Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở VN 1954-60



Nguồn: Heinz Schütte, “Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960”, Hamburger Südostasienstudien, Band 3, 2009.

Biên dịch: Talawas

Bài liên quan: Phần 1
Ẩn số Nguyễn Sơn

Như đã trình bày ở trên, ảnh hưởng Trung Quốc đã có từ rất lâu trước năm 1950. Trong một khảo luận xuất sắc về thế giới quan lưỡng cực và mục đích xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, Tường Vũ đã chỉ ra rằng, từ những năm đầu 1940, Đảng Cộng sản Đông Dương luôn sử dụng các hình ảnh anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ hoặc Trần Hưng Đạo cho mục đích tuyên truyền của mình. Tuy nhiên trong các văn bản nội bộ, không được phổ biến cho quần chúng, giới lãnh đạo không bao giờ nói tới Quang Trung hay Lê Lợi mà luôn luôn là Mác, Lê-nin, Xta-lin[1].

Tôi muốn bàn tới điểm này trong mối liên hệ với vị tướng vừa bí ẩn vừa quen thuộc Nguyễn Sơn (1908 – 1956). Nguyễn Sơn trong mắt một số người là một nhà quân sự vô dụng và một nhà văn hóa tào lao, nhưng trong mắt một số người khác, ông lại được xem như một vị thánh, một nhà cách tân đầy hấp lực trong đời sống văn hóa Việt Nam. Vậy Nguyễn Sơn là ai?

Năm 17 tuổi, cậu sinh viên Nguyễn Sơn chạy trốn cảnh sát Pháp và đến Trung Quốc sau khi can dự vào một phong trào sinh viên. Tại đây ông theo học tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi trở thành ủy viên Trung ương Đảng và tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh với tư cách một vị tướng chỉ huy. Nguyễn Sơn đã tổ chức nhóm kịch đầu tiên cho Hồng quân Trung Quốc và trở thành lãnh đạo một đơn vị tuyên truyền. Đáp ứng nguyện vọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, vốn đang thiếu cán bộ lãnh đạo trầm trọng, Nguyễn Sơn đã trở lại Việt Nam cuối thu năm 1945 và trở thành thành ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn e ngại không khí chính trị xấu tại Việt Nam – và chính Nguyễn Sơn cũng chia sẻ quan điểm này nên ông chỉ đồng ý trở về một cách miễn cưỡng – chỉ cho những người anh em Việt Nam “mượn” Nguyễn Sơn mà thôi. Bởi vậy ngay từ đầu, việc Nguyễn Sơn sẽ trở lại Trung Quốc là điều đã được thỏa thuận rõ ràng.[2] Ông được phong là Tư lệnh Quân khu Bốn với đại bản doanh ở Quảng Ngãi. Nguyễn Sơn đã ở đây tới khi trở lại Trung Quốc năm 1951. Theo như kể lại thì, vì lý do có khác biệt quan điểm cá nhân với Tướng Giáp và vì những bất đồng quan điểm không thể vượt qua được với đường lối chính thức của Đảng Cộng sản tại quê hương ông, Nguyễn Sơn đã đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi ông trở lại.[3]

Nhìn chung chúng ta biết rất ít về Nguyễn Sơn. Cho đến nay về cơ bản ông vẫn còn là một ẩn số, một huyền thoại dành cho mọi quan điểm và các diễn giải đủ kiểu. Chẳng hạn Ernst Frey (tên Việt Nam là Nguyễn Đan), một sĩ quan người Áo đào ngũ theo Việt Minh, một người biết Nguyễn Sơn khá tốt, phủ nhận quan điểm cho rằng Nguyễn Sơn chỉ giỏi chính trị chứ không giỏi quân sự.[4] Trong khi sử gia Đinh Xuân Lâm ở Hà Nội lại nói rằng, Nguyễn Sơn có đánh trận, nhưng không thắng trận nào cả.[5]

Hoàn toàn có khả năng Nguyễn Sơn đã kêu gọi hoặc tiến hành các lớp chỉnh huấn ở Việt Bắc từ năm 1947[6], giống như Mao Trạch Đông đã tiến hành ở Tây An từ những năm 1940.[7] Các khóa cải tạo tư tưởng theo hình mẫu Trung Quốc cũng được tiến hành đặc biết với văn nghệ sĩ từ 1951. Trong các năm 1948/49, Nguyễn Sơn đã dịch nhiều tài liệu của Mao Trạch Đông sang tiếng Việt, đặc biệt là những bài viết về cuộc kháng chiến trường kỳ và chủ nghĩa duy vật biện chứng.[8] Tuy nhiên niềm đam mê của Nguyễn Sơn là kịch nghệ và văn chương. Trong các tác phẩm dịch của Nguyễn Sơn có cả Lỗ Tấn, và theo nhà văn Nguyên Ngọc thì đó là bằng chứng về tinh thần phóng khoáng của Nguyễn Sơn.[9] Và mặc dù có vẻ như không tự viết gì cả, nhưng theo các nhân chứng kể lại, Nguyễn Sơn đã nói rất nhiều về văn học nghệ thuật, trước công chúng cũng như trong nhóm bạn bè. Như thế, ông đã trở thành người kích thích, là nguồn gây cảm hứng và là người đỡ đầu cho các văn nghệ sĩ.[10] “Thính giả nhìn ông hồi hộp y như những người Ả-rập ngồi trước người kể chuyện cổ tích vậy”, một nhân chứng kể lại.[11] Cho tới nay, những khóa học văn nghệ kháng chiến ở Khu IV vẫn được các nhân chứng hồi tưởng lại như những cao trào trên con đường cách tân văn hóa cách mạng. Chủ nghĩa Mao avant la lettre, qua diễn giải của Nguyễn Sơn, đã hiện ra trong đời sống văn hóa Việt Nam như một mệnh lệnh đầy quyến rũ và kích động với giới trẻ, mệnh lệnh sẵn sàng hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì cái mới, vì cách mạng, một cuộc phiêu du vì dân tộc và vì giấc mơ về một ngày mai chưa biết tới.[12]

Hôm nay nhiều người nói họ đã nhìn rõ những thủ thuật của Nguyễn Sơn, và rằng ngay từ đầu ông ta đã luôn là một tín đồ Mao-ít tới tận chân răng, kẻ chẳng làm gì khác hơn là nhai lại các học thuyết của Mao những năm 1940 ở Tây An[13], và rằng ông ta chỉ là một con vẹt không hơn không kém[14]. Tuy vậy trong hồi ức của đa số những người đã gặp ông thì ông vẫn mãi là một người cách tân, người luôn động viên những thính giả nghe mình nhưng không bao giờ áp đặt quan điểm của mình. Như thế, nhìn lại, ông vẫn là một người dẫn đường và mở cửa cho giới trí thức, một huyền thoại trái ngược hẳn với Sa-hoàng văn nghệ Tố Hữu, người mà chúng ta sẽ nói tới nhiều dưới đây. Cái chết sớm của Nguyễn Sơn có lẽ cũng khiến cho việc đánh giá ảnh hưởng của ông trở nên khó khăn. Dù thế nào ông cũng là một kẻ khác người, một kẻ phiêu lưu và có sức mê hoặc phụ nữ, người luôn ý thức được hấp lực của mình. Ông sống thoải mái bình dân, mang một bộ ria mép kiểu Clark Gable – ông như một Robin Hood, người hút thuốc lá Tây, thứ hàng xa xỉ của kẻ thù và hoàn toàn không phù hợp với ý thức hệ. Những cá tính như Nguyễn Sơn thật hiếm gặp trong hàng ngũ những người cộng sản xta-lin-nít sắt đá. Họ có sức mê hoặc và kích thích trí tưởng tượng. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà thơ và nghệ sĩ sau 1954 đã ngưỡng mộ coi ông như một người theo chủ nghĩa tự do và nhân bản[15] trong số những lãnh đạo cộng sản, nhất là khi đó ông đã rời xa Việt Nam từ lâu. Một số người khác lại cho rằng ông thiếu kỷ luật cách mạng, nhưng ngay cả những người này cũng vẫn nói tốt cho ông.

