Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016
Để xem Tổng Trọng xoay vần đến đâu?
Thái Tuế
Lấy cảm hứng từ loạt bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Từ Huy “Việt Nam có thể cải cách chính trị hay không?“. Trong loạt bài này, bà Nguyễn Thị Từ Huy tập trung nghiên cứu về Nguyễn Phú Trọng và đi đến kết luận: “Nguyễn Phú Trọng không tham nhũng, không tham nhũng thì còn tự trọng và tự trọng có thể thay đổi”. Cũng như Bùi Quang Vơm, tôi rất kính trọng những nghiên cứu của Nguyễn Thị Từ Huy, nhưng không hoàn toàn đồng ý với bà.
Chính vì vậy tôi xin lặp lại cách mà Nguyễn Thị Từ Huy đã dùng để nghiên cứu Nguyễn Phú Trọng. Đó là bắt đầu sự nghiên cứu bằng việc tìm hiểu về cá nhân Nguyễn Phú Trọng. Cũng như bà, tôi không tin chắc 100% những nghiên cứu này là đúng, vì thiếu thông tin, nên chắc chắn phiến diện. Nhưng dẫu sao vẫn phải nghiên cứu từ số lượng thông tin ít ỏi ấy.
Cách đây vài năm tôi được ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương hồi Lê Đức Thọ cho xem một tấm hình. Đây là một bức ảnh chụp đen trắng từ những năm 80 của thế kỷ 20, khi ông cùng Nguyễn Phú Trọng ngồi ở bàn thư ký của Đại hội 6. Nguyễn Phú Trọng lúc đó đeo kính cận gọng đen dầy cộp, ngồi ở mép ngoài của dãy bàn thư ký, mới khoảng gần 30 tuổi. Kể từ hồi đó ông đã vào sâu trong cơ cấu của đảng Cộng sản. Đến bây giờ đã khoảng trên 40 năm. Như vậy có thể xem là ông đã tham gia rất nhiều đại hội Đảng và là người làm nghề công tác Đảng chuyên nghiệp và có thâm niên, thực tế ông đã có bằng cấp TS về xây dựng Đảng. Vậy với một người làm nghề lâu năm thì như thế nào? Sẽ xảy ra hai trường hợp: a) rất yêu nghề, hoặc b) rất chán ngán nghề, chẳng qua phải làm vì cái nghiệp, vì miếng cơm manh áo. Theo tôi Nguyễn Phú Trọng thuộc trường hợp a, tức ông rất yêu nghề và Đảng đã trở thành máu thịt của ông. Suy luận này đúng, người ta có thể kiểm chứng dễ dàng qua hành động và phát ngôn của ông. Tuy vây, ông để lại dấu ấn mờ nhạt qua rất nhiều cương vị công tác trong Đảng, chỉ từ khi ông làm Tổng Bí thư thì dấu ấn của ông trong công tác Đảng bắt đầu đậm nét. Đó là giọt nước mắt tại Hội nghị T.Ư 6 (khóa 11) năm 2012, đó là câu nói nổi tiếng “Tôi bất ngờ vì được tái bầu làm Tổng Bí thư với kết quả gần 100%”, đó là “dân chủ đến thế là cùng”.
Vấn đề là giọt nước mắt và phát ngôn của ông xảy ra khi nào. Rất dễ thấy, xảy ra sau các cuộc đấu cam go với các thế lực trong Đảng. Tại sao ông phải đấu cam go? Vì ông nhận thức rằng một bộ phận lớn trong Đảng đã suy thoái và quyết chống lại trào lưu đó. Đây là một việc vô cùng khó khăn và vì vậy nó rất cam go. Người ta còn nhớ, tại trận đấu cam go đầu tiên vào năm 2012 ông đã phải rơi nước mắt. Nhưng ông không chịu thua, trận 2016 ông đã nở nụ cười. Vậy ông đã thắng chưa? Ông đã chặn đứng được đà suy thoái biến chất chưa? Chăc chắn là chưa. Vậy lúc này đây ông đang làm gì? Ông làm tiếp cái việc tập hợp đội ngũ những Đảng viên “chưa suy thoái” để chống lại các Đảng viên “đã suy thoái”. Năm trước ông điều Bá Thanh ra Hà nội để chặn suy thoái, chống tham nhũng. Bá Thanh đã ngã ngựa giữa dòng. Năm nay ông cử La Thăng vào Sài Gòn cũng để chặn đà suy thoái, tham nhũng.
Một động thái khác quan trọng hơn. Đó là phát biểu của tướng Phan Anh Minh về chỉ thị 15 rằng công an không được trinh sát đảng viên. Ai cho phép vị tướng này tiết lộ chỉ thị tuyệt mật 15? Ai cho phép các cơ quan truyền thông đăng tải rầm rộ phát biểu này? Có phải Nguyễn Phú Trọng không. Chắc chắn rồi, trong cơ chế độc Đảng, lời nói của vị tướng đó nhất định sẽ bị vô hiệu hóa nếu không được phép từ cơ quan cao nhất.
Vậy bạch hóa chỉ thị 15 để làm gì? Để làm điều ngược lại. Để chuẩn bị cho công an được phép trinh sát đảng viên. Vậy rõ ràng là sau thắng lợi tại đại hội 12, khi mà Nguyễn Phú Trọng dùng nghị quyết 244 và 1510 đại biểu dự đại hội Đảng để loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng, thì bây giờ là lúc ông dùng công an để loại bỏ các đảng viên suy thoái khác. Có lẽ chúng ta sẽ thấy một trận chiến mới, rộng hơn, mạnh hơn, qui mô lớn hơn và tất nhiên cam go hơn. Theo dự đoán người đầu tiên bị đưa vào tầm ngắm sẽ là vị thủ tướng sắp được bổ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đưa lên cao để lật đổ cho dễ.
Nhưng tại sao ông Nguyễn Phú Trọng lại phải chống suy thoái? Cơ sở nhận thức nào cho phép ông tiến hành công tác chống suy thoái (chúng ta hãy tạm quên biệt danh Trọng Lú để tin rằng ông có thể nhận thức các hiện tượng vô cùng phức tạp của chính trị, xã hội)?
Cơ sở thứ nhất là tình yêu của ông đối với Đảng. Hơn 40 làm nghề xây dựng Đảng ông rất yêu Đảng, tin rằng Đảng là đạo đức là văn minh, bất chấp rất nhiều hành vi vô đạo đức và kém văn minh của Đảng. Theo ông, vì Đảng là đạo đức là văn minh thì tất nhiên Đảng phải loại bỏ các phần tử suy thoái.
Cơ sở thứ hai là triết học Mác mà ông thuộc lòng từ trẻ. Triết học Mác dạy ông và rất nhiều người rằng đấu tranh giữa các mặt đối lập tạo ra sự phát triển. Vì Nguyễn Phú Trọng muốn bảo vệ, xây dựng và phát triển Đảng nên ông đã và đang tiến hành các cuộc đấu cam go chống lại thế lực suy thoái trong Đảng.
Trong hai cơ sở nhận thức trên, cơ sở thứ nhất thuộc về trái tim. Trái tim có thể mù lòa, lạc lối và chúng ta chưa bàn sâu về sự u mê của trái tim vội. Chúng ta hãy bàn về cơ sở nhận thức thứ hai thuộc về phần trí tuệ. Nội hàm thực sự của cái gọi là biện chứng trong triết học Mác về sự đấu tranh giữa các mặt đối lập chỉ là một phần sơ khai của thuyết âm-dương. Nguyễn Phú Trọng đã dựa vào nội hàm đó, lấy nó làm cơ sở triết lý cho cuộc đấu tranh chặn suy thoái trong Đảng. Ông tin rằng đấu tranh chống tham nhũng, loại bỏ suy thoái, sẽ làm trong sạch Đảng và một Đảng trong sạch sẽ hoàn thành nhiệm vụ đưa đất nước đến giàu mạnh, dân chủ, công bằng. Nhưng ông đã quên rằng Đảng chỉ là một bộ phận trong mối quan hệ rộng lớn hơn đối với 90 triệu dân. Thực chất, Đảng là dương và dân là âm hoặc ngược lại. Bộ phận suy thoái trong Đảng là thiếu âm của dương và lực lượng tiến bộ trong nhân dân là thiếu dương của âm.
Khi Đảng đã suy thoái trầm trọng thì Đảng đang là dương trong giai đoạn trước dần biến màu thành âm trong hiện tại và cái thiếu âm (suy thoái) chính là lực lượng mang tính động lực thúc đẩy sự biến tính của Đảng, chuyển hóa Đảng từ dương thành âm. Trong khi đó, nhân dân vốn là âm (giai cấp bị trị) dần biến mầu thành dương và lực lượng tiến bộ trong nhân dân (trí thức, doanh nhân, các nhà dân chủ,…) đang là thiếu dương thì trở thành động lực thúc đẩy sự biến tính của âm (nhân dân) thành một lực lượng thống trị mới. Quan sát sự dịch chuyển đó, nếu Nguyễn Phú Trọng không lú, thì ông phải tiến hành cuộc tự diễn biến, nhập cuộc với lực lượng tiến bộ trong nhân dân để biến Đảng từ chỗ suy thoái thành tích cực. Do đó, nếu Nguyễn Phú Trọng giỏi về thuyết âm dương, giỏi về triết học thì ông không nên đấu tranh chống suy thoái trong Đảng mà phải tích cực ủng hộ tiến bộ trong dân. Cụ thể ông nên tiến hành dân chủ hóa từ làng xã, tổ chức bầu cử tự do, dân chủ thực sự dần dần từ làng xã, để loại bỏ cường hào cấp thấp, dần dần loại bỏ tham nhũng cấp cao và đưa đất nước đến văm minh, dân chủ. Nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không làm như vậy, ông đã tiến hành đấu tranh trong Đảng, loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng với mong muốn qua đó loại bỏ tham nhũng. Chắc chắn ông đã và sẽ gặp trở lực rất lớn.
Thắng lợi ở đại hội 12 vừa rồi chỉ là thắng lợi tạm thời. Ông, với tư cách là người có thâm niên nghề nghiệp trong xây dựng Đảng, sẽ đẩy Đảng đến chỗ tan rã khi cứ kiên quyết chống tham nhũng. Như vậy có thể kết luận, nếu ông chiến đấu ở thượng tầng, chặn suy thoái, chống tham nhũng, thì ông đang lú và ông sẽ thua, thua trong công tác xây dựng Đảng. ‘Đánh trên đánh xuống’, nhưng trầy trật mãi cũng không đánh được thì ‘dưới lại mạnh thế ngoi lên’. Như thế, coi như Tổng Trọng thất bại, dù đã nhiều trải biến chịu trận ‘cố đấm ăn xôi’, nhưng ‘lực bất tòng tâm’… Ngược lại, nếu ông đi với nhân dân, thì ông không lú và ông sẽ đi vào lịch sử dân tộc như một người có công trong việc loại bỏ chế độ toàn trị. Nhưng thôi, với phép suy chiếu – theo ngữ luận thường dùng của Tiến sĩ Xây dựng đảng là khách quan, biện chứng – thử phân tích vậy và ‘cứ biết vậy cái hẵng’, thử xem Tổng Trọng xoay vần đến đâu ?!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét