Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Nguy cơ chiến tranh Việt Trung và chiến lược phòng vệ của Việt Nam (P2)



FB Lãng Anh

12-8-2016

Phần 2: Chiến tranh tổng lực và chiến tranh cục bộ, giải pháp cho mối đe dọa hạt nhân

Chính trị, chiến tranh không thể tách rời kinh tế. Sau đây là vài nét về tình hình kinh tế tổng hợp của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đến cục diện châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 10/08/2015 trong một động thái gây bất ngờ nhưng nằm trong một tổng thể đã được dự đoán từ trước: Trung Quốc phá giá NDT 2%. Ngay sau đó hai ngày, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT 1,6%. Tác động dây truyền của sự kiện lan tràn trên thế giới. Đồng NDT trên thực tế mất giá ngay 4,8%. Một loạt các quốc gia châu Á có phản ứng gần như ngay lập tức. Ngày 11/08/2015 Việt Nam nới biên độ tỷ giá thêm 1%. Một loạt các nước khác có động thái gần như tương tự. Báo hiệu cho một cuộc chiến tiền tệ sắp lan tràn.



Cuộc chiến đã nổ ra về phương diện kinh tế, và liệu cuộc chiến ấy sẽ có tác động như thế nào đến một cuộc chiến tước đoạt sinh mạng con người?

Trung Quốc bước vào thời đại Tập Cận Bình từ năm 2012. Trong một thiên Lãng luận trước đây anh Lãng từng nhận xét về gã Khựa này: “Một gã rắn tay, ưa lối giải quyết bằng bàn tay sắt và bạo lực. Trung Quốc rồi sẽ trả giá vì lối cai trị sắt máu này của Tập, cả tại Tân Cương hay ngay chính từ cuộc chiến thanh trừng thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình”. Sau hơn 200 ngày kể từ khi Tập nắm quyền, có vẻ nhận xét này đã được ứng dụng trên tình hình thực tế.

Để tránh sa đà khi bàn luận về tình hình kinh tế chính trị nội tại của Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng đang lan tràn (Sẽ bàn riêng trong một thiên Lãng luận về Tương lai Trung Quốc và sự suy tàn của giấc mộng Trung Hoa”, có mấy nhận xét ngắn thế này:

– Cuộc chiến thống nhất quyền lực của Tập Cận Bình đã có một dấu chấm hoàn hảo. Bằng việc bỏ tù Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu và phó chủ tịch Quân ủy Quách Mạnh Hùng, Tập hiện không còn đối thủ. Ngày 12/08/2015, Tập cho đăng trên Nhân dân nhật báo lời cảnh cáo: “Các lãnh đạo về hưu nên tránh xa chính trị, người đi thì trà cũng nguội”, một cái tát vỗ mặt Giang Trạch Dân và có thể là cả Hồ Cẩm Đào. Tập đủ tự tin để truy tố nốt cả Giang nếu cảm thấy quyền lực của mình tiếp tục bị thách thức. Sau thời đại Mao Trạch Đông, Tập là người duy nhất đạt tới đỉnh cao quyền lực gần như tuyệt đối tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng chính cuộc chiến quyền lực này đã đào rỗng ruột bộ máy cầm quyền Trung Quốc. Tập đã bỏ tù và truy tố hàng triệu quan chức nhằm lấy tính chính danh cho mình. Bằng cách đó, Tập được lòng dân nhưng những lỗ hổng trong bộ máy cai trị khó lòng bù đắp một sớm một chiều. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đi vào một cuộc khủng hoảng không thể cứu vãn.

– Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ gần như là một kết cục không thể đảo ngược. Từ năm 2012, khi lên nắm quyền, Tập tìm mọi cách duy trì một nền kinh tế với tâm lý thịnh vượng gia tăng, nhằm vẽ lên một giấc mộng Trung Hoa hùng cường trong mắt dân Trung Quốc. Các chính sách và dòng tiền được định hướng để đảm bảo thị trường chứng khoán liên tục tăng cao. Người dân Trung Quốc thấy túi tiền ảo của mình phình lên ghê gớm. Đáng buồn cho Trung Quốc, nó lặp lại những gì mà Việt Nam đã trải qua cách đây 8 năm, khi cơn bão khủng hoảng quét qua thị trường chứng khoán cuối năm 2007. Dù Trung Quốc đã đổ trên 141 tỷ USD để cứu thị trường, nhưng chắc chắn nó sẽ bước vào một thời kỳ suy giảm kéo dài không dưới 5 năm. Cái chết trên thị trường chứng khoán rồi sẽ còn lan rộng sang thị trường bất động sản, kéo theo sự khủng hoảng dây truyền trong hệ thống ngân hàng vì nợ xấu tăng cao. Đây sẽ là một kỷ nguyên suy tàn cho giấc mộng Trung Hoa.

– Các chính sách ngăn chặn kinh tế mà Mỹ định hình có vẻ đang bồi một cú đấm thôi sơn vào nền kinh tế Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Nhật đã giảm 13% so với cùng kỳ, vào EU đã giảm 12% và vào Mỹ cũng đã giảm trên dưới 2%. Trong bối cảnh khó khăn trong nước lan tràn thì đây là những đòn chí mạng, tổng hợp chung, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,3% trong tháng 7/2015. Khi TPP thành công, Trung Quốc sẽ còn gánh thêm các cú bồi nặng nề và tiếp tục phải đối mặt với đà suy giảm của dòng thương mại xuất khẩu.

– Nỗ lực khôi phục dòng thương mại xuất khẩu vốn là thứ đã làm nên điều thần kỳ cho nền kinh tế Trung Quốc suốt 50 năm, Tập Cận Bình cho phá giá đồng tiền. Anh Lãng nhận định rằng biện pháp này chắc chắn sẽ thất bại, bởi bối cảnh thế giới ngày nay không còn như thời kỳ những năm 1990, khi Clinton dung dưỡng và chấp nhận một đồng NDT định giá yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Chính sách kiềm chế Trung Quốc gần như đã định hình trong thế giới phương Tây, do đó mọi hành động phá giá tiền của Trung Quốc nhằm kích thích xuất khẩu gần như sẽ gặp các đòn đáp trả ngay lập tức. Vấn đề lớn hơn thế, bởi hàng hóa Trung Quốc hiện nay không phải chỉ bị ngăn chặn bởi các nhân tố thị trường (tỷ giá) mà còn bằng cả các hàng rào pháp lý và chính sách (TPP là một điển hình). Do đó, bất kể đồng NDT bị phá giá đến mức nào thì đà suy giảm của dòng hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc là mặc định.

– Tham vọng lớn nhất của Tập Cận Bình là đưa NDT thành một đồng tiền quốc tế, cạnh tranh với vị trí thống trị của USD. Bằng việc phá giá NDT 3,6% trong ít ngày, Tập kéo lùi giấc mơ này thêm 20 năm, nếu thực sự TQ còn có cơ hội gượng dậy sau cú sốc.

– Chính sách cai trị sắt máu của Tập tại Tân Cương, Tây Tạng rồi sẽ khiến Trung Quốc trả giá nặng nề. Khi kinh tế suy tàn, khủng hoảng rồi sẽ lan rộng trong xã hội Trung Hoa, vốn từ lâu còn rất ít sự gắn kết dựa trên nhân tính. Thế giới sẽ chứng kiến một kỷ nguyên bắn giết và bỏ tù tại Trung Quốc.

Khủng hoảng Trung Quốc không làm thế giới an toàn hơn mà là ngược lại. Không giống Liên Xô, vốn còn mang đôi nét văn minh châu Âu, cuối cùng đã sụp đổ trong hòa bình, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách xuất khẩu khủng hoảng ra thế giới nhằm ổn định tình hình trong nước. Chính vì thế, mối đe dọa chiến tranh của các nước giáp giới Trung quốc không những không giảm đi khi đất nước này suy yếu mà là ngược lại. Cần nhớ rằng năm 1979, một trong những lý do Đặng Tiểu Bình xua quân xâm lược Việt Nam là nhằm cố kết xã hội Trung Quốc sau nhiều thập niên suy tàn dưới thời đại cai trị Mao Trạch Đông.



Việt Nam và các nước láng giềng của Trung Quốc buộc phải cảnh giác tối đa, tận dụng mọi cơ hội để nâng cao sức mạnh tổng hợp về kinh tế, chính trị, quốc phòng và củng cố các liên minh, nhằm có đủ sức mạnh để ngăn ngừa hoặc trụ vững trước các chính sách hiếu chiến mới của Trung Quốc, cho đến khi quốc gia khát máu ấy đủ suy tàn để phải thu mình và ngừng đe dọa các nước xung quanh.

Chúng ta buộc phải tiếp tục bàn về chiến tranh, trong lúc mưu cầu cho một nền hòa bình lâu dài.

NGUY CƠ VỀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH TỔNG LỰC VIỆT-TRUNG

Nguy cơ này không lớn, nhưng vẫn buộc phải đặt ra vì thế giới này vốn không có điều gì là không thể. Lịch sử Việt Nam chỉ xét riêng từ thế kỷ thứ 10, đã không dưới 10 lần phải đối mặt với các đạo quân xâm lăng từ Trung Quốc

Tham khảo thiên Lãng luận – Việt Nam Trung Quốc, một lịch sử đau thương

Trong thế kỷ 20, Việt Nam phải liên tục đánh nhau với 3 cường quốc: Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Chưa tính đến cuộc chiến khốc liệt với Ponpot ở biên giới Tây Nam. Lịch sử chiến tranh khiến người Việt khao khát hòa bình, nhưng họ cũng chứng minh bằng xương máu của hàng nghìn thế hệ về khả năng bảo vệ đất nước. Do đó có thể nói Trung Quốc gần như không thể có hy vọng tiêu diệt Việt Nam trong một cuộc chiến tranh tổng lực. Điều đó khiến chúng ta có nhiều cơ sở để loại trừ một cuộc chiến tranh lớn giữa hai quốc gia, nhưng vẫn phải đề phòng cho nguy cơ ấy. (Mối đe dọa hạt nhân và giải pháp cho nó sẽ được bàn riêng ở cuối bài viết này)

Một cuộc chiến tổng lực Việt Trung sẽ mang đầy đủ nét điển hình của một cuộc chiến tranh quy ước và phi quy ước hiện đại, trên bộ, trên không và trên biển. Là quốc gia có năng lực quân sự mạnh hơn tuyệt đối, tuy nhiên Trung Quốc không thể dốc hết lực lượng tiến đánh Việt nam. Nó buộc phải duy trì lực lượng quân sự phòng thủ ở vùng giáp giới Ấn độ, Nhật Bản và thậm chí là cả với Nga. Nó cũng buộc phải duy trì một lực lượng quân sự lớn để đảm bảo tình hình trong nước ổn định, bởi mối đe dọa ly khai tại Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương là nguy cơ thường trực. Khi Trung Quốc sa lầy vào một cuộc chiến tranh, nguy cơ tan rã của nó sẽ lớn dần theo thời gian, đặc biệt nếu nó gặp bất lợi chiến trường.