Những gì mà hôm nay chúng ta gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông, hay là biện chứng lịch sử trong phê bình văn học, vào thời đó, khi được Nguyễn Sơn rao giảng, đã có tác động như một quả bom tấn về tính hiện đại. Thơ ca Việt Nam hồi đó, theo Lê Đạt, vẫn còn chìm trong bóng của Thơ Mới những năm 30, vần vè và cũ kỹ[16]. Những quan điểm của Nguyễn Sơn đã xuất hiện như một phản đề, chống lại nhãn quan văn học “tiểu tư sản” của giới trí thức Pháp thuộc trước 1945. Những nhận định về văn học của Nguyễn Sơn – đặc biệt là những bài phân tích Kiều – được xem như đồng nghĩa với sự phê phán xã hội Khổng giáo, và chúng khiến các thính giả trẻ tuổi đột nhiên nhìn thế giới bằng con mắt khác. Đối nghịch với phương pháp phân tích tâm lý kiểu Freud, Nguyễn Sơn đã diễn giải Kiều bằng phương pháp duy vật, và điều đó được xem như một sự khai sáng, bởi nó chỉ cho các trí thức văn nghệ sĩ trẻ tuổi khao khát lý tưởng hồi đó cái hiện thực về vật chất của quảng đại quần chúng Việt Nam, khối quần chúng mà họ muốn cùng hòa làm một. Chịu tác động của những trào lưu như thế, không ít trí thức thành thị đã ủng hộ xu hướng đại chúng hóa của cách mạng: họ đòi hỏi một nền “văn hóa mới”, không Khổng cũng không Pháp. Địa bàn ảnh hưởng trực tiếp của Nguyễn Sơn, khu IV, đã trở thành diễn đàn có một không hai của nền văn hóa mới đang còn ở giai đoạn phôi thai này. Khu IV đã từng là nơi hoạt động của nhiều trí thức ly khai sau này như Đào Duy Anh, Chu Ngọc và Trương Tửu, Nguyễn Sỹ Ngọc và Nguyễn Tiến Lãng[17],… song cũng có nhiều trí thức trở thành các cây đa cây đề của trật tự xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, như Đặng Thai Mai.

Hồi đó Mao Trạch Đông là đại diện cho cuộc cách mạng còn đang ở giai đoạn trẻ trung hừng hực, cuộc cách mạng tuy đã giành được quyền lực nhưng vẫn còn khát vọng thay đổi thế giới. Ngược lại, Liên Xô, ngay dưới thời Khrushchev, là đại diện cho cuộc cách mạng đã trưởng thành với đầy đủ bộ máy hành chính quan liêu của nó, để hòa hợp với thực tế của cộng đồng thế giới và những đòi hỏi của một xã hội công nghiệp phát triển.
Văn nghệ sĩ kháng chiến

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, văn nghệ sĩ trở thành những cán bộ phục vụ cách mạng. Là những thành viên của Hội Trí thức Cứu quốc, họ thuộc về số những người canh giữ cho ngày mai chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm của Trường Chinh trong một bài viết về văn hóa kháng chiến năm 1947, thì nhiệm vụ của Mặt trận Văn hóa là chống lại những tư tưởng và hành động cổ hủ, phản văn hóa, phản tiến bộ. Hoạt động văn hóa được xem như đồng nghĩa với tuyên truyền, văn nghệ sĩ trở thành cán bộ văn hóa. Những “công nhân văn hóa”, “cần phải hết sức nỗ lực đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối ủng hộ chính phủ, với niềm tin vững vàng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, không chùn bước trước mọi khó khăn gian khổ”[18]. Việc giải quyết các vấn đề văn hóa tư tưởng được xem như điều kiện tiên quyết cho chiến thắng quân sự và phát triển kinh tế. Bởi vậy, tư tưởng có ý nghĩa then chốt; thế giới được tạo dựng mới từ tinh thần.

Một phần lớn các văn nghệ sĩ trong quân đội được đào tạo trong các trường học thuộc địa của Pháp trước khi kháng chiến bùng nổ tháng 12 năm 1946. Họ chấp nhận kỷ luật và cuộc sống khắc khổ trong cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo và biện minh cho lựa chọn của mình bằng cái mà chính họ cũng như lịch sử chính thống gọi bằng “chủ nghĩa yêu nước”, chủ nghĩa mà họ đã du nhập thêm các giá trị Pháp vào như là những giá trị riêng của họ. Nhiều người đã tham gia kháng chiến nhân danh Jean-Jacques Rousseau, nhân danh Cách mạng Pháp 1789, nhân danh quyền con người và quyền công dân, nhân danh nền cộng hòa và nền dân chủ. “Ils se sentent en parfaite communion avec la masse qui se reveille et qui lutte”, Đặng Thai Mai đã viết như vậy năm 1961[19], và đây là một ví dụ thú vị cho nỗ lực của nhà tư tưởng mác-xít xuất thân Pháp học họ Đặng trong việc đơn cực hóa và chuyên chính hóa diễn ngôn cũng như việc diễn giải lịch sử dân tộc và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Như đã nói ở trên, chí ít là đến cuối những năm 1940, Giáo sư Đặng Thai Mai đã tham gia tích cực vào đời sống văn hóa ở Khu IV và có quan hệ gần gũi với tướng Nguyễn Sơn – tuy nhiên Đặng Thai Mai có chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Sơn hay không là điều chỉ có thể phỏng đoán. Những thi sĩ nổi tiếng những những năm đầu 1940 như Huy Cận và Xuân Diệu (1916 – 1985) – kẻ lãng mạn mất mình trong việc phụng sự cái Tôi và sự tìm kiếm giải thoát – giờ đây được tái sinh nhờ có Đảng, Việt Minh và Cách mạng, đã tham gia vô điều kiện vào xã hội mới đang được tạo dựng.[20]

Nhưng không phải tất cả trí thức đều như vậy: Nhà thơ Hoàng Cầm (sn. 1922), Trần Dần (1924–1997) và Lê Đạt (1929–2008) hoặc các học giả như Phan Khôi (1887–1960), Đào Duy Anh (1904–1988), Nguyễn Mạnh Tường (1909–1994) và Trần Đức Thảo (1917–1993) chưa bao giờ chỉ là những con rô-bốt của Đảng, những người chỉ biết soạn thảo, tiếp thu và truyền bá những quan điểm của Đảng một cách vô điều kiện và không phê phán. Cho dù ở một thời điểm nào đó, họ cũng đã không chống lại sự cuồng tín tập thể trong kháng chiến, nhưng họ vẫn luôn là những con người trăn trở, phức tạp, những người luôn giữ được cái Tôi của mình.

Hầu hết các nhà ly khai sau này đều từng là đảng viên hoặc công tác ở những chức vụ cao liên quan mật thiết tới Đảng và giới lãnh đạo Đảng. Từ 1949 đến 1951, Lê Đạt là một trong những thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và chịu trách nhiệm về lĩnh vực văn hóa–văn nghệ. Từ 1952 ông là thư ký Ban tuyên huấn của Đảng.[21] Năm 1951, Lê Đạt tham gia tổ chức các khóa chỉnh huấn trí thức. “Anh ấy (Lê Đạt) đã truyền đạt chủ nghĩa Mao cho chúng tôi”, Nguyễn Đình Thi kể lại nhiều thập kỉ sau đó[22]. Hoàng Cầm, dù chưa bao giờ là đảng viên, đã tổ chức nhóm nghệ sĩ kháng chiến năm 1951/52 dưới quyền của tướng Chu Văn Tấn. Tháng 6 năm 1952, Hoàng Cầm được tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội kiêm Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam, phong làm Trưởng ban Văn nghệ Quân đội gồm hơn 200 người[23]. Thế là suốt hai năm sau đó, cứ đều đặn hai ngày trong tuần, vào lúc 2 giờ chiều, vị tướng lừng danh lại có buổi gặp Hoàng Cầm và một số bạn bè văn nghệ[24] để được bổ túc thêm kiến thức về văn học nghệ thuật, những kiến thức mà ông cho rằng mình còn thiếu hụt ở vị trí lãnh đạo cao của ông.[25]

Nhà văn Phùng Quán (1932–1995) làm cán bộ giao liên giữa các đơn vị quân đội dưới quyền tướng Hà Văn Lâu. Người đồng nghiệp Trần Dần, người luôn quyết liệt và hăng hái, vốn được bạn bè hồi đó gọi đùa là “tướng cướp”[26], thoạt tiên công tác tại một ban tin tức của Việt Minh trước khi gia nhập quân đội năm 1948. Trần Dần đã công tác tại nhóm văn nghệ đầu tiên của Quân đội Việt Nam.[27] Không lâu sau đó, vào khoảng năm 1950/51, trước khi trở thành Tổng Biên tập tạp chí Văn của quân đội – nơi ông làm việc cùng Vũ Cao và Từ Bích Hoàng – Trần Dần từng đảm nhận việc lãnh đạo một chiến dịch chỉnh huấn trí thức bằng công việc chân tay.[28]

Trong kháng chiến, một loạt trí thức thành thị đã kết hôn với những phụ nữ xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo (cốt cán).[29] Lê Đạt và Hoàng Cầm là những người như vậy. Bằng cách đó, họ muốn chứng tỏ sự cống hiến hết mình cho cách mạng và quần chúng nông dân – vì cá nhân, dân tộc và chính trị đã không còn khác biệt nữa mà đã hòa làm một với ý thức hệ và bầu nhiệt huyết của thời đại, biến thành cuộc phiêu lưu sôi động của tuổi trẻ. Sự hiến dâng cho Đảng soi đường không phải khi nào cũng tránh được những biểu hiện có tính lên đồng. Người ta muốn hòa mình làm một với quần chúng lao động – những người được cho là còn giữ được hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy việc kết hôn với phụ nữ nông dân được xem như một hành động chính trị đầy tính biểu tượng, một sự biểu dương tinh thần yêu nước và yêu cách mạng. Thông qua “ba cùng” (cùng ăn, cùng sống, cùng làm) với nông dân, những trí thức thành thị sẽ vươn lên từ vũng lầy của nền giáo dục tư sản-thị dân để trở thành những nguồn lực mạnh mẽ của công cuộc canh tân và giải phóng dân tộc.

Nhà báo kiêm chính trị gia Nguyễn Hữu Đang, người sống độc thân suốt đời, người được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, đã lãnh đạo việc tổ chức Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần đầu tiên tại Hà Nội tháng 11 năm 1946 (Hội nghị đã bị rút ngắn do Toàn quốc kháng chiến sắp bùng nổ)[30]. Sau đó Nguyễn Hữu Đang đã được Trường Chinh giao nhiệm vụ, thông qua Hội Văn hóa Cứu quốc (tồn tại đến năm 1948), lôi kéo trí thức đi theo kháng chiến. Rồi ông trở thành người tổng giám sát chương trình giáo dục quốc dân. Trong cương vị này, ông đã lãnh đạo phong trào xóa nạn mù chữ và phổ cập chữ Quốc ngữ.[31]

Họa sĩ Phan Kế An (sn. 1923), con trai của vị khâm sai Bắc Kỳ cuối cùng, lại là một ví dụ khác. Năm 1948, ông được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ sống cùng Hồ Chí Minh vài tuần tại Chiến khu Việt Bắc để vẽ chân dung Chủ tịch. 52 năm sau, Phan Kế An đã kể về cuộc gặp gỡ này với Hồ Chí Minh như một hoạt cảnh thần thoại mà ở đó, chàng họa sĩ trẻ tìm thấy sư phụ của mình – một người thầy về đạo đức, về lối sống giản dị và tính khiêm nhường.[32]

Nhưng không phải tất cả đều đã phục tùng vô điều kiện và hiến dâng một cách mù quáng cho lý tưởng yêu nước mà họ đi theo. Bởi ngay trong giai đoạn kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ đã phải chịu đựng những cách đối xử mất mặt, nhất là từ khi có sự xuất hiện và du nhập chủ nghĩa Mao. Họ chủ yếu xuất thân từ giới tiểu tư sản thành thị, và trong môi trường kháng chiến khắc nghiệt, nơi mỗi người đều muốn chứng tỏ, họ may lắm cũng chỉ được chấp nhận như những kẻ chậm tiến, còn thường thì họ bị các “cốt cán văn hóa” đem ra làm trò hề và phân biệt đối xử một cách có hệ thống với những “nghệ sĩ” có gốc gác vô sản hoặc nông dân. Điều này được Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam hồi đó, vì những lý do nói trên, miêu tả trong một bản báo cáo giữa năm 1956 – một cách tự phê bình – rằng một nhà văn xin nghỉ phép để viết văn đã bị trả lời như sau: “Có lẽ anh bị bệnh tự do tư sản – tự do cá nhân”[33]. Điều này cũng được Nguyễn Tuân, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, xác nhận: “Quan điểm phổ biến hồi đó là chỉ những người lao động chân tay, tức công nhân và nông dân và những người lính xuất thân từ họ, mới có thể trở thành những nghệ sĩ chân chính của dân tộc. Bởi vậy trong hàng ngũ những người lao động chân tay đã hình thành thái độ cho mình là ưu việt hơn trí thức. Nhóm công-nông ngày càng lấn án.”[34]

Trong cuốn nhật ký mỏng của mình, Rudy Schröder (tên Việt Nam là Lê Đức Nhân), một trong những trí thức người Đức giữ chức vụ cao trong hàng ngũ Việt Minh, đã ghi nhận những cảm xúc trong một buổi chiếu phim về Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 tại chiến khu như sau: “Nỗi nhớ thành phố – thành phố của họ, Hà Nội thủ đô của họ, có thể thấy rõ ở sự cổ vũ nồng nhiệt khi các đoàn diễu hành đi qua, nơi mỗi hình ảnh ít nhiều đều gợi ra những con phố, những góc nhà, những công viên của Hà Nội… Ấn tượng nhất là cảnh reo mừng khích động khi nhóm những cô gái diễu hành xuất hiện, đặc biệt là nhóm những cô gái tiểu tư sản Hà Nội mà người ta dễ nhận ra ngay nhờ phong cách cách ăn mặc và những bộ quần áo sáng màu của họ. Sự cổ vũ nồng nhiệt cứ lặp đi lặp lại mỗi khi có nhóm diễu hành mới xuất hiện, kéo dài hơn hẳn đoạn chiếu về Chủ tịch, say sưa hơn và bộc phát hơn. Họ cười khóc, họ hét lên trong bóng tối, nơi chẳng ai phải sợ rằng mình bị người khác nhìn thấy. Một cơn thoát lộ cảm xúc tập thể với tất cả sự man khai không che đậy. Tất cả đều muốn xem bộ phim thêm một lần nữa, nhưng không được. Chỉ cần có mặt ở đó là ta đủ hiểu rằng, bộ phim thành công là nhờ các cô gái, chứ không phải nhờ ông Chủ tịch. Phải rồi, những chàng trai trẻ này – những chàng nho nhã, những kẻ bạt mạng, những con người gang thép – tất cả họ đều muốn sống để trở về. Tôi tự hỏi, ngày đó sẽ ra sao nhỉ…”[35]. Với sự trở về Hà Nội mùa hè năm 1954, khi sự căng thẳng chùng xuống và kỷ luật đột nhiên được nới lỏng, rốt cuộc cơ hội để nghỉ ngơi và tiếp quản đã tới. Đối với nhiều người thì mục đích sau nhiều năm khao khát đã đạt được, và với nhiều người khác thì đây là thời điểm thích hợp để tiến hành bước thứ hai của cuộc đấu tranh cho một xã hội thời hậu chiến, một xã hội mới, công bằng và dân chủ. Bởi vì sau cơn say chiến thắng, họ tỉnh dậy trong một hiện thực không hề giống như họ từng mơ ước.

Cho đến thời điểm đó, họ vẫn chỉ chấp nhận Ban Lãnh đạo Chính phủ như là những người duy nhất mà họ tin có khả năng giải phóng Việt Nam khỏi ách nô lệ. Họ chỉ biết rất ít về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lê-nin, và họ cũng không xem trọng lắm, cho dù đồng thời họ vẫn coi nó như phương tiện không thể thiếu để đạt mục đích. Nhưng phần đông họ đã không hề xem chủ nghĩa Mác, dù là chủ nghĩa soi đường, như là mô hình cho một xã hội lý tưởng mà họ hướng tới một cách mơ hồ. Thực tế, họ đã đánh đồng chủ nghĩa Mác với lý tưởng Khai sáng và với Jean-Jacques Rousseau. Đối với nhà thơ Lê Đạt thì chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với tình huynh đệ giữa tất cả mọi người.[36]Nhà sử học Đào Hùng (sn. 1932), con trai của học giả Đào Duy Anh, kể với tôi ở Hà Nội rằng, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản khi còn là một chàng trai trẻ trong kháng chiến. Tôi hỏi, việc trở thành người cộng sản có nghĩa gì đối với ông? Đào Hùng nói: “Thời đó chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với chủ nghĩa yêu nước – nghĩa là chống thực dân, và tất cả những người tốt đều trở thành cộng sản.”[37] Nói thế hẳn có phần đơn giản hóa và có tính biện giải, nhưng đúng là hầu hết trí thức kháng chiến – bao gồm cả những trí thức chống phát-xít gốc Đức-Áo bỏ hàng ngũ Lê-dương theo Việt Minh – đều là những người chống thuộc địa, những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người yêu nước, trong đó gồm cả những người có quan điểm chống cộng sản có gốc gác từ những gia đình trí thức tư sản thành thị hoặc địa chủ nông thôn. Đa phần họ xuất thân từ giới quí tộc cũ mà cha ông họ là những quan lại từng tham gia vào các phong trào chống Pháp từ thời Cần Vương năm 1880.[38]

Năm 1954, trong men say chiến thắng, Hoàng Cầm được chính quyền ủy nhiệm tổ chức Lễ mừng Chiến thắng ở Hà Nội, và ngày càng có nhiều trí thức đòi hỏi, với tư cách là những công dân trưởng thành, được tham gia vào việc xây dựng một xã hội mới thời hậu chiến. Hoàng Cầm đã nói toạc ra điều mà nhiều trí thức kháng chiến thời đó cùng cảm nhận: “Bảy, tám năm kháng chiến đã mài tôi nhẵn như một viên bi, bây giờ là thời điểm mà tôi lại có có thể xù ra những cái gai nhọn của mình”[39]. Tuy nhiên Hoàng Cầm và những người bạn của ông sẽ sớm phải nhận ra rằng, trong những năm kháng chiến, một nhà nước đảng trị thần thánh đã được xác lập. Đảng hiện diện ở khắp nơi với các đại diện trực tiếp của nó, những nơi mà trước đây còn là không gian cho những thỏa thuận giữa người dân và quan lại, văn nhân hoặc sư sãi, những người nhờ những sân chơi rộng này mà đã từng có vai trò môi giới trong các lĩnh vực xã hội và chính trị, cũng như giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng về phần mình, Đảng cũng đang trong cơn say chiến thắng đế quốc, tự thấy mình là bất khả chiến bại, và trong hoàn cảnh đất nước còn chưa thống nhất và được dẫn dẵn bởi mục đích xây dựng một xã hội cộng sản trên toàn Việt Nam, Đảng không thể chấp nhận bất kì thỏa hiệp nào. Trong các cuộc thanh trừng tiếp theo cuộc Cải cách Ruộng đất, sau khi loại bỏ các “phần tử phản cách mạng” ra khỏi hàng ngũ Đảng, nhà nước và các tổ chức quần chúng, những cán bộ quan liêu xuất thân từ giới tiểu nông, những người đã làm nên chiến thắng ở một nơi xa hẳn các đô thị, đã nhảy lên nắm quyền lực ở Hà Nội.[40]

Hà Nội tràn ngập nông dân, bộ đội và các cán bộ quan liêu mới trở về từ Việt Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều nhóm trí thức thành thị và giới buôn bán trung lưu đã bỏ vào miền Nam. Những người còn ở lại thuộc nhóm này sẽ bị vô hiệu hóa hẳn trong cuộc cải tạo tư sản vài năm sau đó. Năm 1956, triết gia Trần Đức Thảo đã nói tới một cuộc “côn đồ hóa giai cấp nông dân”[41]. Cách diễn đạt này không chỉ nói lên thái độ sợ hãi, phụ thuộc, khinh thường và kẻ cả của giới tinh hoa cũ đối với với nông dân, mà nó còn nói lên nỗi kinh hoàng mà những thành viên của giới tinh hoa này cảm nhận trước viễn cảnh họ bị tước mất vĩnh viễn địa vị xã hội cao hơn của mình.

Những cơ chế để quản lý từng cá nhân trong một tập thể, vốn được hình thành trong kháng chiến qua các khóa chỉnh huấn và sự phát huy chủ nghĩa Mao, vốn được giới trí thức ủng hộ như những biện pháp cần thiết để nâng cao tinh thần chiến đấu, giờ đây được nâng lên thành các nguyên tắc tổ chức của nhà nước và xã hội. Trong các khóa chỉnh huấn, con người cá nhân với óc phê phán của nó bị đẩy lùi khi nó chịu khuất phục hoàn toàn trước mệnh lệnh của kháng chiến và cách mạng của Đảng. Tinh thần chỉ huy và các nguyên tắc tổ chức trong kháng chiến giờ trở thành nguyên tắc tổ chức dành cho trí thức thông qua Hội Văn học và Nghệ thuật đầy quyền uy, dưới sự lãnh đạo của Tố Hữu, người không chấp nhận bất kì sự thiếu nhất quán nào. Tuy nhiên, những trí thức đã đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa hai phía chứ không chấp nhận sự áp đặt của Đảng và nhà nước. Sự thành công của Việt Minh (dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản) không chỉ có được nhờ khả năng loại trừ các nhóm chống Pháp theo đường lối chính trị khác một cách thô bạo, mà còn thông qua việc họ đã tập hợp được quảng đại quần chúng để đứng dậy giành độc lập năm 1945/46 và trở thành đại diện cho ý chí phản kháng của một dân tộc tủi nhục. Nhờ cắm rễ được vào khối quần chúng nông thôn và các khối dân thành thị, Việt Minh đã tìm được tiếng nói để diễn tả được nỗi nhục của người dân nô lệ, và, họ có khả năng tổ chức chiến đấu. Họ cũng biết kết nối những huyền thoại về tính đặc sắc văn hóa với khát vọng độc lậpmuôn thuở của dân tộc Việt Nam. Dự án này, mà giới trí thức đã toàn tâm ủng hộ, được đóng dấu vào ngày Tuyên ngôn Độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945, sự kiện đã đưa Việt Minh trở thành đại diện cho ý chí của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên tình thế năm 1954 lại khác. Mục đích mà người ta hằng khao khát bấy nay giờ đã đạt được. Song cái nửa tinh thần khác – nửa tinh thần của di sản giáo dục Pháp, của những giá trị vô chính phủ từ truyền thống nông nghiệp, những giá trị Phật, Lão dân gian, vốn chống lại sự khắc nghiệt của Khổng giáo và chế độ chuyên quyền[42] – vốn bị đè nén suốt 8 năm, giờ mới có dịp trỗi dậy.[43] Thắng Pháp, chủ nghĩa Mác đã chứng minh được tính khả tín của nó như một ý thức hệ (công cụ) trong kháng chiến, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, nó đã không thể thành công trong việc tiêu diệt những giá trị của các huyền thoại và văn hóa tinh hoa cũng như văn hóa bình dân Việt Nam – bao gồm cả các giá trị của di sản thuộc địa nơi các trí thức Pháp học. Nhiều trí thức đã phản đối sự can thiệp chuyên chế của Đảng, những can thiệp khiến họ gần như ngạt thở. Trước kháng chiến họ đã có dịp đọc Từ Liên Xô trở về (Retour de l´URSS) của André Gide xuất bản năm 1936, và thậm chí vài người còn đọc được Trại súc vật (Animal Farm) của George Orwell xuất bản năm 1945. Thông điệp của những cuốn sách này hẳn không phải không để lại dấu vết nào trong họ.

Tuy nhiên, không có bất kì điều gì trên đời có thể khiến họ phủ nhận sự đóng góp cũng như sự tham dự của họ vào kháng chiến. Khi Huy Cận nói “đó là một thời lãng mạn”, thì ông đã nói thay cho hầu hết những trí thức cùng thời mình, trong đó có cả Lê Đạt, người đã miêu tả cuộc kháng chiến chống Pháp là “très romantique” (vô cùng lãng mạn)[44], cho dù những bài học mà hai người rút ra sau đó khác hẳn nhau. Nhà thơ Vũ Cận (1928-1999), nguyên Tổng Biên tập của Cơ quan Tuyên truyền của Đảng, đã miêu tả chính xác những mâu thuẫn của ông trong bài thơ tiếng Pháp viết năm 1992, La Condition, như sau:

La Condition

Jeune je vivais dans l’humiliation

Frustré de ma propre patrie comme j’étais

Elle pesait lourd la colonisation

Vietnamien elle m’avait fait sujet français

A la révolution j’allais adhérer

Tant pour laver ma honte que celle des miens

L’indépendance a redonné la dignité

L’ex-sujet français devient objet vietnamien[45]

(Còn tiếp)

Nhà sử học Heinz Schütte hiện sống tại Paris. Tác phẩm đã xuất bản: Giữa hai chiến tuyến: Những người lính Đức và Áo chạy sang phía Việt Minh(Zwischen den Fronten: Deutsche und österreichische Überläufer zum Vietminh), Logos Verlag, Berlin 2006.

—————

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét