http://vietnamese.ruvr.ru/2014_03_06/268256941/
Trong các cuộc mạn đàm trước, chúng tôi đã nói về các nhà cách mạng Việt Nam đã học tập tại Matxcơva những năm 20-30 thế kỷ trước trong hệ thống cơ sở giáo dục của Quốc tế cộng sản.
Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên Việt Nam khi học tại trường
Đại học lao động phương Đông của Quốc tế cộng sản ở Nga đều có cuộc sống thuận
lợi và thành đạt.
Hôm nay chúng tôi xin kể với các bạn thính giả câu chuyện về một
học viên Việt Nam có số phận thật trắc trở, bất thường. Đó là ông Lý Di Tú,
sinh năm 1904 ở Nam Định, khi học ở trường Đại học Lao động phương Đông có bí
danh Lê-ô. Năm 1923, trốn dưới hầm chiếc tàu buôn Pháp, người thanh niên thành
Nam này đã bí mật đến Marseille. Năm 1932, Lê-ô gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, và
tháng 12 năm ấy được Đảng Cộng sản Pháp gửi đi học ở trường Đại học Cộng sản
Phương Đông Matxcơva.
Việc học tập ở Matxcơva đã yên ả trôi qua được gần một năm rưỡi.
Tháng Tư năm 1934, trong một cuộc kiểm tra ở trường Phương Đông, Lê-ô đã bị bắt
giam. Nhà sử học Anatoly Sokolov nói:
“Có hai cách lý giải về vụ bắt giam này. Thứ nhất, Lý Di Tú được
cho là đã đánh mất thẻ Đảng. Nhưng đây là giả thuyết không chắc chắn chút nào,
vì khi nhập học ở trường Phương Đông, mọi sinh viên nước ngoài đều phải nộp tất
cả mọi thứ giấy tờ cá nhân cho Ban Thư ký nhà trường. Cách lý giải thứ hai là
hình như khi kiểm tra phòng ở của Lê-ô trong ký túc xá, người ta đã phát hiện
thấy những giấy tờ gì đó khả nghi, chứng cớ về liên hệ của Lê-ô với những người
T’rôt-kit. Ở đây, cần phải nói thêm rằng, thời đó, liên hệ với T’rôt-kit là một
tội nặng. Cùng thời gian này, bị bắt ở Matxcơva khi đang theo học tại trường
Phương Đông còn có con trai Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc, vị Tổng thống
tương lai của Đài Loan, cũng can tội liên hệ với Trôskit.”
Nhưng thôi, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện về Lê-ô. Hẳn là,
những giấy tờ gì đó được tìm thấy trong phòng ở của Lê-ô chỉ là những thứ vô
hại. Đáng tiếc thay, là một người ít học, kém cả tiếng Pháp lẫn tiếng Nga, Lý
Di Tú đã không thể giải thích rõ ràng cho các cán bộ kiểm tra hiểu mình. Mà khi
đó, trong không khí nghi ngờ bao trùm tất cả, nước Nga chìm ngập trong chiến
dịch “thanh trừng kẻ thù nhân dân”, hàng triệu người đã thành nạn nhân, trước
hết là công dân Nga vô tội. Trong bối cảnh ảm đạm ấy, có thể nói rằng Lê-ô vẫn
còn khá may mắn. Ông bị gạch tên khỏi danh sách học viên trường Phương Đông và
chỉ bị giam hai tháng tại nhà tù Lubyanka, nằm cạnh trụ sở KGB. Nhiều người đã
mòn mỏi hàng chục năm trong nhà tù này. Còn Lê-ô, sau hai tháng tạm giam ở đây,
ông đã được giải về vùng Vologodski, cách Matxcơva 500 cây số về phía Bắc. Tại
đó, Lê-ô được giao việc chăn bò.
Năm 1937, Lê-ô quyết định trở lại nước Pháp. Sự quản chế ở nơi đi
đày nói chung khá lỏng lẻo, vì thế Lê-ô đã về được đến Matxcơva, rồi từ đó lên
xe lửa đi Đức. Nhưng khi tàu đến Minsk, thủ đô Belorus, vị hành khách châu Á
này lại bị bắt. Lần thứ hai Lê-ô bị bắt giam và đã ngồi tù một năm rưỡi. Sau
đó, ông bị đày đến trại cải tạo trên lãnh thổ nước Cộng hoà Komi thuộc Liên Xô,
cách Matxcơva 1500 km về hướng đông-bắc. Chỉ đến năm 1946, người tù này mới
được tha. Ra trại, Lê-ô đến sống ở thành phố Ukhta, thuộc nước Cộng hoà Komi.
Năm 1955, Lý Di Tú mới được minh oan là đã bị xét xử nhầm.
Được tự do, Lê-ô đã lấy một phụ nữ Nga trước đây cùng ở tù làm vợ.
Họ có với nhau một người con trai tên là Aleksei. Lê-ô còn có một con trai là
Nikolai với người vợ sau. Cho đến giữa những năm 60, Lê-ô làm nghề cấp dưỡng
tại Ukhta, sau đó về nghỉ hưu.
Những năm ấy, nhiều lần ông tìm cách trở về Việt Nam, từng đề nghị
đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva giúp đỡ. Năm 1958, nhà văn Tô Hoài sang Nga
công tác đã gặp Lê-ô ở sứ quán. Mặc dù hồi ấy Lê-ô chỉ mới 54 tuổi, nhưng trông
già đến mức nhà văn Tô Hoài nghĩ là một cụ già. “Ông cụ” 54 tuổi này quên sạch
tiếng mẹ đẻ, đến nỗi không thể nào phát âm được tên thật của chính mình.
Năm 1984, khi đã 80 tuổi, Lê-ô lại một lần nữa sửa soạn về Việt
Nam. Lần này, nguyên tắc y tế không cho phép ông lên đường, vì ông đã cao tuổi
và sức khỏe kém.
Vậy là, Lê-ô Lý Di Tú đã sống gần 60 năm ở nước Nga. Đến Liên Xô
sau khi Đảng Cộng sản Đông dương thành lập được hai năm, trên đất Nga, Lý Di Tú
đã chứng kiến ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, đón tin quê hương Việt Nam
giành được độc lập, thắng thực dân Pháp, tin giải phóng miền Nam. Trong tù, tại
nơi đi đày và ngoài đời thường, người đàn ông gốc Việt có số phận trớ trêu ấy
đã sống tha hương ở nước Nga lâu hơn tất cả mọi người Việt Nam từng đến và sinh
sống ở xứ sở xa xôi này.
Comment của
Đăng Sinh
Trong những
năm học tập tại Matxcơva, tôi đã có dịp tiếp xúc với cụ Lê-ô và người con trai
Milkov Aleksei. Lúc đó cụ và Aleksei cho biết cụ tên là Đặng Đình Chức quê ở
Thái Bình. (Chứ không phải Lý Di Tú ở Nam Định). Một người bạn của tôi là Mai
Ngọc Căn, khi về nghỉ hè, đã về Thái Bình và tìm được người anh của cụ Lê-ô. Người
thân của cụ ở Thái Bình đã làm thủ tục để cụ Lê-ô về thăm Việt Nam, nhưng lúc
đó Việt Nam chưa thống nhất nên việc đó không thực hiện được. Khoảng năm 1978
Aleksei và vợ có sang Việt Nam đi theo đoàn du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh.
Được Aleksei cho biết, tôi đã bay vào tp Hồ Chí Minh đúng ngày đoàn du lịch đến
và trong khi đi tìm xem anh lưu lại khách sạn nào, thì
tình cờ
gặp vợ chồng anh đứng trước khách sạn Rex. Vợ chồng Aleksei mời tôi vào khách sạn,
nhưng nhân viên bảo vệ không cho tôi lên phòng. Aleksei bèn lên phòng để lấy
quà mà anh mang sang cho các bạn bè Việt Nam. Trong khi chờ anh, tôi được các
nhân viên bảo vệ khuyên là nên ra về vì nguyên tắc bảo vệ (lúc đó). Mấy năm sau
tôi có gọi điện đến Ukhta ( số điện: 007-82147-17491 ) cho anh, nhưng người nhận điện là một phụ nữ, chủ mới
của căn hộ, cho biết vợ chồng anh đã chuyển về Matxcơva sinh sống. "Tiếng
Nói Nước Nga" có cách gì tìm hộ? Cảm
ơn.
Số phận của ông cụ thật éo le, bất hạnh. Cụ Đang Sịnh làm sao mà lại quen được với gia đình cụ Leo - cũng là điều hay và thú vị. Nếu là nhà văn thì cụ Đăng Sinh nên khai thác những chi tiết về đời cụ Leo mà viết thành chuyện hấp dẫn đấy.
Trả lờiXóaTiếc là tôi không phải nhà văn. Nhưng tôi có ý định viết dưới dạng " Những điều trông thấy" để đăng trên Blog Lư Sơn - Quế Lâm. Không biết cụ Calathau có chấp nhận không. Trong đó tôi sẽ viết về dịp may được làm quen với gia đình cụ.
Trả lờiXóa