Trung Quốc chắc chắn sẽ áp dụng lối tiến công phủ đầu ồ ạt bằng tên lửa định vị vệ tinh nhằm tiêu diệt chủ lực quân đội Việt Nam và gây hỗn loạn tại lãnh thổ đối phương. Tất cả các căn cứ hải quân và không quân trải dài từ Móng Cái đến Cà Mau đều sẽ nằm trong tầm tiến công của tên lửa Trung Quốc. Tuy nhiên hiệu năng của nó sẽ giảm dần khi xuống phía Nam. Trong 3 năm tới, các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa vẫn chưa được củng cố đủ để làm các bàn đạp tấn công Việt Nam ở khu vực phía Nam, do đó, miền Nam Việt Nam sẽ vẫn là một hậu phương khá an toàn cho một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc. Máy bay sau đó sẽ được sử dụng ồ ạt để oanh tạc và bắn phá. Mỹ đánh bom tan hoang Iraq một tháng trước khi xua quân tấn công, tiềm lực Trung Quốc hiện nay đủ để quốc gia này oanh tạc miền Bắc Việt Nam trong không dưới 15 ngày. Kết thúc giai đoạn tấn công phủ đầu, bộ binh cơ giới Trung Quốc sẽ tấn công ồ ạt ở biên giới phía Bắc theo các mũi tấn công gần giống cuộc chiến năm 1979.

Ở miền Trung và miền Nam, Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng lực lượng tình báo để tiến hành cuộc chiến phá hoại gây hoảng loạn bằng số đặc tình Trung Nam Hải cài cắm rộng khắp Việt nam, qua các dự án kinh tế đưa lao động Trung Quốc vào ồ ạt tại Tây Nguyên, Vũng Áng và miền Nam. Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiên cứu khả năng đổ bộ bằng hải quân vào khu vực Thanh Hóa và Vũng Áng, với lực lượng xuất phát từ căn cứ Tam Á tại đảo Hải Nam, nhằm cắt đôi lãnh thổ Việt nam tại phần hẹp nhất, khiến miền Bắc bị cắt rời khỏi hậu phương của nó.

Với lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới hùng hậu, sức tiến công của Trung Quốc ở biên giới phía bắc sẽ là rất mạnh. Hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam trong những năm qua phát triển rất nhanh, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc nối với Trung Quốc ở Lạng Sơn, Lào Cai và nhiều cửa ngõ biên giới sẽ khiến xe tăng Trung Quốc có khả năng có mặt ở Hà Nội sau ít giờ tham chiến. Lực lượng đặc biệt sơn cước của Trung Quốc sẽ được sử dụng để đảm bảo an toàn cho các đầu cầu tiến công của bộ binh cơ giới Trung Quốc, pháo binh và máy bay sẽ được sử dụng để thực hiện các đòn oanh tạc hủy diệt vào các cụm quân mà Trung Quốc cô lập hoặc bao vây được trước khi tiến hành trận đánh chính ở Hà Nội. Trung Quốc có thể tung ngay tức khắc khoảng 600 nghìn quân vào các mũi tiến công phía Bắc. Khoảng 400 nghìn quân sẽ được sử dụng để dàn trận đánh tại các mặt trận kéo dài 13 tỉnh giáp giới, mũi tấn công thọc sâu xuống đồng bằng sông Hồng mà mục tiêu chính là Hà Nội sẽ gồm ít nhất 2000 xe tăng, 3000 xe thiết giáp và xe cơ giới và trên dưới 2000 pháo lớn có cỡ nòng trên 57 ly. Tối thiểu 1000 máy bay, gồm tiêm kích, oach tạc cơ và trực thăng tấn công sẽ được huy động để đảm bảo cái ô tấn công cho mũi tấn công thọc sâu này.

Từ căn cứ Tam Á và đảo Hải Nam, sau khi đặc tình Trung Quốc phá hoại trên diện rộng các cơ sở thông tin và mạng lưới giao thông tại miền Trung, không quân và Hải quân Trung Quốc sẽ tiến đánh rất mạnh các căn cứ không hải của Việt Nam, đặc biệt là vịnh Cam Ranh. Máy bay Trung Quốc xuất phát từ Hoàng Sa và Hải Nam sẽ thực hiện các đòn tấn công hủy diệt với căn cứ này sau các đòn đánh phủ đầu bằng tên lửa hành trình. Chắc chắn Cam Ranh sẽ bị hủy diệt vì năng lực phòng không hiện nay của Việt Nam không đủ để tự vệ cho một mục tiêu có tọa độ cố định nằm trong phạm vi tấn công 500 km tính từ các căn cứ quân sự Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc sau đó sẽ huy động ít nhất hai trong số ba hạm đội của nước này cho cuộc chiến đổ bộ tại Thanh Hóa hoặc có thể là Vũng Áng tại miền Trung (Có khoảng cách gần như nhau tính từ các căn cứ tại Hải Nam)

Các mũi tấn công đổ bộ của Trung Quốc xuất phát từ Hải Nam:

Ảnh: internet

Tối thiểu 200 chiến hạm và 1000 tàu thuyền các loại (gồm tàu đổ bộ quân sự và các tàu hỗ trợ hậu cần) sẽ được Trung Quốc huy động cho cánh quân đổ bộ này. Lực lượng đổ bộ dự tính khoảng 30 nghìn quân, đủ để cài một chốt chặn cắt đôi lãnh thổ Việt Nam và đánh vu hồi Hà Nội từ phía Nam.

Nếu tất cả các chiến lược của Trung Quốc được thực hiện thành công, Việt Nam có thể sẽ mất Hà Nội và toàn bộ miền Bắc. Đó là kế hoạch của người Tàu. Còn người Việt Nam có thể làm gì để chặn nguy cơ ấy?

Quân đội Việt Nam hiện có trên 300 nghìn lính thuộc lục quân. Không quân có trên dưới 300 máy bay các loại, chủ yếu là tiêm kích đời cũ mig21, tiêm kích bom su22 và khoảng 40 máy bay tiêm kích đa năng khá hiện đại su27, su30 và một số trực thăng chiến đấu. Việt nam không có oanh tạc cơ hạng nặng và không có máy bay cảnh báo sớm trên không. Việc cảnh giới bầu trời và các đòn tấn công phủ đầu chủ yếu dựa vào các trạm rada mặt đất mà ngày nay đã lạc hậu khá nhiều. Hải quân Việt Nam hiện có khoảng 100 chiến hạm các loại, chủ yếu hoạt động ven bờ, trong đó chủ lực là 10 hạm tầu tên lửa tấn công lớp tarantus, monlya, hai khinh hạm Gerparc và 4 tàu ngầm lớp Kilo mới được bàn giao. Lục quân Việt nam có trên 1000 xe tăng đời cũ, khoảng 3000 thiết giáp và xe cơ giới và khoảng 7000 pháo lớn, lực lượng tên lửa bờ biển có một số tổ hợp yakhon hiện đại nhưng số lượng rất ít. Lực lượng phòng không, ngoài hai tổ hợp P300MU, chủ yếu vẫn dựa vào các giàn tên lửa Sam3 có từ thời chiến tranh Việt Nam. Tổng quân số trong biên chế của Việt nam vào khoảng 450 nghìn quân. Bên cạnh đó còn khoảng 500 nghìn thuộc lực lượng an ninh và bán vũ trang có thể được huy động cho cuộc chiến chống phá hoại tại hậu phương. Trong điều kiện chiến tranh tổng lực, Việt Nam có thể tổng động viên để có một đạo quân dự bị vào khoảng 2 triệu người trong vòng 3 tháng. Nếu chiến tranh kéo dài và cần đánh tất tay, Việt Nam có thể có một lực lượng dự trữ không dưới 15 triệu người cho cuộc chiến phòng thủ chống xâm lược.

Năng lực quốc phòng Việt Nam hiện tại rất hạn chế. Các nhà máy quốc phòng Việt Nam hiện chỉ đủ khả năng sản xuất súng bộ binh, đạn các loại (bao gồm đạn pháo lớn) và đóng một số tàu chiến cỡ nhỏ (máy và vũ khí trang bị theo tàu vẫn phải nhập khẩu). Nói chung năng lực quân sự và quốc phòng tổng hợp của Việt Nam, trong tình huống không có nguồn hỗ trợ vũ khí từ bên ngoài, chỉ đủ cho một cuộc chiến tiêu hao du kích.

Chiến lược chính của Việt Nam trước các đòn oanh tạc bằng tên lửa và không quân của Trung quốc chỉ có thể là phân tán và ẩn núp. Nếu có kế hoạch phân tán tốt, lục quân Việt Nam có khả năng bảo tồn ít nhất 80% lực lượng và trang bị trước các đòn đánh phủ đầu. Dù diện tích rừng phía bắc đã bị phá hoại hầu như triệt để, nhưng địa hình vùng giáp giới Trung quốc vẫn rất hiểm hóc, có lợi cho phân tán và ẩn náu. Bên cạnh đó, thời tiết miền Bắc Việt Nam khác với vùng sa mạc khô nóng ở Iraq, rất không thuận lợi cho hoạt động kéo dài của không quân và tính chính xác của các loại vũ khí định vị do thường xuyên có mưa lớn, mây mù và nhiều cơn bão lớn. Trong trường hợp Trung Quốc đột kích ồ ạt, lục quân Việt Nam cần thiết lập vòng đại phòng thủ chính nằm vắt qua Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Quảng Ninh. Trong lúc đó, cần tổ chức các mũi đột kích vu hồi vào các đường tiến quân của Trung Quốc tại các tỉnh giáp giới Cao bằng, Lạng sơn, Lai Châu và Hà Giang, nhằm chặn đường và gây tổn thất nặng cho bộ binh cơ giới Trung Quốc.



Địa hình nhiều rừng núi giúp Việt Nam triển khai lợi thế của các trận chiến phục kích mà các vũ khí chống tăng cầm tay có thể phát huy tác dụng. Việt Nam có thể sử dụng 200 nghìn bộ binh chính quy làm nòng cốt cho các vành đai phòng thủ. Các mũi tấn công đột kích trang bị nhẹ có thể huy động 3 – 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập với quân số khoảng 50 nghìn người. Để chống lại đà tiến công của các mũi đột kích bằng xe tăng và cơ giới, hệ thống cầu và đường bộ trên các hướng tiến quân của Trung Quốc sẽ được phá hoại hàng loạt. Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các nút chặn chôn cứng xe tăng và bộ binh cơ giới của Trung Quốc ở các tuyến đường hiểm trở ven núi. Trong tình huống đó, một số tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang và Lạng Sơn có thể thất thủ, nhưng Trung Quốc sẽ bị kéo vào cuộc chiến sa lầy ở vành đai phòng thủ tiếp sau, và sẽ phải đối mặt với các mũi tấn công đột kích kéo dài trên những địa hình rừng núi mới chiếm đóng. Cuộc chiến sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc chiến vỗ mặt thay vì các đòn tấn công thọc sâu chia cắt, và trở thành một cuộc chiến sa lầy đẫm máu. Trung Quốc có lợi thế lớn về quân số chính quy và năng lực hậu cần. Ngược lại, ở phương diện phòng thủ, Việt Nam có lợi thế vượt trội về lực lượng có thể sử dụng cho các hoạt động tấn công du kích, và lực lượng chủ lực Việt nam sẽ thường xuyên được tiếp máu vì chiến đấu ngay tại hậu phương. Việt Nam không có lợi thế về các phương tiện cơ giới, nhưng số pháo lớn trên 7000 khẩu thừa đủ để hỗ trợ cho các mặt trận phòng thủ. Ở đây phải xét đến đòn tiến công tâm lý: Lính Trung Quốc, vốn là sản phẩm của chính sách con một trong suốt 50 năm, một đứa trẻ Trung Quốc được 6 người lớn nuôi dưỡng (2 ông bà nội, có một con trai; hai ông bà ngoại có một con gái; thế hệ thứ hai kết hợp để đẻ ra duy nhất một đứa thuộc thế hệ thứ ba), số lính này không có khả năng để chịu đựng một cuộc chiến sa lầy kéo dài 6 tháng. Duy trì được cuộc chiến kéo dài, vốn là một năng lực đặc thù của người Việt Nam. Có thể nói đòn tấn công lục quân của Trung Quốc hòng tràn ngập miền Bắc chắc chắn sẽ bị chặn lại.

Không quân Việt nam không thể tiến hành một cuộc chiến vỗ mặt với không quân Trung quốc. Nó phải lẩn tránh nhằm bảo tồn lực lượng sau các đòn oanh tạc phủ đầu. Để thành công cho cuộc chiến bảo tồn này, Việt Nam bằng mọi giá phải tiêu diệt được lực lượng tình báo và quân báo Trung quốc hoạt động sâu trong hậu phương. Đây là một bài toán nan giải nếu xét theo bản đồ xâm nhập tràn ngập của công nhân và thương nhân Trung Quốc trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên Việt Nam có một bộ máy khá hữu hiệu về hệ thống công an khu vực và tự vệ địa phương. Lực lượng này sẽ phát huy được năng lực của nó tại hậu phương khi bước vào thời chiến. Chiến thuật chính của không quân Việt Nam, là đánh tỉa quấy rối vào lực lượng oanh tạc cơ trung quốc, tránh các đòn đánh vỗ mặt với tiêm kích đối phương. Trong lúc đó toàn bộ oanh tạc cơ mang tên lửa chống hạm và tiêm kích đánh biển sẽ được ưu tiên giành cho hạm đội đổ bộ Trung Quốc từ hướng biển.

Hơn 100 máy bay các loại có thể được huy động cho cuộc chiến này. Để phòng thủ miền Trung, từ Thanh Hóa hất vào Đà Nẵng, Việt Nam có thể triển khai một quân đoàn, vừa nhằm làm lực lượng phòng thủ chống đổ bộ, vừa làm dự bị chiến lược cho mặt trận phòng thủ miền Bắc. Việt Nam cũng cần huy động tối thiểu năm triệu người vào lực lượng tự vệ quốc phòng để chống chiến tranh phá hoại và hỗ trợ cho các lực lượng chính quy. Với số dân trên 40 triệu người tại Miền Bắc, có đủ số người để thiết lập vành đai phongf thủ ở hậu phương. Không quân và các tàu tên lửa tấn công nhanh của Việt Nam có thể được huy động để đánh vào chặng đường tiến công kéo dài trên 500 km của hạm đội đổ bộ Trung Quốc từ Hải Nam. Với các đòn đột kích bất ngờ, liên tục từ các căn cứ không quân dã chiến trong đất liền và các vịnh nhỏ kín đáo giáp biển và các đảo ven bờ, hải quân và không quân Việt Nam có thể đánh quỵ hạm đội đổ bộ của Trung Quốc bằng các mũi đột kích liên miên với số lượng nhỏ máy bay và tàu tham chiến. Lực lượng tàu ngầm có thể được huy động để răn đe chiến lược với các tàu chiến có giá trị cao của hải quân trung hoa. Gần như có thể chắc chắn rằng, việc một hạm đội đổ bộ phơi mình trên chặng đường hành quân 500 km trống trải giữa biển, nằm gọn trong tầm oanh tạc của không quân Việt nam và tầm hoạt động của các tàu nhỏ hải quân, sẽ bị tiêu diệt phần lớn sinh lực trước khi nó đến được mục tiêu (Không quân trung Quốc không đủ năng lực để che ô bảo vệ 24/24 trên đầu hạm đội, và kể cả có hoạt động liên tục, cũng không thể chặn hết các đòn tiến công của phi cơ đối phương khi chặng đường tiến công từ căn cứ ven bờ đến mục tiêu không quá 30 phút bay). Đón sẵn hạm đội đã bị tổn thất nặng ấy là pháo lớn, tên lửa bờ và các trận địa phòng thủ bờ biển. Nếu Trung Quốc đủ năng lực như liên quân Mỹ Anh để đổ bộ 155 nghìn quân lên Normandy trong đợt đầu và 1,33 triệu quân lên trong đợt kế tiếp (Với 12 nghìn máy bay hỗ trợ, 6900 chiến hạm và 4500 tàu đổ bộ, không quân oanh tạc 14000 nghìn phi vụ và khoảng cách hành quân chỉ ít giờ do khoảng cách eo biển Pháp – Anh), có lẽ nó sẽ đủ khả năng đổ bộ lên miền Trung Việt Nam, còn với năng lực tất tay của không quân và hải quân Trung Quốc hiện nay, đó vẫn là một giấc mơ còn rất xa vời.

Phản ứng của thế giới về cuộc chiến Việt Trung và các lợi thế Việt nam có thể tận dụng

Phương Tây và thế giới sẽ không bất ngờ, vì năng lực vệ tinh định vị hiện nay đủ khả năng giám sát mọi hoạt động tập kết và chuyển quân của Trung Quốc đến từng thời điểm. Mỹ chắc chắn sẽ gửi ít nhất 2 hạm đội tàu sân bay đến Biển Đông, chắc chắn không phải là để tham chiến mà là để giám sát với cái cớ đảm bảo an ninh hàng hải. Nhật sẽ không ngồi im và cũng sẽ gửi hạm đội của mình đến biển đông. Giống Mỹ, người Nhật chắc chắn không tham chiến. Sự có mặt của hạm đội Nhật Mỹ sẽ có tác dụng kìm chế và ngăn chặn hoạt động của không quân và hải quân Trung Quốc tại Biển Đông và đảm bảo cho dòng hàng hóa viện trợ của các nước đổ vào Việt nam ở phía Nam, bao gồm hàng hóa quốc phòng.



Hơn 20 năm qua, người Nhật trung thực giúp đỡ Việt nam để Việt nam mạnh lên, cả về kinh tế và năng lực quốc phòng. Viện trợ ODA của Nhật đổ vào Việt nam đến nay không dưới 30 tỷ USD. (Riêng năm 2015, Nhật Bản cam kết viện trợ 3,1 tỷ USD). Một cuộc chiến Việt Trung, người Nhật chắc chắn sẽ giành một ngân khoản không dưới 10 tỷ USD giúp Việt nam phòng thủ, bởi giúp Việt Nam, cũng chính là đảm bảo cho tương lai nước Nhật.

Do vướng mắc trong quá khứ và sự khác biệt chính trị, dòng viện trợ từ Mỹ vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ chảy vòng vào Nhật Bản, rồi từ đó rots vào Việt Nam. Đây sẽ là một sự hậu thuẫn có ý nghĩa cho cuộc chiến tự vệ kéo dài của người Việt.

Ấn độ, với mối thâm thù kéo dài nhiều thập niên với Trung Quốc chắc chắn cũng hướng về phía Đông một cách thiết thực. Các dòng vũ khí Ấn độ, dù được viện trợ cho không hay thuê mua, đều sẽ giúp củng cố mạnh năng lực quốc phòng của Việt nam ở giai đoạn đầu cuộc chiến do tính tương đồng về khí tài.

Sự kiểm soát gần như tuyệt đối của Mỹ, Nhật, Ấn đối với Ấn Độ Dương, eo biển Mallacca và thậm chí là Biển Đông sẽ cung cấp một cái ô cho không quân và hải quân Việt nam ở phía Nam, khi hạm đội Trung Quốc không thể triển khai mạnh trong điều kiện hạm đội Nhật Mỹ hiện diện trong khu vực.

Bài toán chính với Việt Nam là đánh tiêu diệt các căn cứ không quân và hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa và các đảo bồi đắp tại Trường Sa trong giai đoạn hai của cuộc chiến. Các căn cứ này sẽ mang lại lợi thế lớn cho Trung quốc trong giai đoạn 1 của cuộc chiến khi làm cơ sở xuất phát cho các đòn đánh phủ đầu. Tuy nhiên do đây là những mục tiêu cố định nằm giữa biển, nằm trong khoảng cách 30 phút bay từ các căn cứ không quân mặt đất của Việt nam. Bằng việc triển khai máy bay oanh tạc bay thấp trong đêm, đột kích liên tục kết hợp các đòn đánh cảm từ của lực lượng đặc công hải quân, Việt nam có đủ khả năng xóa sổ và vô hiệu hóa các căn cứ này, và loại chúng khỏi vòng chiến đấu trong các giai đoạn chiến đấu kéo dài. Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc cố gắng vượt cả nghìn cây số (với tổn hại nặng khi bị không quân Việt Nam đột kích vào đội hình kéo dài trên biển), để khôi phục và tiếp viện cho các căn cứ này, Việt Nam vẫn có khả năng mở lại các đòn đột kích liên miên để xóa sổ chúng khỏi vai trò quân sự. Trong tình huống đó, Việt Nam có đủ lợi thế để phong tỏa tàu dầu và các tàu vận tải Trung Quốc qua lại eo biển mallacca. Cuộc chiến kéo dài, Trung Quốc sẽ hết dầu để đổ cho các phương tiện chiến tranh cơ giới.

Phần còn lại của thế giới về cơ bản sẽ ngồi im và nghe ngóng. Châu Phi, Nam Mỹ sẽ ngồi xem phim. Asean sẽ phản đối bằng mồm và ngồi im quan sát. Nước Nga sẽ nghe ngóng và ngồi im. Châu Âu sẽ phản đối chiến tranh và tiến hành cấm vận Trung Quốc. Việt Nam cũng chỉ cần thế để tiến hành một cuộc chiến tự vệ kéo dài.

Kết cục của cuộc chiến

Miền Bắc Việt Nam sẽ phải gánh chịu tổn hại nặng nề. Hà Nội, Hải Phòng và một loạt đô thị lớn sẽ biến thành gạch vụn. Hầu hết các nhà máy điện, năng lượng, các đập thủy điện và các cơ sở kinh tế chính ở miền Bắc sẽ bị hủy diệt. Tổn thất nhân mạng ước tính từ 3 – 5 tr người. Tổng thiệt hại có thể lên tới 100 tỷ USD và nhiều hơn.

Trung Quốc sẽ tổn thất ở Việt nam ít nhất 200 nghìn quân, số bị thương có thể lên tới 1 tr lính nếu cuộc chiến kéo dài. Hạm đội Trung Quốc sẽ tổn thất khoảng 1/3 do phải chiến đấu ở vùng chiến trường thuộc lợi thế đối phương. Không quân Trung Quốc cũng sẽ mất từ 500 – 1000 máy bay các loại. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó trong lòng Trung Hoa mới là cơn ác mộng.

Việt nam sẽ bị tổn hại nặng nề, nhưng nó sẽ thoát khỏi cái bóng Trung Quốc một lần và mãi mãi. Quỹ đạo Việt Nam sẽ gắn với phương tây và không thể quay đầu. Người Việt sẽ mất ít nhất 1 thế hệ để xây dựng lại những gì đã mất nhưng tương lai sẽ là thịnh vượng và tự do.

Ngược lại, cuộc chiến sa lầy nặng tại Việt nam, dòng thương mại bị phong tỏa và cuộc chiến cấm vận của phương Tây sau chiến tranh sẽ khiến Trung Quốc sụp đổ. Khi kinh tế đói kém và hoảng loạn lan tràn, sự chia tách ly khai của Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập khi Trung Quốc sa lầy và không còn rảnh tay bóp cổ Đài Loan. Người Tân Cương cũng sẽ tận dụng sự rối ren. Tây Tạng cũng sẽ là một lò lửa mới. Ấn độ sẽ nghe ngóng để đoạt lại vùng biên giới giáp hymalaya. Kịch bản tồi tệ nhất là Trung Quốc có thể bị tách làm ba sau các cuộc nội chiến kéo dài. Trung Quốc sẽ mất 50 năm và có thể nhiều hơn để vãn hồi những gì đã mất. Nhưng giấc mộng Trung Hoa thì vĩnh viễn sụp đổ.

Do không thể đối mặt với một cuộc chiến kéo dài, cả Trung Quốc và Việt Nam rồi sẽ phải ngồi vào đàm phán sau 6 tháng chiến tranh. Cuộc chiến sẽ để lại nghi kỵ kéo dài và hậu quả thảm khốc cho cả hai bên tham chiến.

Do tính khốc liệt và mức tổn hại kinh khủng của nó, một cuộc chiến tổng lực Việt Trung là cuộc chiến cả hai phía cùng thua. Do đó, đây là một kịch bản có khả năng thấp nhất trong xung đột hai nước. Thay vì thế, cả hai phía sẽ đối mặt với một cuộc chiến có khả năng lớn hơn nhiều: Cuộc xung đột cục bộ tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa trên biển đông.

Do cuộc chiến cục bộ tại Biển Đông sẽ gắn rất chặt chẽ với chiến lược phát triển quốc phòng của Việt nam trong tương lai, anh Lãng sẽ bàn riêng về cuộc chiến này và các giải pháp phòng thủ chiến lược của Việt nam trong bài viết ở phần kế tiếp.

Chúng ta quay lại với một nguy cơ lớn:

MỐI ĐE DỌA HẠT NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

Trung Quốc hiện có không dưới 500 đơn vị vũ khí hạt nhân, Việt Nam không có.

Trung Quốc hiện có không dưới 200 máy bay có thể oach tạc bằng vũ khí hạt nhân, Việt nam không.

Trung Quốc hiện có 2000 tên lửa đạn đạo, hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Việt Nam không.

Điều gì sẽ diễn ra nếu Trung Quốc giã vào tất cả các thành phố lớn của Việt Nam mỗi nơi một đầu đạn nhiệt hạch? Tất nhiên, đó sẽ là mùa đông hạt nhân.

Việt Nam có giải pháp nào khi không có gì trong tay để trả đũa và tự vệ.

Lời giải đến với chúng ta từ lịch sử.

Năm 1952, liên quân Trung Quốc choảng nhau chí tử với liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Triều Tiên. Trung Quốc chết trận hơn 1 tr người, tổn thất của Mỹ và đồng minh là hơn 50 nghìn lính. Cuộc chiến đã dẫn đến kết quả tách đôi Triều Tiên và đẩy Mỹ và Trung Quốc vào vị thế của những kẻ thù cốt tử. Thực trạng ấy giữ nguyên cho đến năm 1969, khi đó Mỹ vẫn là kẻ tử thù của Trung Quốc và nhiều nước cộng sản.

Cũng trong năm 1969, Mao Trạch Đông xua lính lấn chiếm lãnh thổ Liên Xô. Lúc này đang ở đỉnh cao về quân sự, người Nga nhanh chóng đáp trả và hất cẳng toàn bộ bộ binh Trung Quốc về bên kia biên giới. Nga sau đó tập hợp một đạo quân ở vùng viễn đông lên tới 400 nghìn lính chính quy và trên 12000 xe tăng, khoảng 7 nghìn máy bay các loại. Đạo quân này được đánh giá là quân đội PLA hiện nay vẫn không phải là đối thủ. Nhưng nguy cơ hủy diệt của Trung Quốc không nằm ở đạo quân này. Liên Xô, quốc gia lúc đó có hơn 20 nghìn đầu đạn hạt nhân, đã lên kế hoạch về một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt vào lãnh thổ Trung Quốc bằng tên lửa tầm trung. Vào năm 1969, Trung Quốc có trong tay không nhiều hơn vài chục đơn vị vũ khí hạt nhân (vụ thử đầu tiên của Trung Quốc là vào năm 1964) với phương tiện mang phóng rất hạn chế, và người Nga đánh giá thiệt hại do khả năng trả đũa của Trung Quốc nằm trong phạm vi kiểm soát. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái A. A. Grecho và trợ lý Bộ trưởng, Nguyên soái V. I. Chuikov đã cho soạn thảo một kế hoạch tấn công hạt nhân ồ ạt tất cả các thành phố và căn cứ quân sự chính của Trung Quốc. Liên Xô có thừa đầu đạn cho kế hoạch của mình, đối phương cũng gần như không có gì trong tay, nhưng Liên Xô đã bị chặn lại, không phải bởi Trung Quốc mà vì nước Mỹ.

Kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, nó chỉ được sử dụng duy nhất một lần trong chiến tranh thế giới lần 2. Thứ vũ khí này là phương tiện hủy diệt kinh khủng nhất mà loài người sáng tạo ra. Nước Mỹ đã sử dụng nó trong bối cảnh cả thế giới không ai ngoài Mỹ có. Năm 1969 năng lực răn đe hạt nhân Xô Mỹ là khá cân bằng, cả hai phía đều có thể hủy diệt và gây tổn hại nặng cho nhau. Trung Quốc mới góp mặt trong cuộc chơi hạt nhân và có năng lực không hơn gì Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên hiện nay là mấy. Liên Xô, với lãnh thổ 17 tr km2, vùng lãnh thổ trọng yếu phía Tây nằm ngoài năng lực tấn công của Trung Quốc hầu như không đếm xỉa đến vài chục đầu đạn hạt nhân của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên trạng thái cân bằng hạt nhân thế giới lúc đó được thiết lập trên quy tắc: Không ai được dùng vũ khí hạt nhân trước. Khi Brezhnev thăm dò ý kiến của Mỹ về khả năng tấn công hạt nhân của Liên Xô đối với Trung Quốc, nước Mỹ đã đưa ra một phản ứng cực mạnh và tức thời: Mỹ lên kế hoạch và thông báo sẽ tấn công 130 thành phố của Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân nếu phát hiện tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô rời bệ phóng.

Nhận được tin này qua đường tình báo và ngoại giao, Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Brezhev thốt lên đầy cay đắng: “Bọn khốn kiếp đó (Mỹ) đã bán đứng chúng ta”. Kế hoạch tấn công hạt nhân của Liên Xô nhằm hủy diệt Trung Quốc được xếp vào ngăn kéo.

Mỹ yêu Trung Quốc chăng? Chuyện cổ tích thời đại vì năm 1969 Mỹ Trung còn gằm ghè sau cuộc chiến chí tử tại Triều Tiên. Nước Mỹ của tự do càng không thể ưa nổi Mao của đại cách mạng văn hóa và đại nhảy vọt. Tuy nhiên, nước Mỹ đã đe dọa tấn công Liên Xô vì chính an toàn nước Mỹ.

Nếu một quốc gia có vũ khí hạt nhân tùy ý phóng tên lửa hủy diệt một quốc gia khác ngày hôm nay, không có gì đảm bảo ngày mai tên lửa đó không quay đầu hươngs về nước Mỹ. Với tư cách là một đại cường, Mỹ chặn nguy cơ ấy lại vì chính sự sinh tồn của Mỹ chứ không phải vì Trung Quốc.

Năm 2015, trong phương án tấn công tối mật của Mỹ về một cuộc đại chiến thế giới lần 3, hơn 1000 thành phố, căn cứ quân sự và các mục tiêu trọng yếu của Trung quốc đã nằm sẵn trong một phương án tấn công hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ (Wiki leak rồi sẽ tiết lộ phương án này). Do đó, người Việt Nam có thể yên tâm, sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công chỉ nằm trong giấc mơ đêm trước tận thế của người Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét