Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Dương Khiết Trì sang Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng ta lại đi Campuchia công tác


Cầu Nhật Tân

Đồng chủ trì phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, Dương Khiết Trì (Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc) cùng một số quan chức cấp cao và tướng lĩnh Trung Quốc tới Hà Nội. Phiên họp bắt đầu diễn ra vào ngày mai giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Được biết, nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng đã triển khai đều bị loại ra khỏi nghị trình để tập trung cho vấn đề Biển Đông. Cùng thời gian này, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) đã đi Campuchia công tác.

Chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, từ tháng 1/2014, các bộ ngành, địa phương liên quan của VN đã tổng kết và kiến nghị những lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc lên Chính phủ. Phiên họp này đáng lẽ phải diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, song đã bị vướng vào sự kiện Trung Quốc dùng giàn khoan xâm chiếm lãnh hải Việt Nam và trì hoãn tới nay. Tại phiên họp lần thứ 6 ở Bắc Kinh (5/2013), và sau hội đàm của Chủ tịch Sang với Chủ tịch Tập 6/2013, hai bên đã nhất trí hợp tác chiều sâu trên một số lĩnh vực trọng điểm: công tác xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, pháp luật, kinh tế – thương mại, khoa học, giáo dục, văn hóa; đồng thời hình thành các cơ chế hợp tác bộ ngành: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thương mại. Đầu tháng 6/2013, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp cao Việt – Trung đã diễn ra tại Bắc Kinh. Cùng thời gian, hai nước đạt thỏa thuận xây dựng đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng và đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai cơ quan giúp việc Tổng Bí thư.

Nhiều thỏa thuận quan trọng Việt Trung đã ký kết mà các bộ ngành Việt Nam vừa tổng kết phục vụ phiên họp này nay phải gác lại để tập trung giải quyết vấn đề Biển Đông: Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển; Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực ngoài Vịnh Bắc Bộ. Có tin, Thỏa thuận sửa đổi hợp tác quốc phòng giữa hai nước vẫn được bàn tới trong phiên họp.

Cùng thời gian này, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) đã đi Campuchia công tác. Sự vắng mặt của Thượng tướng tại thời điểm nhạy cảm này khiến dấy lên câu hỏi về sự khác biệt trong quan điểm của cơ quan Bộ tổng Tham mưu liên quan vấn đề quan hệ quốc phòng Việt – Trung thời gian tới. Về vấn đề Biển Đông, hiện, nhiều người vẫn muốn biết hai tiếng nói rất quan trọng trong Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng: Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu.

Xung quanh Phiên họp lần thứ 7 này, một vấn đề rất quan trọng mà nhiều người quan tâm là thông điệp gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cá nhân ông Dương Khiết Trì chuyển tới Tổng bí thư Tập Cận Bình, người đã vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo đảng hai nước về Biển Đông. 


Ủy viên Quốc vụ TQ sang Việt Nam

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ tới Việt Nam trong tuần này giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng vì diễn biến giàn khoan.

Chức Ủy viên Quốc vụ cao hơn vị trí bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc, nắm thực quyền về chính sách ngoại giao của nước này.


Tin về chuyến thăm được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình xác nhận tại họp báo ở Hà Nội hôm 16/6 và nói thêm ông Dương sẽ gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ông Bình được trang tin VietNamNet dẫn lời nói:

"Theo chúng tôi biết, ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam.

"Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

"Trong các chủ đề thảo luận, tôi tin vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN chắc chắn sẽ được bàn đến."

Ông Bình cũng nói Việt Nam luôn "hết sức kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin kênh trao đổi đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng ở Biển Đông" và nói thêm:

"...Cuộc gặp hai chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông."

Hãng tin AP dẫn lời Tân Hoa Xã nói ông Dương và ngoại trưởng Việt Nam đã điện đàm hồi tháng Năm và ông Dương nói với ông Minh rằng Việt Nam cần ngưng quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.
'Chứng sinh ở Hoàng Sa'?

Tại họp báo quốc tế diễn ra hôm 16/6 ở Hà Nội, các quan chức Việt Nam cũng mạnh mẽ chỉ trích các tuyên bố của Trung Quốc.

Việt Nam nói cuộc họp báo nhằm bác bỏ “những luận điệu sai trái” gần đây của Trung Quốc.

Trong các ngày 8 và 9/6, Trung Quốc đã cho công bố tài liệu tiêu đề tác nghiệp ở giàn khoan Hải Dương-981, yêu cầu Liên Hiệp Quốc phổ biến cho các nước thành viên.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia Việt Nam, tuyên bố các tài liệu chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa là “không có cơ sở” và “suy diễn tùy tiện”.

Ông cũng phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc về chuyện chính quyền Pháp đã từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với Tây Sa, tức Hoàng Sa:

"Ý kiến đó của Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào Việt Nam, thay mặt chính quyền Việt Nam, Pháp thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

"Việc thực hiện quản lý hành chính của Pháp đối với Hoàng Sa ở mức độ rất cao.

"Pháp đã có cơ quan hành chính đặt tại Hoàng Sa, thậm chí cơ quan hành chính này cấp giấy chứng sinh cho công dân Việt Nam sinh ra tại quần đảo Hoàng Sa, đây là mức độ quản lý hành chính rất cao trong quản lý hành chính của Pháp.

"Trong thời kỳ đó, Pháp đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều công hàm gửi cho Trung Quốc phản đối hành động của Trung Quốc, thậm chí Pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng Trung Quốc đã từ chối," ông Hải nói.

Còn ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, thì bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng các tàu Việt Nam đã “đâm húc 1547 lần” vào tàu Trung Quốc.

“Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch phi lý trên,” ông Thu nói.

“Chỉ có Trung Quốc chủ động đâm va Việt Nam làm nhiều tàu Việt Nam hư hỏng. Hiện đã có 15 kiểm ngư viên và một số ngư dân bị thương.”

Ông Thu cũng tuyên bố Việt Nam có “bằng chứng không thể chối cãi” rằng Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay đến hiện trường.

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, nhấn mạnh: “Hiện nay chưa có bất kỳ trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc như phía Trung Quốc đưa tin.”

Không rõ cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Trung Quốc sẽ tạo ra đột phá gì không trong lúc quan hệ Việt – Trung vô cùng căng thẳng.

3 nhận xét:

  1. Hôm qua VTV 1 đưa tin thủ tướng Hà Lan thăm VN. Không như thường lệ (bộ tứ lần lượt tiếp khách) lần này Nguyễn Phú Trong không tiếp.Người ta đồn rằng TBT không tiếp vì tiếp mà không nói đến vụ giàn khoan 981 là không được, mà nói thì sẽ sao đây với "bạn vàng"? Hay TBT phải chờ gặp Dương Khiết Trì xem có "chỉ đạo" nào từ Tổng Tập không?

    Trả lờiXóa
  2. Còn nhớ trước Mậu thân1968 cụ Hồ và tướng Giáp, những người có quan điểm khác với Duẩn, Thọ, Dũng đã đượ Đảng cho đi dưỡng bệnh ở nước ngoài. Khi cụ Hồ về đèn dẫn đường hạ cánh ở sân bay Gia lâm lại dẫn cho tàu bay cụ Hồ hạ trệch đường băng. Không biết ông NBTỵ đi công tác CPC lần này có giống với chuyến đi nghỉ dưỡng của cụ Hồ và tướng Giáp trước đây hay không?

    Trả lờiXóa
  3. ước gì ĐCS VN gạt bỏ được bọn gián điêp ,bán nước ra khỏi BCT ,chỉ khi ấy TQ mới hết chân trong ,mới xuống thang .

    Trả lờiXóa