Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Chủ tịch đường sắt Việt Nam: “Tôi không làm gì sai”


Ông Trần Ngọc Thành. Ảnh: Tiền phong.
Ông Trần Ngọc Thành. Ảnh: Tiền phong.
Sau khi Bộ GTVT có công văn thông báo về việc sẽ xem xét kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN, ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, ông chưa nhận được công văn từ Bộ và chưa có bình luận gì về việc này.
Dù vậy, ông Thành cũng khẳng định ông sẽ nghiêm túc chấp hành mọi quy định của lãnh đạo Bộ.
Chủ tịch Đường sắt Việt Nam chia sẻ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ông luôn chấp hành nghiêm túc mọi quy định pháp luật và nhận thấy “bản thân không làm gì sai”.
“Sai hay đúng còn phụ thuộc vào quyết định của hội đồng kỷ luật. Là đảng viên, tôi sẽ nghiêm túc chấp hành mọi quyết định của tập thể và cấp trên” – ông Trần Ngọc Thành nói.
Liên quan tới vụ việc mua toa tàu cũ từ Trung Quốc, Bộ GTVT yêu cầu xem xét kỷ luật Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Liên quan tới vụ việc mua toa tàu cũ từ Trung Quốc, Bộ GTVT yêu cầu xem xét kỷ luật Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Năm 2014, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có chủ trương mua 164 toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh – Trung Quốc. Văn bản 399/TTr-KHKD ngày 15/10/2014, của Ban Kế hoạch kinh doanh gửi báo cáo đề xuất, nghiên cứu, báo giá mua toa xe cũ, gửi ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV và ông Vũ Tá Tùng – Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lại xuất hiện “bút phê” nhất trí về chủ trương mua toa xe cũ.
“Bút phê” trên văn bản này được cho là của ông Trần Ngọc Thành, có nội dung: “Kính chuyển Tổng giám đốc. Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai 16/10/2014″.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thành khẳng định: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không có bất cứ một văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mua toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng”.
Văn bản có bút phê của ông Trần Ngọc Thành.
Văn bản có bút phê của ông Trần Ngọc Thành.
Ngày 3/2, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký văn bản số 1484/BGTVT-TCCB về kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Ngày 19/2, Bộ GTVT thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh làm rõ vụ đề xuất, nghiên cứu mua toa tàu cũ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ngày 25/2, lãnh đạo Bộ GTVT đã họp bàn và thống nhất: để thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, Bộ GT-VT sẽ thực hiện các quy trình thủ tục xem xét việc kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN trong việc chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu đầu tư chưa đúng chủ trương của Thủ tướng; yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo Tổng công ty và các cán bộ có liên quan theo đúng chỉ đạo của Bộ GT-VT trước ngày 15/3.

Liên quan đến đề xuất, nghiên cứu mua toa tàu cũ của Trung Quốc, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã bị cách chức.
Nói về việc cách chức Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết nếu sau khi Đoàn kiểm tra kết luận ông Nguyễn Viết Hiệp thực sự trong sáng thì Bộ GTVT sẽ xem xét lại hình thức kỷ luật.

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Báo cáo hàng năm của Tổ chức Ân xá Quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam



Ân xá Quốc tế

Dịch giả: Trần Văn Minh

25-2-2016

Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016

Sự hạn chế gắt gao các quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa vẫn tiếp tục. Truyền thông và tư pháp, cũng như các tổ chức tôn giáo và chính trị, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Ít nhất 45 tù nhân lương tâm vẫn còn bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt sau các phiên tòa bất công; gồm các blogger, các nhà hoạt động cho quyền công nhân và quyền sử dụng đất, các nhà hoạt động chính trị, các tín đồ, thành viên của các nhóm sắc tộc và các nhà vận động nhân quyền và công bằng xã hội. Các nhà hoạt động bị kết án trong các phiên xử mới.

Cơ quan chức năng đã tìm cách ngăn chặn hoạt động của các nhóm xã hội dân sự độc lập bằng cách sách nhiễu, giám sát và hạn chế tự do đi lại. Việc giảm truy tố hình sự đối với các blogger và các nhà hoạt động trùng hợp với sự gia tăng sách nhiễu, giam giữ tùy tiện ngắn hạn và bị nhân viên an ninh tấn công về thể xác. Nhiều người Thượng tị nạn đã trốn chạy sang Campuchia và Thái Lan vào giữa tháng 10 năm 2014 và tháng 12 năm 2015. Án tử hình vẫn được sử dụng.

Bối cảnh

Một chương trình cải cách lập pháp quan trọng đang tiếp tục. Một số luật quan trọng được xem xét hoặc đang được soạn thảo. Bộ luật Dân sự sửa đổi, Luật Hình sự, Luật về Tạm giữ, Giam giữ và Bộ luật Tố tụng Hình sự đã được phê duyệt vào cuối năm, nhưng Luật về Hội, Luật về Biểu tình, và Luật về Tín ngưỡng và Tôn giáo chưa được thông qua. Công chúng được kêu gọi đóng góp ý kiến. Các nhóm xã hội dân sự độc lập đưa ra lo ngại rằng, một số luật lệ không phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, gồm cả những quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Công ước của LHQ về chống Tra tấn có hiệu lực vào tháng 2, nhưng sự cải cách luật pháp rộng rãi cần thiết để tuân theo vẫn chưa được giải quyết.

Hơn 18.000 tù nhân đã được thả để đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 ngày Quốc khánh hồi tháng 9; không có tù nhân lương tâm nào được thả.

Một số đông người Thượng tị nạn từ Tây Nguyên trốn sang Campuchia và Thái Lan vào giữa tháng 10 năm 2014 và tháng 12 năm 2015, hầu hết cáo buộc bị đàn áp tôn giáo và sách nhiễu. Hàng chục người bị buộc phải trở về Việt Nam, với những người khác tự nguyện trở về sau khi nhà chức trách Campuchia từ chối chấp nhận và giải quyết yêu cầu xin tị nạn của họ. Số phận của họ khi trở về vẫn chưa được biết (xem mục Campuchia).

Đàn áp bất đồng chính kiến

Thành viên của các nhóm hoạt động độc lập cố gắng thực thi quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa, phải đối mặt với sự sách nhiễu thường xuyên, bao gồm giám sát, hạn chế đi lại, giam giữ ngắn hạn một cách tùy tiện và bị tấn công thể chất bởi cảnh sát và những người không thể xác định danh tánh, bị nghi ngờ thông đồng với lực lượng an ninh. Hàng chục nhà hoạt động bị tấn công, nhiều người trong số họ trước hoặc sau khi đi thăm tù nhân được thả và nạn nhân của hành vi vi phạm nhân quyền, hay khi tham dự các sự kiện hay họp hành.

Hồ tháng 7, lực lượng an ninh quấy nhiễu và hăm dọa các nhà hoạt động ôn hòa đang tìm cách tham gia các cuộc tuyệt thực tại bốn thành phố lớn trong tình đoàn kết với các tù nhân lương tâm. Hoạt động này được tổ chức bởi chiến dịch “We Are One”, ra mắt hồi tháng ba cùng với một lá thư gửi cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, có chữ ký của 27 tổ chức xã hội dân sự địa phương và 122 cá nhân.

Cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng các tội danh được mô tả mơ hồ để buộc tội và kết án các nhà hoạt động ôn hòa, chủ yếu thông qua Điều 258 (lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức và / hoặc công dân) của Bộ luật Hình sự năm 1999. Ba nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị bắt vào tháng 5 năm 2014 trong khi theo dõi cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đã bị kết án vào tháng 2 từ 12 đến 18 tháng tù, theo Điều 258 ở tỉnh Đồng Nai.

Luật sư nhân quyền nổi tiếng và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài và đồng nghiệp của ông, bà Lê Thu Hà, đã bị bắt giữ hồi tháng 12 về tội “tuyên truyền” chống nhà nước theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Vụ bắt giữ xảy ra vài ngày sau khi Nguyễn Văn Đài và 3 đồng nghiệp bị hành hung dã man bởi 20 người đàn ông mặc thường phục, vừa sau khi thực hiện khóa đào tạo nhân quyền ở tỉnh Nghệ An.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh và người phụ tá Nguyễn Thị Minh Thúy vẫn bị giam trong hoàn cảnh tiền xử án kể từ khi bị bắt giữ hồi tháng 5 năm 2014. Họ bị buộc tội theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự vào tháng 2 do liên quan tới blog Dân Quyền và Chép sử Việt, cả hai trang đều phê phán các chính sách và quan chức chính phủ và đã bị đóng cửa từ lúc đó.

Blogger nổi tiếng và nhà báo Tạ Phong Tần đã được thả hồi tháng 9 và ngay lập tức được bay sang Mỹ trong tình trạng thực sự lưu vong. Bà đã trải qua 4 năm trong tù với bản án 10 năm về tội “tuyên truyền” chống nhà nước.

Báo cáo về đàn áp các hoạt động tôn giáo ngoài khu vực các nhà thờ được nhà nước chấp thuận vẫn tiếp tục, kể cả đối với Phật giáo Hòa hảo, các thành viên Công giáo và những người thiểu số Tin Lành.

Tự do đi lại

Trong khi số vụ bắt giữ và truy tố những người bảo vệ nhân quyền và các nhà phê bình chính phủ ít hơn so với những năm trước, các cuộc tấn công thể chất và hạn chế di chuyển đã gia tăng. Nhiều nhà hoạt động bị canh giữ tại nhà của họ. Một số mong muốn đi du lịch nước ngoài để tham dự các sự kiện liên quan đến nhân quyền đều bị tịch thu hộ chiếu; nhiều người khác tìm cách ra đi thì bị công an bắt giữ và thẩm vấn trên đường trở về.

Trần Thị Nga, một thành viên của nhóm Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam độc lập đã bị nhân viên an ninh bắt giữ trên đường đi đến gặp một phái đoàn nước ngoài của Liên minh Nghị viện Thế giới ở thủ đô Hà Nội vào tháng 3. Nhân viên an ninh đã đánh đập bà, tống lên xe và đưa về nhà của bà ở tỉnh Hà Nam với 2 con nhỏ.

Những cái chết trong khi bị giam giữ

Hồi tháng 3, Quốc hội đặt câu hỏi về độ tin cậy của một thông báo của Bộ Công an cho rằng có 226 người chết trong khi bị công an giam giữ trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, hầu hết đều do bệnh tật hoặc tự tử. Trong năm 2015, ít nhất 7 người chết trong khi bị giam giữ đã được báo cáo với sự nghi ngờ có thể là do bị cảnh sát tra tấn hoặc đối xử tồi tệ khác.

Tù nhân lương tâm

Ít nhất 45 tù nhân lương tâm vẫn còn bị giam giữ. Đa số bị kết án do vi phạm an ninh quốc gia được diễn tả mơ hồ trong Bộ luật Hình sự: Điều 79 (“lật đổ” chính quyền) hoặc Điều 88 (“tuyên truyền”). Ít nhất 17 người đã được thả sau khi hoàn tất bản án của họ, nhưng vẫn bị quản thúc tại nhà trong một thời gian quy định. Hòa thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngăn cấm, đang bị quản thúc tại gia năm thứ 12 và Cha Nguyễn Văn Lý, một linh mục Công giáo ủng hộ dân chủ, vẫn còn ở trong tù thụ án 8 năm.

Một số tù nhân bị ép phải “nhận” tội để đổi lấy việc giảm án.

Điều kiện giam giữ và đối xử với các tù nhân lương tâm vẫn hết sức hà khắc. Điều này bao gồm việc thiếu tập thể dục; tấn công thân thể và bằng lời nói; giam giữ lâu ngày trong các phòng biệt giam nóng, thiếu ánh sáng mặt trời; từ chối các thiết bị vệ sinh; thường xuyên chuyển nhà tù; và bị giam giữ ở nơi xa nhà và gia đình, làm cho việc thăm viếng của gia đình khó khăn. Một số đã tiến hành tuyệt thực để phản đối việc sử dụng biệt giam và đối xử tàn tệ với tù nhân, trong đó có Tạ Phong Tần (xem ở trên); Nguyễn Đặng Minh Mẫn, với án phạt 8 năm; và Đinh Nguyên Kha, với án phạt 4 năm. Nguyễn Văn Duyệt, một nhà hoạt động xã hội Công giáo bị ngồi tù 3 năm rưỡi, đã phản đối vì không cho có một quyển Kinh Thánh; và nhà hoạt động cho công bằng xã hội Hồ Thị Bích Khương, với án tù 5 năm, đã phản đối khi bà không được phép mang theo đồ đạc cá nhân khi bị chuyển đến nhà tù khác.

Án tử hình

Quốc hội thông qua việc giảm số loại hình phạt án tử hình từ 15 xuống 22, cũng như bãi bỏ cáo buộc các tội phạm ở độ tuổi 75 trở lên. Án tử hình đối với các vi phạm liên quan đến ma túy tiếp tục được áp dụng. Mặc dù thống kê chính thức vẫn được phân loại như một bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được biết đã nói hồi tháng 10 rằng, có 684 tù nhân đang chờ tử hình. Ít nhất 45 án tử hình đã được báo chí tường thuật. Hồi tháng Giêng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có nhiệm vụ xem xét 16 trường hợp bị án tử hình trong đó các bị cáo thừa nhận rằng, đã bị công an tra tấn trong lúc thẩm vấn. Hồi tháng 10, án tử hình của Lê Văn Mạnh đã được hoãn lại để điều tra thêm. Ông kêu oan rằng ông bị tra tấn trong lúc bị công an giam giữ.

Bài học Chiến tranh Biên giới 1979-1989 với khủng hoảng Biển Đông

Việt Nam cần phải thể hiện cho Trung Quốc thấy, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm.
LTS: Trong những ngày tháng Hai lịch sử này, dân tộc Việt Nam nghiêng mình tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989 chống lại cuộc xâm lược tàn bạo và phi nghĩa của quân đội Trung Quốc, cũng là khoảng thời gian căng thẳng leo thang từng ngày trên Biển Đông bởi các hành động phá vỡ hiện trạng, quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về một số bài học cá nhân ông rút ra khi suy ngẫm về Chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989.
Những bài học này rất ý nghĩa đối với việc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định, tự do an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông ngày nay. Để rộng đường dư luận, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài bình luận của ông. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
Mỗi năm đến ngày 17/2, ký ức về cuộc Chiến tranh Bảo vệ Biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược giai đoạn 1979-1989 lại ùa về trong lòng mỗi người con đất Việt.
Nhưng năm nay, ký ức ấy có phần mãnh liệt hơn bởi những nguy cơ xung đột, chiến tranh lặp lại. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, hòa bình ổn định của khu vực, tự do hàng hải hàng không đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng với một loạt hành động leo thang, phiêu lưu quân sự trên Biển Đông.
Chưa bao giờ câu chuyện Biển Đông lại thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam, khu vực và thế giới như lúc này. Cá nhân người viết cho rằng, nhìn lại cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, chống Khmer Đỏ phá hoại biên giới Tây Nam hay bài học Hoàng Sa bị xâm lược năm 1974, Gạc Ma bị xâm lược năm 1988 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp bách.
Việt Nam chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ những sự kiện lịch sử này, bằng cách nhìn nhận nó một cách thực sự khách quan và cầu thị, trong đó lấy chuẩn mực pháp lý quốc tế theo từng thời kì, giai đoạn làm thước đo để đánh giá.
Chỉ khi nào đánh giá đúng và sòng phẳng về lịch sử, chúng ta mới tránh được "lặp lại vết xe đổ" trong tương lai. Cũng chỉ có như vậy, chúng ta mới không mắc bẫy đối phương, củng cố vững chắc đoàn kết dân tộc và tận dụng được tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ từ bè bạn quốc tế và dư luận nhân loại tiến bộ.
Bài học cảnh giác thứ nhất: Âm mưu và biến tướng
Thiết nghĩ câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu và ngàn năm Bắc Thuộc đã quá đủ cho mỗi chúng ta về bài học cảnh giác, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước âm mưu bành trướng, thôn tính từ phương Bắc.
Chỉ có điều khi xã hội phát triển, nhân loại tiến bộ hơn và đặc biệt là sự thể chế hóa và hoàn thiện của hệ thống pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, giải quyết tranh chấp lãnh thổ hàng hải ngày nay, tham vọng của Trung Quốc đã có những biến tướng nhưng giữ nguyên bản chất mà chúng ta cần đề cao cảnh giác.
Biến tướng thứ nhất chính là cái "trỗi dậy hòa bình", và gần đây là "giấc mộng Trung Quốc", "phục hưng Trung Hoa" mà ông Tập Cận Bình thường xuyên nhắc tới và thúc đẩy, vẫn là tư tưởng Đại Hán, bá quyền nước lớn nhằm tranh giành ảnh hưởng, tiến tới vượt mặt Hoa Kỳ trở thành lực lượng thống trị quốc tế.
Đặng Tiểu Bình đã khơi mào cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979. Xung đột kéo dài đến năm 1989. Ảnh: Internet.
Biển Đông nằm trong bức tranh chung, mục tiêu chung ấy. Và thật không may cho khu vực cũng như Việt Nam khi Trung Quốc chọn Biển Đông làm đột phá khẩu.
Mọi phương tiện, công cụ khác từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, tuyên truyền được Trung Quốc sử dụng đều nhằm tiến tới mục tiêu đầy cuồng vọng này. Trong đó có Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á AIIB hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP...
Do đó, Biển Đông cần đặt trong bức tranh tổng thể này để chúng ta nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp.
Điều này cũng giống như cuộc Chiến tranh Bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 hay Hoàng Sa bị xâm lược năm 1974, Gạc Ma bị xâm lược năm 1988 phải được đặt trong bối cảnh lịch sử phức tạp và quan hệ giữa các siêu cường thời kỳ đó.
Trong cả 3 cuộc chiến này, Trung - Mỹ về một phe, Liên Xô một phe, chưa kể đến các lực lượng chính trị khác trong khu vực như Khmer Đỏ. Nhưng bối cảnh hiện nay, Nga - Trung gần như đồng minh, còn Trung - Mỹ lại là đối thủ.
Riêng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xin nhắc lại rằng nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ dù thể chế chính trị hay thế hệ lãnh đạo thay đổi khác nhau, nhưng âm mưu bành trướng không đổi. Họ đã chính thức đưa vào yêu sách và mục tiêu chiếm đoạt từ đường lưỡi bò năm 1947, bằng hành động quân sự các năm 1946, 1956, 1974, 1988, 1995 và hiện nay.
Tháng 3/1988 Trung Quốc đánh Gạc Ma khi súng vẫn nổ trên địa đầu biên giới phía Bắc. Nhưng ngay từ ngày 30/7/1977, Hoàng Hoa - Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó đã tuyên bố: "Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Trường Sa mà không cần phải thương lượng gì hết".
Chỉ trong năm ngoái ông Tập Cận Bình đã 3 lần công khai tuyên bố với dư luận, "các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại", kể cả ngay khi vừa bước chân rời khỏi Việt Nam tháng 11/2015.
Thuộc cấp của ông, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân thì không giấu diếm ý đồ chiếm đoạt nốt phần còn lại ở Trường Sa với cái cớ gọi là "thu hồi". Trung Quốc không nói chơi mà đang làm rất mạnh.
Bài học cảnh giác thứ hai: "Đại cục và Tiểu cục"
Biến tướng thứ 2 cần cảnh giác là "Đại cục - Tiểu cục". Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh rằng, hai bên cần "lấy đại cục làm trọng". Cái gọi là đại cục được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định là quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai Nước, còn "Tiểu cục" theo họ chỉ là những "bất đồng" trên Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình khi thăm Việt Nam tháng 11 năm ngoái nhấn mạnh cái gọi là "Đại cục - Tiểu cục", nhưng chỉ hôm sau qua Singapore, ông tuyên bố "các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc". Ảnh: AP.
Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý quốc tế, đây là một cái bẫy thực sự nguy hiểm mà chúng ta cần hết sức tỉnh táo, làm sao để không mắc bẫy đối phương mà còn có thể tương kế tựu kế giành quyền chủ động, hay nói như người Trung Quốc là "phản khách vi chủ".
Trung Quốc đang cố gắng lái các nước láng giềng gần gũi hoặc các nước có quan hệ gần gũi với họ lấy quan hệ chính trị - đảng phái chính trị thay thế cho quan hệ Nhà nước - Nhà nước trong các vấn đề bang giao, đặc biệt là xử lý mâu thuẫn hay bất đồng cần giải quyết. Việt Nam chúng ta là một đối tượng họ đặc biệt tập trung vào.
Có thể thấy rằng, có những giai đoạn lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, thân mật, gần gũi và cũng có những lúc thăng trầm, đối địch.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc giúp Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, chưa bao giờ sự giúp đỡ đó là vô tư, chí tình như những gì họ tuyên truyền. Đằng sau mỗi miếng pho mát luôn là một cạm bẫy.
Cạm bẫy nguy hiểm nhất chính là làm cho đối phương nhầm lẫn và đảo ngược vị trí vai trò, chức năng của quan hệ chính trị, đảng phái - chính trị với quan hệ Nhà nước - Nhà nước theo Công pháp quốc tế.
Rõ ràng phải thừa nhận rằng, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc là yếu tố tạo môi trường, điều kiện rất thuận lợi cho đối thoại giải quyết mâu thuẫn tranh chấp, nhưng không phải là căn cứ, cơ sở để giải quyết mâu thuẫn tranh chấp.
Giữa Trung Quốc và Việt Nam, tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 1909 với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ bất hợp pháp ra Phú Lâm, Hoàng Sa, và năm 1946 quân Tưởng Giới Thạch chiếm đảo Ba Bình, Trường Sa.
Trước đó, Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục. Sau này do Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và tạo ra tranh chấp, thậm chí dùng vũ lực xâm lược và chiếm đóng trái phép mới dẫn đến những hệ lụy ngày nay.
Đó là một câu chuyện pháp lý, không phải một vấn đề chính trị. Nhưng người Trung Quốc đang tìm mọi cách chính trị hóa các vấn đề pháp lý bằng mệnh đề "Đại cục - Tiểu cục".
Bức tranh "Vòng tròn bất tử" tái hiện cuộc chiến đấu bi hùng giữ Gạc Ma trước họng súng quân Trung Quốc, ảnh: Bùi Lệ Trang.
Do đó chúng ta cần đặc biệt cảnh giác với âm mưu này. Việt Nam cần phải thể hiện cho Trung Quốc thấy, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm, là điều thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam nên đó không thể xem là "Tiểu cục".
Mặt khác, duy trì hòa bình và ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế, thượng tôn công lý, giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 mà thông qua Cơ quan tài phán phân xử là ví dụ điển hình, đó mới là "Đại cục", là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp, bất đồng song phương và củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chỉ có thượng tôn công lý, tôn trọng lẽ phải và sự thật mới có thể mang lại "Đại cục" hòa bình, ổn định, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, quan hệ chính trị giữa hai nước đóng vai trò tạo môi trường và cầu nối rất quan trọng mà hai bên cần giữ gìn, nhưng đó không phải là cơ sở để đàm phán, thương lượng.
Nếu còn mơ hồ về "Đại cục - Tiểu cục", rất có thể chúng ta sẽ bị hớ, bị mắc bẫy Trung Quốc. Mà như dân gian đã nói, "bút sa gà chết".
Bài học cảnh giác thứ ba: Thủ đoạn không đánh mà thắng
Dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào dù hung hãn tới đâu, nhưng Dân tộc Việt Nam cũng hết sức trân quý hòa bình, yêu chuộng hòa bình.
Và để bảo vệ hòa bình thì không cách nào khác là phải giáo dục cho các thế hệ nhận thức đúng đắn về lịch sử, trong đó có 3 cuộc chiến 1974, 1979-1989 và 1988. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là quay lưng với lịch sử, không được phép lãng quên lịch sử. 
Ngược lại chúng ta cần học hỏi tìm kiếm từ lịch sử những bài học để làm sao tránh được chiến tranh trong hiện tại và tương lai. Còn một khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, chúng ta cũng sẽ đánh bại mọi thế lực cướp nước và bán nước.
Bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã khác thời điểm 1974 - 1979 - 1988. Trung Quốc đang ra sức phát triển sức mạnh quân sự sau mấy chục năm tăng trưởng kinh tế. Họ cảm thấy đã đến lúc tranh hùng với Hoa Kỳ và Biển Đông được chọn làm đột phá khẩu.
Nhưng dư luận nhân loại ngày một văn minh và tiến bộ, luật pháp quốc tế ngày một hoàn thiện khiến Trung Quốc khó có thể tiến hành các hoạt động phiêu lưu quân sự, chiến tranh xâm lược như trong những năm 1974, 1979 và 1988.
Tuy nhiên họ lại sử dụng chiêu "không đánh mà thắng" cực kỳ lợi hại. Họ không/chưa sử dụng vũ lực, nhưng đe dọa sử dụng vũ lực. Họ hô hào đàm phán trong khi "dí súng" vào đầu đối phương. Những gì diễn ra ở Phú Lâm, Hoàng Sa hay một số đảo nhân tạo xây bất hợp pháp ngoài Trường Sa những ngày gần đây là minh chứng rõ nét.
HQ-9, loại tên lửa đất đối không Trung Quốc vừa lắp đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều.
Nếu đối đầu quân sự hay chiến tranh ở Biển Đông, có lẽ Trung Quốc khó lòng thắng nổi Hoa Kỳ thời điểm hiện nay. Nhưng họ cứ nghênh ngang bành trướng từng chút một bằng đủ mọi loại phương tiện, công cụ từ ngư dân trá hình cho đến hải cảnh, hải quân hay thậm chí là giàn khoan, Mỹ khó có cớ gì can thiệp.
Mỹ phản đối cứ phản đối, Mỹ tuần tra cứ tuần tra, còn Trung Quốc thì vẫn cứ ngày đêm liên tục quân sự hóa các tiền đồn quân sự phi pháp. Các bên liên quan trong đó có Hoa Kỳ chưa thực sự tìm ra giải pháp gì ngăn chặn đà bành trướng ấy. Sự kiện Scarborough là bài học cay đắng không chỉ của Philippines, mà còn là cảnh báo rõ rệt đối với Việt Nam.
Có lẽ Trung Quốc sẽ không cần phải đánh như cuộc chiến xâm lược Gạc Ma năm 1988. Người viết lo rằng, không lâu nữa khi hệ thống tiền đồn quân sự bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa hoàn thiện, nhẹ thì Trung Quốc tìm cách ép Việt Nam "hợp tác khai thác chung" trong chính vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Nặng hơn một chút, họ hoàn toàn có thể uy hiếp hay chiếm các bãi cạn thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi có nhiều mỏ dầu chúng ta đang khai thác, chỉ bằng thủ đoạn bao vây chặn đường tiếp viện. Còn bất chấp tất cả, có thể lại tái diễn một vụ giàn khoan 981 như năm 2014. Cái họa này đã rất gần và chúng ta cần tìm cách hóa giải.
Bài học "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo"
Cá nhân người viết cho rằng, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ về Trung Quốc để có cách ứng xử phù hợp trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, trên cơ sở bảo vệ và giữ gìn luật pháp - công lý quốc tế. Do đó thái độ của chúng ta cần tỉnh táo.
Cái "hung tàn, cường bạo" ở Biển Đông hiện nay chúng ta đã quá rõ. Nhưng còn đâu là "nhân nghĩa", "chí nhân", đâu là lẽ phải? Đó chính là luật pháp và công lý quốc tế, đó là thế mạnh và cũng là bàn đạp của chúng ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và luật pháp quốc tế, tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông.
Muốn có công lý, phải biết bảo vệ công lý và lẽ phải. Ảnh: Internet.
Chỉ có điều cá nhân người viết nhận thấy, mặt trận này chúng ta chưa thực sự phát huy hết sức mạnh của mình, chưa thực sự thuyết phục hiệu quả đối với bạn bè quốc tế để họ ủng hộ lập trường chính nghĩa và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề nằm ở cách chúng ta làm chứ không phải ý chí.
Ngay dư luận nội bộ, trong xã hội chúng ta cũng còn nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, hàng hải cho đến các quan hệ chính trị - ngoại giao phức tạp giữa Việt Nam với các cường quốc mà chủ yếu là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng một khi biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, biết ứng xử thượng tôn pháp luật và công lý, hành xử theo pháp luật và thông lệ quốc tế thì không những chúng ta củng cố được đoàn kết nội bộ, thống nhất lòng người mà còn tạo ra được sự đồng thuận, chia sẻ của bạn bè quốc tế.
Đơn cử như việc Mỹ tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông là một việc làm rất hợp pháp, văn minh theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Chỉ riêng việc là một thành viên Công ước, chúng ta đã nên ủng hộ mạnh mẽ động thái này, huống hồ trong lúc chính chủ quyền, quyền và lợi ích của chúng ta ở 2 quần đảo này cũng như vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa, còn hành động của Mỹ có tác động tích cực chống lại các mối đe dọa ấy.
Ví dụ nữa là với vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông cũng tạo cho chúng ta một lợi thế rất lớn về pháp lý.
Không những Việt Nam cần ủng hộ mạnh mẽ các phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA với tư cách thành viên Công ước, mà còn với tư cách một bên liên quan biết thượng tôn pháp luật.
Ủng hộ phán quyết của PCA, chúng ta cần chuẩn bị cụ thể, chi tiết phương án, kịch bản của riêng mình trên mặt trận pháp lý. Cá nhân người viết rất mừng và dấy lên niềm hy vọng khi nghe ngài Tổng thống Obama cũng như các nhà lãnh đạo khác của Hoa Kỳ phát biểu về Biển Đông gần đây.
Tiếp theo những tuyên bố chính thức đòi Trung Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò, các nhà lãnh đạo Mỹ mới đây cũng đã công khai khẳng định, Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá nếu chống lại phán quyết của PCA.
Tuy nhiên người viết có cảm giác dường như Hoa Kỳ còn đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Có người nói rằng, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích của họ. Không sai, nhưng chưa đủ. 
Riêng ở Biển Đông, lợi ích của Hoa Kỳ đang trùng lặp với lợi ích của khu vực, các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.
Việc ủng hộ những tiếng nói, việc làm chính nghĩa của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ, duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông hoàn toàn không có nghĩa là theo nước này, chống nước kia như ai đó suy diễn. Lấy Công pháp quốc tế làm chuẩn, cái gì đúng chúng ta ủng hộ, cái gì sai chúng ta phản đối.
Thời thế thay đổi, quan hệ bạn - thù cũng đổi thay, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ thay đổi.
Chúng ta muốn tận dụng ngoại lực, đầu tiên cần thể hiện rõ thiện chí và lòng tin chiến lược ở đối tác. Trong quá trình đó, cứ bám sát luật pháp quốc tế và biết bảo vệ, thượng tôn luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ tránh được những nguy cơ, rủi ro.
Ngược lại nếu chính trị hóa các vấn đề pháp lý, chúng ta sẽ cực kỳ bất lợi, và khi hữu sự khó có thể nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ bè bạn.
Ts Trần Công Trục