, hay liên kết với Liên Xô. Trước dư luận quốc tế, cuộc chiến Kampuchia là cuộc chiến ủy nhiệm của hai thế lực XHCN đối nghịch : Liên Xô và Trung quốc (được sự chống lưng của Mỹ). VN bị xem là một tên « xung kích sừng sỏ » được sự ủy nhiệm của cộng sản quốc tế do Liên Xô cầm đầu. VN bị Hoa Kỳ cấm vận và bị thế giới cô lập từ đó, cho đến đầu thập niên 90, khi mà khối cộng sản Đông Âu bị phân rã và Liên Xô đang trên đường sụp đổ.)

Việc tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thuơng hôm nay cho VN có phần tương tự với trường hợp Đài Loan năm 1979. Cả hai bên đều cần vũ khí sát thuơng của Mỹ để tự vệ trước sự gây hấn của Trung Quốc.

Trường hợp Đài Loan, sau khi bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi tại Liên Hiệp Quốc năm 1971, trong chừng mực Đài Loan bị cô lập toàn diện. Trong buổi họp Đại hội đồng LHQ 25-10-1971, do việc HK bỏ phiếu trắng, Đài Loan đã bị trục xuất và chính quyền Bắc Kinh, được nhận vào ghế Hội đồng Bảo An LHQ. Điều này gây phẫn nộ và đau đớn cho chính quyền Tưởng Giới Thạch (cho là bị đồng minh đâm sau lưng). Tiếp theo sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn 1975, số phận chính quyền Quốc dân đảng ở Đài Loan mong manh như trứng để đầu cối đá. Mặc dầu HK còn bị ràng buộc bởi Hiệp định An ninh hỗ tương, ký từ 1954, nhưng trên danh nghĩa pháp lý, lục địa có thể đem quân « giải phóng » đảo quốc này bất kỳ lúc nào. Dân chúng đảo quốc, cũng như kiều dân Hoa sống ở HK, lo ngại. Họ thành lập nhưng tổ chức quyền lực tại HK nhằm vận động chính trị.

Điều tệ hại đến vài năm sau đó. Ngày 1-1-1979 hai bên HK và TQ tuyên bố bình thường hóa bang giao. Hiệp ước An ninh giữa HK và Đài loan trở thành « caduc – không còn hiệu lực ». Hoa Kỳ mặc nhiên nhìn nhận « vấn đề Đài Loan » thuộc về « nội bộ » của Trung Quốc. Điều này cũng tương tự tình trạng VNCH sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết. Hoa kỳ « Việt Nam hóa chiến tranh », nhìn nhận VN là một quốc gia thống nhất, độc lập có chủ quyền. Cuộc chiến VN chỉ là một cuộc nội chiến. Chiến tranh của VN trở thành « chuyện riêng » của VN, cũng như vấn đề Đài Loan là chuyện riêng của TQ. Hoa Kỳ (và các nước trên thế giới) không còn lý do để can thiệp vào. Đây là một nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ : một quốc gia không được quyền can thiệp vào nội bộ một quốc gia khác.

Trước đe dọa bị « thống nhất » bằng vũ lực, Đài Loan mong muốn được mua « vũ khí sát thuơng » của Hoa Kỳ để « tự vệ ». Dân chúng ở đảo quốc, cũng như kiều dân Hoa ở HK đã sẵn sàng. Họ làm « lobby », tức vận động chính trị hết mức lên các chính trị gia ở quốc hội Mỹ.

Trường hợp Việt Nam, sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trên thềm lục địa của VN vào tháng 5-2014, VN lâm vào thế « tiến thoái lưỡng nan » : đánh thì không xong, mà hòa cũng không ổn. VN không có đủ sức mạnh quốc phòng chống lại TQ để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi việc « hòa » là đồng nghĩa với việc từ bỏ chủ quyền của VN tại các đảo Hoàng Sa đồng thời quyền chủ quyền trên thềm lục địa và hải phận của mình.

(Phía TQ chỉ rút giàn khoan, với lý do « tránh bão », nhưng thực ra là để hạn chế hệ quả một sai lầm chiến lược. Đáng tiếc là VN đã không khai thác được điều này. Bởi vì, trên quan điểm thuần túy chiến lược, phía Trung Quốc, khi đặt giàn khoan 981, đã tính toán sai. Trong quan hệ ngoại giao, sự do dự của VN về việc lựa chọn đồng minh chiến lược - Trung Quốc hay Mỹ - sẽ sớm được quyết định. Trung Quốc sẽ mất một đồng minh (đúng ra là đàn em) tin cậy đồng thời tạo ra một quốc gia thù địch quan trọng ở trước cửa ngõ. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đã đông lạnh từ tháng giêng năm 1974 cho đến nay, thì được hâm nóng lại. Hoàng Sa và vùng biển chung quanh, từ lâu đã được TQ xem là chủ quyền thuộc về TQ bất khả tranh nghị. Qua dịp này, chủ quyền Hoàng Sa và vùng biển chung quanh có thể được quốc tế nhìn nhận là vùng lãnh thổ có tranh chấp. Điều này dĩ nhiên có lợi cho VN.)

