Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Ngay khi Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ Tàu cộng cùng lúc mời hai bộ trưởng quốc phòng hai nước Campuchia và Lào sang để làm gì?


Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia đi Trung Quốc liên quan gì đến Việt Nam?


23 viên tướng do ông Tea Banh dẫn đầu có mặt tại Bắc Kinh trong lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thăm Mỹ gây ấn tượng mạnh hơn là sự trùng hợp.




Ông Tea Banh tiếp Hứa Kỳ Lượng trong một chuyến thăm đến Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times.
The Diplomat ngày 10/7 bình luận, tại sao Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh lại dẫn theo một phái đoàn tướng lĩnh cao cấp quy mô lớn thăm Trung Quốc lúc này, liệu nó có liên quan gì đến căng thẳng biên giới giữa Campuchia với Việt Nam (do lực lượng đối lập CNRP cổ súy, kích động phá hoại) hay không?

Ông Tea Banh dẫn theo 23 tướng quân sự và an ninh cấp cao thăm Trung Quốc 5 ngày bắt đầu từ ngày 8/7. Trong khi cả Bắc Kinh và Phnom Penh đều nhấn mạnh rằng chuyến thăm này là “thói quen”, “thông lệ”, nhưng những sự kiện gần đây cũng như những chi tiết cụ thể của chuyến thăm có thể đáng chú ý nhiều hơn.

Bản thân ông Tea Banh nói với The Cambodia Daily rằng đó chỉ là chuyến thăm “không có gì lớn”, phát ngôn viên quân đội Campuchia nói với báo giới đây là hoạt động thường xuyên mỗi năm một lần. Báo chí Trung Quốc thì viết rất ít về chương trình nghị sự, ngoài việc chuyến thăm này được thiết kế để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương”, Tea Banh gặp các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc và thăm một số cơ quan chủ chốt của Bộ Quốc phòng nước chủ nhà.

Đối với một số người, thật khó tin khi 24 viên tướng Campuchia từ Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân, Không quân cho đến Cảnh sát quân sự quốc gia đi Bắc Kinh chỉ để “thúc đẩy hữu nghị”. Quy mô phái đoàn này cho thấy chuyến thăm được thiết kế để làm một số vấn đề lớn trong khi đang xảy ra những biến động không nhỏ lúc này, The Diplomat bình luận.

Bất kể bản chất chuyến thăm này là gì cũng nhận được sự quan tâm lớn bởi nó diễn ra chỉ vài ngày sau các cuộc va chạm ở biên giới Campuchia – Việt Nam cuối tháng 6 (CNRP kích động cái gọi là) chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. CNRP cáo buộc đảng cầm quyền CPP đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen “sử dụng bản đồ được vẽ bởi Việt Nam để đàm phán biên giới với Việt Nam”.

Ông Hun Sen đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon xin mượn lại bản đồ Hiến pháp do Sở Địa dư Đông Dương thời Pháp xuất bản trước năm 1955 mà ông Norodom Sihanouk đã nộp cho Liên Hợp Quốc năm 1964 để đối chiếu. Ủy ban Biên giới Chính phủ hai nước vừa tổ chức một cuộc họp 3 ngày và kết thúc hôm qua.



Ông Thường Vạn Toàn đón ông Tea Banh.


Với những diễn biến này, ông Tea Banh dẫn theo 23 viên tướng hàng đầu đi Bắc Kinh là một sự đảo ngược “có thể hiểu được”, The Diplomat bình luận. Trung Quốc là nhà viện trợ quân sự và tài chính lớn nhất của Campuchia, quan hệ quốc phòng 2 nước đã được tăng cường trong vài năm qua. Trong khi đó quan hệ Trung – Việt trở nên căng thẳng và ảnh hưởng đến tam giác trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung.

The Diplomat cho rằng, 23 viên tướng do ông Tea Banh dẫn đầu có mặt tại Bắc Kinh trong lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thăm Mỹ gây ấn tượng mạnh hơn là sự trùng hợp. Mặc dù các quan chức Trung Quốc hay Campuchia không công khai nhắc tới biên giới Việt Nam – Campuchia trong chuyến đi này, nhưng vẫn có những dấu hiệu gián tiếp cho thấy sự liên quan nếu ai đó quan tâm tìm kiếm nó.

Ví dụ sau khi ông Tea Banh hội đàm với Thường Vạn Toàn, hội kiến Hứa Kỳ Lượng, Campuchia và Trung Quốc cam kết cải thiện hợp tác quân sự và “tiếp tục hỗ trợ nhau trong các vấn đề chủ yếu liên quan đến lợi ích cốt lõi“. Cụm từ “lợi ích cốt lõi” trong trường hợp này thường được dùng một cách quá mức và gây tranh cãi về sự thay đổi của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó phần lớn có sự hỗ trợ từ Campuchia.

Điểm nhấn nữa đáng chú ý là sự nhấn mạnh hỗ trợ các lợi ích cốt lõi “của nhau”. Trong khi người ta có thể tranh luận về lợi ích quốc gia bao gồm những gì, thì vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (theo cách hiểu sai lầm của một số người Campuchia) là yếu tố đáng kể trong các vấn đề biên giới với Việt Nam đang diễn ra chắc chắn là một trong số các “lợi ích cốt lõi” vừa đề cập.

Tân Hoa Xã ngày 9/7 nói rằng Trung Quốc và Campuchia tuyên bố sẽ nâng cao hợp tác quân sự, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề chính liên quan đến lợi ích cốt lõi. Hứa Kỳ Lượng – Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương khi tiếp ông Tea Banh đã nói, hai bên đã hỗ trợ nhau trong các vấn đề “chủ quyền, an ninh và phát triển”, hy vọng hai nước tăng cường hợp tác đối phó với “những thách thức”.

Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì bình luận rằng quan hệ hợp tác quân sự Trung Quốc – Campuchia đang ở thời kỳ “tốt nhất từ trước đến nay” với sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, hợp tác kinh tế – an ninh cùng thắng.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã phân tích về yếu tố Trung Quốc ở biên giới Tây Nam mà chúng ta cần cảnh giác, mời quý độc giả quan tâm theo dõi

(Theo Giáo Dục)

Bộ trưởng Quốc phòng Lào thăm Trung Quốc, Bắc Kinh muốn tạo dựng sân sau

Lào phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đất đai giàu khoáng sản của mình làm vật thế chấp, hoạt động hợp tác chủ yếu mang lợi cho Trung Quốc.




Bộ trưởng Quốc phòng Lào và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc.

Tân Hoa Xã ngày 8/7 đưa tin, Trung Quốc và Lào đã cam kết tăng cường quan hệ hợp tác quân sự gần gũi hơn nữa trong hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lào Sengnuan Saiyalath với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm Thứ Tư vừa qua tại Bắc Kinh.

Khi tiếp ông Sengnuan Saiyalath, Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc nói rằng nước này và Lào là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Ông Lượng kêu gọi hai bên đẩy mạnh hợp tác toàn diện, duy trì đà phát triển quan hệ và “chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo”.

Bộ trưởng Quốc phòng Lào đồng ý rằng quân đội hai nước đã ủng hộ lẫn nhau trong một thời gian dài và có tình hữu nghị sâu sắc. “Lào sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng quân đội và củng cố quan hệ song phương cũng như quan hệ quốc phòng”, ông Sengnuan nói.

Khi hội đàm với Thường Vạn Toàn, tướng Sengnuan bày tỏ biết ơn sự viện trợ quân sự từ Trung Quốc. Ông Toàn nhấn mạnh, củng cố và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Trung – Lào là “nguyện vọng và trách nhiệm chung” của hai bên. Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác an ninh đa phương với Lào nhằm đẩy quân hệ quân sự song phương lên tầm cao mới.

Xung quanh sự kiện này tờ International Business Times ngày 10/7 bình luận, việc Trung Quốc và Lào công bố quan hệ hợp tác quân sự gần gũi hơn trùng với quá trình đầu tư của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng kinh tế của nước này tại Lào.

Kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng “một vành đai, một con đường” sẽ liên kết Trung Quốc với Lào bằng đường sắt, là “chìa khóa phát triển kinh tế” cho Lào. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lào Lattanamany Khounnyvong cho biết: “Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Lào gồm cả đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt đang tụt hậu so với các nước khác.”

“Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông với các nước khác là chìa khóa cho Lào phát triển đất nước”, ông Khounnyvong bình luận. Dự án này sẽ biến Lào trở thành đất nước kết nối.

Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo rằng, các quan hệ vừa chớm nở có thể phát triển quá lệch. Lào phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đất đai giàu khoáng sản của mình làm vật thế chấp, hoạt động hợp tác chủ yếu mang lợi cho Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận trên đài VOA: “Đó là một phần chiến lược thúc đẩy của Trung Quốc phát triển các tuyến đường kinh tế của mình xuống phía Nam và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuyến đường sắt cao tốc sẽ khiến Lào rơi sâu hơn vào các khoản nợ nần với Trung Quốc”.

Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị đại học Chulalongkom ở Thái Lan nói với VOA: “Trong số các nước tham gia (dự án một vành đai, một con đường của Trung Quốc), Lào là nước có nguy cơ bị Trung Quốc thống trị nhất. Lào là một nước nhỏ, nền kinh tế nhỏ và Trung Quốc thì không ngại làm cho lục địa Đông Nam Á thành không gian sân sau của mình. Họ làm điều đó ngay bây giờ”.

(Theo Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét