Tòa Bạch Ốc hôm 3/7 vừa ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Tổng thống vào ngày 7/7 sắp tới.
Đây sẽ là một cuộc gặp lịch sử, sau 20 năm ngày hai quốc gia cựu thù bình thường hóa bang giao, sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, và là lần đầu tiên một Tổng bí thư ĐCSVN đến Hoa Kỳ.
Thông cáo trên cho biết Tổng thống Obama trông đợi thảo luận với nhà lãnh đạo ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng về các phương cách củng cố thêm Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt cùng các vấn đề khác như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác quốc phòng song phương, và nhân quyền Việt Nam.
Trong khi đó truyền thông quốc tế tại Hà Nội cũng cho biết ông Trọng mong muốn trong chuyến công du này sẽ có “thảo luận cởi mở và thẳng thắn với phía Hoa Kỳ để giúp hiểu biết lẫn nhau, xây dựng sự tin cậy giữa hai nước, cũng như để thảo luận về những phương cách thắt chặt quan hệ song phương”.
Đã 20 năm có quan hệ song phương ở cấp Đại sứ, với biết bao nhiêu cuộc thăm viếng của bao thế hệ lãnh đạo các cấp của hai chính quyền mà vẫn chưa hiểu biết lẫn nhau, chưa thu hẹp được khoảng cách khác biệt, chưa xây dựng được niềm tin giữa hai quốc gia, đó chẳng phải là một thất bại sao? Chẳng nhẽ từ trước giờ hai bên chưa bao giờ nói chuyện “thẳng thắn” với nhau sao?
Điều gì đã cản trở quan hệ Việt-Mỹ? Hoa Kỳ thực sự muốn gì ở Việt Nam? Và, Việt Nam cần gì ở Hoa Kỳ? Đâu là những vấn đề song phương còn tồn đọng chưa giải quyết được?
Nhân quyền, cái gai trong quan hệ Mỹ – Việt
Đương kim Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từng khẳng định rằng, “Mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”.
Ông cũng chia sẻ rằng “Hoa Kỳ sẵn sàng chấp cánh cho Việt Nam bay cao và xa” hơn nữa nhưng bay cao và xa tới đâu thì tùy thuộc vào Việt Nam và theo ông nhận định thì nhân quyền là chủ đề mà ông gọi là “hóc búa nhất”, là rào cản trở chính trong quan hệ Mỹ-Việt hiện nay.
Nhân dân Việt Nam hơn bất cứ người dân nào khác trong khu vực hiểu rõ sự hưng vong của Việt Nam cũng như hòa bình, an ninh, thịnh vượng của khu vực Á Châu - Thái Bình Dương sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung của toàn khu vực, trong đó vai trò đặc biệt của Hoa Kỳ như là một tác nhân chính sẽ là một trong các yếu tố quyết định.
Với bề dày quan hệ với một nước láng giềng như Trung Quốc, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ hoan nghênh sự hiện diện tích cực của Hoa Kỳ trong khu vực như một đối tác quan trọng có trách nhiệm.
Họ thừa biết rằng liên minh với Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giúp phát triển kinh tế Việt Nam thịnh vượng, kiến tạo đời sống sung túc, ấm no, hạnh phúc cho người dân Việt Nam.
Nhưng vấn đề ở đây không phải là người dân Việt Nam mà là lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính họ đang là rào cản cho tiến trình “liên minh” đó. Họ thà chấp nhận mất nước hơn là mất Đảng chỉ vì họ sợ rằng một liên minh với Hoa Kỳ tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền sẽ khai tử chế độ cộng sản của họ.
Đó cũng chính là lý do mà Tổng thống Obama quyết định lịch sử mời ông Trọng đến Tòa Bạch Ốc để cam kết rằng “một Việt Nam tôn trọng nhân quyền” sẽ là một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, vững mạnh và thịnh vượng; sẽ là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ, một đối tác khả tín của cộng đồng quốc tế và khu vực.
Hợp tác kinh tế, an ninh và quốc phòng
Như thông cáo của Tòa Bạch Ốc có đề cập, trọng tâm thảo luận giữa ông Obama và ông Trọng ngày 7/7 sắp tới sẽ là: (1) Tăng cường hợp tác kinh tế sâu rộng, đặc biệt với việc sớm kết thúc đàm phán TPP; (2) mở rộng khuôn khổ sự tiếp cận cảng Cam Ranh của Hải quân Mỹ; và (3) năng cấp hợp tác quốc phòng thông qua việc tiến tới hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Cả ba chủ đề trên, ông Trọng chắc chắn sẽ có cơ hội “thảo luận cởi mở và thẳng thắn” với ông chủ Tòa Bạch Ốc nhưng ông Trọng cũng cần hiểu rằng người Mỹ rất quý trọng thời gian và họ sẽ không đủ kiên nhẫn để chỉ nói mà không có hành động thực tiễn đi kèm mặc dù họ sẵn sàng chấp nhận cho Việt Nam hưởng một số quy chế đặc biệt để có thể theo kịp 11 quốc gia còn lại trong khối TPP.
Với đạo luật “Quyền đàm phán nhanh” (TPA), Tổng thống Obama sẽ cam kết để Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng ông Trọng cũng cần phải cam kết tuân thủ triệt để các điều khoản của TPP, đặc biệt về sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng như các điều khoản về quyền lập hội, tự do tổ chức nghiệp đoàn độc lập, quyền đàm phán chung của người lao động, những quy định như cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, cấm khai thác lao động trẻ em, cấm không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.
Tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều kinh tế nhưng Việt Nam phải chấp nhận hy sinh «đổi mới chính trị».
Về vấn đề quân cảng Cam Ranh, phía Mỹ từng khẳng định rằng họ không có nhu cầu xây dựng căn cứ quân sự ở đây. Cái mà Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam là quyền tiếp cận bến cảng này.
Việt Nam có quyền tự do giao lưu với tất cả các nước và cho phép các quốc gia có nhu cầu sử dụng quân cảng Cam Ranh được quyền tiếp cận. Tuy nhiên, điều Hoa Kỳ quan ngại là sự tiếp cận của bên thứ ba có thể làm tổn hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ, thí dụ như trường hợp gần đây, Hoa Kỳ đã chính thức gửi công điện tới chính phủ Việt Nam phản đối việc Nga đã dùng quyền tiếp cận căn cứ Cam Ranh để thực hiện các hoạt động quân sự có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Chắc chắn, Tổng thống Obama sẽ nhân cơ hội này làm ông Trọng hiểu rõ rằng «Việt Nam không thể kết bạn với những kẻ thù của Hoa Kỳ».
Về vấn đề hiện đại hóa quốc phòng Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tái cam kết sớm xem xét việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lưu ý Việt Nam cần nghiêm túc hơn nữa về tình trạng nhân quyền. Mọi tiến bộ về nhân quyền sẽ là tiến bộ tỷ lệ thuận với việc hủy bỏ lệnh cấm vận này. Đó là điều mà ông Obama sẽ không ngần ngại tái khẳng định với ông Trọng.
Tự do hàng hải, hàng không và an ninh Biển Đông
Một vấn đề khác quan trọng cũng nằm trong chương trình nghị sự của hai ông Obama và Nguyễn Phú Trọng hôm 7/7 là Biển Đông.
Bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không chỉ có tầm quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực mà còn vì lợi ích của toàn thế giới, nơi mà hàng năm có trên 40% tổng lưu lượng hàng hóa trên thế giới được di chuyển qua khu vực này. Đây cũng là nơi điểm xuất phát của hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới (Trung Quốc và Nhật Bản).
Hoa Kỳ luôn khẳng định có quyền lợi quốc gia trong việc bảo vệ an ninh, hoà bình và sự tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông.
Tuy không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng vì quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đàm phán ngoại giao, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Tổng thống Barack Obama hồi đầu tháng 6 vừa qua cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên trong khu vực tôn trọng luật pháp và ngừng những hành động gây hấn như cải tạo đất trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu quân sự đến khu vực căng thẳng để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.
Chắc hẳn chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi đọc một đoạn văn tương tự như trên trong Tuyên bố chung Mỹ – Việt sau buổi hội đàm Obama – Nguyễn Phú Trọng (nếu có).
Tương lai Việt Nam
Ở một chừng mực nào đó, cuộc viếng thăm Tòa Bạch Ốc của TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ được ghi nhận như một sự kiện lịch sử vì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo CSVN, một thể chế thù nghịch với Mỹ bước vào Tòa Bạch Ốc, cơ quan quyền lực bậc nhất của Hoa Kỳ và thế giới.
Tuy nhiên, nếu dừng tại đây thì nó chỉ có giá trị mang tính biểu tượng và sẽ chóng bị lãng quên. Nhưng nó sẽ có giá trị nhiều hơn nếu như chuyến công du này thực sự mang lại một luồng sinh khí mới cho Việt Nam thông qua những cam kết cụ thể của hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.
Hoa Kỳ với cam kết giúp đỡ “Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”. Và TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ nhân danh ĐCSVN cam kết “đổi mới chính trị, tôn trọng nhân quyền” để có thể sát cánh cùng Hoa Kỳ trong công cuộc kiến tạo hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.
Từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên bước vào Tòa Bạch Ốc năm 2005 cho đến nay, hễ mỗi lần có một lãnh đạo cấp cao CSVN đến thăm nơi này thì truyền thông độc quyền nhà nước Việt Nam thường có những bài viết hoài niệm về một nỗi niềm nuối tiếc nào đó cho những cơ hội vàng đã bỏ lỡ trong quan hệ của hai nước kể từ năm 1945.
ĐCSVN có thể quy đổ trách nhiệm đó cho người Mỹ và cho rằng Hoa Kỳ không hiểu người CSVN nhưng lần này thì người CSVN không thể trách là người Mỹ không hiểu họ.
Với tất cả những gì người Mỹ đã làm từ 20 năm qua và đặc biệt trong chuyến bay đưa ông Trọng từ Hà Nội đến Washington để vào Tòa Bạch Ốc, có một cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, người của 20 năm trước đã can đảm mở đường bang giao với Hà Nội giữa muôn vàn khó khăn, đi tháp tùng. Đó không thể là một thông điệp không rõ ràng hơn được về sự quan tâm trân trọng của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Liệu ông Trọng sẽ mang thông điệp gì đến Washington và quan trọng nhất vẫn là sau khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Trọng và những người đồng chí của ông sẽ làm gì để “Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét