Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Từ Quy định 90, nhìn lại ‘tiêu chí đặc biệt’ trước đại hội 12



Ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 90 -QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vào tháng Tám năm 2017 nhằm mục đích gì?

Nếu căn cứ vào bối cảnh ra đời của Quy định 90, người ta có thể nhận ra một ý nghĩa, hoặc hàm ý khác hơn là những nội dung chung chung và có vẻ giáo điều của nó.

Người ký và rất có thể chính là tác giả của “phát minh Quy định 90” là ông Nguyễn Phú Trọng. Với nhân vật này, nếu dư luận chung còn ví ông với hình ảnh “giáo làng” trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thì sau đại hội này cùng chiến thắng gần như tuyệt đối dành cho ông Trọng, dư luận xã hội đã từ ngạc nhiên đến có phần kinh ngạc, thậm chí một số chính trị gia còn dành cho ông Trọng một sự thán phục lần đầu tiên về “thủ pháp chính trị” của ông đã “nâng lên một tầm cao mới”.

Bối cảnh hậu đại hội 12, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2016 đến nay lại mang màu sắc tiền đại hội 12. Nghĩa là đảng vẫn phải xử lý cuộc khủng hoảng nội bộ, nạn tham nhũng trầm kha chưa hề vơi bớt, cùng cơn “binh lửa” mới toanh mà giờ đảng mới nhận ra: nạn cát cứ quyền lực và sứ quân khu vực. Một trong những “tư tưởng gia” của đảng là ông Nhị Lê – Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản – mới đây đã phải tán thán là hiện thời có đến hàng trăm sứ quân.

Lại nhớ thời tiền đại hội 12. Sau Hội nghị trung ương 12 vào đầu tháng 10/2015 được coi là “bất phân thắng bại”, Hội nghị trung ương 13 lại càng mang tính gấp rút, quyết đoán và “nghệ thuật chính trị” hơn khi chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra đại hội 12 của đảng cầm quyền. Đến lúc này đã xuất hiện vấn đề “tiêu chí đặc biệt” – nằm trong một văn bản của đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng, và ông Tô Huy Rứa – Trưởng ban tổ chức trung ương – được coi là đồng tác giả. Một số trong những nội dung đáng chú ý của “tiêu chí đặc biệt” là nhân sự cấp cao không được để “người thân trục lợi” và không có “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay”. Nếu “dính” phải những nội dung trên, nhiều khả năng nhân sự cấp cao sẽ không được Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị giới thiệu để trở thành ứng cử viên tổng bí thư tại đại hội 12.

Khi “tiêu chí đặc biệt” được nêu ra, rất nhiều dư luận đã cho rằng những điều kiện này về thực chất là nhằm loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc đua giành cái ghế tổng bí thư.

Lồng trong bối cảnh cuộc xung đột quyền lực trong nội bộ đảng đang đẩy lên cao điểm, bầu không khí trước đại hội 12 lại có thể khiến dư luận nhớ lại một sự kiện gần tương tự tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào cuối năm 2012.

Đọc phát biểu kết thúc Hội nghị 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “rơi nước mắt vào lịch sử” – như một câu ví von rất thơ và điệu nghệ về sau này của thuộc cấp ông Trọng, như thể chữa thẹn cho ông. Nhưng thực ra, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang cùng một số “đồng chí” khác trong Bộ chính trị đã bất lực mà không thể kỷ luật được “đồng chí X” – biệt hiệu được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt.

Tuy nhiên, ông Sang – đối thủ được coi là không khoan nhượng trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đã không thể làm gì được “đồng chí X”. Trong cuộc bỏ phiếu quyết định có kỷ luật khiển trách hay không Thủ tướng Dũng, được biết có đến hơn 70% trong số 175 ủy viên trung ương không tán thành. Kế hoạch loại Thủ tướng Dũng của các ông Trọng – Sang cũng vì thế đã thất bại cay đắng.

3 năm rưỡi sau, những vấn đề mà phe đảng quy kết đối với Thủ tướng Dũng còn nhiều gấp bội trước đó, kể cả “vấn đề chính trị hiện nay”.

Vào tháng 10/2015 đã xuất hiện một lá thư dài đến 9 trang A4 – được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng – giải trình trước Tổng bí thư và Bộ Chính trị về 12 điểm, trong đó có những nội dung liên quan đến tiêu chí “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay”.

Sau Hội nghị trung ương 14 và sát thời điểm bỏ phiếu quyết định vận mạng chức danh tổng bí thư, phía Tuyên giáo trung ương đã công khai hóa việc “chỉ giữ lại một đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt”, còn 9 đồng chí quá tuổi trong Bộ chính trị đều xin rút”.

Công bố trên đã chính thức thông báo sự rút lui của Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Tấn Dũng.

Còn giờ đây, câu chuyện “người thân trục lợi” đã được hóa thân vào chiến dịch “kiểm tra tài sản 1.000 quan chức” của Tổng bí thư Trọng.

Nếu “tiêu chí đặc biệt” về “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay” được ban hành ngay trước đại hội 12, Quy định 90 được công bố khi Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 10/2017.

Và nếu số lượng sứ quân lên đến hàng trăm, bài toán mà ông Trọng muốn giải có lẽ là phải thẳng tay loại ra, hoặc “luân chuyển cán bộ”, hoặc vô hiệu hóa đến phân nửa Ban chấp hành trung ương, nếu không phải tại Hội nghị trung ương 6 thì cũng phải làm sau đó không lâu. Quy định 90 có lẽ không ngoài mục tiêu đó.

Thiền Lâm – Cali Today News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét