Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Kể thêm về bạn Đức Tấn

Tiếp theo bài của PK tôi xin kể thêm vài nét về Đức Tấn:
(Ảnh bên là Đức Tấn ngày nay).
Không biết tôi về ở khu tập thể Trung Tự trước hay Đức Tấn về ở khu tập thể Khương Thượng trước. Chỉ nhớ trong một lần gặp mặt lớp Nga văn Bắc Kinh thì mới biết tôi và Đức Tấn ở gần nhau. Vì thế chúng tôi có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau và tôi cũng có điều kiện tiếp cận cuộc sống của Đức Tấn hơn.

Không ngờ trước và trong kháng chiến chống Pháp tôi và Đức Tấn cùng ở Phú Thọ. Ông cụ thân sinh của Đức Tấn là một trong những người tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Phú Thọ, sau này cụ là thường vụ tỉnh ủy Yên Bái. Đức Tấn là con trai duy nhất của gia đình.

(Ảnh Đức Tấn trước khi bị thương).
Trong bài viết đầu tiên trên Blog của chúng ta, bạn Phú Kính có viết rằng tất cả chúng ta, cựu học sinh Khối 5 Lư Sơn - Quế Lâm, đều thành đạt. Điều đó rất đúng với số đông. Tiếc rằng một số ít không được may mắn, mà lại chịu nhiều thiệt thòi. Đức Tấn là một trong số ít người như vậy. Đức Tấn không được hưởng cái gì từ người cha, cái mà người ta vẫn gọi là sự thừa hưởng của “con ông cháu cha”, trừ việc Tấn được đi học cùng chúng ta.

Trong chiến tranh chống Mỹ những người như chúng ta phần lớn là do “yêu cầu công tác ở hậu phương” mà không phải ra mặt trận, nhiều người lại được cử ra nước bạn đào tạo tiếp. Đức Tấn là bí thư chi đoàn ở cơ quan, đã gương mẫu xung phong nhập ngũ.

Về thăm bà cụ thân sinh của Đức Tấn ở Đình Bảng, Bắc Ninh, ngồi trong ngôi nhà cấp 4 hình thước thợ, rộng chừng 25 mét vuông, phía trong sát tường là cái bàn thờ trên để di ảnh của ông cụ, phía trước là cái phản vuông rộng, mà hôm tôi đến bà cụ nhường cho tôi nghỉ giữa trưa hè nóng bức, tôi không thấy cái gì là “di sản” của một lão thành cách mạng, một cựu thường vụ tỉnh ủy. Cụ bà của Đức Tấn cũng là lão thành cách mạng, khi về hưu cũng không được gì. Nhiều năm sau cụ được hưởng 50 triệu đồng và cụ đã dùng số tiền đó nâng cấp ngôi nhà cấp 4 thành nhà mái bằng một tầng. Bước vào căn hộ tập thể của Đức Tấn ở hiện nay, không khỏi ngạc nhiên về cái trần nhà 2,7 m như đè lên đỉnh đầu người khách, tuy là có hai ba phòng đấy, nhưng nơi tiếp khách là sửa từ cái tiền sảnh kéo qua chỗ bếp cũ tới lối cửa vào toilete. Còn phòng phía trong được cất lên trên nền cái sân cũ, cũng chỉ được khoảng 6 m. Cái bếp hiện nay thì được chuyển ra phần còn lại của sân. Thương tật chiến tranh đã tước đi của Đức Tấn những điều kiện và khả năng mà phần lớn chúng ta đã có để tạo dựng cho mình một cơ ngơi 2-3 tầng, tước đi của Tấn niềm vui và sự hãnh diện khai trương nhà mới, khi dẫn bạn bè đi ngắm nghía các gian phòng - từ phòng khách lịch lãm, phòng ngủ khang trang, phòng thờ uy nghiêm đến toilete sang trọng… Rời cơ quan ra về theo chế độ, Đức Tấn chỉ có cái chung cư ấy, đồng lương hưu và tiền thương tật.

Tôi không tiện hỏi lương hưu của Tấn là bao nhiêu, nhưng như người ta nói “không ai sống được bằng đồng lương”, thì có thể hiểu chỉ với lương hưu và tiền thương tật Đức Tấn đã phải xoay sở như thế nào. (Vợ Đức Tấn cũng chỉ có lương hưu). Thế nhưng Đức Tấn làm tròn quá mức trách nhiệm người con, người chồng và người cha của mình. Lương hưu Tấn đưa cả cho vợ để lo chi tiêu trăm thứ trong gia đình. Đưa luôn cả khoản tiền “chăm sóc” (tức là tiền nhà nước cho để thuê người chăm sóc). Tấn chỉ giữ lại số tiền gọi là tiền thương tật. Tôi cũng không tiện hỏi là bao nhiêu. Nhưng từ số tiền ấy, đều đều hàng tháng Tấn đưa mẹ đẻ 100 ngàn, gửi cho cháu nội 300 ngàn. Vì con trai của Đức Tấn lúc đó chưa có công ăn việc làm, phải gửi con cho gia đình nhà vợ nuôi. Vì thế Tấn gửi cho cháu, ta hiểu đó là “tiền trách nhiệm”. Mấy năm nay con trai của Đức Tấn đã ổn định làm ăn ở miền Nam, đã đón thằng con vào, chắc Đức Tấn không phải gửi số tiền ấy nữa. Và từ ngày cụ bà được lĩnh khoản tiền gọi là “tiền lão thành cách mạng” thì cụ bà không nhận tiền của Tấn nữa. Nhưng số tiền được giữ lại đó có thấm tháp gì trong cuộc sống giá cả tăng chóng mặt như mấy năm nay?

Đức Tấn là người rất thiết tha với bạn bè. Hầu như Tấn không vắng lần nào trong các buổi họp mặt của lớp bạn đồng học, họp đồng ngũ, đồng hương. Chỉ có điều “chân cẳng” như vậy, khó có thể đi đâu, nếu không có người chở xe. Tôi được biết một thời gian Ngọc Thành hay chở Đức Tấn đi chơi thăm bạn “Nga văn Bắc Kinh”, trong đó có đến thăm tôi. Sau này Ngọc Thành bận kiếm thêm thì tôi chở Đức Tấn đi, khi thì Ngọc Thành, khi thì Ngô Ngà, khi thì Thanh Quý, khi thì Thế Tâm, khi thì Lê Hoàng… Thấy tôi đi thăm Đinh Văn Đặng ở Việt Trì, Đức Tấn cũng hăng hái đi. Tất nhiên không thể để Tấn đi xe khách được, vì mấy lần chuyển xe buýt lê chân tới bến xe thì không có nhiều thời giờ thăm bạn và thăm Đền Hùng nữa. Tới nơi, bắt đầu leo mấy bậc lên đền thì Tấn dừng lại. Cái chân liệt của Tấn chỉ có thể nhấc cho đi thẳng thôi, không leo được. Tấn đành thất lễ với các vua Hùng mà thắp hương ở cổng đền vậy. Hay hôm đưa Đức Tấn và Đinh Văn Đặng đi Yên Tử cũng không leo được. Cố thuyết phục Tấn ngồi cabin cáp treo để lên trên cao, nhưng Tấn cũng từ chối, nói: “Thôi rời Hà Nội đến đây ngắm cảnh núi rừng để thay đổi không khí là tốt rồi.”
ĐỨC TẤN TẠI HỘI LỚP 2010.
Đức Tấn đứng thứ 3 từ trái sang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét