Phóng sự điều tra của Tô Văn Trường
Tự
đặt tên thể loại là “phóng sự điều tra” nhưng thực tế đây là một bài
viết nghiêm chỉnh, mổ xẻ khá kỹ lưỡng con đường hình thành một nhân cách
lãnh đạo ở cấp cục vụ viện thuộc một ngành nghiên cứu kỹ thuật vào hàng
quan trọng là nông nghiệp, trong bộ máy kinh tế của Nhà nước chúng ta.
Con đường nhiều khuất khúc của cá nhân này rốt cuộc đã dẫn đến những hậu
quả tất yếu về tất cả những gì nằm trong tay con người đó – từ tổ chức
khoa học được lập ra và bị thao túng, cho đến những chương trình nghiên
cứu “thượng vàng hạ cám” mà xem ra không một chương trình nào có hiệu
quả, rồi đến cả những khoản kinh phí vô cùng lớn trong bao nhiêu năm Nhà
nước đã ưu ái đổ vào cho những chương trình kia song cái gì thu lại thì
vẫn còn là một dấu hỏi lớn tướng. Người viết, bằng những lời lẽ kiềm
chế, đã giúp chúng ta hiểu rõ về một con người cùng cái cơ chế tạo nên
anh ta.
Lâu
nay trên báo chí thường có nhiều bài than thở về tình hình kinh tế đất
nước đang chịu rất nhiều hiểm họa, bộ máy công quyền thì quan liêu lãng
phí, làm việc không hiệu quả, tham nhũng tràn lan khắp nơi. Nhưng phân
tích thật sâu vào trường hợp một số cá nhân người lãnh đạo có danh tính
hẳn hoi để rút ra bài học thích đáng cho không chỉ một ngành mà cho toàn
bộ cơ cấu (vốn rất cồng kềnh) của nền khoa học công nghệ nước nhà, thậm
chí cả các ngành khoa học cơ bản, về tự nhiên cũng như xã hội, thì hình
như chưa một nhà nghiên cứu nào cất công làm thí điểm. Trên tinh thần
ấy, chúng tôi hoan nghênh sự mạnh bạo đầy trách nhiệm của TS Tô Văn
Trường và xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài “phóng sự điều tra”
nóng hổi của ông.
Nguyễn Huệ Chi
|
Sau
khi tôi viết bài “Toàn cảnh màu xám của ngành nông nghiệp” được rất
nhiều bạn đọc trong và ngoài ngành quan tâm, chia sẻ. Có ý kiến cho rằng
khuyết điểm của ngành thì Bộ trưởng gánh chịu trách nhiệm là phải nhưng
tham mưu “chỉ lối, dẫn đường” cho ông là ai? Nhiều chuyên gia kỳ cựu
trong ngành kể cho tôi nghe tường tận về “bồ ruột” của Bộ trưởng, là
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát
triển nông thôn (IPSARD). Tham khảo các nguồn thông tin, tư liệu, điều
tra đối chiếu với thực tế, tạm thời vẽ lên chân dung của “người cầm đèn
chạy trước ô tô” của Bộ NN&PTNT thành viên Hội đồng lý luận trung
ương, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn.
Trước hết, xin được
lược qua tiểu sử của anh Đặng Kim Sơn: Sinh năm 1954 tại Thái Bình, tốt
nghiệp đại học Nông nghiệp ngành nông hóa năm 1976. Từ 1977-78: tham gia
Quy hoạch nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long. 1979-1980: làm việc tại
Tổng cục Khai hoang kinh tế mới. 1980-1983: Nông trường Thanh Niên, Hà
Tiên, Kiên Giang. 1984 -1996: Trung tâm chuyển giao kỹ thuật Viện Lúa
đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ. 1997-2000: Vụ Chính sách, Bộ
NN&PTNT. 2001-2005: Trung tâm Thông tin NN&PTNT. Từ 2005 đến
nay: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT.
Công
bằng mà nói những thành tích của anh Sơn thời kỳ còn ở Nông trường Thanh
Niên và khi về công tác Viện Lúa Ô Môn không có gì đáng nhớ ngoại trừ
những điều tiếng liên quan đến mối quan hệ giữa anh và những người bạn
đồng môn, đồng nghiệp của mình. Tiếng tăm của anh Sơn thực sự chỉ “nổi
như cồn” khi anh được Bộ trưởng Cao Đức Phát bổ nhiệm làm Viện trưởng
Viện Kinh tế (nay là Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông
nghiệp nông thôn) với những mẩu chuyện đăng trên các mặt báo tự PR (đánh
bóng) tên tuổi mình (ví dụ “Tiến sỹ Đặng Kim Sơn: Người cầm đèn chạy
trước ô tô”, “Không đủ tiêu chuẩn thì rời vị trí”, “Đặng Kim Sơn: Kệ
nhanh, kệ chậm! miễn hiệu quả!”, v.v.).
Từ những
ngày đầu được điều về làm Viện trưởng Viện Kinh tế (nay là IPSARD) anh
Sơn đã hăng hái bắt tay vào “Đổi mới” Viện với hành động mạnh tay đầu
tiên là hạ bệ một loạt các trưởng và phó bộ môn cũ của Viện. Một số lãnh
đạo cũ không thể hoặc không tiện hạ bệ ngay (vì họ đáp ứng đủ mọi tiêu
chuẩn đặt ra về học hàm, học vị lẫn ngoại ngữ) thì bị vô hiệu hóa bằng
cách giao cho những việc “vặt vãnh”!. Việc vô hiệu hóa một số lãnh đạo
và hạ bệ các trưởng bộ phận cũ không mấy khó khăn do trước đó Viện đã có
kinh nghiệm đau đớn về việc các phe phái “đánh nhau” và mọi người đều
hiểu là khi đánh nhau thì người ở cả hai chiến tuyến cùng rơi vào kết
cục “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”! Ngoài ra, vì biết rằng các
trưởng/phó bộ môn và trưởng/phó các phòng chức năng cũ hầu hết không
biết ngoại ngữ, cũng chẳng ai đủ dũng cảm tự nhận mình là người có thể
chủ động kiếm việc về nuôi quân nên anh Sơn đã tập hợp họ lại và nói đại
ý: “Trưởng phòng, bộ môn trước hết phải là đầu tàu, chủ động tìm
được việc, đi đấu phải thắng thầu cả đề tài Nhà nước và quốc tế. Các
đồng chí trưởng bộ môn: Ai ở đây có thể làm được điều đó?". Tất nhiên hầu hết đều lắc đầu. Thế là việc vô hiệu hóa và hạ bệ một loạt lãnh đạo cũ của Viện diễn ra suôn sẻ.
Song
song, với việc hạ bệ một loạt lãnh đạo bộ môn cũ anh Sơn xây dựng cái
gọi là Trung tâm Xuất sắc (Center of Excellency) để thu hút nhân tài,
tạo lập Viện chính sách như là đơn vị “think tank” về chính sách, chiến
lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kết quả của một trung tâm xuất
sắc hay một Viện chiến lược tham mưu cho Bộ như thế nào thì đến nay chắc
mọi người đều rõ. Xin được điểm qua một vài nét chính:
Kết
quả đầu tiên phải kể đến là sự phá sản của ý tưởng tập hợp toàn những
người “cực giỏi” là những thủ khoa, tiến sỹ và thạc sỹ tốt nghiệp các
trường nổi tiếng trên thế giới vào cái gọi là Trung tâm xuất sắc. Công
bằng mà nói, ban đầu anh Sơn cũng tập hợp được một số cán bộ trẻ được
đào tạo bài bản ở các nước tư bản như Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Nhật, Hà
Lan, v.v. Rất nhiều người trong số này đi theo anh vì bị anh thuyết phục
bằng mức lương cao “ngàn đô/tháng”, điều kiện làm việc tốt, v.v. Bên
cạnh đó, cũng không ít người đi theo anh vì họ đã xem anh là thần tượng
của mình. Phải nói rằng anh Sơn rất giỏi trong khoa nói, nhưng đừng nghe
anh ấy nói, hãy xem anh ấy làm.
Một trong số
những việc làm đáng ngưỡng mộ nhất của anh Sơn là đã không thương tiếc
“chém cả đệ tử ruột” của mình – người được đánh giá là có năng lực và đã
theo anh Sơn từ thuở hàn vi để rồi cán bộ này phải chuyển sang một Viện
nghiên cứu khác. Ngoại trừ phần đông các tiến sỹ, thạc sỹ của trung tâm
đến với anh Sơn vì bị thuyết phục bởi mức tiền lương hấp dẫn nên khi
hết tiền dự án cũng đã “say good bye forever”, còn lại một số khác mặc
dù đến với anh không hẳn vì tiền mà vì ngưỡng mộ anh nên sẵn sàng ở lại
ngay cả khi không có “lương ngàn đô”, nhưng do “không hợp” với anh Sơn
kể cả về quan điểm khoa học hay cung cách quản lý, cũng được anh “thu
xếp” phải ra đi. Ở đây cần nói thêm rằng những người theo anh vì đã từng
thần tượng anh đã mắc sai lầm khi ảo tưởng rằng những góp ý mang tính
xây dựng của mình sẽ được anh trân trọng đón nhận, nhưng thực tế không
phải vậy. Bất cứ ai có chủ kiến đều khó có thể đồng hành cùng anh Sơn,
ngược lại, để có thể đồng hành cùng anh phải biết “gọi dạ, bảo vâng”.
Anh
Sơn vẫn hay nói “người ta đến vì đồng lương còn ra đi là vì quan hệ”,
ngẫm lại thấy nó đúng làm sao!!! Sự ra đi của những người này dẫn đến
tình trạng hiện nay Viện thiếu vắng người đủ tầm kế vị và đó là “lý do
chính đáng” để anh Sơn phải chạy lên Bộ làm đơn xin kéo dài thời gian
công tác, hoãn nghỉ hưu thêm 01 năm để củng cố Viện mặc dù trước đó anh
tung tin giả bộ rằng mình muốn nghỉ hưu sớm. Dư luận mất lòng tin và cho
rằng gần 10 năm làm Viện trưởng còn chẳng củng cố được, liệu 1 năm kéo
dài có là đủ, hay chỉ là thời gian để anh chuẩn bị cho chính sách “hậu
Đặng Kim Sơn”?
Còn nhớ, ngày đầu mới về Viện anh Sơn đã có những phát biểu hùng hồn làm nhiều người ngưỡng mộ: “Hồi
mới về, nhìn tên các đề tài nghiên cứu tôi đã cảm thấy đa số đều có xu
hướng làm để kiếm tiền”; “Chúng ta ăn cơm dân, mặc áo dân, muốn cho tất
cả các đề tài này sống được thì tự nó phải có chất lượng”; “Phải thành
lập hội đồng tư vấn độc lập để tổ chức nghiệm thu đề tài”; “Người được
mời tư vấn trong Hội đồng này phải giỏi hơn hẳn Viện trưởng và những
người làm đề tài về lĩnh vực chuyên ngành"(1); v.v. Thực tế thì hội đồng tư vấn chỉ tồn tại được một thời gian ngắn vì nếu không thì “gậy ông lại đập lưng ông”!.
Các
đề tài mà anh Sơn giao cho nhóm “con đẻ” của mình làm thực sự chỉ mang
tính chất giải ngân, thậm chí còn có hiện tượng “một gà ba cỗ”, điều mà
trước đó chưa từng xảy ra ở Viện Kinh tế cũ. Nhiều đề tài, dự án tiêu
tốn hàng tỷ đồng nhưng không có sản phẩm, ví dụ dự án Đổi mới tổ chức ngành cà phê Việt Nam” thuộc “Chương trình cà phê bền vững Việt Nam”
do IDH tài trợ với tổng kinh phí 4,23 tỷ đồng nhưng sản phẩm khoa học
không có, chủ yếu là các hoạt động đối thoại và vận động chính sách và
thể chế, trong đó khoản chi lương cho 3 cán bộ phụ trách dự án chiếm
49,3% tổng kinh phí đã giải ngân tính đến thời điểm 14/5/2013.
Cần
nói thêm rằng trong quá trình tổ chức lại Viện, anh Sơn đã dồn tất cả
các cán bộ cũ vào bốn bộ môn sau đó lại dồn lại còn hai bộ môn gồm: i)
Thể chế nông thôn, và ii) Chiến lược, Chính sách và lập nên Trung tâm Tư
vấn chính sách (CAP), Trung tâm Tư vấn chính sách miền Nam (SCAP),
trung tâm Thông tin (AGROINFO), và Trung tâm Phát triển nông thôn
(RUDEC). Cán bộ của hai bộ môn hầu như chỉ tự sống ngắc ngoải bằng các
đề tài đấu thầu trong nước, còn các đề tài quốc tế hầu hết được dồn cho
CAP, SCAP, AGROINFO hoặc outsource ra ngoài.
Mặc
dù trong vòng 6 năm kể từ 2006 đến 2012 số tiền dành cho nghiên cứu đến
từ các dự án quốc tế là rất lớn, trung bình mỗi năm lên tới 40 tỷ đồng
nhưng kết quả nghiên cứu và xây dựng Viện đến nay hầu như không có gì
đáng kể. Tự nhận là “think tank” của Bộ NN&PTNT nhưng tới nay Viện
chưa hề đưa ra được chiến lược dài hơi nào cho ngành và cũng chưa đề
xuất được những chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn nào cho ra
hồn! Là viện Chính sách, Chiến lược nhưng các hoạt động nghiên cứu của
Viện hầu hết chỉ là “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”. Lãnh đạo viện
thì luôn phải nhìn mặt và dỏng tai nghe ý kiến của lãnh đạo cấp trên rồi
cùng đồng thanh theo chứ không có và nếu có cũng không dám đưa ra chủ
kiến của một cơ quan nghiên cứu độc lập. Thậm chí, một vài người có đủ
dũng cảm để nói lên ý kiến độc lập của mình còn bị lãnh đạo viện “nhắc
nhở” vì sợ động chạm.
Cầm đầu ngọn cờ đổi mới,
tự nguyện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định
115, nhưng kết quả là sau 2 hay 3 lần xây dựng tầm nhìn của Viện
(visioning) với cả trăm nghìn đô la thuê tư vấn từ Úc, Pháp và Đan Mạch
làm, cuối cùng cũng bỏ vào tủ khóa chặt. Mới đây, Viện lại có mặt trở
lại trong danh sách cơ cấu tổ chức của Bộ NN và PTNT, chẳng khác nào một
Cục, Vụ? Trong nhiều diễn đàn, giải thích về sự thất bại này người “cầm
cờ” đổ tại cơ chế bó buộc, nhất là cơ chế quản lý tài chính và khoa
học! Nhưng dư luận lại đặt câu hỏi “Chẳng lẽ các chuyên gia hàng đầu về
chính sách gồm cả tây và ta tự nghiên cứu cho mình mà lại không hiểu và
không lường trước khó khăn đó, phải để đến lúc làm đụng vào cơ chế mới
biết? Và vì sao có nhiều phiên bản về “tầm nhìn” đến thế mà vẫn không
rút được kinh nghiệm?” Cũng vì sự khó hiểu này mà dư luận cho rằng có lẽ
hoặc là do sự kém cỏi của mấy ông tây hoặc là tại cái “chiến lược giải
ngân” nó thế!
Cũng là đi đầu, ít có Viện chính
sách nào có phổ nghiên cứu rộng và bao quát như Viện chính sách và chiến
lược PTNNNT. Tôi được biết, từ cái nhỏ đến cái to Viện đều nghiên cứu
cả. Nhỏ thì là đi đào tạo nông dân Thái Bình quê tôi trở thành Osin ở
thành thị những mong đề xuất với Nhà nước chính sách chuyển đổi nghề ở
nông thôn. Lớn hơn một tí là nghiên cứu phát triển các ngành hàng nông
sản. Lớn hơn nữa là một loạt các Chiến lược phát triển Khoa học công
nghệ nông nghiệp, đặc biệt là Viện đã từng xây dựng Chiến lược phát
triển ngành nông nghiệp của Việt Nam, từng giúp các bạn Lào xây dựng
“Tam nông”. Mỗi công trình này đều tiêu tốn cả bạc tỷ của Nhà nước nhưng
rồi kết quả đến đâu thì ai có thể trả lời được? Tôi hỏi những người bạn
ở các Viện kỹ thuật nông nghiệp về Chiến lược KHCN của ngành nông
nghiệp, và các chuyên gia lão thành về ngành nông nghiệp đều phán chung
một câu trả lời “No comment – miễn bàn”. Cá nhân tôi thì tự hỏi phải
chăng một Viện nghiên cứu chính sách đầu ngành cần phải tham mưu cho Bộ
một chiến lược về phát triển ngành nghề nông thôn, lớn hơn là về chiến
lược công nghiệp nông thôn chứ ai lại đi làm công việc của một trường
nghề đào tạo Osin để rồi Osin cũng chẳng ra hồn Osin…
Tôi
quê miền bắc, nhưng công tác lại gắn bó nhiều với miền Nam, đặc biệt là
đồng bằng sông Cửu Long, một vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn
nhất của nước ta. Ở đây, câu chuyện “được mùa mất giá” luôn là bài toán
khó với các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương. Câu chuyện, doanh
nghiệp, thương lái và cả nông dân “lật kèo” xảy ra như cơm bữa. Mà
nguyên nhân là các bên đều thiếu thông tin, thiếu cách tổ chức sản xuất
và thương mại các sản phẩm.
Mấy năm trước, được
biết Viện của anh Sơn có hẳn một dự án “Phát triển hệ thống thông tin
thị trường nông sản” do Canada tài trợ kinh phí đến cả mấy triệu đô
la(2). Dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho người sản xuất rau quả
và các bên liên quan ở 9 tỉnh/thành phía Nam, nơi sản xuất hàng hóa phát
triển để tiếp cận, thu thập, phân tích và sử dụng thông tin nhằm ứng
phó tốt hơn với các tín hiệu của thị trường, qua đó tăng hiệu quả sản
xuất và lợi ích kinh tế. Vậy mà gần đây, khi báo chí kêu ca về tình
trạng “được mùa mất giá” tôi có dịp đi xuống miền Tây và hỏi về hệ thống
thông tin này thì chẳng ai biết hệ thống đó ở đâu? Bây giờ cái gì còn,
cái gì mất ai có thể biết được? Dư luận cho rằng chắc nó đi theo dự án
rồi. Nhưng có người lại nói có đâu mà mất?
Chưa
hết, dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ với ngân sách tổng kinh phí
2,6 triệu Euro(3) hỗ trợ phát triển được bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và
vừa, tôi không rõ, chỉ có Bộ trưởng và bản thân Viện mới biết. Nhưng ai
cũng biết rằng có thời Viện đã từng lập cả “Công ty mẹ - Công ty con” để
đi buôn rau sạch. Nghe đã thấy buồn cười và tất nhiên là mô hình này
làm sao có thể phát triển được bởi các chuỗi giá trị nông sản chất lượng
mà các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài và nông dân đang làm không cần mô
hình “mẹ - con” như các tập đoàn nhà nước vẫn hay làm. Cuối cùng, Viện
cũng đã “thanh lý” các công ty vô tích sự này, tất nhiên là sau khi đã
tiêu tốn không ít tiền của vào đây. Tài sản của dự án này vẫn còn một
chiếc ô tô để chở rau, mua vội vàng trước khi dự án kết thúc, hiện vẫn
để ở sân cơ quan chưa biết cho ai vì có quá nhiều doanh nghiệp nên không
đủ chia hay vì chẳng có doanh nghiệp nào, cũng có thể là vì cơ chế quản
lý như anh Sơn vẫn nói, cho nên xe thì vẫn để không mặc cho sương gió
dãi dầu hoen gỉ? Tôi tự hỏi chẳng lẽ các nhà làm chiến lược lại không
hiểu về tính phức tạp của thể chế mô hình công ty mẹ, công ty con? Đem
ra bàn thì dư luận cho rằng cũng lại tại cái “bệnh giải ngân mà thôi”.
Có
nhiều tiền để nghiên cứu là cái tài của nhà quản lý. Nhưng xin được
nhiều tiền rồi mà không biết cách giải ngân thì cũng mệt. Tôi được biết
cách đây vài năm, nhóm nghiên cứu của anh Sơn đã phải “xuất toán” trên
4,5 tỷ đồng trong một dự án do Danida tài trợ vì chi sai nguyên tắc. Và
đó mới chỉ là con số kiểm toán của 1 năm (năm 2008) nhưng phải “đền” đến
trên 4,5 tỷ thì ai đã làm quản lý đều phải sợ. Khó có thể nói chắc rằng
trong cả dự án với vốn cấp lên đến 2,75 triệu đô la thực hiện trong 5
năm 2007-2012 sẽ không còn những sai sót kiểu đó? Ấy vậy, mà tôi được
biết anh Sơn và nhóm nghiên cứu đã “bỏ tiền túi” và tự “thu hồi” để trả
số tiền này. Quả là có trách nhiệm! Nhưng dư luận lại băn khoăn là tại
sao cả một Viện sai, lại phải để một cá nhân và một nhóm người phải “sửa
sai”? Tôi còn nhớ hồi đó, ngoài Viện chính sách cũng có 1 - 2 Viện khác
của Bộ NN và PTNT cũng có “sai sót” với các dự án của Danida tài trợ
với số tiền phải xuất toán nhỏ hơn, nhưng tôi không nghĩ điều này lại
xảy ra đối với Viện và cá nhân anh Sơn, một cơ quan tham mưu về cơ chế
chính sách và đầy kinh nghiệm trong giải ngân các dự án quốc tế. Có
người am hiểu sự tình, lắc đầu châm biếm “đền chi, mỡ nó rán nó cả
thôi!”
Tôi thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm
2006-2013 chỉ riêng 16 dự án hợp tác quốc tế (phần lớn ODA) của IPSARD
do anh Sơn chỉ đạo thực hiện tổng số vốn phê duyệt 11.517.687 đô la,
tổng số tiền bằng đồng lấy tròn 203 tỷ đồng. Anh Sơn có hẳn trang trại
lớn ở Lương Sơn, lấy tên “Đặng gia trang”. Trang trại này rộng khoảng 3
ha, có cả bể bơi, điện mặt trời và người trông coi trang trại được thuê
từ tiền lấy từ dự án Tây Ban Nha.
Cách đây vài
tháng, tôi và anh Sơn cùng tham gia nhóm chuyên gia tư vấn cho dự án của
Hà Lan về Mekong Delta. Chúng tôi trò chuyện về quê hương, về chuyên
môn. Với trách nhiệm của nhà khoa học, nhà báo công dân và vì sự phát
triển của ngành, tôi không thể viết khác những điều mà mình biết!
Trên
đây là một vài nét sơ lược về Tiến sỹ Đặng Kim Sơn để mọi người có thêm
thông tin hiểu rõ hơn về một “nhà nông học xuất sắc của Việt Nam”,
“Người cầm đèn chạy trước ô tô”, “Người nghĩ mở, nói thẳng”, “một tấm
lòng chan chứa tình cảm, luôn trăn trở với các vấn đề nông nghiệp, nông
thôn – lĩnh vực cả đời ông gắn bó!!!”.
T.V.T.
(1) http://vietbao.vn/Phong-su/Khong-du-tieu-chuan-thi-roi-vi-tri/20494387/262/