Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Semen Novoprudsky - Nước Nga gần Ukraine hơn là người ta tưởng

Phạm Nguyên Trường dịch



Những người bị giết và bị thương ở Kiev chính là nạn nhân của một nhà nước rõ ràng là đã thất bại. Nếu tháng 11 năm 2013 ông Yanukovych lặng lẽ ký thỏa thuận hợp tác với EU, và không tham gia vào vụ tiền tống bỉ ổi nhắm vào Moscow và Brussels thì đã không có các nạn nhân này.

Ở đâu không có nhà nước thực sự thì những bi kịch đẫm máu chắc chắn sẽ lặp đi lặp lại. 

Nhưng đấy không chỉ là bi kịch của Ukraine. Gần một phần tư thế kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, gần như ở tất cả mọi nơi trong không gian hậu Xô Viết đều không có nhà nước thực sự. Nga, khác với Ukraine là được dầu và khí đốt cứu. Trên quốc huy của chúng ta đáng lẽ phải là hình giàn khoan dầu và đường ống dẫn khí chứ không phải là hình con đại bàng hai đầu. Những đồng dollar thu được từ dầu và khí đốt hiện đang che lấp được cái lỗ thủng chưa xây xong của nhà nước Nga.


Cho đến nay, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vẫn còn rất nhiều điểm chung. Cụ thể là những dấu hiệu chung chứng tỏ rằng họ đã không xây dựng được một nhà nước vững chắc. Dễ hiểu là hơn hai thập kỷ một chút là thời gian quá ngắn để xây dựng nhà nước từ con số không. Nhưng nó vẫn là phần ba cuộc đời của một con người tương đối thọ. Trong thời gian này có thể tạo ra ít nhất là một bộ khung của Nhà nước. Nhưng ở các nước của chúng ta người ta mới xây dựng được những biệt thự-pháo đài của chính quyền, để chính quyền trốn tránh những người dân sống bên ngoài những bức tường của pháo đài đó mà thôi.

Có thể nói mà không sợ sai rằng Cộng đồng các quốc gia độc lập là Cộng đồng của quốc gia chưa hoàn thiện. Những biểu hiện chính của các cấu trúc nhà nước không ổn định,quái thai ở Nga, ở Ukraine, ở Belarus cũng như Uzbekistan, Tajikistan, Armenia và Azerbaijan đều giống nhau cả.



Thứ nhất, về nguyên tắc là không thay được chính quyền bằng con đường hòa bình vì không có một cơ chế hợp pháp cho việc thay đổi như thế. Chính phủ hiện hành ở những nước này, về nguyên tắc, không cho phép mình sẽ thất bại trong các cuộc bầu cử. Kết quả là, bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào ở Cộng đồng các quốc gia độc lập cũng hoặc biến thành một trò hề của những vụ gian lận hàng loạt, hoặc là biến thành một cuộc trưng cầu dân ý, mà thực chất là kéo dài quyền lực cho đến hết đời của nhà cầm quyền.

Còn trong giai đoạn giữa các cuộc bầu cử thì các nhà lãnh đạo này tìm cách diệt sạch những đối thủ thực sự. Nếu không làm được như thế thì sẽ có những cuộc đảo chính đẫm máu (sau khi Liên Xô tan rã đã từng xảy ra ở Gruzia, Azerbaijan và Kyrgyzstan).

Cuối cùng là những vụ làm xiếc vô liêm sỉ với hiến pháp, tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo ngồi ở ghế tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Thay đổi độ dài của một nhiệm kỳ tổng thống - và thế là mốc tính thời gian của hai nhiệm kỳ được khởi động lại từ đầu (đấy là trường hợp của các nước Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan). Để tạo ra ảo ​​giác về sự thay đổi quyền lực và bỏ qua các quy định Hiến pháp về việc không được ứng cử ba nhiệm kì liền, người ta bổ nhiệm một tổng thống giả (nước Nga ). Còn trong tập đoàn cầm quyền thì người ta chọn một kẻ kế nhiệm đáng tin cậy, rồi sau đó làm mọi việc, cả có thể lẫn không thể, nhằm ngăn chặn chiến thắng của phe đối lập (Armenia).

Dấu hiệu thứ hai của quốc gia chưa hoàn thiện là chế độ cầm quyền tiến hành tư nhân hóa đất nước và chia tài sản đang hoạt động cho những kẻ thân cận. Tất nhiên là các chế độ quân chủ cũng làm như thế, nhưng dù sao đấy cũng là nhà nước hợp pháp.

Trên lãnh thổ của Liên Xô dường như chưa có các vương quốc, vương triều và các đế chế Hồi giáo. Nhưng hầu hết tổng thống đều cư xử như các ông vua, sa hoàng hay quốc vương Hồi giáo. Chỉ có điều là bất hợp pháp mà thôi. 

Do đó chính quyền ở các nước SNG không muốn bị thay thế, họ sợ đến chết việc sau đây: một chính quyền khác sẽ lên, sẽ tịch thu hết tài sản và sẽ làm lợi cho người của mình và sẽ đàn áp những ông chủ cũ.



Đặc điểm quan trọng thứ ba của của quốc gia chưa hoàn thiện là không có đường lối chính trị và kinh tế tự chủ và rõ ràng. Lấy đâu ra đường lối như thế, nếu toàn bộ nỗ lực của chính phủ là để làm giàu cho cá nhân và nắm giữ tài sản. Thật nghịch lý, nhưng cũng hoàn toàn tự nhiên là các tổng thống muốn cầm quyền suốt đời đối xử với tài sản của đất nước cũng chẳng khác gì những tên chiếm đóng và những kẻ làm theo thời vụ.

Họ quan tâm đến tương lai của mình và tương lai của bộ xậu (để không bị lật đổ), chứ không quan tâm tới tương lai của đất nước được giao phó cho họ, chứ chưa nói tới tương lai của dân chúng. Trong khi đang nắm quyền phải lo cho con cái và bạn bè. Chính quyền của quốc gia chưa hoàn thiện bao giờ cũng là chuyện ăn uống chứ không phải là sứ mệnh phục vụ đất nước và người dân.

Biểu hiện thứ tư - coi thường quyền tự do của các phương tiện truyền thông đại chúng và các thiết chế của nhà nước. Hầu như trong tất cả các nước SNG đều không có quốc hội bình thường và tòa án bình thường. Quốc hội trở thành món đồ trang trí của dân chủ hay cái mà gần đây chúng ta  gọi là chiếc máy in bị khùng – thành cơ chế chuyên tạo ra những bộ luật đàn áp và vô lý, ngăn chặn quyền tự do của người dân. Các phương tiện truyền thông thật sự tự do ở các nước SNG ngày càng ít đi, còn kiểm duyệt thì tăng lên. Trong lĩnh vực này và trong những năm gần đây Nga đã nhanh chóng tiến đến và tiến đến một cách có ý thức với các tiêu chuẩn của những nước độc tài vùng Trung Á.

Tấn công vào các phương tiện truyền thông là hệ quả tự nhiên của sự độc chiếm chính quyền và thiếu trách nhiệm của chính quyền. Các phương tiện truyền thông đại chúng là một trong những hình thức kiểm soát chế độ cầm quyền hiệu quả nhất mà xã hội nắm trong tay. Loại bỏ tất cả các hình thức kiểm soát mình chính là nhiệm vụ quan trọng nhất tất cả các chính quyền vô trách nhiệm. 

Máu đổ một cách tàn bạo ở Kiev nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang đối mặt với các mảnh vỡ bị biến dạng, ở mức độ khác nhau, sau sụp đổ về chính trị và kinh tế của Liên Xô, chứ không phải là với những nhà nước độc lập và những quốc gia đang phát triển một cách có kế hoạch.



Một trong những mảnh vỡ đó là Ukraine, nước này có nguy cơ cháy và tan thành những mảnh nhỏ ngay trước mắt chúng ta. Nhưng trong các nước hậu Xô Viết, trong đó có nước Nga, cũng có những rủi ro tương tự. Vì vậy, tiếng vọng từ Kiev cũng có thể bay tới Moscow. Mà có thể bay đến sớm hơn là nhiều người vẫn tưởng.
http://www.gazeta.ru/comments/column/novoprudsky/5918817.shtml

1 nhận xét:

  1. Xem ra không cứ gì các nước SNG, sau khi Liên Xô tan giã, không có được một nhà nước hoàn thiện, một quốc hội bình thường và tòa án bình thường, mà ngay tất cả những nước từng theo chủ nghĩa xã hội, sau khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, thì ở những nước này, dù đảng cộng sản còn cầm quyền hay không còn cầm quyền, cũng không có nước nào có được một nhà nước, một quốc hội, một tòa án tử tế.

    Trả lờiXóa