Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

"TRƯỜNG CHÚNG MÌNH" - Thơ và Lời bình

Ngày 30 tháng 8 năm 2013 các thày cô giáo, các học sinh Trường thiếu nhi Lư Sơn – Quế Lâm đã kỷ niệm 60 năm thành lập. Trường tồn tại có mấy năm, nhưng ký ức về trường thân yêu cứ theo đuổi mãi với từng người. Nhiều hoạt động kỷ niệm đã diễn ra liên tục đều đặn hàng năm, nhiều bài hồi ký, nhiều bài thơ đã được viết. Nhưng ấn tượng nhất, đối với tôi, là bài thơ “ Trường chúng mình” của Vũ Quang Trung sáng tác trong dịp bạn thăm lại Trường cũ. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường và cũng là nhân dịp mở lại Blog của một thành viên Lư Sơn – Quế Lâm, tôi xin đăng lại bài thơ cùng những lời bình lấy từ Blog “NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC" tại link http://songdaohoa.blogspot.com/2013/8-truong-chung-minh-vu-quang-trung-e-m.html Tôi tự coi như một dấu ấn đậm trong những ký ức về Trường.

********

TRƯỜNG CHÚNG MÌNH
                                                 Vũ Quang Trung

Em nhỉ, ngày xưa trường chúng mình
Sông mềm như lụa, núi như tranh
Trúc đào sắc đỏ sân thêu nắng
Rặng liễu ven hồ soi tóc xanh

Đông lạnh vây quanh chảo than hồng
Hè về vùng vẫy bến sông trong
Trung thu phá cỗ đêm trăng sáng
Xuân nhảy Ương ca trống bập bùng

Em tuổi mười ba, anh mười lăm
Táo đã thôi xanh, trăng đã Rằm
Trang đời hé mở sau trang sách
Em cũng đẹp dần trong mắt anh...

Ta sống hồn nhiên đến chẳng ngờ
Sống như hoài bão, sống trong mơ
"Bốn phương vô sản - giai huynh đệ"
Liềm búa vàng sao một sắc cờ!

Mơ ngược Von-ga xuôi Dương Tử
“Công phá Béc-lanh”, “Chiếm Hoa Sơn”
Thương bao thân phận “Bạch Mao Nữ”
Mơ hoá Đại Xuân đến rửa hờn

Nước mắt còn rơi đêm chẳng ngủ
Thương tuyết rừng Nga vết máu in
Zoia giặc Đức đem treo cổ
Vẫn gọi tên Người "Xít-ta-lin!"

Những Coóc-sa-ghin, Đổng Tồn Thụy
Những Nguyễn Thị Chiên, La văn Cầu
Từ trong trang sách, trong câu hát
Gương sáng muôn đời thế hệ sau.

Anh mơ cưỡi ngựa lên Tây Tạng
Vượt suối, vượt đèo, “Vượt Nhị Lang”
Hay đâu đất nước thôi bom đạn
Súng vẫn nổ sau lũy tre làng!

Trống vẫn giục, sân đình bốc lửa
Em “Hái chè bắt bướm” còn say
Có hay đâu hai dòng lệ ứa
Mẹ Việt Nam áo mỏng vai gầy!

Thế rồi hai đứa phải xa nhau
Nào có ngờ đâu có hẹn đâu
Trúc đào sắc đỏ không còn thắm
Sông chẳng buồn xanh, núi bạc đầu.

Thôi cứ để trôi trong ký ức
Một dòng sông lấp lánh tuổi thơ
Thôi cứ để yên trong lồng ngực
Mãi một yêu thương
Một dại khờ.

Lư Sơn-Quế Lâm 28.8.2003

---------------------------------------------------

LỜI BÌNH (Comments)
Hoàng Thế Long (22-2-2008)
Một ngày cuối tháng 9 năm 2006, tại Hội trường lớn trường Đại học Bách khoa, diễn ra Lễ kỷ niệm thành lập Khu học xá Trung ương lần thứ 55. Khối lớp của chúng ta đóng góp nhiều tiết mục văn nghệ, có lẽ do trẻ nhất, bạn Lân Cường phụ trách phần này. Chúng ta đã có dàn hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc”, chi Kim Tuyên và 3 chị khác từ Tp Hồ Chí Minh mang ra tiết mục múa Tân Cương…
Chỉ ngay trước khi phải lên đứng trong dàn hợp xướng, anh Lân Cườngdúi cho tôi bản in bài thơ “Trường chúng mình” của Quang Trung và phân công cho tôi đọc vào tiết mục thứ 5. Tôi phản ứng vì: 1) Bài thơ này rõ ràng là về Trường Quế Lâm; 2) Tôi không kịp chuẩn bị. Anh Lân Cường nói ngắn gọn “Thôi, không bàn nữa, ghi tên mày rồi!”
Sau khi hát trong dàn hợp xướng xong, tôi có khoảng thời gian giữa 3 tiết mục (khoảng 10 phút) để đọc lại bài thơ. Không ngờ rằng bài thơ đã “nhập hồn” tôi ngay, tôi đã thuộc lòng, đến nay vẫn nhớ. Đối với tôi, đây là bài thơ hay nhất viết về “thời ấy” tôi đã được đọc, chỉ bằng thơ mới nói lên được những điều khó nói, mà thể loại khác khó diễn đạt được. Cảm nhận của tôi về bài thơ đã được chia sẻ cùng khoảng 20 bạn trong một buổi liên hoan thân mật. Khi ra về, Bang Ngạn nói: “Cậu bình bài thơ hay quá!”. Tôi bảo: “Mình nói về cảm nhận của mình đấy chứ, mình có bình đâu!”.
Sau lễ kỷ niệm khoảng một tuần, tôi nhận được một cú điện thoại của một cựu học sinh trường Sư phạm Khu học xá (năm 1956 trường này đã về nước nên khi ta xuống KHX chỉ còn 4 trường cấp I và một trường cấp II-III), những người này là một khối khá đông đã dự buổi lễ kỷ niệm ấy và dò hỏi được số diện thoại của tôi, hỏi xin tôi bài thơ mà tôi đã đọc. Tôi “gõ” lại theo trí nhớ và format đẹp đẽ gửi đi. Sau đó chúng tôi có dịp trao đổi với nhau qua điện thoại về những cảm nhận bài thơ.
Thì ra ngoài những câu tả cảnh “sơn thuỷ giáp thiên hạ” đặc trưng cho Quế Lâm ở khổ đầu, còn lại là CÁI CHUNG của “thời ấy” và chính vì thế mà nhiều bạn tuy không học ở Trường TNVN Quế Lâm vẫn thích bài thơ này !

Nguyễn Nguyên Hân

Tôi đã có lần nói về bài thơ này, một trong số bài thơ hay của Quang Trung. Nay nhân ngày thơ Nguyên Tiêu xin viết thêm vài dòng.
Tính hàm súc của nội dung thật phong phú: về cảnh trường ta, về nhịp sống ở trường về bản thân và về một em gái nào đó và nối dòng suy nghĩ tình cảm về tận quê nhà những năm tháng ấy và rồi lại quay về ngôi trường xưa cùng các cố nhân.
Khổ thơ đầu là cả bức tranh đẹp gợi nhớ một thời thơ ấu hồn nhiên và tươi đẹp chung một mái trường.
Khổ thứ 3 , một sự lãng mạn thấm đẫm tình người, hồn nhiên, rất thật. Sự rung động đầu đời này đủ cảm nhận chứ không phải choáng váng sét đánh trước người bạn gái mà mỗi ngày mình nhận thấy một đẹp hơn lên theo tuổi lớn của cả hai.Câu thơ thật đẹp! Tôi thật tiếc mình hơi chậm phát triển thiên hướng tình cảm này so với Quang Trung và một số bạn!
Mở ra từ câu “Hay đâu đất nước thôi bom đạn ..." đến"... mẹ Việt Nam áo mỏng vai gày" nói về đất nước và dân ta những năm ta ở bên đó đâu có hay “mẹ già áo rách sờn vai cơm ăn bát vơi bát đầy". ( Bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy). Nhớ lại, sau Hội nghị Giơnevơ 1954, hết chiến tranh, nước ta chia hai miền. Nam-Bắc, hòa bình đấy mà nơi thì"súng vẫn nổ", nơi thì " sân đình bốc lửa" . Những cảm nhận này những năm sau nhiều bạn chúng ta cũng đã từng trải nghiệm.
Hai khổ thơ cuối chắc được nhiều bạn tán thưởng vì là tâm tình của lứa chúng ta: đó vừa là một nuối tiếc và một tâm niệm tác giả tự bảo với mình thôi, nhưng lại rõ là thay cho nhiều bạn chúng ta. So với câu "Mà đến hôm nay anh mới biết Tình ta như chuyện bướm xưa thôi", trong bàiTrường Huyện của Nguyễn Bính thì hoài niệm này là khác hẳn. Tác giả tự nhủ " Thôi cứ để trôi trong ký ức" lại "cứ để yên trong lồng ngực"một cụm từ bao quát cho toàn bài thơ, đó là " Một yêu thương, một dại khờ ". Yêu thương thì khỏi phải nói nhiều, còn dại khờ ư? Sự dại khờ đáng quý của thuở niên thiếu ngày ấy giúp cho các cá nhân có bản sắc sống thật, khác với sự dại khờ trong cuộc đời bon chen giành giật, hoặc của những kẻ vượt quá khôn khéo mà mất tỉnh, mất mình.

Nguyễn Ngọc Trâm

Quang Trung có nhiều thơ, nhưng đây là bài mà lần nào đọc tôi cũng xúc động. Chỉ vài nét thôi, bạn đã vẽ ra bao hình ảnh thân thiết của mái trường; bao kỉ niệm được hiện lên rõ mồn một. Nhân vật nền của bài thơ là đôi bạn trẻ yêu nhau, tình yêu mới chớm đầu đời thật trong sáng. Bởi vì với họ còn bao nhiều niềm say mê, bao nhiêu ước vọng lớn lao, và cả những nghĩa vụ với nước nhà. Thế rồi tình yêu không có hậu, ngôi trường xa dần, thay đổi dần với thời gian, với cuộc đời. Và khổ thơ cuối thật buồn tiếc, thật sâu lắng, nó được giữ lại trong lòng tôi, trong lòng bạn.
Quang Trung tự nhận mình làm bài thơ này trong tâm trạng BUỒN. Buồn là trạng thái tình cảm tự nhiên, không phải buồn là xấu. Có những nỗi buồn làm người ta trở nên sâu sắc hơn và mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Bạn buồn hay vui cũng được, miễn là bạn sẽ mang lại cho bạn bè, cho ĐỜI những bài thơ hay!

Vũ Đăng Sinh : (4-3-2008)

Bài thơ “Trường chúng mình” tôi được nghe Quang Trung đọc trong chuyến thăm vịnh Hạ Long hè năm 2007. Tôi thực sự xúc động và sửng sốt trước bài thơ như trước một khái quát giàu hình tượng về những trải nghiệm của cuộc đời từ “ tuổi thơ lấp lánh” đến cái “tuổi xưa nay hiếm”của mình.
Xuyên suốt bài thơ là hình tượng một mối tình. Trong mối tình này có nhiều hình ảnh ẩn dụ. Đó là hình ảnh cô gái của tuổi thơ, bằng xương bằng thịt và “đẹp dần trong mắt anh”. Đằng sau cô gái, ta thấy thấp thoáng, nhưng lại được cảm nhận rất rõ, hình ảnh một đất nước cũng ở tuổi thơ, mà ta yêu thiết tha như mối tình đầu. Trong bài thơ, hình ảnh cô gái và hình ảnh đất nước này xuất hiện cùng thời, diễn biến song song và tan biến cùng lúc, cái này lặn thì cái kia cũng mất. Đó còn là hình ảnh mối tình đối với lý tưởng, hoài bão và ước mơ: “Bốn phương vô sản giai huynh đệ/Liềm búa vàng sao một sắc cờ”. Mối tình như tương lai lấp lánh phía chân trời xa sao mà rực rỡ, sao mà huyền diệu và cuốn hút lạ lùng.
Thế rồi vật đổi sao dời, mối tình ấy không kết thúc bằng cái kết có hậu.“Nào có ngờ đâu có hẹn đâu”. Tác giả không đổ lỗi cho ai cả, chỉ tự nhủ mình: thôi cứ để mối tình ấy “trôi trong ký ức”, “để trong lồng ngực”. Sao mà bứt đi được! Hình như vần “khờ” mà Quang Trung gieo ở cuối bài đã bật ra một cách tình cờ, không có chủ định từ đầu. Sự “dại khờ”đâu có được khơi gợi ở bất cứ đoạn nào, câu nào, đâu có song hành với mối tình trong cả bài thơ ấy. Trong cuộc sống và mối tình xưa Quang Trung chỉ nói đến sự hồn nhiên, “hồn nhiên đến chẳng ngờ”. Thì ra “dại khờ” ẩn ngay trong cái “hồn nhiên đến chẳng ngờ” ấy, bây giờ mới nhận ra. Vì thế “một yêu thương” và “một dại khờ” không phải là hai mà chỉ là một.

Nguyễn Nguyên Hân

Bàì viết của Vũ Đăng Sinh tuy ngắn thôi nhưng sâu sắc và có những ý hướng dẫn và phát hiện cảm nhận, logic chặt chẽ. Đúng là phong độ của nghề phê bình. Trong văn học nghệ thuật rất cần những nhà phê bình giúp cho người sáng tác vươn lên tầm cao, lại cho độc giả , khán giả phát hiện và thưởng thức những điều hay nét đẹp của tác phẩm .

6 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Đăng Sinh đã cho xem lại bài thơ và những lời bình cũng :HAY ĐÉN BẤT NGỜ như bài thơ. .Chì còn biết luyến tiếc một thời quá đẹp và :"hồn nhiên đến chẳng ngờ " mà không bao giờ có lại !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời khen của chị Diệu Huyền. Đúng như chi viết: Một thời quá đẹp. Tôi trân trọng nó, tôi không tiếc vì nó qua đi và cũng không mong nó sẽ lặp lại.

      Xóa
  2. Cuối năm 2008 tôi mới mở blog và cùng nối lại mới quan hệ với anh chị em QL.
    Một vài lần tôi đã được nghe bài thơ này (không chính thức, không trọn vẹn.
    Hôm nay được ĐS cho đọc trọn vẹn bài thơ cùng những lời bình rất hay, rất ý nhị, khai mở cả chiều sâu ý thơ của tác giả.
    Tôi rất tâm đắc câu bình của nhà lý luận ĐA:-Thì ra "dại khờ" ẩn ngay trong cái "hồn nhiên đến bất ngờ" ấy, bây giờ mới nhận ra. Vì thế "một yêu thương" và "một dại khơ" không phả là hai, mà chỉ là một.
    Cám ơn NHÀ THƠ !
    Cám ơn các nhà bình luận !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chính xác là "hai trong một" như cafe có sẵn đường vậy.

      Xóa
  3. Quang Trung và Đăng Sinh- 2 thằng họ Vũ gặp nhau trong các dịp hội hè quả thật ít nói chuyện dài với nhau.Nhưng mình thật bất ngờ bạn đã có sự đồng cảm rất sâu sắc khi lần đầu tiên nghe mình đọc bài thơ này ! Bạn đã có bài phân tích khá toàn diện và Nguyên Hân, một "cây lý luận-phê bình" rất khó tính và kiệm lời nhiều lần đã phải đánh giá " bài nhận xét của ĐS là tầm cỡ nhất". Thực ra, đúng như tên bài thơ " Trường chúng mình" chỉ để dành riêng cho "chúng mình" đọc mà thôi. Những hình ảnh, những sự việc, những suy tư ...của tác giả trong bài thơ đã không còn là của riêng tác giả nữa, mà là của "chúng mình" mất rồi. Bài thơ hình như nó đã có một đời sống riêng đối với mỗi người đọc vốn đã từng trải qua những năm tháng LSQL. Chắc chắn với "người ngoài cuộc" sức rung cảm sẽ giảm đi rất nhiều. Vì thế bài thơ kiểu này không thể công bố trên báo chí rộng rãi ... Chỉ riêng 1 câu " Mãi một yêu thương. Một dại khờ" mà ĐS gọi rất đúng là " hai trong một" thì chỉ có những " Người QL" mới hiểu được mà thôi ! Kỷ niệm tuổi thơ cũng là đấy mà ý nghĩa Chính trị cũng là đấy ! ĐS , trong lời nhận xét đã phát hiện và nhấn mạnh để "giúp cho độc giả ...thưởng thức những điều hay nét đẹp của tác phẩm" ( Lời Nguyên Hân). Một lần nữa mình cảm ơn bạn thật nhiều !

    Trả lờiXóa
  4. Mình phải cảm ơn Quang Trung chứ. Có được cảm xúc là nhờ có bài thơ. Nhân kỷ niêm 60 năm thành lâp Trường LSQL, nghĩ lại mình thấy không có khái quát nào súc tích băng bài thơ của Quang Trung. Những gì đã diễn ra từ đó đến nay trong phạm vi cả đất nước (trong mối quan hệ với quốc tế) với cả dân tộc này, lại càng thấy rõ cái "dại khờ" với cái "thương yêu" ngây thơ.

    Trả lờiXóa