Điều trở ngại cho cả hai bên, Đài Loan (năm 1979) và Việt Nam hôm nay : Đài Loan (năm 1979) cũng như Hà Nội là những chế độ độc tài. Trường hợp VN hôm nay còn tệ hại hơn, nơi đây một trong vài chế độ độc tài cộng sản trên thế giới còn sót lại. Nhân quyền thường xuyên bị chà đạp. Ý kiến của nhiều chính trị gia HK, khi mà VN chưa cải thiện về nhân quyền, chưa dân chủ hóa chế độ, thì các quan hệ với Hoa Kỳ sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Trường hợp Đài Loan, chính quyền Quốc dân đảng nhượng bộ đòi hỏi của thành phần « đảng ngoại » (tức người ngoài đảng), đồng ý một lịch trình dân chủ hóa chế độ. Hoa Kỳ đáp ứng bằng cách cho thông qua luật « Taiwan Relations Act » ngày 10-4-1979. Dầu vậy luật này cũng là « tác phẩm » của kiều dân Đài Loan sống tại Hoa Kỳ, qua các cuộc vận động chính trị ráo riết từ nhiều năm trước. « Lobby » của kiều dân Hoa tại Mỹ rất mạnh. Nhờ vận động hành lang chính trị, thuợng viện HK mới sớm thông qua dự luật « Taiwan Relations Act », theo đó HK chủ trương việc giải quyết « vấn đề Đài Loan » bằng phương tiện hòa bình (HK tôn trọng ý nguyện, tức sự lựa chọn chính trị của dân Đài Loan), đồng thời cho phép chính quyền Dân Quốc được mua các loại vũ khí của HK để tự vệ.

Quá trình dân chủ hóa Đài Loan bắt đầu từ thập niên 80, được sự giúp đỡ quan trọng (làm chất xúc tác) của các học giả thuộc trường đại học Harvard (như Samuel P. Huntington). Những người này đã tổ chức (trong khuôn viên đại học Harvard) những cuộc « hội thảo », tiếp xúc giữa những người ngoài đảng (đảng ngoại, tức không phải là đảng viên Quốc Dân đảng) với các nhân vật lãnh đạo Dân Quốc. Quá trình dân chủ hóa kết thúc vào những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3.

Nhờ các vũ khí tối tân mua từ Hoa Kỳ, Đài Loan hiện nay mặc dầu bị cô lập (hầu như) toàn diện, họ vẫn không sợ viễn ảnh bị lục địa « thống nhất » bằng vũ lực.

Trường hợp Việt Nam, chính quyền Obama vừa tháo gỡ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thuơng, đổi lại, VN phóng thích một vài tù nhân lương tâm. VN vẫn hoàn toàn im lặng về « hồ sơ nhân quyền » trước dư luận quốc tế, trong khi việc « dân chủ hóa » chế độ chỉ là điều trong mơ.

Hoa Kỳ bán vũ khí sát thuơng (hạn chế) cho VN do vậy đến từ một cấp bách về chiến lược (bao vây TQ) chứ không do một động lực nào khác.

Người ta không thể trách được Hoa Kỳ. Lực lượng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ rất là đông đảo, không kém kiều dân Hoa ngày trước. Nếu kiều dân Hoa ngày xưa một lòng ủng hộ Đài Loan, thì hôm nay kiều dân Việt phần lớn chống lại chế độ độc tài toàn trị của Hà Nội. Những người Việt này có lý do chính đáng, vì phần lớn họ là nạn nhân trực tiếp của chính sách trả thù ác độc, cũng như sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền Hà Nội.

(Nếu không có một chính sách hòa giải dân tộc đứng đắn, những hận thù này sẽ còn tồn tại mãi, sẽ luôn chống lại phía cộng sản cầm quyền. Phía thiệt hại dĩ nhiên là đất nước và dân tộc VN. Đó là ta chưa nói đến những tác hại của các thành phần dân tộc thiểu số Khmer Krom và các dân tộc ở Tây nguyên, Tây bắc. Chính quyền suy yếu, hay đất nước kém phát triển, khuynh hướng ly khai sẽ phát triển. Việc giữ toàn vẹn lãnh thổ trở thành khó khăn. Mà giải quyết các mâu thuẩn này hiệu quả không phải do đàn áp, mà cũng phải là một chính sách hòa giải dân tộc đúng đắn).

Trong khi các « lực lượng dân chủ » của VN thì tản mác, không có những trí thức lớn như trường hợp Đài Loan (năm 1979). Từ khi những trí thức lớn và có uy tín như ông Trần Xuân Bách bị khai trừ năm 1990, thì đảng VN ngày càng rập khuôn theo kiểu mẫu của Trung Quốc. (Ông Trần Xuân Bách là nạn nhân của cánh cực đoan duy ý chí trong đảng, là những người có gốc miền Trung. Phe miền Trung do thua kém miền Nam và miền Bắc về kinh tế, do đó thiên về hướng bảo thủ nhằm giữ lấy quyền. Vô hình chung, thái độ này đã « đóng đinh » VN trên cây thánh giá XHCN từ năm 1990. Nếu không thì VN đã theo mô hình dân chủ tự do từ đó, với những người CS tiến bộ như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách…).

Giả sử bây giờ Mỹ muốn giúp dân chủ VN thì cũng không biết giúp ai ? Có đảng phái, tổ chức dân chủ nào có trọng lượng hiện nay để mà Mỹ giúp ?

Việc Mỹ bán (giới hạn) vũ khí sát thuơng cho VN dầu vậy cũng để dành một cơ hội để phe dân chủ VN và những người tiến bộ trong đảng CSVN nắm bắt. Nội tình đảng CSVN phân chia ra sao, Hoa Kỳ nắm vững. Họ không hề xem VN là một nước đáng tin cậy. Bởi vì lực lượng đảng viên theo TQ vẫn chiếm đa số trong đảng.

Biến cố dàn khoan 981 trên thềm lục địa của VN đã khơi dậy lòng yêu nước nơi mọi người Việt, bất kể quá khứ cũng như lập trường chính trị. Lẽ ra, từ điểm tựa này, nếu có một « chất xúc tác » hữu hiệu, thì rất có thể lực lượng người Việt tại Hoa Kỳ có thể vận động hành lang để chính giới nước này thông qua một luật tương tự « Taiwan Relations Act ». HK sẽ ủng hộ VN, bán vũ khí để VN « tự vệ » và tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng (các phương tiện) hòa bình.

(Ta không nên đánh giá thấp tiềm năng kinh tế của lớp người Việt hải ngoại. Lớp người này gởi về VN hàng năm trên 10 tỉ đô la. Số tiền này VN có thể mua bất kỳ loại vũ khí tối tân nào của Hoa Kỳ.)

Biến cố giàn khoan 981 cũng đã tạo ra cho VN nhiều cơ hội để đạt được mục đích của mình, phía chính quyền cũng như phe dân chủ. Đáng tiếc là cơ hội đã đi qua. Phía TQ đã thấy được sai lầm của họ và đang cố gắng sửa chữa. Ngoại giao con thoi, qua lại giữa các viên chức VN và TQ gần đây cho thấy hai bên dường như đã « quên » quá khứ. Mọi việc đi vào « nề nếp » như trước. Lãnh đạo CSVN đã bỏ qua một dịp may bằng vàng để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa (và Trường Sa) với TQ bằng phương pháp hòa bình, rất thông dụng là Tòa quốc tế. VN cũng bỏ mất dịp may để đưa vùng biển Hoàng Sa trở lại thành vùng VN có tranh chấp với TQ.

Còn phe dân chủ VN thì sao ? Bất lực vì không thể lấy hứng từ « cách mạng dù » của sinh viên học sinh Hồng Kông. Vì giáo dục của VN chỉ có khả năng đào tạo ra « con cừu » chứ không có khả năng đào tạo thành ra con người tự chủ, hữu dụng. Các cuộc cách mạng màu, cách mạng hoa hòe cũng qua đi mà dân chủ VN chỉ « ngóng », không lấy « hứng » được điều gì ! Xã hội VN nó vậy thì phải bó tay thôi.

Chỉ còn con đường của trí thức Đài Loan đã đi. Việc này tôi đã nói đi nói lại nhiều lần trong quá khứ. Trí thức VN nên học tập trí thức « đảng ngoại » của Đài Loan vào thập niên 70, 80, sinh hoạt dưới sự bảo vệ của pháp luật hiện hành, trưởng thành lên từ đó. Bối cảnh VN hôm nay khá giống với Đài Loan thập nên 80. Đài Loan cần Mỹ, cũng như VN cần Mỹ. Mỹ thỏa mãn ý nguyện của Quốc dân đảng với điều kiện dân chủ hoá chế độ. Dân chủ VN cũng có đến bằng con đường tương tự. Vấn đề là dân chủ VN chưa xây dựng được lực lượng.

Phải bắt đầu ở điểm bắt đầu thì mới có thể đi hết con đường.